Góp ý Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi): Cần có chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp họat động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ

Thứ Hai 11:57 12-05-2008
Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới. Nền kinh tế Việt Nam đang vận hành theo quy luật cạnh tranh toàn cầu. Chúng ta không chỉ có thuận lợi mà còn đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất đó là nền khoa học, kỹ thuật nước nhà lạc hậu và yếu kém. Là nước đi sau, muốn lựa chọn những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại của văn minh nhân loại để rút ngắn khoảng cách phát triển, chúng ta phải có một chiến lược đúng đắn, chính sách thích hợp huy động được sức mạnh tiềm tàng, nhất là về mặt tri thức khoa học công nghệ cho công cuộc phát triển. Chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp làm dịch vụ khoa học và công nghệ trong bối cảnh của Việt Nam cũng là một hướng đi hợp lý.

 

 

1. Tại sao phải ưu đãi về thuế cho dịch vụ khoa học và công nghệ?

Theo khoản 8, Điều 2 của Luật Khoa học và công nghệ, thì “dịch vụ khoa học và công nghệ là các hoạt động phục vụ việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; các hoạt động liên quan đến sởhữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; các dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng tri thức khoa học và công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn”.

Nếu không có các dịch vụ khoa học và công nghệ (trong đó có cả các dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ) thì các hoạt động nghiên cứu khoa học và việc tạo ra công nghệ cao sẽ không thể thực hiện được. Bản chất của dịch vụ khoa học công nghệ là tạo ra tối đa các điều kiện cần và đủ để hoạt động triển khai nghiên cứu khoa học công nghệ và áp dụng chuyển giao công nghệ mới được diễn ra. các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Úc, các dịch vụ này có thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0%.

nước ta, dịch vụ khoa học và công nghệ chưa phát triển, chưa là cầu nối cho hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ; do vậy, nó càng cần thiết được nhà nước ưu đãi, cụ thể là bằng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Với sự ưu đãi về thuế này, doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm các dịch vụ khoa học tốt hơn để tạo ra lợi nhuận cao hơn đóng góp cho nhà nước. Đó cũng là một cách tạo môi trường sáng tạo khoa học và công nghệ tối ưu cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để hội nhập quốc tế.

Dịch vụ sở hữu trí tuệ là một hoạt động của dịch vụ khoa học và công nghệ (Khoản 8 Điều 2 Luật Khoa học và công nghệ). Trong quá trình chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, Nhà nước ta đã rất quan tâm đến phát triển lĩnh vực sở hữu trí tuệ - công cụ quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế đất nước cũng như hội nhập kinh tế thế giới. Hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ phát triển ngang tầm và phù hợp thông lệ quốc tế là nhiệm vụ của sở hữu trí tuệ được xác định trong Luật Khoa học công nghệ năm 2000; các Hiệp định song phương về sở hữu trí tuệ với liên bang Thuỵ Sĩ, Hoa Kỳ và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Pháp luật sở hữu trí tuệ về cơ bản đã phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng các điều kiện của WTO khi Việt Nam gia nhập tổ chức này.

Bên cạnh việc xây dựng hệ thống luật về sở hữu trí tuệ, Nhà nước cũng cần triển khai chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động về sở hữu trí tuệ để phát triển tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu - sáng tạo của các cá nhân - tổ chức trong nghiên cứu, phát triển công nghệ.

2. Cơ sở để giảm thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ khoa học và công nghệ

1) Nghị quyết Hội nghị Trung ương II khoá 8 coi “Khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu và động lực phát triển đất nước”.

2. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trung ương Đảng tại đại hội Đảng khoá Xcó nêu: “Nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ: phát triển khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ, tập trung nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, đặc biệt các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và thế mạnh. Đẩy mạnh có chọn lọc việc nhập công nghệ, mua sáng chế kết hợp công nghệ nội sinh để nhanh chóng đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ của các ngành có lợi thế cạnh tranh, có tỷ trọng lớn trong GDP, các ngành công nghiệp bổ trợ và tạo nhiều việc làm cho xã hội; phát triển công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu mới. Phát triển hệ thống thông tin quốc gia về nhân lực và công nghệ…”. “Đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ theo hướng Nhà nước đầu tư vào các chương trình nghiên cứu quốc gia đạt trình độ khu vực và thế giới, xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ của một số lĩnh vực trọng điểm. Đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ, huy động các thành phần kinh tế tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Nâng cao chất lượng và khả năng thương mại của các sản phẩm khoa học và công nghệ; đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp.

Nhà nước khuyến khích các hoạt động sáng tạo, hoàn thiện và ứng dụng công nghệ mới, thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển, công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Có chính sách hấp dẫn để các công ty xuyên quốc gia đầu tư và chuyển giao công nghệ mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chú trọng nhập khẩu công nghệ hiện đại; từng bước phát triển mạnh công nghệ trong nước.

Trọng dụng nhân tài, các nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư, kỹ sư trưởng, kỹ thuật viên lành nghề và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao. Có chính sách thu hút các nhà khoa học, công nghệ giỏi ở trong nước và ngoài nước, trong cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài” [1] .

3) Định nghĩa dịch vụ khoa học và công nghệ được nêu trong Khoản 8, Điều 2 Luật Khoa học công nghệ năm 2000.

4) Điều 42 Luật Khoa học và công nghệkhẳng định:

 “1. Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được; công nghệ trong nước chưa tạo ra được, tài liệu, sách báo nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ không phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.

3. Sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm; sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam; các hoạt động tư vấn khoa học và công nghệ; chuyển giao công nghệ, thiết bị công nghệ cao nhập khẩu; xuất khẩu công nghệ được hưởng các ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật.

4. Doanh nghiệp thực hiện đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ được hưởng các ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật”.

5) Nghị định 81/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/10/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ tại Khoản 5, 6, 7 Điều 42 có ghi nhận:

 “5. Doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư đổi mới công ngh , nâng cao trình độ công nghệ, sản xuất ra sản phẩm từ công nghệ mới lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho số thu nhập tăng thêm do các hoạt động này mang lại. Các trường hợp cụ thể được quy định như sau:

a) Doanh nghiệp trong nước thực hiện theo quy định của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước;

b) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài trong các hợp đồng hợp tác kinh doanh thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

6. Thuế đối với các hoạt động tư vấn khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ và xuất khẩu công nghệ được quy định như sau:

a) Không thu thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. Hoạt động tư vấn khoa học và công nghệ được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng ở mức thấp nhất trong khung chịu thuế;

b) Các hoạt động tư vấn khoa học và công nghệ; chuyển giao công nghệ, xuất khẩu công nghệ được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

7. Các hoạt động dịch vụ thông tin khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp và mức thuế suất thấp nhất của thuế giá trị gia tăng”.

6) Thông tư 08/2006/TT-BKHCN ngày 4/4/2006 của Bộ Khoa học và công nghệ về hướng dẫn dịch vụ sở hữu trí tuệkhẳng định:

 “Các hoạt động dịch vụ sở hữu trí tuệ thuộc phạm trù dịch vụ khoa học và công nghệ”.

 “Dịch vụ sở hữu trí tuệ quy định tại điểm 1 mục I của Thông tư này bao gồm:

1. Chuẩn bị đăng ký và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ

a) Cung cấp thông tin về tình trạng của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và các đối tượng khác được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam và trên thế giới.

b) Cung cấp thông tin về tình hình bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và các đối tượng khác được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam và trên thế giới.

c) Viết bản mô tả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ.

d) Lập hồ sơ và làm các thủ tục đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ.

2. Duy trì và thực hiện các quyền sở hữu trí tuệ.

a) Thực hiện các thủ tục theo quy định để duy trì hiệu lực các văn bằng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ .

b) Làm các thủ tục chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ.

c) Soạn thảo và đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu và các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ”.

7) Điều 34, 35 Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp:

Điều 34 Khoản 1§:“Mức thuế suất 20% áp dụng trong thời gian 10 năm, kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh đối với:

b) Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư”.

Điều 35 khoản 2: ”Được miễn thuế 2 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 3 năm tiếp theo đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư vào ngành nghề, lĩnh vực thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư”.

Tại điểm 47 Danh mục B Phụ lục 1 (Ban hành kèm theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư) quy định: “Tư vấn pháp luật, dịch vụ tư vấn về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ” thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

3. Các kiến nghị ưu đãi thuế

Để đóng góp ý kiến cho các dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và công nghệ kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế quan tâm xem xét các ưu đãi về thuế đối với các hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ khoa học công nghệ, trong đó có dịch vụ sở hữu trí tuệ như sau:

1. Về thuế thu nhập doanh nghiệp

Tại Điều 16 của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp T (sửa đổi) chưa có quy định về hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ thuộc diện được miễn, giảm thuế. Trong khi đó các quy định của pháp luật đã nêu rất rõ rằng: Các hoạt động tư vấn khoa học và công nghệ… được hưởng các ưu đãi về thuế theo quy địnhcủa pháp luật”. Và các hoạt động tư vấn khoa học và công nghệ… được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Để khuyến khích hoạt động khoa học công nghệ theo quy định của pháp luật cũng như tạo điều kiện thu hút nguồn lực của xã hội trong đầu tư xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chuyên về sở hữu trí tuệ, phát triển các tổ chức cung ứng dịch vụ sở hữu trí tuệ phục vụ nhu cầu hội nhập của đất nước trong thời kỳ tăng tốc của nền kinh tế, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và công nghệ đề nghị bổ sung “dịch vụ khoa học và công nghệ” vào loại đối tượng được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Về thuế giá trị gia tăng

Hiện nay, các đối tượng sử dụng dịch vụ khoa học và công nghệ, trong đó có dịch vụ sở hữu trí tuệ đang được hưởng ưu đãi thuế giá trị gia tăng ở mức 5%. Tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vẫn giữ nguyên quy định này (Điều 7 khoản 2.e): “Dịch vụ khoa học - công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ” được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là 5%”.

Hiện nay, Nhà nước ta chủ trương cải cách và đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ phục vụ việc xây dựng và phát triển thị trường khoa học, công nghệ. Đặc biệt, nhà nước chú trọng đầu tư và tài trợ cho các chương trình, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, nhất là việc tạo ra các sáng chế, tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới tiên tiến tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi tắt - đón đầu, tạo các sản phẩm khoa học, công nghệ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá có tính cạnh tranh cao trong nước và xuất khẩu. Chủ trương quan trọng này của nhà nước nếu được thực thi hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy nhanh sự hội nhập của nền kinh tế nước ta vào nền kinh tế toàn cầu.

Để chủ trương trên của Nhà nước triển khai thành công cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân /nhóm các nhà khoa học, tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp hưởng ứng và tham gia tích cực thực hiện các chương trình, hoạt động khoa học và công nghệ, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét nội dung: bên cạnh việc giữ lại mức thuế 5% cho dịch vụ khoa học và sở hữu trí tuệ như hiện nay, cần có sự điều chỉnh theo hướng tăng thêm ưu đãi hoặc miễn thuế giá trị gia tăng cho các đối tượng, nhất là cá nhân /nhóm các nhà khoa học có hoạt động được tài trợ từ ngân sách quốc gia khi sử dụng các dịch vụ khoa học và công nghệ.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Hà Nội, 2006, tr. 98, 99, 100.

TS Lê Xuân Thảo

Các văn bản liên quan