Luật gia Bùi Thanh Lam: Nên đưa mô hình Tập đoàn Tài chính – Ngân hàng vào trong Dự thảo luật

Thứ Hai 15:35 29-06-2009

MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG DỰ THẢO LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG - DỰ THẢO 4

(NGÀY 12/06/2009)

 

1.1.  Mối quan hệ giữa luật các tổ chức tín dụng và các luật chuyên ngành.

      Trong thực tế hoạt động của các Tổ chức tín dụng, đặc biệt là vấn đề quản trị, cơ cấu, tổ chức…, rất nhiều vấn đề liên quan được Dự thảo luật gần như quy định lại, lặp lại Luật Doanh nghiệp, điều này là không cần thiết bởi vì theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng như thế nó sẽ phá vỡ tính thống nhất của cả hệ thống pháp luật, nhiều khi một điều luật trong Luật Doanh nghiệp phải hiểu trong tính thống nhất của cả đạo luật, nhưng nếu chỉ được “sao” lại sang Luật khác sẽ có thể bị hiểu khác đi. Ví như, không nhất thiết phải lặp lại vấn đề đối với các “các quy định chung đối với tổ chức tín dụng là công ty cổ phần...”, ”Tổ chức tín dụng là Công ty cổ phần”... trong Dự thảo mà chỉ cần dẫn chiếu sang Luật Doanh nghiệp đối với mô hình Công ty cổ phần và có chăng bổ sung thêm một số các điều kiện khác cho phù hợp với tổ chức tín dung, luật chuyên ngành.

      Mặt khác, nhiều vấn đề, vướng mắc đối với các quy định về tổ chức, quản trị trong Luật doanh nghiệp vẫn đang còn tồn tại, do đó việc lặp lại các quy định này cũng sẽ làm khó thêm cho các tổ chức tín dụng khi thực thi trong thực tế.

      Vì vậy, tôi ủng hộ quan điểm chỉ dẫn chiếu luật mà không cần thiết phải lặp lại trong Dự thảo.

1.2.  Vấn đề có đưa hay không đưa mô hình Tập đoàn Tài chính – Ngân hàng vào trong Dự thảo luật?

      Theo quan điểm cá nhân, qua nghiên cứu mô hình tập đoàn kinh tế nói chung, tập đoàn Tài chính – Ngân hàng nói riêng, thì nên phải đưa vào Dự thảo luật vì các lý do sau:

            (i) Về mặt lý luận: Cũng như các thực thể kinh tế bất kỳ trong nền kinh tế, nhu cầu phát triển (nội sinh/ngoại sinh thông qua M&A) để trở thành tập đoàn là nhu cầu tự nhiên. Việc các Ngân hàng phát triển thành hệ thống lớn mạnh, thôn tính, góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác, các ngân hàng khác cũng là nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng kinh doanh, mở rộng đầu tư của Ngân hàng. Vì vậy, kể cả không đưa vào trong Dự thảo Luật các quy định về mô hình Tập đoàn tài chính ngân hàng thì việc phát triển thành tập đoàn cũng sẽ diễn ra với việc đầu tư, góp vốn vào các lĩnh vực tài chính và phi tài chính khác để thành lập các công ty con, công ty trực thuộc, tham gia góp vốn vào các Ngân hàng, định chế tài chính khác như tài chính, chứng khoán, bảo hiểm.

(ii) Về mặt thực tiễn phát triển: Xu hướng của các định chế tài chính, ngân hàng là phát triển thành tập đoàn để không chỉ đối phó với việc cạnh tranh trên thị trường trong nước mà còn trên thị trường quốc tế. Việt Nam đã gia nhập WTO, các doanh nghiệp của VN nói chung, Ngân hàng nói riêng phải phát triển phù hợp với x thế hội nhập và phát triển trên thế giới.

(iii) Về mặt pháp lý: Luật Doanh nghiệp 2005 là luật gốc cho các loại hình doanh nghiệp hoạt động, một khi luật doanh nghiệp đã quy định cụ thể vấn đề tập đoàn kinh tế, nhóm công ty thì việc đưa vào khái niệm Tập đoàn tài chính – Ngân hàng là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng được sự phát triển của ngành ngân hàng, sự lớn mạnh và tính cạnh tranh của Ngân hàng trong nước trước trước các Tập đoàn tài chính – Ngân hàng trên thế giới đã và đang kinh doanh trên thị trường Việt Nam và khu vực.

            Vì vậy, tôi đồng ý với quan điểm của Bộ tài chính là nên đưa vào Dự thảo các quy định về mô hình Tập đoàn Tài chính – Ngân hàng.

1.3.  Nên đưa khái niệm “hoạt động ngân hàng của tổ chức khác” vào trong Dự thảo luật?

            Theo quan điểm cá nhân, qua nghiên cứu thực tế tôi đồng ý với quan điểm là nên đưa khái niệm “hoạt động ngân hàng của tổ chức khác” vào trong Dự thảo vì các lẽ sau:

            Trong những năm sắp tới, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ chứng kiến sự gia tăng về số lượng các sản phẩm ngân hàng liên kết bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông, điện tử….do đó, sự tham gia của các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng để cung cấp các sản phẩm này. Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng liên kết như dịch vụ liên kết thẻ, dịch vụ quản lý tài sản cá nhân, dịch vụ tiết kiệm bưu điện, liên kết kênh thanh toán trực tuyến, các sản phẩm internetbanking, mobile banking….sẽ ngày càng trở lên đa dạng, đòi hỏi phải có sự liên doanh, liên kết hoặc đầu tư từ bên ngoài tổ chức tín dụng. Vì bản thân tổ chức tín dụng mà đầu tư 100% cho các sản phẩm dịch vụ này là điều khó khả thi khi các tổ chức tín dụng hoàn toàn lựa chọn, cân nhắc việc hợp tác với các tổ chức, cá nhân có đủ các điều kiện. Do đó vấn đề là Ngân hàng Nhà nước phải tạo ra khuôn khổ pháp lý cho các tổ chức này có thể tham gia một cách có chọn lọc vào thị trường cung cấp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Qua đó, đảm bảo quyền tự chủ, liên doanh, liên kết theo khuôn khổ pháp luật của các thành phần kinh tế, đồng thời đáp ứng được xu hướng phát triển ngày càng nhanh của công nghệ tin học, điện tử trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

            Do đó, tôi đồng tình ủng hộ quan điểm là nên đưa khái niệm “hoạt động ngân hàng của tổ chức khác” vào trong Dự thảo và đồng thời đưa ra quy định bổ sung các điều kiện đối với hoạt động ngân hàng của các tổ chức này. 

Các văn bản liên quan