Góp ý của Bà Nguyễn Thị Cúc – Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế

Thứ Sáu 14:25 22-02-2008


          Tham giaý kiến về dự thảo Luật thuế GTGT
              và Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp
 
                                                        Nguyễn Thị Cúc
 


                  Phần I: thuế GTGT
 
 Thuế GTGT được áp dụng tại nước ta từ 1/1/ 1999, được sửa đổi bổ sung nhiều nội dung cơ bản vào năm 2003 ( có hiệu lực từ 1/1/2004) và sử đổi gần nhất vào năm 2005( có hiệu lực từ 1/1/2006). Trong năm 1998, tưởng như Luật không thể thực hiện được nhưng đến nay Luật thuế GTGT đã thực sự đi vào cuộc sống. Để đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế, hội nhập của đất nước, việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật thuế là một tất yếu khách quan, vì vậy tôi hoàn toàn nhất trí về sự cần thiết, mục tiêu yêu cầu của việc ban hành Luật thuế GTGT sửa đổi và xin tham gia thêm một số ý kiến về các nội dung sửa đổi  sau:
 
I/ Về phạm vi sửa đổi:
 
Theo Luật hiện hành  thì những bất cập và những vấn đề được coi là đặc thù, nổi cộm của Thuế GTGT như: diện không chịu thuế quá rộng, áp dụng 2 phương pháp tính thuế, không có ngưỡng thu thuế, việc hướng tới 1 thuế suất thống nhất... chưa được đưa vào nội dung sửa đổi cơ bản mà việc sửa đổi bổ sung theo nội dung tờ trình và dự thảo Luật sửa đổi còn mang tính chất tạm thời, chưa thực sự ngang tầm của một Luật thuế sửa đổi bổ sung đã được đưa vào chiến lược cải cách thuế.
 
II/ Về các nội dung sửa đổi cụ thể được ban soạn thảo đề cập:
 
1/ Về đối tượng không chịu thuế GTGT
 
Đối tượng không chịu thuế GTGT theo Luật hiện hành có 28 nhóm là quá rộng, trong đó khoản 28 lại được xác định trên cơ sở thu nhập của các cá nhân kinh doanh để là cơ sở xác định mức không chịu thuế là chưa hợp lý. Tôi đề nghị đưa đối tượng này ra khỏi danh mục không chịu thuế, vì thuế GTGT được xác định trên cơ sở hàng hoá dịch vụ khi tiêu dùng, bán ra, không nên duy trì cho chủ thể kinh doanh hàng hoá dịch vụ mà lại được xác định trên cơ sở thu nhập là phức tạp trong quản lý và không đúng tính chất điều chỉnh của thuế gián thu. Đồng thời để đảm bảo tính liên hoàn của thuế GTGT trong việc khấu trừ, tính thuế đầu vào, đầu ra cần thu hẹp diện không chịu thuế. Hàng hoá dịch vụ không chịu thuế GTGT chỉ nên để các nhóm như: sản phẩm nông nghiệp và một số nguyên liệu đầu  vào phục vụ cho lĩnh vực này, dịch vụ giáo dục, y tế, dịch vụ tài chính, hoạt động viện trợ, văn hoá phẩm thiết yếu và hoạt động vận tải hành khách công cộng. Tôi nhất trí với việc đưa hàng hoá vật tư nhập khẩu do trong nước chưa sản xuất được để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp phải chịu thuế GTGT nhằm đảm bảo tính liên hoàn vì dự Luật cũng đã sửa đổi: Tài sản cố định dùng cho sán xuất kinh doanh hàng hóa chịu thuế và không chịu thuế đều được khấu trừ thuế đầu vào, không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
 
2/ Về thuế suất thuế GTGT
 
a/ Nhóm thuế suất 0%
 
Nhất trí bổ sung thuế suất 0% bao gồm cả vận tải quốc tế. Đối với dịch vụ bưu chính viễn thông: Luật hiện hành chưa quy định rõ dịch vụ này  thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 0% hay không chịu thuế khi xuất khẩu, nhưng trong thực tế đang hướng dẫn và thực hiện là đối tượng không chịu thuế, cần cân nhắc có nên đưa dịch vụ viễn thông, Internet được áp dụng thuế suất 0%, theo tôi hoạt động viễn thông, internet xuất khẩu (từ bên ngoài vào Việt Nam) thuộc đối tượng không chịu thuế là hợp lý. Riêng bưu chính sẽ khác với viễn thông, Internet: trong bưu chính hiện có phát sinh dịch vụ chuyển phát hàng hoá nhanh quốc tế, ví dụ DHL..Nghiệp vụ này mang tính viễn thông nhưng còn có có ý kiến cho là mang tính chất kinh doanh của hoạt động vận tải vì vậy cần phân biệt rõ loại hình vận tải và bưu chính trong trường hợp này. Ngoài ra nên làm rõ hơn thuật ngữ dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%  phải đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngoài Việt nam.
 
b/ Về thuế suất 5% và 10%
 
Để đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp (có đầu vào không chịu thuế) cũng như một số hàng hoá dịch vụ thuộc nhu cầu tiêu dùng thiết yếu thì việc còn tồn tài thuế suất 5 % và  giảm dần thuế suất 5% (giảm gần 50% so với danh mục hiện hành) để chuyển  lên 10 % nhằm tiến tới áp dụng 1 thuế suất thống nhất 10% trong tương lai là phù hợp với thực tiễn hiện nay; tuy nhiên cũng cần xem xét cân nhắc để có thể áp dụng thống nhất 1 thuế suất 10% ngay trong lần sửa đổi này được không?
3/ Về phương pháp tính thuế
 
Dự thảo vẫn duy trì 2 phương pháp tính thuế, trong thực tế phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng trên cơ sở xác định giá trị tăng thêm của từng loại hàng hoá dịch vụ, ở từng địa bàn là thực sự khó khăn để đáp ứng yêu cầu rõ ràng, chính xác mà còn thường nặng về tính thuế trên doanh thu nhiều hơn. Để khắc phục tình trạng này, nên cân nhắc có thể cho áp dụng sớm ngưỡng thu thuế GTGT; Đến một mức doanh thu nào đó mới áp dụng thuế GTGT và chỉ áp dụng thống nhất phương pháp khấu trừ thuế.  Đối tượng  kinh doanh dưới ngưỡng này sẽ không áp dụng thuế GTGT mà chuyến sang nộp thuế tương tự như thuế doanh thu; tuy nhiên có nghiên cứu tỷ lệ thu thuế phù hợp đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá dịch vụ phù hợp...(trong quản lý thuế nên lưu ý: cá nhân kinh doanh có nộp thuế GTGT hoặc thuế doanh thu khi đã xác định ngưỡng và thuế thu nhập cá nhân nên được quản lý thuế bởi một đối tượng trong quá trình phân công, phân cấp quản lý thuế của cơ quan thuế)
 
4/ Về hoàn thuế
 
Thống nhất các bổ sung quy định về thủ tục hoàn thuế GTGT cũng như các quy định khác nhằm  việc hàon thuế được chặt chẽ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoàn thuế. Tuy nhiên đề nghị xem lại nội dung dự thảo của điểm 1 điều 10: Phần đầu quy định DN có đầu vào chưa khấu trừ hết trong 3 tháng liên tục thì được hoàn thuế. Nhưng  đối với cơ sở đang trong giai đoạn đầu tư nếu thời gian đầu tư từ 1 năm trở lên và có thuế đầu vào từ 200 triệu trở lên mới được hoàn thuế theo quý là chưa thực sự tháo gỡ cho doanh nghiệp mới về vốn đầu tư.
Để doanh nghiệp chủ động kê khai hoàn thuế, hạn chế trường hợp DN trì hoãn kê khai hoàn thuế do lý do này khác (có thể cả ngại kiểm tra khi hoàn thuế), đề nghị bổ sung thời hạn không được hoàn thuế do không kê khai, đề nghị hoàn thuế .
 
  Phần II: Thuế thu nhập doanh nghiệp
 
Khác với Luật thuế GTGT, các nội dung sửa đổi bổ sung của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp mang tính toàn diện và triệt để hơn từ đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế cũng như ưu đãi, miễn giảm thuế. Tôi cơ bản nhất trí các nội dung của dự thảo Luật và xin tham gia một số ý kiến sau:
 
1/ Về thu nhập chịu thuế và các khoản chi phí được trừ, không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:
 
Tôi thống nhất với công thức xác định thu nhập chịu thuế:

Thu nhập chịu thuế = Tổng doanh thu - Chi phí được trừ -  các khoản   lỗ được kết chuyển.

Tôi cũng ủng hộ quan điểm làm minh bạch, rõ ràng các khoản chi phí được trừ, không để xẩy ra tình trạng “1001 cách xác định chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp” mà báo Pháp Luật đã có lần đưa tin.  Tuy nhiên nếu đề cập cả 2 nội dung và quy định rõ ràng thì vẫn thuận lợi cho doanh nghiệp và cũng không gây phiền hà cho doanh nghiệp. Còn nếu  không đề cập cả 2 nội dung: chi phí được trừ và chi phí không được trừ thì tôi thiên về hướng nêu đầy đủ cụ thể các khoản chi phí được trừ  hơn là theo hướng kê các khoản chi phí không được trừ, để hiểu tất cả các chi phí khác sẽ được trừ.
Tôi xin lý giải về hướng này như sau:

 Thứ nhất, theo nội dung hạch toán, định khoản kế toán thì phương pháp này đựoc coi là “xuôi” và dễ tập hơp, theo giõi cho doanh nghiệp

Thứ 2, công thức xác định thu nhập chịu thuế được quy định trên cơ sở các khoản chi phí được trừ nên doanh nghiệp phải hạch toán theo các khoản này

Thứ 3, Tại điểm 3, Điều 10, Luật thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua và áp dụng từ 1/1/2009 ( cùng thời điểm với dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiện thực thi)  đã quy định : Chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập chịu thuế từ kinh doanh...đã kê rõ các khoản được trừ vì vậy nếu quy định ngược lại thì cùng nội dung như nhau, thời điểm áp dụng giống nhau nhưng cách xác định chi phí, thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh lại khác nhau mà hiệu quả chưa thực sự rõ ràng nên cần cân nhắc.

Thứ 4, bên cạnh đó việc chỉ kê các khoản không được trừ, nhưng nếu chỉ căn cứ vào các  khoản này cũng khó xác định chi phí được trừ là những khoản gì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp; Ví dụ: dự thảo điều 8: phần chi quản lýkinh doanh cho công ty nước ngoài...phần chi vượt mức theo quy định của Pháp Luật  có liên quan về trích lập dự phòng, tiền trang phục, ăn giữa ca; trích khấu hao tài sản cố định theo quy định của pháp luật...nhưng điểm b điều 7 quy định: Các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp . Theo đó các khoản quy định của pháp luật sẽ được hướng dẫn tại nghị định, thông tư... chưa được quy định rõ ở Luật. Hoặc, khoản 12 điều 8 quy định chi phí quảng cáo tiếp thị ... vượt quá 10%  tổng số chi phí được trừ không bao gồm khoản chi thuộc diện khống chế. Tuy nhiên chi phí được trừ còn bao gồm cả các loại thuế, phí, lệ phí doanh nghiệp được hạch toán vào chi phí ...như vậy ý tưởng là muốn tạo cho doanh nghiệp thuận lợi, dễ dàng nhưng thực tế doanh nghiệp khó có thể hiểu rõ được các chi phí thực tế nào được trừ vì 14 khoản chi phí được quy định ở Luật hiện hành không còn thể hiện ở Luật sửa đổi.
 
2/ Về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
 
Việc điều chỉnh thuế suất  thuế TNDN từ 28% xuống 25%  và bỏ thuế thu nhập bổ sung đối với thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất như nội dung tờ trình và dự thảo Luật của ban soạn thảo là bước đột phá lớn để tạo đà cho doanh nghiệp tăng tích luỹ, tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.(  thực tế còn có ý kiến băn khoăn hiện đang sốt kinh doanh bất động sản, cần thu thuế chuyển nhượng bất động sản theo biểu thuế luỹ tiến từng phần nhưng Luật lại bỏ thuế luỹ tiến từ chuyển quyền sử dụng đất nên tờ trình cần giải thích rõ thêm nội dung này)

Bên cạnh thuế suất 25%, thì theo xu hướng phát triển thì các doanh nghiệp thuộc một chủ sở hữu vốn  có chiều hướng thuyên giảm, doanh nghiệp có đa chủ sở hữu vốn sẽ ngày càng tăng, trong đó có sự bùng nổ của công ty cổ phần, các hình thức góp vốn liên doanh liên kết ... vì vậy khoản lơi tức cỗ phần, lợi tức thu được từ các hình thức góp vốn của các doanh nghiệp ngày càng tăng.  Do vậy thông lệ quốc tế cũng có xu hướng giảm thuế thu nhập công ty và điều chỉnh thêm thuế lợi tức cỗ phần.
Luật thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ 1/1/2009 cũng đã quy định thu thuế từ  cổ tức của cá nhân với mức thuế suất 5%; để phù hợp, động bộ với Luật thuế thu nhập cá nhân cũng như đảm bảo tính đồng bộ trong điều tiêt thu nhập, đề nghị nghiên cứu bổ sung thu thuế thu nhập đối với cổ tức  với thuế suất thấp nhất thì cũng phải như thuế thu nhập cá nhân là 5%.( các nước ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt nam thường thu thuế cỗ tức với thuế suất từ 10% ; 15 % thậm chí có nước 20%, 25%).
 
3/ Về ưu đãi thuế TNDN
 
Ưu đãi thuế thuế thu nhập doanh nghiệp của nước ta hiện nay được coi là gần như phức tạp nhất so với thông lệ quốc tế. Việc sửa đổi thống nhất ưu đãi thuế như dự thảo là hợp lý, tuy nhiên cần phối kết kết hợp với Bộ kế hoạch đầu tư rà soát danh mục địa bàn, lĩnh vực  ưu đãi đầu tư để đảm bảo việc ưu đải trở thành hiện thực. Mặt khác cũng nên xem lại thuế suất và thời gian ưu đãi đầu tư để đảm bảo tính công bằng, đồng thời đáp ứng yêu cầu rõ rãng dễ thực hiện để  đạt được mục tiêu yêu cầu của việc ưu đãi đầu tư.
 
4/ Về trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ
 
Việc cho trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp khoản chi phí này là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên cần lưu ý:

- Các khoản chi phí cho phát triển khoa học công nghệ ứng dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh đã được hạch toán vào chi phí được trừ khi tính thuế, vì vậy cần quy định rõ để không trùng: vừa trích vào chi phí vừa trích lập quỹ.

- Việc trích quỹ, mức trích và sử dụng cần được quy định cụ thể, Luật hoá, tránh tình trạng trích lập quỹ nhưng không sử dụng để chiếm dụng vốn: do đó phải có quy định được trích khi có dự án, công trình nghiên cứu, tỷ lế trích tương ứng với yêu cầu chi nhưng không vượt quá 10%; trích nhưng không sử dụng, hoặc không sử dụng hết phải hoán nộp NSNN; trường hợp sử dụng sai ngoài thu hồi còn bị phạt như các vi phạm trong kê khai thuế ... nhằm trích và sử dụng đúng mụch đích, nâng cao hiệu quả và đảm bảo  bình đẵng giã các doanh nghiệp.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp ban đầu của cá nhân để ban soạn   thảo tham khảo trong quá trình hoàn thiện dự Luật.
Xin trân trọng cám ơn./.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Các văn bản liên quan