Góp ý của Ông Ngô Việt Hòa – Bộ Thương mại

Thứ Năm 15:44 23-08-2007


Tham gia ý kiến đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn hành nghề, hoạt động giám định về quyền sở hữu công nghiệp
 

Ngô Việt Hoà
 
Sau khi nghiên cứu nội dung dự thảo Thông tư của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn hành nghề, hoạt động giám định về quyền sở hữu công nghiệp, chúng tôi một số ý kiến như sau:
 
1. Về Điều kiện để được cấp thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp
 
Điểm b khoản 2.1 Mục 2 dự thảo Thông tư hướng dẫn về điều kiện phẩm chất đạo đức đối với giám định viên sở hữu công nghiệp, trong đó có để được cấp thẻ giám định viên thì một trong các điều kiện là “không thuộc diện đang bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý bằng bất cứ biện pháp nào về hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp”. Hướng dẫn này là  không đảm bảo tính minh bạch cần thiết. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật hiện hành, các quy định liên quan đến các biện pháp xử lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm: (1) xử lý hình sự, (2) xử lý hành chính; (3) xử lý kỷ luật lao động (theo Luật Lao động hoặc Pháp lệnh cán bội công chức). Do đó, đề nghị cân nhắc làm rõ “việc xử lý bằng bất cứ biện pháp nào về hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp” được hiểu như thế nào trong trường hợp này.
 
Bên cạnh đó, hướng dẫn về điều kiện được cấp thẻ giám định viên mang tính quy định như dự thảo Thông tư là không phù hợp với tinh thần của Luật Doanh nghiệp về ngành nghề và điều kiện kinh doanh, cụ thể khoản 5 Điều 7 Luật Doanh nghiệp quy định Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”.
 
2. Về các đối tượng không được cấp thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp
 
Hướng dẫn như tại khoản 2.2 Mục 2 dự thảo Thông tư là không phù hợp với Nghị định 105/2006/NĐ-CP, cụ thể như sau:
 
Điểm b khoản 4 Điều 44 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định giám định viên sở hữu trí tuệ có nghĩa vụ từ chối giám định trong trường hợp “người giám định có quyền, lợi ích liên quan đến đối tượng giám định hoặc vụ việc cần giám định hoặc có lý do khác ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận giám định nhưng đồng thời là người đại diện bảo vệ quyền lợi cho một trong các bên liên quan trong vụ việc cần giám định”.  Như vậy, tinh thần của Nghị định là cấm các giám định viên (đã được cấp thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp) có quyền và nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến đối tượng hoặc vụ việc cần giám định tham gia vào việc giám định cụ thể đó. Điều này không có nghĩa là cho phép hướng dẫn các đối tượng không được cấp thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp trên bình diện chung như dự thảo Thông tư đã hướng dẫn. Mặt khác, hướng dẫn về các đối tượng không được cấp thẻ giám định viên (có tính chất quy định) trong văn bản thông tư là không phù hợp vì văn bản thông tư chỉ mang tính hướng dẫn các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn mà không có tính chất quy định.
 
3. Về điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp đối với các tổ chức
 
Việc giải thích “Giấy phép kinh doanh hành nghề giám định theo pháp luật hiện hành” là giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp do Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp theo hướng dẫn tại Mục 3 Dự thảo Thông tư cần được cân làm rõ thêm vì:
 
Một tổ chức cung cấp dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp nếu là một doanh nghiệp thì trước hết doanh nghiệp đó phải có Giấy phép đăng ký kinh doanh với ngành nghề giám định sở hữu công nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Vì dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp là một ngành nghể kinh doanh có điều kiện nên doanh nghiệp phải có giấy phép (hoặc đăng ký, chấp thuận hoặc bằng bất cứ một hình thức nào khác thể hiện việc chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền) đối với hoạt động dịch vụ này. Do đó, dự thảo Thông tư nên hướng dẫn để phân biệt rạch ròi giữa Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giám định (do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp) và Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp (do cơ quan quản lý chuyên ngành về sở hữu trí tuệ cấp) cũng như các giấy tờ có liên quan khác (Giấy đăng ký hoạt động khoa học công nghệ) để đảm bảo minh bạch hơn.
 
4. Về thời gian thâm niên công tác của người được miễn một số môn kiểm tra
 
Đề nghị cân nhắc theo phương án rút ngắn yêu cầu về thâm niên công tác (từ 15 năm xuống 10 năm hoặc ít hơn) theo hướng dẫn tại Mục 4 dự thảo Thông tư để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tromg đó sở hữu công nghiệp là lĩnh vực không có nhiều chuyên gia có thâm niên ở Việt Nam hiện nay, đồng thời cắt giảm các chi phí và thủ tục cần thiết cho cơ quan nhà nước (tổ chức kiểm tra) và cá nhân (tham gia kiểm tra).
 
4. Về thiết kế các thủ tục hành chính liên quan
 
Dự thảo Thông tư có hướng dẫn về thủ tục cấp, cấp lại thẻ giám định viên sở hữu công nghiêp (Mục 8, 11), thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giám định sở hữu công nghiệp (Mục 9), để đảm bảo rõ ràng và tạo thuận lợi cho cá nhân và doanh nghiệp, đề nghị cân nhắc thiết kế các thủ tục hành chính này theo các bước sau đây:
 
Bước 1: hướng dẫn về hồ sơ cần phải nộp để đề nghị cấp Giấy phép hoặc Thẻ giám định viên (lưu ý hồ sơ cần phải nộp đối với tổ chức phải có các giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của tổ chức đó như Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp, quyết định thành lập tổ chức đối với tổ chức khác - hiện nay dự thảo Thông tư tại Mục 9 chưa có hướng dẫn về nội dung này).
 
Bước 2: hướng dẫn về việc tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và có quan nhà nước có thẩm quyền đó có trách nhiệm xác nhận việc nộp hồ sơ của tổ chức, cá nhân thông qua giấy biên nhận.
 
Bước 3: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong một thời hạn hợp lý (3 đến 5 ngày chẳng hạn), trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ cần thông báo cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ biết để bổ sung, sửa đổi hồ sơ.
 
Bước 4: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hay không chấp thuận việc cấp Giấy phép cho tổ chức (hoặc Thẻ cho giám định viên) trong một khoảng thời gian hợp lý kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
 
Đối chiếu với các hướng dẫn tại Thông tư, có thể nhận thấy Thông tư cần chỉnh sửa theo hướng bổ sung một số hướng dẫn để cụ thể hoá hơn nữ Bước 1 và Bước 2 đã nêu ở trên.
 
Trên đây là một số ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư hướng dẫn hành nghề, hoạt động giám định về quyền sở hữu công nghiệp.

Các văn bản liên quan