Ý nghiã, thủ tục đăng ký thế chấp và phát hành trái phiếu của doanh nghiệp

Thứ Năm 11:43 09-08-2007

Hỏi:

1. Câu hỏi của bạn lyly373: Ngân hàng chúng tôi có nhận thế chấp một số tài sản là động sản và bất động sản. Hiện pháp luật có quy định về đăng ký thế chấp, vậy việc đăng ký mang lại giá trị pháp lý (ý nghĩa) gì? Nếu thực hiện đăng ký thì đăng ký ở đâu, trình tự, thủ tục đăng ký được quy định ở văn bản nào?

2. Câu hỏi của bạn Trịnh Vinh Quang (qthn2005): Thủ tục bảo lãnh phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp được quy định tại văn bản pháp luật nào?

Trả lời:

1. Đối với câu hỏi của bạn lyly373

a) Về giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm (trong đó có đăng ký thế chấp tài sản), pháp luật có một số quy định như sau:

Khoản 2 và khoản 3 Điều 323 của Bộ Luật Dân sự quy định:

“2. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm. Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp pháp luật có quy định.

3. Trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký theo quy định của pháp luật thì giao dịch bảo đảm đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký”.

Khoản 1 và khoản 2 Điều 325 của Bộ Luật Dân sự quy định: “Thứ tự ưu tiên thánh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định như sau:

1. Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký;

2. Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà có giao dịch bảo đảm có đăng ký, có giao dịch bảo đảm không đăng ký thì giao dịch bảo đảm có đăng ký được ưu tiên thanh toán”.

Điểm c khoản 1 Điều 10 của Nghị định số 163 quy định: “Việc thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, tàu bay, tàu biển có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp”.

Như vậy, về nguyên tắc chung việc đăng ký giao dịch bảo đảm (trong đó có đăng ký thế chấp) là nhằm xác lập giá trị pháp lý đối với người thứ ba và nhằm xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm. Ngoài giá trị pháp lý này, việc đăng ký thế chấp đối với một số tài sản gồm: quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, tàu bay, tàu biển là điều kiện để việc thế chấp có hiệu lực (hiệu lực đối với các bên tham gia giao dịch bảo đảm).

b) Về thẩm quyền và thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm (trong đó có thể chấp tài sản)

Pháp luật hiện hành có một số phân biệt về thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm đối với những loại tài sản khác nhau, cụ thể như sau:

+ Theo quy định tại Điều 8 của Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm và của pháp luật về đất đai, rừng, nhà ở, pháp luật về hàng không, hàng hải thì thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm như sau:

- Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và chi nhánh (hiện là các Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm của Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp) thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển);

- Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực (thuộc Cục Hàng hải Việt Nam) thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu biển;

- Cục Hàng không Việt Nam thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay;

- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh) nơi có đất, tài sản gắn liền với đất thực hiện đăng ký thế chấp trong trường hợp bên thế chấp là tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài.

- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có đất, tài sản gắn liền với đất hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có đất, tài sản gắn liền với đất đối với nơi chưa thành lập hoặc không thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (sau đây gọi chung là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện) thực hiện đăng ký thế chấp trong trường hợp bên thế chấp là hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.

+ Trình tự, thủ tục đăng ký đối với các giao dịch bảo đảm này được thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật sau:

- Đối với đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển): Thực hiện theo quy định của Thông tư số 06/2006/TT-BTP ngày 28/9/2006 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về thẩm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp và Thông tư số 03/2007/TT-BTP ngày 17/5/2007 của Bộ Tư pháp về sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 06/2006/TT-BTP ngày 28/9/2006 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về thẩm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.

- Đối với đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu biển: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 49/2006/NĐ-CP ngày 18/5/2006 của Chính phủ về đăng ký và mua, bán tàu biển.

- Đối với đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 70/2007/NĐ-CP ngày 20/4/2007 của Chính phủ về đăng ký quốc tịch và đăng ký các quyền đối với tàu bay dân dụng.

- Đối với đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT ngày 16/6/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT/BTP-BTNMT ngày 16/6/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và Thông tư liên tịch số 05/2007/TTLT-BTP-BXD-BTNMT-NHNN ngày 21 tháng 5 năm 2007 của Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp nhà ở.

2. Đối với câu hỏi của bạn Trịnh Vinh Quang (qthn2005): Vấn đề bản hỏi được quy định tại Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Các văn bản liên quan