Góp ý của VCCI
PHÒNG THƯƠNG MẠI |
|
Kính gửi: BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
V/v: Góp ý Dự thảo Nghị định về sáng kiến
Phúc đáp Công văn số 2582/BKHCN-SHTT của Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định về sáng kiến (Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
I. NHẬN XÉT CHUNG
1. Các tiêu chí Dự thảo cần đáp ứng
(i) Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác;
(ii) Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sáng kiến và khuyến khích các hoạt động sáng kiến trong xã hội.
(iii) Đảm bảo tính hợp lý và khả thi;
(iv) Các nội dung trong Dự thảo phải đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch; Ngôn ngữ soạn thảo phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt dễ dàng, rõ hiểu.
2. Nhận xét về Dự thảo
Dự thảo Nghị định đã định nghĩa được cách hiểu về sáng kiến, tác giả sáng kiến, chủ sáng kiến; quy định khá cụ thể về việc đăng ký và công nhận sáng kiến; quyền và nghĩa vụ của các bên đối với sáng kiến … điều này đảm bảo quyền lợi cho tác giả sáng kiến, chủ sáng kiến, góp phần thúc đẩy sự sáng tạo trong các ngành, các cấp. Mặt khác, Dự thảo Nghị định cũng đã đặt ra được tiêu chuẩn của sáng kiến, làm cơ sở để khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.
Dự thảo Nghị định về sáng kiến đã cụ thể hóa chính sách khuyến khích phát triển sáng kiến thể hiện trong Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị định 81/2002/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Khoa học và Công nghệ. Dự thảo thể hiện được tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật (Chương IV – Các biện pháp thúc đẩy hoạt động sáng kiến của Dự thảo Nghị định phù hợp với khoản 3 Điều 2, điểm d khoản 1 Điều 6, khoản 1 Điều 7, khoản 3 Điều 27, khoản 4 Điều 33 Luật Khoa học và Công nghệ; Điều 32, khoản 1 Điều 41 Nghị định 81/2002/NĐ-CP).
II. MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VÀ GÓP Ý CỤ THỂ
1. Điều kiện được công nhận là sáng kiến
Theo khoản 2 và 3 của Điều 4, tính mới chỉ được giới hạn trong phạm vi một cơ quan, tổ chức. Trong trường hợp một giải pháp kỹ thuật, giải pháp pháp lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng trong cơ quan khác, địa phương khác nhưng chưa từng được áp dụng trong cơ quan của người đưa ra giải pháp, thì theo quy định tại khoản 2 Điều 4, thì có được coi là sáng kiến hay không? Nếu coi là sáng kiến thì sẽ mâu thuẫn với quy định tại khoản 1 Điều 3 của Dự thảo.
2. Đăng ký và bảo hộ sáng kiến
2.1 Thẩm quyền đăng ký sáng kiến
Khoản 3 Điều 6 quy định về thẩm quyền đăng ký sáng kiến của các cơ quan, tổ chức chưa rõ ràng. Điểm a quy định, “cơ quan tổ chức là chủ sáng kiến là tổ chức đăng ký sáng kiến đối với sáng kiến của người lao động được tạo ra trong cơ quan, tổ chức của mình”, theo quy định tại khoản 4 Điều 4 thì các sáng kiến trên là sáng kiến cấp cơ sở. Trong khi đó, Sở Khoa học và Công nghệ, Cơ quan quản lý khoa học, công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng là tổ chức đăng ký sáng kiến đối với sáng kiến cấp cơ sở. Vậy trường hợp nào thì các sáng kiến cấp cơ sở được đăng ký ở Sở Khoa học và Công nghệ, Cơ quan quản lý khoa học, công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ? Liệu tác giả sáng kiến có quyền đăng ký vượt cấp không? Không quy định rõ ràng về thẩm quyền xem xét đơn đăng ký sáng kiến và công nhận sáng kiến sẽ rất khó thực hiện trên thực tế, tạo sự mất cân đối giữa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét đơn đăng ký sáng kiến và công nhận sáng kiến. Nên chăng quy định:
“3. Các cơ quan, tổ chức sau đây có thẩm quyền tiếp nhận, xem xét đơn đăng ký sáng kiến và công nhận sáng kiến (sau đây gọi là tổ chức đăng ký sáng kiến):
a) Cơ quan, tổ chức là chủ sáng kiến là tổ chức đăng ký sáng kiến đối với sáng kiến của người lao động được tạo ra trong cơ quan, tổ chức của mình;
b) Các Sở Khoa học và Công nghệ là tổ chức đăng ký sáng kiến đối với sáng kiến cấp cơ sở không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, sáng kiến cấp tỉnh của các tổ chức, cá nhân địa phương thuộc phạm vi quản lý của mình;
c) Cơ quan quản lý khoa học, công nghệ của Bộ, cơ quan ngang Bộ là tổ chức đăng ký sáng kiến cấp ngành có nội dung thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của mình.”
2.2 Tiếp nhận, xử lý đơn đăng ký sáng kiến
Cấu trúc của Điều 8 còn trùng lặp, chưa đảm bảo tính lôgíc giữa các khoản. Nên chăng cần tách phần tiếp nhận đơn, chấp nhận đơn và yêu cầu sửa đổi bổ sung đơn thành từng khoản riêng biệt.
“1. Tổ chức tiếp nhận đơn đăng ký sáng kiến có trách nhiệm ghi nhận ngày tiếp nhận đơn, tiến hành xem xét đơn, thông báo cho người nộp đơn bằng văn bản về việc đơn được chấp nhận trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận đơn.
2. Trường hợp đơn có những thiếu sót, tổ chức đăng ký sáng kiến phải thông báo cho người nộp đơn bằng văn bản về những thiếu sót cần khắc phục để đơn được chấp nhận trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận đơn và ấn định thời hạn dành cho việc khắc phục, sửa chữa thiếu sót là 01 tháng tính từ ngày thông báo.
Nếu người nộp đơn không khắc phục, sửa chữa thiếu sót đạt yêu cầu trong thời hạn nêu trên, tổ chức đăng ký sáng kiến thông báo bằng văn bản cho người đăng ký sáng kiến về việc từ chối chấp nhận đơn, trong đó nêu lý do từ chối”.
Một vấn đề cần đặt ra, nếu tác giả sáng kiến không đồng ý với quyết định từ chối nhận đơn công nhận sáng kiến của tổ chức tiếp nhận thì có quyền khiếu nại không? Khiếu nại lên đâu? Cơ quan nào bảo vệ quyền lợi cho tác giả sáng kiến? Điều này không được đề cập trong Dự thảo.
2.3 Công nhận sáng kiến
Khoản 2 Điều 9 quy định: “Các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ của các ngành và địa phương có trách nhiệm tìm chọn và yêu cầu hoặc thuê tổ chức, cá nhân thích hợp thực hiện việc áp dụng thử sáng kiến nêu tại khoản 1 Điều này theo yêu cầu và với kinh phí của người nộp đơn đăng ký sáng kiến”. Một vấn đề đặt ra là, sau khi giải pháp được áp dụng thử có hiệu quả, thì vấn đề bản quyền đối với sáng kiến đó như thế nào để đảm bảo quyền lợi của tác giả sáng kiến?
Khoản 3 quy định: “…, tổ chức đăng ký sáng kiến phải xem xét và quyết định công nhận giải pháp nêu trong đơn là sáng kiến nếu không chứng minh được rằng giải pháp đó không đáp ứng một trong các điều kiện quy định tại Điều 3 Nghị định này …”. Đề nghị chuyển thành “tại Điều 4” vì Điều 4 mới quy định các điều kiện công nhận sáng kiến.
2.4 Hội đồng sáng kiến
Quy định về Hội đồng sáng kiến còn sơ sài. Nghị định không quy định rõ về thành phần, số lượng thành viên của Hội đồng sáng kiến. Hội đồng sáng kiến sẽ hoạt động theo nguyên tắc nào?
3. Chính sách khuyến khích hoạt động sáng kiến
Khoản 2 Điều 12 Quy định “Tác giả sáng kiến được trả thù lao trong 5 năm đầu tiên áp dụng sáng kiến”. Về bản chất, sáng kiến là một tiến trình liên tục, các sáng kiến sẽ được đổi mới và thay thế. Một sáng kiến có thể được áp dụng trong khoảng thời gian trên 5 năm nhưng cũng có thể được áp dụng trong khoảng thời gian ngắn hơn. Cách quy định như thế này sẽ khó thực hiện trên thực tiễn. .
Tiền thù lao cho tác giả sáng kiến trước tiên nên xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa tác giả sáng kiến và chủ sáng kiến không đồng thời là tác giả sáng kiến. Nếu giữa các bên không có sự thỏa thuận thì mới áp dụng khung giá tối thiểu. Do đó, khoản 2 Điều 12 nên quy định: “Thù lao cho tác giả sáng kiến được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ sáng kiến là tổ chức kinh doanh và tác giả sáng kiến, nếu không có thỏa thuận, chủ sáng kiến có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả sáng kiến như sau:”
4. Một số nội dung khác
- Tên Chương IV, thừa chữ “sáng”
- Nhiều nội dung của dự thảo không được rõ ràng, trong đó Ban soạn thảo dùng “…” như trong các Điều 4, 5, 11, 15 và 20. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ hình thức này và đưa ra các nội dung cụ thể hoặc.
Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định về sáng kiến. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
Nơi nhận: - Như trên - Bộ Tư pháp - VPCP - Lưu VT, PC |
|