Góp ý một số điều của dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành cam kết của VN to WTO

Thứ Năm 11:49 09-08-2007

BẢN GÓP Ý DỰ THẢO 3 NGHỊ ĐỊNH HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ CAM KẾT CỦA VIỆT NAM VỚI TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THỀ GIỚI

 

      Đối với dự thảo 03 Nghị định hướng dẫn thi hành một số cam kết của Việt nam với tổ chức thương mại thế giới, chúng tôi có những ý kiến đóng góp như sau (những đóng góp này mang ý nghĩa và chỉ có giá trị tham khảo):   

      Về khoản 3 Điều 4 bản Dự thảo 3: Quy định tại khoản 2, Điều này thay thế quy định tương ứng tại Luật Doanh nghiệp năm 2005 và được áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề”

 

Theo tôi Quy định này mặt dù có ý nghĩa thực tiễn nhưng khi xem xét dưới khía cạnh quy trình ban hành văn bản quy phạp pháp luật (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) là không phù hợp, theo khoản 1 Điều 9 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi bổ sung năm 2002: “Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ bằng một văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ thi hành, huỷ bỏ, bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Căn cứ vào quy định này Chính phủ không thể bằng một Nghị định để bãi bỏ, phủ định các quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 do Quốc hội ban hành. Để bãi bỏ các quy định này thì chính Quốc hội phải ban hành một văn bản tương ứng. Nếu quy định này được thông qua sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong hoạt động lập pháp của Việt Nam .

Về quy định này theo chúng tôi là không cần thiết phải xây dựng trong nghị định hướng dẫn thi hành bởi vì, ngoài cách lý giải trên còn có các lý do sau:

Thứ nhất, Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật doanh nghiệp 2005: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với các quy định tạo Luật Doanh nhgiệp thì áp dụng các quy định trong các Điều ước đó”. Như vậy, với quy định này cùng với các quy định tại Đoạn 502 Bản Báo cáo gia nhập WTO đã hội đủ những điều kiện cần và đủ để thực thi những cam kết khi  gia nhập WTO.

Thứ hai , Theo mục 2 của Nghị quyết 71/2006/QH11 quy định: “Áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam được ghi tại Phụ lục đính kèm Nghị quyết này và các cam kết khác của Việt Nam ...” .Ngoài ra, tại mục 3 Quốc hội đã giao cho Chính phủ và các cơ quan hữu quan có trách nhiệm rà soát các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành để phát hiện những mâu thuẫn, xung đột với các cam kết gia nhập WTO của Việt nam trình Quốc Hội, hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa đối, bổ sung, huỷ bỏ, bãi bỏ theo đúng thẩm quyền. Như vậy, việc Chính phủ xây dựng quy định trên trong nghị định này vừa không có ý nghĩa thực tiễn vừa là một sự vi phạm thẩm quyền ban hành pháp luật, nếu không muốn nói là một hành vi vi hiến.  

Ngoài ra, Nghị định đưa ra định hướng giải quyết các vấn đề còn bỏ ngỏ trong việc thực hiện các cam kết về đầu tư trong các ngành dịch vụ khác nhau như:

Đối với những dự án của nhà đầu tư nước ngoài đăng ký thực hiện nhiều mục tiêu khác nhau, nhưng lại thuộc các ngành, phân ngành dịch vụ được cam kết mở cửa với phạm vi và mức độ không giống nhau (Điều 6.2),  hay trong các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành, nghề khác nhau(Điều 8.2.c), hoặc đối với những cam kết khi gia nhập WTO có quy định các điều kiện gia nhập thị trường chặc chẽ hơn các quy định pháp luật hiện hành (Điều 6.3) hay chưa có biện pháp giải quyết xung đột giữa các cam kết thoả thuận tại các điều ước quốc tế khác nhau (Điều 13). Theo chúng tôi những quy định về cách giải quyết những vấn đề này cần thiết phải tuân thủ những quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định ở Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (Điều 56.2).

 

Về khoản 4 Điều 6 Dự thảo có quy định rằng: “ Trường hợp điều kiện đầu tư nêu tại Biểu cam kết về dịch vụ không được quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan thì áp dụng quy định tại Biểu cam kết về dịch vụ”.

Thế nhưng theo quy định tại mục 2 Nghị quyết 71/2006/2006/QH11: “ Áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam được ghi tại Phụ lục đính kèm Nghị quyết này và các cam kết khác của Việt Nam vởi Tổ chức Thương mại thế giới được quy định đủ rõ, chi tiết trong Nghị định thư, các phụ lục đính kèm và Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới”. Theo tôi với quy định tại Nghị quyết nêu trên thì đã đầy đủ cho việc triển khai áp dụng điều kiện đầu tư nêu tại bản cam kết dịch vụ. Vì vậy, nên không nhất thiết phải nêu ra trong Nghị định hướng dẫn thi hành này.

 

 Về các quy định tại  khoản 2 Điều 5, khoản 2 Điều 9, khoản 3 Điều 10, khoản 7 Điều 11, và khoản 3 Điều 12.

Bãi bỏ mọi quy định trái với cam kết của Việt Nam nêu tại các Đoạn 78 và 79 ...  của Báo cáo gia nhập WTO”

Theo chúng tôi với tính chất là một văn bản hướng dẫn thi hành, Chính phủ nên liệt kê tất các quy định nào do mình đã ban hành và hiện tại trái với các quy định tại biểu cam kết gia nhập WTO, bởi vì chỉ có Chính phủ mới có thể và có điều kiện thực hiện công tác rà soát các quy định do mình ban hành  (và đây cũng là nghĩa vụ của Chính Phủ được nêu ra tại mục 3 Nghị quyết 71). Hơn nữa, nếu liệt kê những quy định của Chính phủ trái với các cam kết gia nhập WTO sẽ có sự phân biệt những quy định nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì đương nhiên hết hiệu lực theo quy định tại Nghị định này, còn những quy định nào trái với các cam kết gia nhập WTO nhưng không thuộc thẩm quyền thì trình các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ và sữa đổi bổ sung cho phù hợp. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ mà Quốc hội đã giao cho chính phủ thực hiện trong Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO. Ngoài ra, khi liệt kê ra những quy định không còn phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng mà pháp luật trực tiếp điều chỉnh dễ dàng hơn trong việc áp dụng pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

 

Ths.Ls Trần Quốc Hoài.

Các văn bản liên quan