Một số ý kiến của LS. Nguyễn Văn Hậu – Hội Luật gia Tp. HCM

Thứ Ba 10:42 08-04-2008

MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT (SỬA ĐỔI)

I. THỰC TRẠNG.
 
Ở nước ta văn bản quy phạm pháp luật dưới luật hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành theo quy định của pháp luật thì có hiệu lực và giá trị pháp lý thấp nhưng lại được thực hiện nghiêm hơn, có giá trị thực tế cao hơn, mặc dù có văn bản hướng dẫn nội dung còn trái với cả văn bản mà nó hướng dẫn. Điều này có nhiều nguyên nhân như: - Nhiều văn bản quy phạm pháp luật của nước ta còn quá chung chung, nên có nhiều trường hợp không áp dụng trực tiếp được; - Thói quen của các cơ quan, nhân viên nhà nước là chờ các văn bản hướng dẫn thi hành mà ít chú ý đến văn bản gốc vì văn bản hướng dẫn thi hành thường là của cơ quan quản lý hay chỉ đạo trực tiếp; - Nhiều cơ quan, nhân viên không nắm được hoặc không dám tuân theo các nguyên tắc áp dụng văn bản hay quy phạm pháp luật…
 
Số lượng các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở nước ta hiện nay không nhiều, thành phần đại biểu Quốc hội là thành viên của chính phủ là tương đối nhiều nên các tư tưởng chỉ đạo của Quốc hội bị chi phối bởi các quan điểm của Chính phủ quá nhiều. Tình trạng trên dẫn đến nội dung một số văn bản luật thường có lợi và thuận lợi cho việc quản lý của Chính phủ nhiều hơn là cho xã hội, cho người dân, cho các đối tượng bị quản lý.
 
Tuy các văn bản quy phạm pháp luật để được ban hành đều phải trải qua thủ tục trình tự khắt khe từ thẩm định, đến thẩm tra của các cơ quan, có thẩm quyền nhưng tình trạng sai phạm vẫn tồn tại khá phổ biến và các cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra, thẩm định cũng không phải chịu trách nhiệm gì. Nếu văn bản có sai phạm gì thì người ta chỉ nói tới cơ quan ban hành văn bản chứ không đả động gì đến các cơ quan thẩm định, thẩm tra.
 
Biện pháp xử lý đối với các văn bản có sai phạm (trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc của cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp) chỉ là kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ văn bản hay quy định đó. Còn những văn bản quy phạm pháp luật được ban hành không đúng thời điểm (thường là chậm trễ so với quy định của pháp luật hoặc nhu cầu của cuộc sống) hoặc có chất lượng không tốt gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích của đất nước và nhân dân thì không sao cả.
 
Có thể dễ dàng nhận thấy hiện nay tình trạng luật mâu thuẫn luật, Văn bản quy phạm dưới luật “chỏi” nhau lại xảy ra trong rất nhiều lĩnh vực. xin nêu một vài điển hình như:
 
1. Bộ Luật dân sự 2005
cho phép một tài sản được thế chấp nhiều nơi, tổng giá trị tài sản thế chấp có thể nhỏ hơn, bằng hoặc lớn hơn tổng giá trị các khoản vay, nhưng điều 114 Luật Nhà ở thì quy định rằng, nhà ở chỉ được thế chấp một nơi, tổng giá trị tài sản phải lớn hơn tổng tài sản vay và chỉ thế chấp tín dụng. Với sự chồng chéo này đã gây không ít khó khăn đối với tiếp cận tín dụng cũng như xử lý các khoản nợ khó đòi.
 
2. Bộ luật lao động được sửa đổi bổ sung năm 2002
tại khoản 2 Điều 38 quy định “2- Trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo các điểm a, b và c khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Trong trường hợp không nhất trí, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.…” Nhưng Nghị định 33/2003/NĐ-CP ngày 02/4/2003 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 41/CP ngày 06/7/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất, lại quy định tại Điểm a khoản 3 Điều 11 như sau: ''…Trong trường hợp không nhất trí thì Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở báo cáo với Công đoàn cấp trên trực tiếp, người sử dụng lao động báo cáo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau 20 ngày kể từ ngày báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, người sử dụng lao động mới có quyền ra quyết định kỷ luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình''. Vậy rõ rằng là Nghị định 33/2003/NĐ-CP ngày 02/4/2003 của Chính Phủ  đã hướng dẫn trái Bộ luật lao động.
 
3. Luật Nhà ở 2005
quy định tại điểm b khoản 3 Điều 93: trong trường hợp bên bán, bên cho thuê nhà ở là tổ chức có chức năng kinh doanh nhà ở thì hợp đồng về nhà ở không cần chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của UBND xã đối với nhà ở tại nông thôn. Tuy nhiên, tại Thông tư số 04 có hiệu lực từ ngày 3.8.2006 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên - Môi trường về "Hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng văn bản thực hiện quyền lợi của người sử dụng đất" lại quy định "Hợp đồng, văn bản về bất động sản mà bên có bất động sản là tổ chức trong nước, người VN định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài thì công chứng tại phòng công chứng". Luật quy định một đằng, thông tư hướng dẫn một nẻo khiến cho các DN kinh doanh nhà ở  và các phòng công chứng đang gặp khó khăn vì không biết nên làm theo luật hay theo thông tư.
 
- Luật Doanh nghiệp 2005 quy định tại khoản 5 Điều 7: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Và TạiNghị định số 110/2006/NĐ-CP Ngày 28/9/2006 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, thì bên cạnh Điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng ô tô (Điều 5), Nghị định 110 còn quy định rõ về Điều kiện kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định (Điều 6), Điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng taxi (Điều 8). Và tại các Điều này, Chính phủ đều không có quy định về chủ thể đăng ký sở hữu phương tiện khi tham gia kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, ngày 26/3/2007 Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lại ban hành hai Quyết định số 16 và 17/2007/QĐ-BGTVT ngày 26/3/2007, trong đó đều có nội dung buộc các phương tiện phải đăng ký sở hữu của pháp nhân mới được tham gia vận tải đã gây khó khăn và thiệt hại cho các HTX.
 
Như vậy, là không đúng với nội dung của Nghị định 110 và nghiêm trọng hơn là trái với khoản 5 Điều 7 của Luật Doanh nghiệp. Chính Bộ tư pháp đã có Công văn số 5187/BTP-PLDSK ngày 04/12/2007 xác nhận: Bộ GTVT ban hành các quy định này là không đúng thẩm quyền, không phù hợp với các quy định đặc thù của HTX làm nảy sinh tâm lý thiếu tin tưởng của các xã viên vào chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, gây khó khăn cho hoạt động của các HTX. Nhưng Bộ GTVT hiện vẫn không hề điều chỉnh sửa đổi. có lẽ cơ chế điều chỉnh và hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật của ta không nghiêm và thiếu hiệu quả.
 
II. YÊU CẦU ĐỀ RA CỦA VIỆC BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT Ở NƯỚC TA.
 
Xuất phát từ thực tiễn về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta trong thời gian vừa qua và những đòi hỏi khách quan của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, có thể thấy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của nước ta trong thời gian tới phải đáp ứng được những yêu cầu cơ bản sau đây:

1. Luật phải nhanh chóng đi vào cuộc sống. Điều đó có nghĩa là, luật, pháp lệnh phải chi tiết, cụ thể hơn, hạn chế đến mức thấp nhất việc phải có những văn bản hướng dẫn dưới luật.

2. Bảo đảm đến mức cao nhất sự khách quan của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành. Yêu cầu này có nghĩa là, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành phải và chỉ phục vụ cho lợi ích của đất nước, của nhân dân; phát hiện và ngăn chặn ngay từ trong “trứng nước” ý chí đưa vào văn bản quy phạm pháp luật những nội dung phục vụ lợi ích cục bộ của một Bộ, ngành hoặc phục vụ cho lợi ích của một nhóm quyền lực.

3. Từng bước tiến tới sự phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giữa cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp.

4. Hình thành một cơ chế thuận lợi nhất để văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đến được với người dân.

III. NHỮNG GÓP Ý CỤ THỂ CHO DỰ THẢO LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT (SỬA ĐỔI)
 
Hoàn thiện quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy cải cách thể chế, cải cách lập pháp và hoạt động lập quy của các cơ quan nhà nước. Để góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), tôi xin đề xuất một số ý kiến sửa đổi như sau:
 
1. Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần thu gọn các loại văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 2 của dự thảo.
 
Tôi nhận thấy danh mục các văn bản quy phạm pháp luật được liệt kê tại Điều 2 của Dự thảo Luật vẫn còn quá phức tạp, gây khó khăn cho quá trình nghiên cứu, áp dụng Luật, vì như vậy, hầu hết các đạo luật được ban hành vẫn phải chờ Nghị định và Thông tư hướng dẫn mới thực hiện được. Tôi đề nghị nên loại bỏ “Thông tư”, kể cả “Thông tư liên tịch” giữa cơ quan nhà nước với các cơ quan trung ương của Tổ chức chính trị - xã hội khỏi danh mục văn bản quy phạm pháp luật, vì xét về bản chất thì các loại văn bản này không có tính quy phạm, nội dung của nó không được thiết kế bao gồm các Điều luật như một văn bản quy phạm pháp luật thông thường (Luật, Pháp lệnh, Nghị định…) và hơn nữa nó chỉ có ý nghĩa như là một văn bản hướng dẫn thi hành các bản văn lập pháp, lập quy.
 
3. Về tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 4 của dự thảo.
 
Khoản 3, điều 4 dự thảo quy định: 3. “ý kiến tham gia về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo”. Đề nghị quy định rõ trách nhiệm, phương thức, trình tự, thủ tục của việc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tham gia về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật  nhằm ngăn chặn tình trạng xin ý kiến tham gia vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chỉ là hình thức như nhiều trường hợp hiện nay. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích vận động nhân dân tham gia nhiều hơn nữa vào hoạt động góp ý xây dựng các văn bản pháp luật.
 
4. Về văn bản quy định chi tiết tại Điều 8 của dự thảo.
 
Khoản 2 Điều 8 quy định: “Trong trường hợp VBquy phạm pháp luật có điều, khoản cần phải quy định chi tiết bằng văn bản khác, thì ngay tại điều, khoản đó phải xác định rõ tên cơ quan ban hành, nội dung cần quy định cụ thể.”  Đây là một quy định minh bạch, tiến bộ, góp phần đảm bảo VBquy phạm pháp luật được thi hành ngay khi có hiệu lực, trừ một vài điều khoản cụ thể phải “chờ hướng dẫn”.
 
Đem quy định trên đối chiếu với chính Dự thảo Luật BHVBquy phạm pháp luật này, thì chỉ tìm thấy hai Điều 6 và 90 có quy định Chính phủ phải quy định chi tiết. Có phải ý Ban soạn thảo là tất cả các Điều còn lại đều không cần cơ quan nào hướng dẫn chi tiết nữa? Tuy nhiên, có một số điều trong dự thảo vẫn chưa được cụ thể và sáng tỏ lắm (như Điều 84 về Đề nghị giải thích VBquy phạm pháp luật, nhưng không quy định quy trình đề nghị giải thích VBquy phạm pháp luật như thế nào, ví dụ đề nghị qua kênh thông tin nào: thư, email, trực tiếp, điện thoại, báo chí…; trong thời hạn bao lâu thì cơ quan/cá nhân có trách nhiệm phải trả lời; nếu chậm/không trả lời thì có bị chế tài gì không…), vì vậy đòi hỏi Ban soạn thảo Luật này phải:

          + Quy định rõ cơ quan nào phải quy định chi tiết ngay tại những điều chưa rõ đó;
          + Hoặc quy định điều luật đó một cách rõ ràng, chi tiết hơn để không cần văn bản hướng dẫn nữa.
 
Nếu Ban soạn thảo không thực hiện được vấn đề này, thì đã vi phạm Điều 8 nêu trên rồi.
 
Khoản 4 Điều 8 quy định: “Văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản cần được quy định chi tiết”. Nhưng Điểm b khoản 2 Điều 77 lại nêu: “Trong trường hợp văn bản quy định chi tiết chưa kịp thời ban hành…”
 
Quy định như vậy thì chính Dự thảo Luật đã tạo kẽ hở không tuân thủ triệt để quy định của chính nó nêu lên. Theo tôi văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị đồng bộ với Luật để kịp có hiệu lực cùng với văn bản Luật. Nếu không thì sẽ lại đi theo “vết xe đổ” từ trước đến nay là “luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư” khiến luật chậm đi vào cuộc sống.
 
Việc này không hề “khó thực hiện” hoặc “không thể thực hiện” như một số người e ngại. Vì khi soạn thảo dự án luật, cơ quan soạn thảo đã chỉ rõ điều nào/cơ quan nào phải có trách nhiệm quy định chi tiết thi hành luật đó rồi. Mà mỗi dự án luật, theo cách xây dựng luật như hiện nay, phải đảm bảo đủ rõ ràng để có thể thi hành được ngay, nghĩa là hạn chế đến mức thấp nhất các điều/khoản cần phải có văn bản quy định chi tiết. Như vậy mỗi luật sẽ chỉ có vài điều cần phải hướng dẫn thi hành, trong khi văn bản hướng dẫn thi hành cũng lại do chính cơ quan soạn thảo dự án luật ấy trực tiếp soạn thảo luôn, nên cơ quan ấy đã nắm rất rõ vấn đề, sẽ không gặp khó khăn nhiều khi soạn thảo văn bản hướng dẫn. Mặt khác, các luật thường được thông qua hơn sáu tháng mới có hiệu lực thi hành, vì thế thời gian để chuẩn bị văn bản hướng dẫn không phải là quá cấp bách.
 
Ngoài ra, tôi cho rằng rất cần phải xác định rõ và ghi cụ thể thời điểm văn bản có hiệu lực thi hành ngay trong chính văn bản quy phạm pháp luật đó. Bởi hiện nay, việc hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật đều ghi thời điểm văn bản có hiệu lực thi hành là sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo đang gây không ít khó khăn trong quá trình triển khai thi hành.
 
5. Về Sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ, bãi bỏ hoặc đình chỉ thi hành văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 9 của dự thảo.
 
Đề nghị bổ sung thêm hai quy định:
1.“ Các văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung không quá 02 lần. Trường hợp phải sửa đổi, bổ sung đến lần thứ ba, phải trình một văn bản mới thay thế”
2. “Khi phát hiện ra văn bản quy phạm pháp luật ban hành trái thẩm quyền, hoặc bị Tòa án hành chính có thẩm quyền yêu cầu hủy, hoặc không phục vụ lợi ích của nhân dân, thì Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có quyền và có trách nhiệm huỷ bỏ ngay văn bản đó.”
 
Quy định bổ sung trên nhằm nâng cao chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật và hạn chế tình trạng sửa đổi, bổ sung quá nhiều lần tạo thành một hệ thống chắp vá, gây khó khăn không đáng có cho đối tượng nghiên cứu và cả đối tượng thực hiện và cơ quan quản lý. Và nâng cao khả năng ngăn chặn triệt để các văn bản quy phạm pháp luật vi hiến, vi pháp.
 
6. Về Nghị định của Chính phủ tại Điều 14 của dự thảo.
 
Những quy định của dự thảo là hợp lý, cần thiết. Song, để khắc phục tình trạng Nghị định của Chính phủ là “cầu trung gian không cần thiết”, xin kiến nghị bổ sung khoản 3 như sau: “3. Nghị định của Chính phủ là văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn cuối cùng để thi hành Luật, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước”. 
 
7. Về Quyết định của Tổng kiểm toán nhà nước tại Điều 19 của dự thảo.
 
Căn cứ vào Luật Kiểm toán Nhà nước và địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước hiện nay, đề nghị sửa lại khoản 1, Điều 19 của Dự thảo như sau: “1. Căn cứ vào Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, Tổng kiểm toán nhà nước ban hành quyết định”.
 
8. Về Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch tại Điều 20 của dự thảo.
 
Đề nghị bỏ hình thức Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch bởi lẽ, khi có những vấn đề liên quan đến nhiều Bộ, ngành thì Nghị định của Chính phủ là văn bản phù hợp nhất.
 
 
9. Về đánh giá tác động của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết tại Điều 32 của dự thảo.
 
Dự án luật, dự thảo nghị quyết trước khi gửi thẩm định phải được đánh giá tác động và chịu sự phản biện của Hội luật gia.
 
Cần sửa đổi: “Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm đánh giá tác động Cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm gửi dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết đến các Bộ, cơ quan  ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan đến dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết để đánh giá tác động tổ chức lấy ý kiến phản biện của hội luật gia”. 
 
10. Về thời hạn gửi dự thảo văn bản cho đại biểu Quốc hội và thành viên UBTV Quốc hội tại Điều 53 và Điều 54 của dự thảo.
 
Khoản 1, Điều 53 và Điều 54 dự thảo luật quy định Chậm nhất là 01 ngày trước ngày Quốc hội hoặc UBTV Quốc hội, biểu quyết thông qua… là quá ít không đủ thời gian để đại biểu Quốc hội và thành viên UBTV Quốc hội Nghiên cứu có ý kiến nên cần sửa lại là ít nhất 05 ngày.
 
11. Việc lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định tại Điều 60 của dự thảo.
 
Dự thảo khoản 3 điều 60 quy định :” Ý kiến góp ý  được nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý dự thảo..” theo chúng tôi cần bổ sung thêm nội dung “và phải có sự phản hồi thông tin lại cho người góp ý về kết quả tiếp thu chỉnh lý dự thảo”
 
12. Về các trường hợp soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Điều 73 của dự thảo.
 
Đề nghị quy định cụ thể hơn những trường hợp nào được soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm ngăn chặn tình trạng cố tình đưa một vấn đề nào đó, vì một lý do thiếu minh bạch vào diện được soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

13. Về Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 78 của dự thảo.
 
Khoản 1 Điều 78 dự thảo luật quy định: “1. Chỉ trong những trường hợp thật cần thiết, văn bản quy phạm pháp luật mới được quy định hiệu lực trở về trước”. Đề nghị quy định rõ hơn: Những trường hợp thật cần thiết cụ thể là những trường hợp nào? Nếu không quy định rõ ràng về nội dung này, chắc chắn sẽ xẩy ra tình trạng “hồi tố” vô lý gây thiệt hại cho người dân.
 
14. Về thẩm quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 83 của dự thảo.
 
Dự thảo luật quy định: “Thẩm quyền giải thích văn bản quy phạm pháp luật”. Đề nghị sửa lại tên Điều khoản là: “Thẩm quyền và trách nhiệm giải thích văn bản quy phạm pháp luật”, Theo đó, ở tất cả các khoản trong điều này đều thêm cụm từ “và trách nhiệm” sau cụm từ “thẩm  quyền”.
 
15. Về đề nghị giải thích văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 84 của dự thảo.
 
Dự thảo quy định người dân chỉ có quyền đề nghị giải thích các văn bản do TANDTC, VKSNDTC, các Bộ ban hành. Tại sao lại hạn chế quyền được đề nghị giải thích văn bản quy phạm pháp luật của QH, UBTVQH, CP, Thủ tướng (nhất là đối với những văn bản không có văn bản quy định chi tiết). Người dân không hiểu về các văn bản trên thì biết hỏi ai?
 
Dự thảo không quy định quy trình đề nghị giải thích văn bản quy phạm pháp luật như thế nào (như đề nghị qua kênh thông tin nào: thư, email, trực tiếp, điện thoại, báo chí…; trong thời hạn bao lâu thì cơ quan/cá nhân có trách nhiệm phải trả lời; nếu chậm/không trả lời thì có bị chế tài gì không…). Vì dự thảo không hề yêu cầu “Chính phủ quy định chi tiết thi hành điều này”, nên ngay trong luật cần phải quy định điều này cụ thể hơn, mới đảm bảo thực hiện được.
 
16. Góp ý thêm về trách nhiệm của các tổ chức cá nhân tham gia xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
 
Trong dự thảo cần quy định trách nhiệm pháp lý đối các mỗi cơ quan nhà nước trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu một cơ quan nhà nước hay một cá nhân có thẩm quyền tham gia soạn thảo, thẩm định, thẩm tra hay ban hành văn bản quy phạm pháp luật có lỗi do hành vi của mình dẫn đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng cho nhà nước và xã hội thì phải chịu trách nhiệm pháp lý theo hướng hậu quả pháp lý bất lợi. Nhẹ thì xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, nặng thì xử lý hình sự. Thậm chí kể cả trường hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật không trái pháp luật nhưng do những lý do không chính đáng như tắc trách, vụ lợi hoặc các lý do khác nên đã ban hành chậm hoặc không ban hành gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tới lợi ích của các doanh nghiệp, nhân dân và nền dân chủ xã hội thì chủ thể ban hành cũng phải chịu trách nhiệm.
 
Cần quy định rõ các loại chế tài và cơ quan có thẩm quyền áp dụng chế tài đối với trường hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái thẩm quyền, không đúng trình tự do pháp luật quy định đối với loại hình văn bản đó hoặc có nội dung trái với văn bản có hiệu lực cao hơn. Các chế tài này có thể là: tuyên bố vô hiệu đối với bản văn lập pháp, lập quy đã được ban hành; buộc khắc phục các hậu quả thiệt hại xảy ra cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân do việc thi hành văn bản đó; xử lý kỷ luật đối với người ký ban hành văn bản và người có trách nhiệm liên quan (người biên soạn văn bản trình ký ban hành).
 
Ngoài ra, để thúc đẩy và hỗ trợ cho quá trình phát hiện, thanh lọc các văn bản “phạm quy”, đạo luật này cũng phải quy định rõ quyền khiếu nại, tố cáo của mọi người dân, tổ chức và đoàn thể xã hội về các trường hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái nguyên tắc của bất kỳ cơ quan nhà nước nào. Nếu quy định như vậy, chắc chắn có thể hạn chế phần nào tình trạng các Bộ ngành và địa phương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trái Hiến pháp, trái Luật đang xảy ra khá nghiêm trọng ở nước ta hiện nay mà không có biện pháp nào xử lý.
 
Trên đây là một số ý kiến của tôi về nội dung của Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Hy vọng rằng những ý kiến này sẽ góp phần giúp cho dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng cao nhất.
 
Trân trọng kính chào. 

TP. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 4 năm 2008 
   
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia  TP. Hồ Chí Minh
 

Các văn bản liên quan