TS. Nguyễn Văn Tuyến: Dự thảo cần có cách tiếp cận theo hướng bảo vệ tối đa quyền lợi của người gửi tiền cũng như của các tổ chức, cá nhân cho Tổ chức tín dụng vay tiền

Thứ Hai 15:33 29-06-2009

GÓP Ý

DỰ THẢO LUẬT CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG (SỬA ĐỔI)

 

                                                                           TS. Nguyễn Văn Tuyến

                                                                       Trường Đại học Luật Hà Nội

 

1. Về cách tiếp cận của Dự thảo Luật

• Chúng tôi đồng tình với những đổi mới căn bản trong Dự thảo lần này về cách tiếp cận khi xây dựng Luật Các Tổ chức tín dụng: Đó là việc khắc phục triệt để những bất cập lớn của pháp luật hiện hành nhằm xây dựng một hành lang pháp lý an toàn, đồng bộ cho sự phát triển của hệ thống tổ chức tín dụng hiện đại được nêu trong bản Thuyết minh chi tiết Dự thảo 4 Luật các TCTD (sửa đổi) theo chúng tôi là hợp lý. Tuy nhiên, một số vấn đề đã quy định trong Dự thảo Luật cũng cần được trao đổi thêm để giúp cho Dự thảo Luật hoàn chỉnh hơn về mọi phương diện.

• Dự thảo Luật cần có cách tiếp cận theo hướng bảo vệ tối đa quyền lợi của người gửi tiền cũng như của các tổ chức, cá nhân cho Tổ chức tín dụng vay tiền. Điều này rất quan trọng bởi vì về bản chất, các TCTD là những doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu bằng nguồn vốn huy động từ công chúng là tổ chức, cá nhân. Vì vậy, nếu quyền lợi của những người cho TCTD vay tiền không được đảm bảo thì tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng bất ổn cho thị trường tài chính và từ đó có thể gây ra các hệ quả bất lợi khác cho nền kinh tế và đời sống xã hội.

2. Về một số nội dung cụ thể của Dự thảo Luật

• Trong Dự thảo Luật vẫn sử dụng thuật ngữ “hoạt động ngân hàng”, tuy đã có thay đổi về nội hàm của thuật ngữ này. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc tiếp tục sử dụng thuật ngữ “hoạt động ngân hàng” trong bối cảnh hiện nay là không hợp lý, vì hiện tại rất ít quốc gia sử dụng thuật ngữ này trong Luật ngân hàng của quốc gia đó mà hầu như đều sử dụng thuật ngữ “dịch vụ ngân hàng” để chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế. Điều đó cho thấy rằng có lẽ cần nhận thức lại về khái niệm dịch vụ ngân hàng hiện đang được sử dụng ở Việt Nam và thống nhất quan niệm về dịch vụ ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế.

Theo quy định chung của Hiệp định GATS, không có một khái niệm riêng cho dịch vụ ngân hàng mà trên thực tế, dịch vụ này (giống như dịch vụ về bảo hiểm và chứng khoán) được coi như một loại hình dịch vụ tài chính. Cũng theo Hiệp định này, dịch vụ tài chính là bất kì dịch vụ nào có tính chất tài chính, do một nhà cung cấp dịch vụ tài chính của một thành viên thực hiện. Dịch vụ tài chính bao gồm mọi dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ liên quan tới bảo hiểm, mọi dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính khác.

Dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác (trừ bảo hiểm) theo Hiệp định GATS được chia thành các tiểu ngành dưới đây:

1) Nhận tiền gửi hoặc đặt cọc và các khoản tiền có thể thanh toán khác của công chúng;

2) Cho vay dưới các hình thức, bao gồm tín dụng tiêu dùng, tín dụng thế chấp, bao tiêu nợ và tài trợ các giao dịch thương mại;

3) Thuê mua tài chính;

4) Mọi dịch vụ thanh toán và chuyển tiền, bao gồm thẻ tín dụng, thẻ thanh toán và báo nợ, séc du lịch và hối phiếu ngân hàng;

5) Bảo lãnh cam kết;

6) Kinh doanh tài khoản của mình hoặc của khách hàng, dù tại sở giao dịch và trên thị trường không chính thức hoặc các giao dịch khác về:

a. Công cụ thị trường tiền tệ (gồm séc, hoá đơn, chứng chỉ tiền gửi);

b. Ngoại hối;

c. Các sản phẩm tài chính phái sinh, bao gồm nhưng không hạn chế các hợp đồng kì hạn hoặc hợp đồng quyền chọn;

d. Các sản phẩm dựa trên tỉ giá hối đoái và lãi suất, bao gồm các sản phẩm như hoán vụ, hợp đồng tỉ giá kì hạn;

đ. Chứng khoán có thể chuyển nhượng;

e. Các công cụ có thể chuyển nhượng khác và các tài sản tài chính, kể cả kim khí quý.

7) Tham gia vào việc phát hành mọi chứng khoán, kể cả bảo lãnh phát hành và chào bán như đại lí (dù công khai hoặc theo thoả thuận riêng) và cung cấp dịch vụ liên quan tới việc phát hành đó;

8) Môi giới tiền tệ;

9) Quản lí tài sản, như tiền mặt hoặc quản lí danh mục đầu tư, mọi hình thức quản lí đầu tư tập thể, quản lí hưu trí, dịch vụ bảo quản, lưu giữ và tín thác;

10) Các dịch vụ thanh toán và quyết toán tài sản tài chính, bao gồm chứng khoán, các sản phẩm tài chính phái sinh và các công cụ thanh toán khác;

11) Cung cấp và chuyển thông tin về tài chính, xử lí dữ liệu tài chính và phần mềm liên quan của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác;

12) Các dịch vụ tư vấn, trung gian môi giới và các dịch vụ tài chính phụ trợ khác liên quan đến các hoạt động nêu trong điểm (1) đến (11), kể cả tham khảo và phân tích tín dụng, nghiên cứu, tư vấn đầu tư và danh mục đầu tư, tư vấn mua sắm và về cơ cấu lại chiến lược doanh nghiệp.

Như vậy, theo thông lệ quốc tế, dịch vụ ngân hàng là khái niệm rất rộng, bao gồm tất cả các hoạt động ngân hàng của một tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng trên thị trường vì mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, đối chiếu với pháp luật Việt Nam hiện hành tại, quan niệm về dịch vụ ngân hàng lại được hiểu khá hẹp, không bao gồm hoạt động huy động vốn và hoạt động tín dụng. Sự khác biệt này có thể dẫn tới những khó khăn trong việc áp dụng pháp luật Việt Nam đối với các hoạt động ngân hàng do tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng của các nước thành viên WTO thực hiện tại Việt Nam. Điều đó cho thấy yêu cầu cần thiết và cấp bách của việc thay đổi quan niệm về dịch vụ ngân hàng trong pháp luật Việt Nam trên cơ sở thừa nhận tính hợp lí của khái niệm dịch vụ ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế như Hiệp định GATS đã ghi nhận. Sự thay đổi này tất yếu dẫn đến những thay đổi quan trọng trong pháp luật hiện hành ở Việt Nam về mỗi loại hình dịch vụ ngân hàng, chẳng hạn như các quy định về nhận tiền gửi, cấp tín dụng hay các quy định về dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngân quỹ, dịch vụ bảo quản hiện vật quý và dịch vụ tín thác…

• Cần quy định chặt chẽ hơn về các điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng nhưng đồng thời phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong hoạt động cấp giấy phép. Giải pháp này nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng trên thị trường sau khi đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động. Quan trọng hơn, đây còn là giải pháp nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của các quy định về quản lí, giám sát từ phía Nhà nước đối với hoạt động ngân hàng, góp phần làm giảm chi phí giao dịch và chi phí gia nhập thị trường của các nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam.

• Trên cơ sở nhận thức lại về vai trò của Nhà nước và các hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, nên chuyển giao một số vấn đề hiện đang được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng sang cho Hiệp hội ngân hàng quy định, ví dụ như các quy định về điều kiện giao dịch; quy trình nghiệp vụ giao dịch; điều lệ mẫu và hợp đồng mẫu; nội quy và quy chế hoạt động của các tổ chức cung ứng dịch vụ ngân hàng trên thị trường. Sự phân quyền này là hợp lí bởi lẽ trong nền kinh tế thị trường, cho dù đối với lĩnh vực kinh doanh đặc thù như lĩnh vực dịch vụ ngân hàng thì Nhà nước cũng chỉ nên can thiệp bằng các quy định có tính chất nền tảng và ở tầm vĩ mô còn các quy định liên quan đến chuyên môn và nghiệp vụ kinh doanh của các nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng thì nên để cho các hiệp hội nghề nghiệp (ví dụ như Hiệp hội ngân hàng) quy định có tính hướng dẫn. Giải pháp này vừa làm giảm gánh nặng quản lí của Nhà nước, vừa phát huy được vai trò tích cực của hiệp hội nghề nghiệp trong quá trình tham gia quản lí, giám sát đối với thị trường, đặc biệt là loại hình thị trường có nhiều đặc thù về nghiệp vụ kinh tế như thị trường dịch vụ ngân hàng.

• Sửa đổi, bổ sung và ban hành thêm một số quy định nhằm đảm bảo tính minh bạch và tính hiệu quả cho pháp luật ngân hàng. Giải pháp này được xem là cần thiết và có tính đột phá nhằm cải thiện nhanh chóng môi trường kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam.

- Sửa đổi quy định về chủ thể gửi tiền tiết kiệm tại tổ chức tín dụng theo hướng cho phép mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, kể cả các tổ chức kinh doanh đều được gửi tiết kiệm tại ngân hàng bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ.

- Sửa đổi các quy định về huy động vốn theo hướng quy định bình đẳng về giới hạn an toàn trong hoạt động huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong nước và tổ chức tín dụng nước ngoài có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định về dịch vụ thanh toán theo hướng quy định bình đẳng về quyền phát hành thẻ và cung cấp không giới hạn các dịch vụ thẻ tại Việt Nam giữa các tổ chức tín dụng nước ngoài và các tổ chức tín dụng trong nước.

- Sửa đổi các quy định về cho thuê tài chính hiện hành theo hướng mở rộng đối tượng cho thuê tài chính, bao gồm cả động sản và bất động sản. Giải pháp này không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu thực tế của cả bên thuê và bên cho thuê trong quá trình cung cấp và sử dụng dịch vụ cho thuê tài chính mà còn đảm bảo cho pháp luật Việt Nam về dịch vụ cho thuê tài chính phù hợp hơn với thông lệ quốc tế về giao dịch cho thuê tài chính.

- Bổ sung thêm một số quy định mới về bảo hiểm tiền gửi và các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, người cho vay tiền đối với các TCTD./.

Các văn bản liên quan