Góp ý của Bộ Tài chính

Thứ Hai 14:23 06-08-2007


Một số ý kiến tham gia về dự thảo Nghị định
về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
-------------


Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là một công việc không mới có ý nghĩa đối với cả hai phía. Phía Nhà nước, cơ quan nhà nước là chủ thể trợ giúp và phía các doanh nghiệp là các đối tượng được trợ giúp. Dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp mặc dù mới chỉ là những dự thảo đầu tiên song đã thể hiện được nhiều nội dung quan trọng cần được pháp lý hoá. Tôi xin có một số ý kiến tham gia thêm như sau:

Một là, về sự cần thiết phải ban hành Nghị định: Có ba lý do dẫn đến phải ban hành Nghị định này là:

Thứ nhất xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp:

Nhận thức về vai trò, ý nghĩa của Pháp luật của nhiều chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp còn hạn chế. Tình trạng thiếu hiểu biết về pháp luật của doanh nghiệp vẫn còn phổ biến. Nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen sử dụng tư vấn pháp luật để áp dụng, thi hành pháp luật và phòng, chống rủi ro pháp lý trong kinh doanh. Có những doanh nghiệp còn lợi dụng sơ hở của pháp luật và yếu kém trong quản lý nhà nước để thực hiện hoạt động kinh doanh, đầu tư trục lợi, trốn thuế là bất hợp pháp. Bên cạnh các nguyên nhân về ý thức pháp luật, văn hoá pháp lý của nhiều người quản lý doanh nghiệp còn hạn chế. Nguyên nhân đáng quan tâm hơn cả đó là sự hạn chế về điều kiện tiếp cận với thông tin pháp lý và tư vấn pháp luật, hoạt động hỗ trợ của các hiệp hội doanh nghiệp còn nhiều bất cập.

Thứ hai, xuất phát từ trách nhiệm của Nhà nước đối với doanh nghiệp: 

Một trong nhiều trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với nền kinh tế nói chung và đối với doanh nghiệp nói riêng đó là trợ giúp hỗ trợ doanh nghiệp. Thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật, những năm qua hệ thống pháp luật của Nhà nước ta đã từng bước được hoàn thiện. Để đưa pháp luật vào cuộc sống, bên cạnh hoạt động phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật, việc hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp trên các khía cạnh chuyên sâu hơn với các hình thức phong phú, sát thực hơn sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước vừa làm tròn trách nhiệm của mình, vừa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. 

Thứ ba, từ bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc công khai minh bạch về pháp luật được xác định là một yêu cầu hết sức quan trọng. Hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp cũng là một trong nhiều phương thức thực hiện công khai minh bạch giúp doanh nghiệp hiểu biết và nắm vững pháp luật. 

Từ các lý do nêu trên, việc Chính phủ ban hành Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp làm căn cứ cho việc triển khai công tác này là hết sức cần thiết.
2- Về phạm vi các vấn đề mà các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giải đáp: Đồng tình với phương án 1 khi cho rằng phạm vi giải đáp thắc mắc các quy định pháp luật được xác định theo lĩnh vực quản lý nhà nước của từng cơ quan. Cụ thể các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải đáp tất cả các thắc mắc phát sinh có liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của ngành mình hoặc địa phương mình, mà không phân biệt thắc mắc về các quy định pháp luật được quy định ở văn bản nào do ai ban hành. Vì chỉ theo phương án này mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay, hơn nữa đây chính là điều kiện để thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước giữa các Bộ, ngành và uỷ ban nhân dân các cấp.

3- Về trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp:

Theo Đề án “Đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước” trình ra Hội nghị Trung ương 5, trong đó đã đề cập đến việc thay đổi một số vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Theo đó nhất trí với ý kiến thứ nhất cho rằng chỉ quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

4- Về điều kiện cần thiết về tổ chức để bảo đảm thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp:

Tại Tờ trình có đề cập đến việc củng cố kiện toàn tổ chức pháp chế tại các Bộ, ngành để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp. Về nguyên tắc nên sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2004/NĐ-CP ngày 15/8/2004  quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ…cho phù hợp. Tại Nghị định này chỉ nên quy định về nguyên tắc (như đã nêu tại Điều 14 dự thảo). Tuy nhiên, việc tờ trình đề cập đến nội dung này cũng là cần thiết. Mô hình tổ chức hợp lý nhất đề nghị gồm các phòng chính sau: (1) Phòng tổng hợp và tuyên truyền pháp luật; (2) Phòng tư vấn pháp luật và (3) Phòng nghiệp vụ xây dựng pháp luật; thẩm định pháp luật; kiểm tra pháp luật….(Đối với những Bộ mà tính đa ngành, đa lĩnh vực lớn có thể tổ chức nhiều phòng nghiệp vụ)

5- Một số ý kiến tham gia cụ thể về dự thảo Nghị định:

5.1- Tại Điều 1- Phạm vi và đối tượng áp dụng: Đề nghị quy định rõ đối tượng được hỗ trợ pháp lý bao gồm doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở hoạt động kinh doanh tại Việt Nam…

5.2- Tại Chương II đề nghị bố cục theo 03 nội dung chính sau:

(i) Nội dung hỗ trợ pháp lý: Trong đó quy định gồm các nội dung sau: Dự kiến nội dung văn bản QPPL sẽ ban hành; Văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành; Luật pháp quốc tế có liên quan….

(ii) Hình thức hỗ trợ: Bao gồm nội dung các Điều 5; Điều 6 ; Điều 7; Điều 8; Điều 9 của Chương II.

(iii) Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ pháp luật: Đề nghị quy định rõ Bộ, ngành có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp về lĩnh vực do mình quản lý; trách nhiệm phối hợp trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện pháp luật giữa các Bộ, ngành; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh….

5.3- Tại Chương III chủ yếu đưa ra các quy định về xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp. Thực tế cho thấy việc tổ chức thành chương trình thường rất phức tạp về khâu trình duyệt, tổ chức bộ máy và hiệu quả không cao lại lãng phí, tốn kém. Đề nghị không đặt ra thay vào đó làm rõ trách nhiệm các Bộ, ngành trong từng lĩnh vực pháp luật và vai trò điều phối chung của Bộ Tư pháp. Giao thành trách nhiệm cho Bộ trưởng và người đứng đầu tổ chức pháp chế như vậy sẽ hiệu quả hơn.

5.4- Ngoài ra đề nghị bổ sung thêm một nội dung quy định trách nhiệm giữa hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện pháp luật với trách nhiệm trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhằm tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện.

Trên đây là một số ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để cùng suy nghĩ và hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ./.
 
 
                                           
 

Các văn bản liên quan