Góp ý của Phòng đăng ký kinh doanh Hải Phòng

Thứ Hai 14:17 04-06-2007

Ngày 19/4/2007 Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức hội thảo về các nội dung văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, trong văn bản dự thảo lần 1 đã nêu 25 nội dung mang tính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2005. Chúng tôi rất tán thành việc làm này vì đáp ứng được yêu cầu bức xúc hiện nay trong việc thực thi Luật Doanh nghiệp 2005 và đúng với quy định tại điều 172 Luật Doanh nghiệp.

Chúng tôi xin tham gia một số nội dung sau:

A. NHỮNG NỘI DUNG CHƯA ĐƯỢC ĐỀ CẬP TRONG DỰ THẢO LẦN 1

1. Việc góp vốn của doanh nghiệp vào doanh nghiệp khác về số lượng vốn góp có phụ thuộc vào vốn điều lệ của doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh không? Có phụ thuộc vào số vốn và tài sản nào của doanh nghiệp không? Ví dụ: Một doanh nghiệp có vốn điều lệ là 600.000.000 đồng, doanh nghiệp này quyết định góp 30.000.000 đồng vào vốn điều lệ của doanh nghiệp khác. Có vẻ như đây là một sự không hợp lý. Vậy đề nghị có hướng dẫn thêm về các trường hợp nêu trên.

Mặt khác, tại điểm d khoản 2 điều 104 Luật Doanh nghiệp (thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông) có đoạn: “Đối với quyết định về…đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính, tuy nhiên cũng không ghi giới hạn cuối cùng là bao nhiêu. Như vậy cũng cần phải có hướng dẫn nội dung này để việc thực hiện cho đúng với quy định của luật.

2. Việc góp vốn bằng “thương hiệu” trong điều kiện hiện nay đang được nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, sử dụng như là một tài sản để góp vốn vào doanh nghiệp khác. Tuy nhiên chưa thấy có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc này. Đề  nghị có hướng dẫn để thực hiện việc đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp đúng với quy định của pháp luật.

3. Trong điều kiện hiện nay việc thành lập doanh nghiệp và đầu tư có yếu tố nước ngoài “Người nước ngoài; nhà đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Việt kiều” nếu không có hướng dẫn đối với từng trường hợp cụ thể sẽ gây nên vướng mắc trong việc thực hiện, kể cả việc đăng ký kinh doanh, ảnh hướng đến cả chính sách đối với Việt kiều và cả trong trường hợp người nước ngoài góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp của người Việt Nam.

4. Điều 46 Luật doanh nghiệp quy định: “người đại diện theo pháp luật của công ty phải thường trú ở Việt Nam…” theo quy định của pháp lệnh xuất nhập cảnh, người nước ngoài thường trú ở Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam cấp thẻ thường trú. Đối với Việt kiều thì xử lý thế nào theo điều 46 nêu trên?

5. Doanh nghiệp tư nhân có được chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu không? Nếu không được thì giải thích như thế nào.

6. Việc đặt tên cho chi nhánh có cần phải tuân theo quy định tại các điều 31, 32, 33, 34 của Luật Doanh nghiệp không? Nếu không phải tuân theo các điều trên thì tên chi nhánh đặt như thế nào là đúng với quy định Luật doanh nghiệp?

7. Các nội dung về xử lý vi phạm của doanh nghiệp, nhất là liên quan đến xử lý giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kiểm tra nội dung đăng ký kinh doanh; công tác quản lý đăng ký kinh doanh sau khi doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh như báo cáo việc góp vốn…trong Luật Doanh nghiệp đã nêu các quy phạm pháp luật nhưng chưa có quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện, chế tài xử lý, hồ sơ tài liệu làm căn cứ để xử lý giải quyết cũng như tách nhiệm của từng cơ quan (Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan nhà nước khác) theo quy định tại khoản 1 điều 165 Luật Doanh nghiệp. Vì vậy rất lúng túng trong việc triển khai thực hiện, gây phức tạp cho cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước khi phải áp dụng các điều khoản này.

B. VỀ CÁC NỘI DUNG CỦA DỰ THẢO LẦN 1:

8. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thì phải có hồ sơ đăng ký kinh doanh và các điều cụ thể của Luật Doanh nghiệp đã nêu về các loại hồ sơ đang ký kinh doanh đối với từng loại hình doanh nghiệp. Tại khoản 5, Khoản 6 điều 158 Luật Doanh nghiệp có ghi cụm từ: “Hồ sơ giải thể doanh nghiệp”. Tuy nhiên chưa có một điều khoản nào quy định hồ sơ giải thể doanh nghiệp gồm những tài liệu gì? Tài liệu ấy do ai lập và hồ sơ như thế nào là hợp lệ. Hoặc Điều 165 Luật Doanh nghiệp quy định về xử lý vi phạm, nhưng chưa có các quy định về hồ sơ làm căn cứ cho việc xử lý, trình tự xử lý thế nào là đúng với quy định của pháp luật? Và nếu phải có hồ sơ xử lý thì hồ sơ đó đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định của khoản 2 Điều 165 là những tài liệu gì? Do ai lập để bảo đảm việc xử lý không vi phạm vào khoản 1 điều 165? Cũng như trong trường hợp việc xử lý không đúng thì cơ quan nào phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 điều 165 Luật Doanh nghiệp. Thực tế trong suốt thời gian qua gần như không thực hiện được các quy phạm pháp luật này vì không có quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện.

9. Trong Luật Doanh nghiệp cũng như trong dự thảo nêu trên có nói đến việc giải quyết trong trường hợp pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia có quy định khác nhau, có nêu quan điểm giải quyết thực hiện thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp và người đầu tư. Đề nghị cần ghi rõ sau những điều đó cụm từ: “Theo đề nghị của doanh nghiệp” để thể hiện là sự thuận lợi hơn là theo mong muốn của doanh nghiệp chứ không phải của bất cứ cơ quan nào khác.

10. Về chứng chỉ hành nghề trong đăng ký kinh doanh, trên thực tế nhiều loại chứng chỉ hành nghề có ghi thời hiệu. Vì vậy cần bổ sung một cụm từ vào sau cụm từ chứng chỉ hành nghề: “còn giá trị sử dụng” và thêm cụm từ “khi chứng chỉ hành nghề hết giá trị sử dụng, nếu không được cơ quan có thẩm quyền gia hạn, thì ngành nghề đăng ký kinh doanh theo chứng chỉ hành nghề đó không có giá trị; doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh để xóa bỏ ngành nghề đó trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.

11. Tại Khoản 3 Điều 8 Dự thảo nêu trên có quy định: “tổ chức, cá nhân người nước ngoài lần đầu tiên đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Việt nam”. Tuy nhiên trong Luật Doanh nghiệp cũng như Luật đầu tư không có cụm từ nào “đầu tư thành lập doanh nghiệp”. Vì vậy cần xem xét lại cụm từ nêu trên để viết thống nhất với các cụm từ đã nêu ở Luật Doanh nghiệp cũng như Luật Đầu tư để tránh việc hiểu nhầm và áp dụng khác đi. Nếu cụm từ này là một khái niệm khác các khái niệm đã nêu ở Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thì đề nghị phải được hướng dẫn, giải thích cụ thể hơn.

12. Trong khoản 2 điều 12 dự thảo về tên của doanh nghiệp, đã nêu các loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên chưa thấy nêu “Công ty TNHH một thành viên” có phải là một loại hình doanh nghiệp không? Vì trong Luật Doanh nghiệp và Nghị định của chính phủ về đăng ký kinh doanh có các điều khoản cụ thể, kể cả mẫu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về Công ty TNHH một thành viên.

13. Tại khoản 2 điều 13 dự thảo có đoạn: “công ty cổ phần được chuyển đổi…sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập” trong trường hợp này thì việc thực hiện khoản 4 và khoản 15 điều 22 Luật Doanh nghiệp, các quy định về hồ sơ đăng ký kinh doanh, về nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải xử lý thế nào về mục cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông sáng lập cho phù hợp với quy định tại các điều liên quan trong Luật Doanh nghiệp và Nghị định của Chính phủ về đăng ký kinh doanh

14. Các quy định như điều 15 dự thảo rất khó cho công tác quản lý đăng ký kinh doanh và thực hiện việc đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư vì cả cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký kinh doanh đầu tư đều không thể quản lý công tác đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp một cách liên tục, nên rất dễ dẫn đến sai sót, trùng lặp.
 

Các văn bản liên quan