Có nhiều thúc đẩy song vẫn còn vướng mắc cản đường!

Thứ Ba 23:54 22-05-2007

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư qua thực tiễn:

CÓ NHIỀU THÚC ĐẨY SONG VẪN CÒN VƯỚNG MẮC CẢN ĐƯỜNG

Vũ Duy Thái
Chủ tịch Hiệp hội công thương TP Hà Nội
 
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005 có hiệu lực đến nay đã được 10 tháng. Chính phủ đã ban hành 5 Nghị định, 2 Thông tư và Nghị quyết hướng dẫn. Sắp tới lại có thêm văn bản hướng dẫn bổ sung. Song bên cạnh những tác động tích cực được ghi nhận vẫn còn hơn 30 vấn đề[1], mỗi vấn đề gồm nhiều nội dung hoặc mơ hồ, chồng chéo hoặc không tương thích với văn bản khác gây khó khăn lúng túng cho địa phương và doanh nghiệp trong việc thực thi 2 luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ Công tác thi hành 2 luật đã thừa nhận như vậy; song nếu nhìn từ phía doanh nghiệp và các địa phương thì những vướng mắc còn lớn hơn nhiều. Từ việc đăng ký kinh doanh; đặt tên doanh nghiệp, các quy định về quản trị, chuyển nhượng vốn, chuyển đổi doanh nghiệp, thành lập văn phòng đại diện, hay như vấn đề trách nhiệm của chủ doanh nghiệp như thế nào khi cho thuê doanh nghiệp? Thế nào là trách nhiệm truớc pháp luật với tư cách là chủ sở hữu (Điều 144)?.v.v…

Có cái tưởng như đã thành công như qui trình “3 trong 1” (cấp đăng ký kinh doanh, mã số thuế, cấp phép khắc dấu tuy đã được thống nhất vào 1 cửa với thời hạn 15 ngày là một bước tiến đáng kể). Song năng lực và phương tiện của cơ quan đăng ký kinh doanh còn yếu, nên kết quả của cái cách này chưa được như mong đợi, doanh nghiệp vẫn thấy còn có biện pháp cải tiến thêm, dòng chữ vành ngoài của con dấu cấp cho doanh nghiệp thuộc cấp tỉnh, thành phố quản lý, nhưng lại ghi theo địa phương (quận, huyện) khiến mỗi khi di chuyển từ quận này sang quận khác nếu tuân thủ triệt để doanh nghiệp phải làm thủ tục khắc lại con dấu!
Nên chẳng doanh nghiệp thuộc cấp hành chính nào cấp đăng ký kinh doanh, thì ghi theo cấp hành chính ấy để mỗi lần thay đổi khỏi phải thay lại con dấu.

Có doanh nghiệp từ năm 2000 đến nay đã thay đổi ĐKKD tới 10 lần. Ở Hà Nội mỗi năm có khoảng 9.000 doanh nghiệp đăng ký mới và cũng khoảng chừng ấy doanh nghiệp thay đổi nội dung ĐKKD con số ấy tuy nhỏ đối với 1 đơn vị, nhưng sẽ là lớn và tốn kém nếu tính trên phạm vi cả nước.

Những vấn đề cụ thể kể trên không ít nhưng đã được nhận diện, Tôi xin nêu thêm một số vấn đề không mới song tồn đọng từ ngày có Luật Doanh nghiệp 2000 đến nay, đó là danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tương ứng chưa được giải quyết một cách rốt ráo, vẫn tùy thuộc vào “thiện chí” của các Bộ ngành mặc dầu luật qui định chỉ Thủ tướng Chính phủ mới có quyền ban hành ngành nghề kinh kinh doanh có điều kiện như luật định. Song luật giao cho Thủ tướng, Thủ tướng giao lại cho các Bộ Ngành nên vấn đề chưa được giải quyết thoả đáng. Đến nay lại có thêm những vấn đề mới liên quan đến đầu tư đó là “lĩnh vực đầu tư có điều kiện” và “điều kiện đầu tư đối với những dự án đầu tư trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện” Nhưng những khái niệm này là gì? chưa được hướng dẫn cụ thể khiến nhà đầu tư và địa phương rất khó, thậm chí không thể xác định được cụ thể và nhất quán về Điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng, do đó doanh nghiệp không thể lập được báo cáo giải trình về “điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng”? Làm cho một số dự án được coi là có điều kiện đã không thể triển khai!

Về thủ tục đầu tư, cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về hình thức, nội dung của một số hồ sơ giấy tờ như “Báo cáo năng lực tài chính”, “Báo cáo giải trình những điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng”. Các nhà làm luật “bỏ ngỏ” trách nhiệm và thời gian của các Bộ Ngành liên quan đến các dự án yêu cầu phải có ý kiến thẩm tra? Nên thời hạn lấy ý kiến của các Bộ, ngành trong thực tế dài hơn, vượt xa so với quy định tại Nghị định 108.

Chúng tôi cho rằng: Một khi ngành nghề kinh doanh có điều kiện và lĩnh vực đầu tư có điều kiện chưa được ban hành bởi một cơ quan có thẩm quyền như Luật định, vẫn do các Bộ ngành xây dựng và trình duyệt thì không thể tránh được tình trạng “quản được đến đâu thì mở đến đó” nhất là, lại không có “bộ lọc” khách quan và có thẩm quyền, tức cơ quan nhà nước quản lý giấy phép kinh doanh thanh sát trước khi ký ban hành thì việc đề nghị bãi bỏ 43 giấy phép con dấu có được Chính phủ chấp thuận, thì nó vẫn lại “mọc” ra một cách tự nhiên thôi! 

Không chỉ có 43 giấy phép cần bãi bỏ mà Tổ công tác cần đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc chuyển đổi hình thức quản lý thành điều kiện kinh doanh. Khoảng 200 giấy phép khác,Trước hết, vì muốn cho Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đi vào cuộc sống tốt hơn  nhờ đó nền kinh tế và Doanh nghiệp có cơ may phát triển.

Nhưng một số Bộ Ngành chức năng không chia sẻ với tư duy ấy nên đã viện dẫn ra nhiều lý do để bảo lưu giấy phép hoặc miễn cưỡng phải bổ sung chuyển đổi giấp phép nào đó sang điều kiện kinh doanh thì tìm cách biến tướng hoặc đưa ra những điều kiện quá ngặt nghèo, đặt doanh nghiệp vào tình thế rất khó khăn, diễn biến cuộc giành giật mà có người gọi là “cuộc chiến về giấy phép con” những năm 2001 – 2002 cam go như thế nào đến nay chắc mọi người còn nhớ. Nay để bãi bỏ và chuyển đổi một số giấy phép sang điều kiện kinh doanh không dễ. Không khéo còn ngặt nghèo hơn.

Ví dụ: Cuối năm ngoái UBND thành phố Hà Nội ban hành QĐ 4881 nhằm chấn chỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ, giới thiệu việc làm là cần thiết. Nhưng nội dung điều kiện của nó thì lại vô cùng ngặt nghèo. Một là phải có đủ địa điểm cho hoạt động giới thiệu việc làm ổn định 36 tháng trở lên, Hai là đủ diện tích để bố trí cho các phòng tư vấn giới thiệu cung ứng lao động, thông tin thị trường lao động, có trang bị máy vi tính, máy fax…. và các thiết bị khác phục vụ khách hàng. Ba là, phải có ít nhất 5 nhân viên cao đẳng trở lên chuyên ngành về kinh tế, luật, ngoại ngữ… Bốn là có ít nhất 300 triệu đồng ký quỹ tại ngân hàng để giải quyết rủi ro và đền bù có thể trong quá trình hoạt động trụ sở LĐ - TBXH thành phố sẽ thành lập tổ liên ngành để kiểm tra từ tháng 11/2006  đến 30/1/2007 nếu đơn vị nào có hội đủ 4 điều kiện trên thì mới được cấp lại giấy phép, đơn vị nào không đáp ứng đủ thì phải tạm ngừng.

Ngay lúc đó, chúng tôi (Hiệp Hội Công Thương thành Phố Hà Nội) kiến nghị thành phố triển khai quyết định này, theo lộ trình 2 bước. Tuy không được hồi âm cũng như kết quả công tác kiểm tra liên ngành cũng chưa có báo cáo chính thức. Song một số đơn vị, vì lo ngại phải đóng cửa, đã phải chạy chọt chỗ này, chỗ nọ, người nọ, người kia thì đã xảy ra.
 
Thưa quý vị
Sở dĩ có những khiếm khuyết trên, phần vì quá trình soạn thảo, khép kín hoặc có tham khảo ý kiến chỉ là hình thức tiếp thu hay tiếp thu đến mức nào tuỳ thuộc vào ban soạn thảo không có cơ chế  giải trình, khiến nhiều doanh nghiệp chán nản. Giá như những kiến nghị hợp lí được tiếp thu, dù chỉ là một phần, chắc chắn những vướng mắc khó khăn đã không xảy ra hoặc có cũng không đáng kể.

Gần đây Đảng và Chính phủ đã có chủ trương lấy ý kiến “bên thứ 3” xem việc tham gia ý kiến của lần thứ 3 trong quá trình xây dựng pháp luật là một định chế bắt buộc ở tất cả các khâu từ: Xây dựng, ý tưởng, biên soạn đến triển khai, hơn nữa việc tham gia không chỉ để cho có đủ thành phần mà để thực sự góp trao đổi, nhận xét, đề xuất “nghĩa là phải tranh luận phản biện”, vì lợi ích chung (chứ không phải là cãi vã vô bổ). Muốn vậy tranh luận phải dựa cơ sở chứng lý khách quan, không áp đặt dù dựa trên nguyên lý, nguyên tắc hay quyết định của một ai đó. Có như thế luật pháp mới đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến cuộc sống, ngày càng đa dạng và tiến hoá không ngừng, mới cuốn hút doanh nghiệp và người dân hăng hái tham gia đóng góp nhiều hơn, có trách nhiệm hơn. Điều này rất quan trọng và cần thiết, không chỉ vì những cam kết, khi tham gia WTO mà còn vì nhu cầu dân chủ hoá ở nước ta. Hy vọng diễn đàn tại VCCI phải là nơi có nhiều ý tưởng xây dựng được trao đổi thẳng thắn, và những ý kiến ấy phải được xem là thông điệp được chuyển đến các địa chỉ cần thiết và phải được hồi âm. 

Xin cảm ơn và chúc hội thảo thành công! 
  
Vũ Duy Thái
 
 
 [1]Trong đó: Luật Doanh nghiệp có 19 vấn đề. Luật Đầu tư có 10, và 2 vấn đề không tương thích gồm 1 giữa Luật Doanh Nghiệp với Luật Đầu tư và một giữa Luật Đầu tư với Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Bảo vệ Môi trường.

Các văn bản liên quan