Góp ý của TS Nguyễn Thị Lan Hương – Khoa Luật – ĐH Quốc gia HN

Thứ Sáu 14:27 22-02-2008


BÀN VỀ MỤC ĐÍCH ĐÁNH THUẾ VÀ TÍNH LIÊN THÔNG  CỦA MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN SỬA ĐỔI CỦA DỰ THẢO LUẬT THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP  VÀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG
 
TS. Nguyễn Thị Lan Hương,
Khoa Luật, Đại học Quốc Gia Hà nội
 
I. VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI LUẬT THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

1.  Đối tượng nộp thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Xét về tính bao quát thì Điều 2 của Dự thảo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã liệt kê đầy đủ các loại hình doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành là chủ thể nộp thuế đồng thời là chủ thể chịu thuế. Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại có liên quan đến việc chưa xem xét đến tính đặc thù về cơ cấu thu nhập của tổ hợp tác cũng như doanh nghiệp qui mô nhỏ.

Về lựa chọn áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân hay Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mới được Quốc hội thông qua tháng 12 năm 2007, cá nhân có thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ, và thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo qui định của pháp luật là người nộp thuế và người chịu thuế. Điều này thể hiện sự phân tách giữa áp dụng Luật thuế đối với thu nhập của cá nhân và thu nhập của tổ chức.

 Khác với thu nhập là đối tượng áp dụng của Luật thuế TNDN, thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa và dịch vụ theo Luật thuế TNCN không được chuyển lỗ. Nếu từ ưu điểm này, cá nhân kinh doanh sẽ lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh phù hợp để áp dụng Luật thuế TNDN thay cho việc áp dụng Luật thuế TNCN. Theo Luật thuế TNDN, và Luật thuế TNCN, tổ chức kinh doanh có nghĩa vụ chấp hành chế độ quản lý hóa đơn chứng từ, tuy nhiên, đối với tổ chức kinh doanh có qui mô nhỏ, tuân thủ đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ cũng đồng nghĩa với việc làm tăng chi phí kinh doanh, và cuối cùng ảnh hưởng đến thu nhập của chính bản thân tổ chức đó. Bởi vậy, cần qui định giải pháp lựa chọn kê khai áp dụng theo Luật thuế TNCN đối với các cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh, thành viên góp vốn của công ty hợp danh với qui mô nhỏ với số lượng lao động ít[1].

 Về đánh thuế đối với tổ hợp tác 

Tổ hợp tác được coi là một chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế theo Dự thảo Luật thuế TNDN trừ tổ hợp tác có thu nhập từ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (Điều 3 Dự thảo). Theo Bộ luật dân sự thì tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng, có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và có ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm (Điều 111, Bộ Luật dân sự).

Với tư cách là một đơn vị sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ, thì việc tồn tại của tổ hợp tác là nhằm tạo ra một khối tài sản nhất định. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động của  tổ hợp tác trong một số ngành nghề phi nông nghiệp thì sự liên kết của các cá nhân không tạo ra một khối tài sản chung mà trong tổ hợp tác, một cá nhân đóng vai trò chủ đạo trong việc nhận hợp đồng, huy động vốn và tham gia lao động, còn các cá nhân khác chủ yếu tham gia lao động và có nghĩa vụ đóng góp một phần vốn, thu nhập nhận được theo công sức đóng góp. Bởi vậy, không thể áp dụng Luật thuế TNDN đối với tổ hợp tác.
 
2. Thu nhập chịu thuế

Cần cấu trúc theo khoản Điều 5 Dự thảo về thu nhập chịu thuế theo hướng liệt kê các loại thu nhập chịu thuế.

Ngoài ra, cần  xem xét lại nội dung“doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì phải xác định riêng thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản để kê khai nộp thuế riêng” ( Điều 5 Dự thảo ). Thực chất, Qui định này vô hình chung đã  bao quát các loại tài sản được gọi là bất động sản. Việc chuyển nhượng nhà xưởng hay những tài sản khác của doanh nghiệp cũng là một phần thu nhập gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường, bởi vậy nếu tách rời loại bất động sản này sẽ khó xác định được chi phí liên quan đến loại tài sản này để làm căn cứ tính thuế. Bởi vậy, cần xác định loại bất động sản cụ thể, và loại giao dịch bất động sản nhằm mục đích kinh doanh hay  không nhằm mục đích kinh doanh.

3. Về qui định liên quan đến khấu hao tài sản cố định

Tài sản cố định là một trong những loại tài sản cần thiết đối với mọi tổ chức kinh doanh. Dự thảo kế thừa Luật thuế TNDN hiện hành không cho phép khấu trừ thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền khấu hao tài sản cố định vượt quá qui định của pháp luật (Khoản 7), bên cạnh đó công nhận biện pháp ưu đãi bằng “cho phép khấu hao nhanh”. Mặc dù khấu hao nhanh được công nhận với tư cách là biện pháp ưu đãi nhưng lại tạo ra sự mâu thuẫn trong áp dụng pháp luật nếu không xác định qui mô của “đầu tư mở rộng” và đưa ra tiêu chuẩn khấu hao phù hợp.

Trên thực tế, mặc dù Luật thuế TNDN đã được ban hành từ năm 1997, nhưng không hẳn qui định về  khấu hao tài sản cố định đã hoàn thiện áp dụng đối với các tổ chức kinh doanh. Hiện nay chỉ có Quyết định 206/2003/QĐ-BTC ngày 12/12/2003 về chế độ quản lý sử dụng và trích khấu hao tài sản cổ định áp dụng cho công ty nhà nước, công ty cổ phần nhà nước , công ty TNHH 1 thành viên và 2 thành viên trở lên, DN có cổ phần vốn góp chi phối của nhà nước. Bởi vậy, qui định ưu đãi mà chưa định rõ mức cụ thể dựa trên thời hạn khấu hao thông thường cũng như qui mô đầu tư sẽ dễ dẫn đến tình trạng cơ quan có thẩm quyền lạm dụng quyết định ưu đãi không công bằng đối với các doanh nghiệp.

Đối với những qui định về khấu hao, có thể tham khảo kinh nghiệm của Trung quốc. Theo Luật thuế TNDN của Trung quốc thì trong trường hợp cần thiết cho phép rút ngắn thời gian khấu hao và áp dụng biện pháp khấu hao nhanh do nguyên nhân tiến bộ kỹ thuật của tài sản cố định (Điều 32).  Quốc Vụ Viện thể chế hóa thời hạn khấu hao tối đa làm cơ sở áp dụng[2].   
 
4. Về mức thuế suất

Thuế suất thuế TNDN trong Dự thảo đã giảm so với qui định trong Luật thuế TNDN hiện hành, điều này thể hiện sự phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo ra nội lực phát triển của doanh nghiệp. Theo Dự thảo, mức thuế suất và ưu đãi về thuế theo tiêu chí ngành nghề kinh doanh và khu vực kinh doanh mà không căn cứ vào qui mô của doanh nghiệp. Mặc dù đồng nhất trong một mức thuế suất 25% là tạo ra công bằng cho các chủ thể nộp thuế, nhưng chưa khuyến khích thỏa đáng những tổ chức kinh doanh qui mô nhỏ. Bởi vậy, cần đưa ra qui định thuế suất ưu đãi có thời hạn theo qui mô kinh doanh.với loại ưu đãi.
 
5.  Về nơi nộp thuế

Dự thảo Luật thuế TNDN đã điều chỉnh lợi ích thu thuế giữa nơi có trụ sở chính của công ty và  nơi có hoạt động kinh doanh của các đơn vị trực thuộc, theo “nguyên tắc phân bổ” và trao quyền cho Chính phủ qui định chi tiết điều khoản này (Dự thảo, Điều 12). Thực chất, nộp thuế là nghĩa vụ của doanh nghiệp, nhưng quản lý thu thuế không chỉ liên quan đến nghĩa vụ thu thuế mà còn liên quan đến quản lý nguồn thu từ thuế phân bổ cho các địa phương. Qui định này tỏ ra phù hợp với việc quản lý NSNN tuy nhiên nội dung điều khoản cần được cụ thể hóa trong đó xác định rõ cơ quan có thẩm quyền thu, và đăng ký nộp thuế theo qui định về nơi tiến hành hoạt động kinh doanh (qui định đặc thù của quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp).
 
II. VỀ DỰ THẢO SỬA ĐỔI LUẬT THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

1.  Điều chỉnh thuế giá trị gia tăng vì lợi ích của ai?

            Thuế GTGT là thuế gián thu đánh vào chuyển nhượng tài sản và cung cấp dịch vụ, người nộp thuế không phải là người chịu thuế. Ở nước ta, hàng hóa và dịch vụ cung cấp là đối tượng chịu thuế GTGT, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chính là người nộp thuế, còn người tiêu dùng là người chịu thuế.

Về cơ bản, Dự thảo sửa đổi các qui định của Luật thuế GTGT chủ yếu nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng cho các doanh nghiệp. Thực chất sửa đổi một số đối tượng hàng hóa, dịch vụ không nộp thuế sang đối tượng hàng hóa, dịch vụ nộp thuế nhằm bảo đảm cạnh tranh về giá trong cung cấp sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp[3].

Nếu đứng ở góc độ người nộp thuế là người tiêu dùng, thì vấn đề đặt ra là sửa đổi Luật thuế GTGT bên cạnh hoàn thiện qui định về nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp thì  phải tạo ra lợi ích cho người chịu thuế. Đặc biệt trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, nếu không có người tiêu dùng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ thì không phát sinh quyền thu thuế của Nhà nước.
Với tính chất thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng, khi thuế suất càng cao thì người tiêu dùng nói chung, đặc biệt là người tiêu dùng có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề. Hay nói cách khác, tính điều tiết của sắc thuế gây tác động xấu tới tâm lý người tiêu dùng.
 
2. Mức thuế suất và biện pháp miễn giảm thuế

            Mức thuế suất qui định trong Dự thảo mang tính kế thừa qui định của Luật thuế GTGT hiện hành. Trên tinh thần động viên nguồn tài chính từ người tiêu dùng sản phẩm dịch vụ hàng hóa, thì mức thuế suất càng thấp góp phần làm giảm tổng giá thanh toán hàng hóa dịch vụ, và ít gây ra tác động tâm lý về hạn chế tiêu dùng hàng hóa. Đây là sự mong muốn không chỉ từ phía doanh nghiệp mà còn cả người tiêu dùng.

            Trong điều kiện hiện nay, một bộ phân đông đảo dân cư ở nông thôn hoạt động sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi có thu nhập thấp thì việc đánh thuế GTGT đối với các mặt hàng thiết yếu như phân bón, nước sạch ở mức thấp nhất là 5% cũng làm tăng chi phí đầu tư và hạn chế tiêu dùng.

 Nhà nước thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô để tác động đến giá cả hàng hóa, tuy nhiên, gánh nặng về thuế chính cũng là một nguyên nhân cần xem xét. Bản chất của khoản thu về thuế không hoàn trả trực tiếp, trong khi đó, những người thuộc diện có thu nhập thấp nếu được hoàn trả trực tiếp họ sẽ dễ dàng cảm nhận được “tính nhân đạo” trong thu thuế.

Một số nước sử dụng biện pháp miễn thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp nộp thuế có qui mô nhỏ để  tác động đến giá cả hàng hóa và tránh việc áp dụng phương pháp khấu trừ thuế phức tạp[4].

            Ở nước ta, cần cân nhắc giảm thuế GTGT đối với một số mặt hàng tiêu dùng với số lượng lớn và thiết yếu đối với người dân dưới mức 5%.
 
3. Tác động ý thức của người nộp thuế để hạn chế hành vi gian lận thuế GTGT

Phương pháp tính thuế khấu trừ và phương pháp trực tiếp thể hiện rõ nét sự tách rời vị trí người nộp thuế và người chịu thuế. Trong trường hợp người mua hàng hóa hoặc nhận cung cấp dịch vụ không được nhận hóa đơn thì cũng đồng nghĩa với tạo điều kiện cho doanh nghiệp trốn thuế. Có nghĩa là, người tiêu dùng tuy là người chịu thuế nhưng bản thân họ không thể biết được doanh nghiệp có nộp thuế hay không. Bởi vậy, để  bảo đảm việc thu thuế GTGT, bên cạnh kiểm soát chặt chẽ doanh thu của doanh nghiệp qua các khâu thì một trong những mục tiêu cũng không kém phần quan trọng là định hướng điều chỉnh luật thuế GTGT nhằm nâng cao ý thức chịu thuế của người tiêu dùng và kiểm soát hành vi nộp thuế của doanh nghiệp[5].
 
Tóm lại: Việc sửa đổi Luật thuế GTGT và Luật thuế TNDN ở thời điểm hiện nay sẽ có tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và thị trường hàng hóa tiêu dùng. Giảm thuế TNDN và thực hiện các ưu đãi về thuế nhằm tạo ra nguồn tài chính trong nội bộ doanh nghiệp, đây có thể xem là một động thái tốt tác động gián tiếp đến giá cả hàng hóa trên thị trường, tuy nhiên, chưa thể đồng nghĩa với việc Nhà nước thể hiện sự quan tâm thích đáng đến người tiêu dùng. Bởi vậy, cần sử dụng linh hoạt công cụ thuế suất để tác động trực tiếp đến người tiêu dùng.


[1] Có thể chỉ dẫn áp dụng  Điều 10, khoản 5 Luật thuế TNCN về nguyên tắc nộp thuế trong trường hợp nhiều người tham gia kinh doanh trong một đăng ký kinh doanh.

[2] Luật thuế TNDN sửa đổi của Trung quốc được ban hành ngày 16/3/2007 và có hiệu lực từ 1/1/2008. Quốc Vụ viên theo Lệnh số Số 512 qui định hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN.

[3] Tham khảo Tờ trình Chính Phủ về Dự án thuế GTGT (sửa đổi) 1/2008, trang 2,3.

[4] Luật thuế tiêu dùng Nhật bản qui định trong kỳ tính thuế, doanh nghiệp qui mô nhỏ có doanh thu 300.000 Yên không có nghĩa vụ nộp thuế GTGT (Điều 9).

[5] Tên gọi Luật thuế tiêu dùng như Nhật bản, hay Hoa kỳ cũng như nhiều nước khác sử dụng ngay bản thân tên gọi đã nhằm tới người chịu thuế là người tiêu dùng.
 

Các văn bản liên quan