Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên tổng kết Hội nghị

Thứ Ba 10:09 17-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tại tổ các đại biểu đã có nhiều ý kiến về vấn đề có liên quan đến dự án luật các tổ chức tín dụng. Đoàn thư ký đã tổng hợp chi tiết gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Tôi xin tóm tắt một số điểm như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh các đại biểu nhất trí quy định những hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên có cân nhắc thêm, rồi quy định hoạt động ngân hàng của các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng. Cũng có ý kiến những hoạt động ngân hàng của các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thì có khi phải điều chỉnh bằng một văn bản pháp luật khác. Trong khi chưa có một văn bản pháp luật khác điều chỉnh cũng nên cân nhắc có một số quy định mang tính nguyên tắc ở trong luật này thì cũng nghiên cứu thêm.

Thứ hai, hoạt động của các tổ chức tín dụng thì đối với trong lĩnh vực ngân hàng đây là một lĩnh vực hoạt động rất rủi ro, có tác động rộng mà khi có rủi ro thì hệ qủa nó cũng rất lớn, cho nên hoạt động trong lĩnh vực này phải có điều kiện. Cho nên các quy định của pháp luật phải thể hiện được tinh thần kiểm soát của nhà nước trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, cũng phải quy định rõ những điều kiện ngay ở trong luật này để nếu đủ điều kiện thì đương nhiên được thành lập và hoạt động để đỡ có những giấy phép con gây khó dễ cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng mà cũng phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính của chúng ta.

Thứ ba, về quản trị điều hành, các đại biểu Quốc hội cũng lưu ý Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan cũng lưu ý về việc quy định các thành viên độc lập của Hội đồng quản trị để nó cũng vừa phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta. Còn nếu quy định ra mà các tổ chức tín dụng của chúng ta nhiều thì có đủ được các thành viên Hội đồng quản trị độc lập hay không, với những tiêu chuẩn và quy định trong dự án luật này. Nếu vẫn duy trì những quy định như trong dự thảo thì phải rất rõ ràng đối với thành viên độc lập, về tiêu chuẩn, về quyền hạn v.v...

Xoay quanh vấn đề về điều kiện họp đại hội cổ đông từ lần thứ hai trở đi mà không đủ trên 50% cũng phải nghiên cứu để nó đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành hiện nay có liên quan đến vấn đề này và liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung. Mặc dù mình tiếp cận với những thông lệ tiên tiến của thế giới nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện của nước ta, vì nước ta đang còn trong tốp những nước phát triển ở trình độ còn thấp, đang trong quá trình chuyển đổi. Còn tiến tới để có một cách quản trị tiên tiến, hiện đại thì chúng ta sẽ phải phấn đấu nhưng không phải ngày một, ngày hai có thể làm ngay được việc đó.

Các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí phải có kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ do tính chất đặc thù của hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Thứ tư, xoay quanh vấn đề cổ phần và giới hạn cho vay, các đại biểu cũng có ý kiến nhiều nhưng với tinh thần cần phải có quy định, giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân hay là một tổ chức đầu tư vào một tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, cũng phải cân nhắc giới hạn tỷ lệ sở hữu quy định ở mức làm sao hạn chế tình trạng cá nhân hay một tổ chức thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng, nhưng đồng thời ngược lại không hạn chế những nhà đầu tư chiến lược có công nghệ, có năng lực tài chính, có quỹ năng quản trị tham gia đầu tư vào tổ chức tín dụng. Có như vậy mới vừa bảo đảm được hoạt động an toàn, sự phát triển bền vững của các hệ thống trong bộ máy, trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ này nhưng cũng tạo điều kiện để cho lĩnh vực này phát triển. Về giới hạn cho vay một khách hàng của chi nhánh nước ngoài cũng còn có hai ý kiến, ý kiến để căn cứ vào vốn của chi nhánh thôi. Còn loại ý kiến nữa tính cả vốn của ngân hàng mẹ ở nước ngoài hoặc vốn của chi nhánh cộng với những khoản bảo lãnh hỗ trợ v.v.... việc này chúng ta sẽ nghiên cứu thêm nhưng lưu ý vì đây là lĩnh vực có rất nhiều rủi ro và trong điều kiện chúng ta mở cửa nhưng chúng ta cũng có thể chế chính trị phù hợp với nước ta sẽ rất cần đảm bảo an toàn hệ thống tín dụng trong nước.

Ý thứ hai, chúng ta cũng phải tạo điều kiện để cho các tổ chức tín dụng ở trong nước chúng ta phát triển. Trong thời gian vừa qua thì các tổ chức tín dụng của chúng ta phát triển mạnh. Nhưng nói một cách nghiêm túc thì thực lực của chúng ta cũng còn yếu trên nhiều mặt, cho nên mở cửa ào mà không có những quy định của pháp luật, có những hạn chế cần thiết thì chắc chắn là không ít khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong nước. Tuy nhiên, trong điều kiện của nước ta cũng còn đang thiếu vốn đầu tư cho nên cũng có những quy định để khuyến khích thu hút nguồn vốn nước ngoài. Đương nhiên phải đảm bảo hài hòa về mặt lợi ích giữa tổ chức tín dụng trong nước và tổ chức tín dụng ngoài nước. Đảm bảo hài hòa giữa mối quan hệ về lợi ích quốc gia với việc mở cửa ở bên ngoài. Giới hạn cho vay đối với một khách hàng của ngân hàng, của một tổ chức tín dụng phi ngân hàng thì cái này các cơ quan có liên quan cũng sẽ nghiên cứu thêm. Nhưng với một nguyên tắc là phải áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, anh cho vay nhiều hay ít thì tùy nhưng phải căn cứ vào khả năng bảo đảm an toàn của chính mình và của cả hệ thống, phải áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.

Vấn đề thứ năm, về đầu tư lẫn nhau giữa các tổ chức tín dụng cũng còn có ý kiến là cho phép việc đầu tư lẫn nhau, cũng có thể không nhất thiết phải có giới hạn nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần phải quy định hạn chế đầu tư chéo giữa các tổ chức tín dụng hoặc một tổ chức ngân hàng thương mại đầu tư quá nhiều vào các tổ chức khác. Cho nên cần có quy định thích hợp đối với những tổ chức tín dụng, đủ các điều kiện được coi là nhà đầu tư chiến lược để tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh và vững chắc của các tổ chức tín dụng.

Vấn đề thứ sáu, xoay quanh vấn đề về quỹ tín dụng nhân dân và hợp tác xã tín dụng, các cơ quan sẽ nghiên cứu thêm vì nếu dự thảo quy định chưa chặt và chưa thật đủ rõ trong điều kiện hợp tác xã của chúng ta trên các lĩnh vực cũng có cách tiếp cận mới, nhận thức mới phù hợp với thông lệ quốc tế, không chỉ là những thể nhân mà trong hợp tác xã còn cả các pháp nhân.

Vấn đề thứ bảy, vấn đề công khai thông tin. Về tổng thể chúng ta phải công khai thông tin, nhưng đối với trường hợp tổ chức tín dụng đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt mà chưa có kết luận thì chúng ta cũng thống nhất không nên công khai những thông tin của những tổ chức tín dụng này, nó sẽ có những mặt xấu nhiều hơn, tác động tiêu cực nhiều hơn là những mặt tích cực.

Vấn đề cuối cùng, tính cụ thể của dự án luật này, khi chúng ta làm luật thì chúng ta không lấy Nghị định của Chính phủ làm căn cứ, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn cụ thể hoá thi hành các điều của luật, pháp lệnh, mình không lấy Nghị định của Chính phủ làm căn cứ mà những quy định nào trong Nghị định của Chính phủ đã được kiểm nghiệm trên thực tế, đã khẳng định thì khi chúng ta xây dựng luật, chúng ta thu hút những nội dung đó vào thành những quy định trong các luật. Cho nên nay mai kể cả trong báo cáo thẩm tra, các văn bản cũng vậy, một số đại biểu đặt vấn đề vì quy định đã có rồi bây giờ luật phải có, điều đó cũng chưa thật chuẩn xác cổ phiếu, trái phiếu lắm. Với tinh thần đó chúng ta cố gắng cụ thể hóa, có những quy định cụ thể được càng nhiều càng tốt vì đây là luật hành động cho một lĩnh vực có nội dung chuyên môn sâu.

Đó là một số nội dung chúng tôi thấy các vị đại biểu Quốc hội quan tâm xin tóm tắt lại như vậy. Xin cảm ơn Quốc hội và chúng ta kết thúc chiều nay tại đây.

Các văn bản liên quan