Góp ý của Ông Vũ Xuân Tiền – Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty tư vấn VFAM

Thứ Sáu 14:21 22-02-2008


 
CẦN CẢI CÁCH TRIỆT ĐỂ HƠN NỮA VỀ
THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG  VÀ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
(Tham luận tại Hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng
và Luật Thuế thu nhập sửa đổi -2008)
--------------------------------------------------------------
 
Luật gia Vũ Xuân Tiền
     Chủ tịch Hội đồng thành viên
   Công ty tư vấn VFAM Việt Nam
 

Thuế nói chung, thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nói riêng, luôn luôn là những vấn đề có liên quan chặt chẽ tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong những năm của thời kỳ đổi mới vừa qua, chính sách thuế của nước ta đã ngày càng được hoàn thiện và có những đóng góp lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Sau khi nghiên cứu các tài liệu được cung cấp, chúng tôi rất tán thành với cách đặt vấn đề của Bộ Tài chính trong Tờ trình Chính phủ về sự cần thiết khách quan của việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT và Luật thuế TNDN hiện nay nhằm bảo đảm phù hợp hơn với sự phát triển đáng ghi nhận của nền kinh tế nước ta cả về lượng và chất trong những năm gần đây và những thay đổi tiếp theo trong những năm sắp tới. Đồng thời, về cơ bản, chúng tôi cũng tán thành với những sửa đổi, bổ sung trong dự thảo hai Luật thuế quan trọng này.

Tuy nhiên, chính sách thuế là nhân tố đặc biệt quan trọng để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế xác định chiến lược kinh doanh và đầu tư trong dài hạn. Vì vậy, một trong những yêu cầu mà chính sách thuế phải đạt được là ổn định trong một thời kỳ tương đối dài. Tiếc thay, từ năm 1997 đến nay, thuế GTGT và thuế TNDN ở nước ta đã không đạt được yêu cầu quan trọng này. Chính sách thuế GTGT và  thuế TNDN đã thay đổi quá nhanh và quá nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi quá nhanh và quá nhiều như vậy là những cải cách về thuế GTGT và thuế TNDN qua mỗi lần bổ sung, sửa đổi Luật còn mang tính chiến thuật; sự cải cách còn “nửa vời”. Vì vậy, với cuộc cải cách lần này, mong rằng, những cải cách về thuế GTGT và thuế TNDN cần được thực hiện triệt để hơn để có thời gian ổn định dài hơn. Với mong muốn đó, với tiêu đề “ Cần cải cách triệt để hơn nữa về thuế GTGT và thuế TNDN” tham luận này xin nêu một số vấn đề cơ bản cần được nghiên cứu tiếp trước khi trình Quốc hội hai dự thảo Luật thuế này.

I-                  NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Về thuế GTGT, có những vấn đề sau đây xin đề nghị được thảo luận và tiếp tục nghiên cứu:

1.     Về thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu:

 Từ năm 1997 đến nay, chúng ta đã đánh thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu. Điều đó không đúng về mặt lý thuyết và rất ít tác dụng tích cực  trong công tác quản lý nền kinh tế quốc dân. Nó không đúng về mặt lý thuyết là vì, “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”, đó là khái niệm được nêu ngay trong Điều 1 của văn bản Luật. Song, cho đến nay, chưa có bất kỳ một công trình khoa học nào chứng minh được rằng, giá CIF cộng thuế nhập khẩu là toàn bộ giá trị tăng thêm của hàng nhập khẩu. Về thực tiễn, với thuế GTGT, người nhập khẩu nộp khi nhập khẩu hàng hóa và được khấu trừ hoặc hoàn lại khi bán hàng. Cho nên, về lý thuyết, nó rất ít tác dụng trong việc làm tăng số thu của NSNN. Tất nhiên, khoảng thời gian từ khi doanh nghiệp nộp thuế đến khi doanh nghiệp được khấu trừ hoặc hoàn lại hết số thuế GTGT đã nộp thường khá dài. Do đó, NSNN có thể huy động mà không phải trả lãi một số tiền lớn. Song, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang rất thiếu vốn, phải đi vay ngân hàng để nộp thuế. Điều đó ảnh hưởng lớn tới hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Mặt khác, việc thu thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu lại làm phát sinh một hệ thống thu rất cồng kềnh. Có thể có rất nhiều lý do để chứng minh cho việc thu thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu là cần thiết. Nhưng với những phân tích trên có thể kết luận rằng, thu thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu là “lấy tôn giáo thay cho khoa học” xét về mặt lý thuyết và là “lợi bất cập hại” về góc độ quản lý nền kinh tế quốc dân. Xin đề nghị nghiên cứu xóa bỏ việc thu thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu để tháo gỡ những khó khăn không đáng có cho các doanh nghiệp.

Đây là vấn đề đã được nêu ra nhiều lần mỗi khi có việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT. Tiếc thay, kiến nghị này chưa được tiếp thu và cũng chưa có một lý giải nào có sức thuyết phục với cộng đồng doanh nghiệp.

2. Vềđối tượng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng

Những bổ sung, sửa đổi về đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT về cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, để tránh hiện tượng có thể hiểu không thống nhất, cần quy định cụ thể hơn ở một số điểm sau:

a) Khoản 7 Điều 4 quy định: “Dịch vụ tín dụng, kinh doanh chứng khoán, chuyển nhượng vốn và các dịch vụ tài chính phái sinh”.

Đề nghị ghi rõ các dịch vụ tài chính phái sinh là những dịch vụ gì? Đây là khái niệm mới đưa vào Luật lần này nên cần có cách hiểu thống nhất;

b) Khoản 15 Điều 4 quy định: “ Duy tu, sửa chữa, xây dựngbằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân và vốn viện trợ nhân đạo đối với các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà tình nghĩa”.

Đề nghị sửa lại là: “ Duy tu, sửa chữa, xây dựngcác công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà tình nghĩa”. Không nên sử dụng tiêu chí nguồn vốn đầu tư để xác định đối tượng chịu thuế hay không chịu thuế. Nếu quy định như dự thảo sẽ rất khó xử lý khi việc duy tu, sửa chữa, xây dựng các công trình thuộc phạm vi nêu trên bằng cả nguồn vốn nhà nuớc, vốn nhân dân đóng góp và vốn viện trợ nhân đạo, đặc biệt là khi nguồn vốn của Nhà nước lại chiếm tỷ trọng nhỏ.

c) Khoản 22 Điều 4 quy định “Dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập”. Đề nghị làm rõ những dịch vụ nào về bưu chính, viễn thông công  ích, dịch vụ nào không được coi là công ích và thế nào là Internet phổ cập?

d) Đoạn cuối của Điều 4 quy định “Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều này không được khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, trừ trường hợp được áp dụng mức thuế suất 0% quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này”. Đề nghị bỏ đoạn “ trừ trường hợp được áp dụng mức thuế suất 0% quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật này”. Bởi lẽ, nếu viết như dự thảo là có sự nhầm lẫn giữa hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT nhưng được áp dụng thuế suất 0%. Sai sót này về mặt lý thuyết, không gây tác hại trong thực tế nhưng không nên có trong một văn bản luật.

3.       Về thuế suất

Luật thuế GTGT ban hành lần đầu vào năm 1997 quy định có 4 mức thuế suất 0%; 5%; 10% và 20%. Nhưng ngay sau đó, mức thuế suất 20% không thể đi vào cuộc sống, do đó đã phải “chữa cháy” bằng một Nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội cho phép giảm 50% mức thuế của những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế 20%, thực chất là hủy bỏ mức thuế suất 20%. Từ đó đến nay, thuế GTGT của nước ta vẫn duy trì ba mức thuế suất là 0%; 5%, 10%.

Sự tồn tại ba mức thuế suất nêu trên phù hợp với giai đoạn đầu áp dụng thuế GTGT và nó làm nảy sinh khá nhiều khó khăn cho việc chấp hành pháp luật về thuế của cộng đồng doanh nghiệp và công tác quản lý thuế. Không ít doanh nghiệp do không nắm chắc mức thuế suất áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ của mình nên đã áp sai thuế suất dẫn đến bị truy thu hoặc nộp oan một số tiền khá lớn. Hàng năm, cơ quan quản lý thuế các cấp đã phải phát hành hàng chục nghìn công văn hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp về thuế suất thuế GTGT.

Xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay là thống nhất về một mức thuế suất thuế GTGT để bảo đảm sự công bằng về cạnh tranh trên thị trường và giảm bớt sự phiền hà trong công tác quản lý thuế. Vì vậy, theo chúng tôi, đã đến lúc chúng ta mạnh dạn cải cách triệt để hơn về vấn đề này. Xin kiến nghị, trong khoảng 20 năm tới, ở Việt Nam chỉ nên duy trì hai mức thuế suất là:

          a) Mức 0%: đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, kể cả vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng xuất khẩu, trừ các trường hợp sau: dịch vụ tái bảo hiểm ra nước ngoài; dịch vụ tín dụng, chuyển nhượng vốn, dịch vụ tài chính phái sinh, dịch vụ bưu chính, viễn thông; sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa qua chế biến quy định tại Khoản 24, Điều 4 Luật này.

          b) Mức 7% hoặc 8% đối với những hàng hóa, dịch vụ còn lại.

4. Về  điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

Về điều kiện được khấu trừ thuế GTGT đầu vào có 2 vấn đề cụ thể sau:

a) Tiết b, khoản 2 Điều 9 của Dự thảo Luật quy định: “Hàng hóa, dịch vụ mua vào phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng trừ các trường hợp đặc biệt và hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị thấp. Chính phủ quy định các trường hợp đặc biệt và mức tiền không phải thanh toán qua ngân hàng”.

Đây là một quy định mới so với các văn bản Luật Thuế GTGT đã ban hành. Quy định này là hợp lý ngăn chặn tình trạng trốn, lậu thuế, mua, bán hóa đơn để được hoàn thuế gian lận như đã xẩy ra. Song, vấn đề được đặt ra là, liệu công nghệ thanh toán của hệ thống ngân hàng của nước ta đã đáp ứng được yêu cầu thanh toán nhanh, chính xác, an toàn cho các doanh nghiệp chưa? Nếu việc thanh toán qua ngân hàng vẫn còn chậm trễ như hiện nay, quy định trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đề nghị có nghiên cứu, đánh giá chính xác về vấn đề này trước khi trình Quốc hội thông qua dự thảo luật. Trong trường hợp cần thiết, để các ngân hàng có thời gian chuẩn bị, nên có lộ trình cho điều kiện nêu trên, chẳng hạn, riêng điều kiện phải thanh toán qua ngân hàng có thể bắt đầu từ 1/1/2010!

          b) Tiết c, khoản 2 Điều 9 của dự thảo Luật quy định: “Đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện nêu tại điểm a, b nêu trên phải có tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu,....”

Việc phải có Tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu sẽ không có gì phải bàn khi xuất khẩu hàng hóa. Song, sẽ là vướng mắc lớn khi đó là dịch vụ xuât khẩu như: hoạt động tư vấn; cung ứng phần mềm; du lịch lữ hành quốc tế; vận tải quốc tế, v.v... Vì vậy, đề nghị có quy định riêng cho hàng hóa xuất khẩu và dịch vụ xuất khẩu.

II-              VỀ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

Là loại thuế trực thu, thuế TNDN điều tiết thu nhập của các doanh nghiệp, do đó nó ảnh hưởng rất lớn tới khả năng tái đầu tư của các doanh nghiệp. Căn cứ Dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi, bổ sung, có những vấn đề cơ bản sau đây cần được trao đổi:

1.     Về đối tượng nộp thuế TNDN

Xin kiến nghị bổ sung thêm các trang trại trong nông, lâm nghiệp vào đối tượng nộp thuế TNDN. Sở dĩ như vậy là vì:

-         Cho đến nay, các trang trại trong nông, lâm nghiệp đang được coi là những cơ sở kinh doanh ngoài luật. Cơ sở pháp lý để hình thành các trang trại là 8 văn bản hướng dẫn về kinh tế trang trại, gồm Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại và 7 Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan. Văn bản có hiệu lực cao nhất trong 8 văn bản nêu trên là Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại. Nghị quyết của Chính phủ có tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hướng cho sự phát triển một ngành, một lĩnh vực hoặc hoàn thiện một chính sách nhất định. Song, Nghị quyết của Chính phủ không thể thay thế cho văn bản luật.

-         Trang trại ở Việt Nam phát triển với tốc độ khá nhanh. Hiện nay, rất nhiều trang trại có quy mô lớn, phạm vi hoạt động khá rộng. Đó không còn là những hộ gia đình, làm kinh tế phụ nữa mà thực sự đã là những cơ sở kinh doanh. Khảo sát thực tế ở một huyện tại Nghệ An cho thấy, một trang trại chăn nuôi bò với diện tích 3ha đã cho doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/ năm. Một trang trại chăn nuôi, trồng trọt và trồng rừng với diện tích 250 ha có doanh thu hàng năm khoảng 12- 15 tỷ đồng; một trang trại trồng mía, dứa và chăn nuôi với diện tích 680ha, có doanh thu khoảng 30 tỷ đồng/năm…

Câu hỏi được đặt ra là: Vì sao các trang trại không có tên trong danh mục các đối tượng nộp thuế TNDN? Phải chăng đây là một “vùng cấm” đối với công tác quản lý nói chung, trong đó có công tác quản lý thuế?

2.     Về thu nhập chịu thuế

Điều 5 của Dự thảo Luật quy định: “Doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì phải xác định riêng thu nhập chịu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản để kê khai nộp thuế riêng”. Chúng tôi cho rằng, quy định nêu trên là không hợp lý, thiếu nhất quán về việc xác định thu nhập chịu thuế và thuế TNDN. Về nguyên tắc, thu nhập chịu thuế và thuế TNDN phải nộp của các doanh nghiệp được xác định cho doanh nghiệp sau một năm kinh doanh, năm dương lịch hoặc năm tài chính, không xác định riêng cho từng hoạt động kinh doanh. Vì vậy, nếu một doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó có kinh doanh bất động sản, thì thu nhập chịu thuế của hoạt động kinh doanh bất động sản cũng được tính chung và thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp để xác định thuế TNDN phải nộp, không nên tạo ra một tiền lệ riêng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản để rồi có thể lại quy định riêng cho một số lĩnh vực khác nữa.

3.     Về các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

Đây là vấn đề rất cơ bản và gây nhiều bức xúc đối với các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Theo dự thảo Luật, có những vấn đề cụ thể sau đây cần được trao đổi:

a)Khoản 5 Điều 8 quy định:5. Phần chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa vượt mức tiêu hao hợp lý và giá thực tế xuất kho”.

Vấn đề quan trọng nhất ở đây là: Thế nào là mức tiêu hao hợp lý?

Khoản 2 Điều 5, Nghị định số 164/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN năm 2003 quy định: “ 2. Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa thực tế sử dụng vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ liên quan đến doanh thu, thu nhập chịu thuế trong kỳ được tính theo mức tiêu hao hợp lý, giá thực tế xuất kho do cơ sở kinh doanh tự xác định và chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 24/2007/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 164/2003/NĐ-CP cũng quy định tương tự như vậy.

Tuy nhiên, Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính lại hướng dẫn về mức tiêu hao hợp lý như sau:
“Mức tiêu hao hợp lý nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng hoá sử dụng vào sản xuất, kinh doanh do cơ sở kinh doanh tự xây dựng. Mức tiêu hao hợp lý được xây dựng từ đầu năm hoặc đầu kỳ sản xuất sản phẩm. Trường hợp một số nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, hàng hoá Nhà nước đã ban hành định mức tiêu hao thì thực hiện theo định mức của Nhà nước đã ban hành. Trường hợp cơ sở kinh doanh không xây dựng mức tiêu hao hợp lý thì mức tiêu hao được xác định căn cứ vào định mức tiêu hao của cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề, lĩnh vực, quy mô tương tự”. Như vậy, Thông tư hướng dẫn lại đưa ra những trường hợp bất khả thi trong thực tế, có thể sẽ trở thành kẽ hở cho những “cuộc đàm phán” khi thanh tra, kiểm tra thuế. Đề nghị giữ nguyên quy định như trước là “Cơ sở kinh doanh tự xác định và chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

b) Khoản 6 Điều 8 của dự thảo quy định: “6. Phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của đối tượng ngoài các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các tổ chức kinh tế vượt quá 1,2 lần mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại tại thời điểm vay”. Đề nghị sửa lại là: “Phần chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của đối tượng ngoài các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các tổ chức kinh tế vượt quá 1,2 lần mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại mà doanh nghiệp có thường xuyên có quan hệ giao dịch tại thời điểm vay”.

c)  Khoản 10 Điều 8 dự thảo Luật quy định: “10. Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu”. Quy định này là cấn thiết để ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp bằng “vốn ảo”. Tuy nhiên, xin đề nghị sửa lại nội dung trên như sau: “10. Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu so với quy định về góp vốn của Luật Doanh nghiệp”. Lý do đề đề nghị như trên là vì, Luật Doanh nghiệp không bắt buộc phải góp đủ vốn ngay khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cụ thể như sau:

Khoản 1, Điều 39 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định việc thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên như sau:

“Thành viên phải góp vốn đầy đủ và đúng hạn bằng loại tài sản góp vốn như đã cam kết”..và . “Người đại diện theo pháp luật của công ty phải thông báo bằng văn bản tiến độ góp vốn đăng ký đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn...”..Tương tự như vậy, khoản 1 Điều 84 Luật Doanh nghiệp quy định đối với việc góp vốn điều lệ của Công ty cổ phần như sau:

“1. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.

Khoản 4 Điều 84 cho phép “4. Trường hợp các cổ đông sáng lập không đăng ký mua hết số cổ phần được quyền chào bán thì số cổ phần còn lại phải được chào bán và bán hết trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp không yêu cầu các thành viên góp vốn thành lập Công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên phải góp vốn ngay sau khi nhận Giấy chững nhận kinh doanh mà được phép “cam kết tiến độ” góp vốn và bản cam kết này phải được thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Với các Công ty cổ phần, các cổ đông sáng lập chỉ có trách nhiệm mua và phải góp đủ tiền đối với 20% vốn điều lệ, 80% còn lại là cổ phần chào bán và phải bán hết trong thời hạn ba năm. Theo quy định nêu trên, nếu trong thời hạn của cam kết góp vốn đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên và trong thời hạn ba năm để chào bán các cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần, Công ty phải huy động vốn từ ngân hàng hoặc các đối tượng khác phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì tiền trả lãi đối với khoản vay này phải được thừa nhận vào chi phí đầu tư, kinh doanh. Với những Công ty cổ phần được thành lập để thực hiện các dự án có quy mô lớn, việc huy động vốn từ các ngân hàng cho 80% còn lại là tất yếu khách quan. Chẳng hạn, một công ty cổ phần đầu tư xây dựng một nhà máy xi măng với tổng đầu tư 500 tỷ đồng, các cổ đông sáng lập phải góp đủ 20% tức là bằng 100 tỷ đồng, 400 tỷ đồng còn lại phải được chào bán trong thời hạn ba năm. Song, việc xây dựng nhà máy chỉ kéo dài hai năm, cho nên trong 1 đến 2 năm đầu, Công ty phải vay đủ 400 tỷ đồng để hoàn thành công trình. Sau đó, sẽ chào bán số cổ phần còn lại để trả nợ tiền vay. Trong trường hợp này, lãi trả tiền vay cho khoản 400 tỷ đồng nêu trên phải được thừa nhận và được “vốn hóa” thành giá trị tài sản cố định của nhà máy.

d) Về chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi: khoản 12 Điều 8 của Dự thảo quy định: “12. Phần chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, chi tiếp tân, khánh tiết, chi hoa hồng môi giới, chi phí hội nghị; chi phí hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chi phí chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của các cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ vượt quá 10% tổng số chi phí được trừ không bao gồm các khoản chi thuộc diện khống chế nêu trên. Đối với hoạt động thương nghiệp, tổng số chi phí để xác định mức khống chế không bao gồm giá mua của hàng hoá bán ra”. Như vậy, mức khống chế của chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại...vẫn giữ nguyên như  trước đây. Đây là vấn đề đã được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh rất nhiều lần. Xin nêu một ví dụ: Ngày 26/7/2004, một cuộc đối thoại quy mô lớn giữa Bộ Tài chính, Tổng cục thuế và Tổng cục Hải quan với 342 doanh nhân và các nhà quản lý đã được tổ chức. Hơn 800 ý kiến đã được những người tham gia hội thảo đặt ra. Trong đó, có khá nhiều ý kiến cho rằng, quy định khống chế chi phí quảng cáo, khuyến mại không quá 10%, dù đã có cao hơn trước nhưng vẫn còn bất hợp lý, đặc biệt là với những doanh nghiệp mới thành lập đang cần xây dựng thương hiệu. Ông Tổng cục trưởng Tổng cục thuế xác nhận “đã nghe nhiều ý kiến như vậy” và hứa “sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một mức khống chế phù hợp hơn với thông lệ quốc tế”. Có lẽ, lần sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNDN lần này là thời cơ thuận lợi nhất để lời hứa của ông Tổng cục trưởng Tổng cục thuế trở thành hiện thực!

4. Về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp

Theo Điều 10 của Dự thảo Luật, thuế suất thuế TNDN là 25%. Chúng tôi cho rằng, việc hạ thuế suất thuế TNDN từ 28% xuống 25% là tất yếu khách quan. Tuy nhiên, để bảo đảm tính ổn định dài hơn của Luật thuế này, xin kiến nghị nghiên cứu: Hạ tiếp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20% hoặc 22% đồng thời hạn chế đến mức cao nhất những trường hợp ưu đãi, miễm giảm thuế TNDN. Lý do để đưa ra đề xuất nêu trên là:

a)Xu hướng chung hiện nay ở các nước trên thế giới và khu vực là hạ thấp thuế suất thuế TNDN để thu hút đầu tư và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Ví dụ, Singapo  đã quyết định hạ thuế suất thuế TNDN từ 20% xuống còn 19%; Quốc vụ viện Trung quốc cũng đã quyết định giảm mức thuế suất thuế TNDN từ 33% xuống còn 25%... Với xu hướng đó, nếu chúng ta giữ mức thuế suất 25% thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa sẽ lại phải điều chỉnh, tính ổn định của chính sách thuế lại bị phá vỡ.

b)  Hạ thấp thuế suất là một trong những biện pháp quan trọng làm suy yếu động cơ trốn thuế, gian lận thuế của các doanh nghiệp. Hơn nữa, trong những năm tới sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp thành lập và hoạt động. Vì vậy, nguồn thu sẽ không bị giảm mà có thể tăng lên;

c) Trong những năm qua, chính sách ưu đãi về thuế TNDN của nước ta được coi là “phức tạp nhất thế giới”. Nguyên nhân là vì, chúng ta đặt ra cho Luật thuế này quá nhiều mục tiêu, trong đó, có không ít mục tiêu thuộc phạm vi xã hội lẽ ra phải giải quyết bằng những công cụ khác. Vì vậy, hạn chế đến mức thấp nhất những chính sách ưu đãi qua thuế TNDN là cần thiết khách quan.

5. Về nơi nộp thuế TNDN

Điều 12 của Dự thảo Luật quy định:

“Doanh nghiệp nộp thuế tại nơi có trụ sở chính. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc hoạt động kinh doanh tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa phương nơi có trụ sở chính thì số thuế thu nhập doanh nghiệp được tính theo nguyên tắc phân bổ giữa nơi kinh doanh và nơi có trụ sở chính”.

Để thuận tiện cho việc thực hiện Luật trong thực tiễn, đề nghị quy định ngay trong Luật tỷ lệ thuế TNDN mà các đơn vị trực thuộc hoạt động kinh doanh tại địa bàn tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương khác với trụ sở chính phải nộp tại địa phương.

6. Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Liên quan đến kiến nghị hạ thấp hơn nữa thuế suất thuế TNDN xuống tới mức 20% hoặc 22% như đã trình bày trên, xin kiến nghị chỉ duy trì chính sách ưu đãi thuế TNDN cho các doanh nghiệp mới thành lập theo địa bàn.Giả sử thuế suất thuế TNDN là 22%, thì những doanh nghiệp mới thành lập ở các địa bàn khác nhau sẽ được áp dụng thuế suât ưu đãi khác nhau trong thời hạn 05 năm đầu, ví dụ:

- Doanh nghiệp mới thành lập ở các thành phố trực thuộc Trung ương: Thuế suất 20%;

- Doanh nghiệp mới thành lập ở các tỉnh không thuộc địa bàn khó khăn: 18%;

- Doanh nghiệp mới thành lập ở các địa bàn khó khăn: 15%;

- Doanh nghiệp mới thành lập ở các địa bàn đặc biệt khó khăn: 10%;

7. Về miễn thuế, giảm thuế

Đề nghị xóa bỏ việc miễn thuế, giảm thuế quy định tại Điều 14, xóa bỏ ưu đãi đối với đầu tư mở rộng quy định tại Điều 15 và việc miễn thuế, giảm thuế cho các trường hợp khác quy định tại điều 16 Dự thảo Luật.

8. Về trích lập Quỹ phát triẻn khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp.

Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với việc cho phép doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều 18 của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, liên quan đến việc xóa bỏ một số ưu đãi và chính sách miễn thuế, giảm thuế, đề nghị nâng tỷ lệ được trích từ 10% theo Dự thảo lên 15%.
                                      x                                     x
                                                     x
Trên đây là một số ý kiến góp ý vào dự thảo Luật thuế GTGT và Luật thuế TNDN sửa đổi. Chính sách thuế là vấn đề khoa học và thực tiễn rất phức tạp. Những ý kiến đã nêu trên đây chỉ là những suy nghĩ bước đầu, chắc chắn chưa thể hoàn toàn chính xác. Kính mong các vị đại biểu tham gia hội thảo tham khảo và cùng trao đổi.

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm, theo dõi.
                            

Các văn bản liên quan