Đánh thuế lãi chứng khoán, tạm “buông” lãi tiết kiệm

Thứ Ba 14:28 12-06-2007

Đánh thuế lãi chứng khoán, tạm "buông" lãi tiết kiệm

Theo dự kiến, từ ngày 15/6 đến 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trước khi đưa ra thảo luận và thông qua dự án này trong kỳ họp sắp tới. Những điểm nêu trong dự luật đang thu hút sự quan tâm của người dân đó là chính sách thuế đối với thu nhập từ lãi tiết kiệm, lãi từ cổ phiếu, chuyển nhượng bất động sản... Lãi từ tiền gửi tiết kiệm và một số trường hợp chuyển nhượng bất động sản: Chưa thu thuế.

Trao đổi với PV, Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung - thành viên ban soạn thảo cho hay: "Qua thảo luận của Quốc hội, có nhiều ý kiến phân vân đến tính khả thi của thuế TNCN đối với lãi tiền gửi tiết kiệm (như việc sợ người gửi có thể chia nhỏ sổ để gửi ở nhiều nơi). Do vậy, trước mắt dự luật sẽ tiếp thu ý kiến này. Đồng thời sẽ đưa ra lấy ý kiến nhân dân trong tháng 6, đầu tháng 7/2007 với quan điểm là tiếp thu ý kiến, có thể chưa thu thuế đối với lãi từ tiền gửi tiết kiệm". Theo lý giải trong tờ trình của Chính phủ, việc thu thuế đối với thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm có thể góp phần kiểm soát thu nhập và thực hiện công bằng, bình đẳng hơn giữa các cá nhân có thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở nước ta, lãi tiền gửi tiết kiệm của cá nhân mang tính tích lũy là chủ yếu. Hơn nữa, tiền gửi tiết kiệm là nguồn cung cấp vốn quan trọng cho sản xuất kinh doanh thông qua kênh huy động vốn là các ngân hàng thương mại nên việc chưa thu thuế vào thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu về vốn phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Đồng thời, cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, việc thu thuế đối với loại thu nhập này như dự thảo là khó khả thi trong điều kiện quản lý của Việt Nam hiện nay.

Trước ý kiến, cần bổ sung khoản thu nhập từ kiều hối vào thu nhập chịu thuế để đảm bảo công bằng đối với người có thu nhập từ nguồn khác, đại diện Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu thu thuế đối với khoản thu nhập này, kiều hối có thể sẽ không được chuyển qua ngân hàng, do đó, sẽ vừa không thu được thuế vừa không quản lý được và ảnh hưởng đến nguồn vốn phát triển kinh tế. Đơn cử: Năm 2006, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam khoảng 4,6 tỷ USD. Để khuyến khích Việt kiều gửi tiền về nước đầu tư, Ủy ban Kinh tế Ngân sách đề nghị khoản thu nhập này vào diện không chịu thuế. Cũng theo quan điểm của Chính phủ, nếu chưa thu thuế lãi từ tiền gửi tiết kiệm, thì cũng chưa nên thu lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ vì khoản thu này cũng tương tự như lãi từ tiền gửi tiết kiệm.

Về việc đánh thuế chuyển nhượng bất động sản, bà Nguyễn Thị Cúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay: Dự thảo Thuế TNCN sẽ không thu thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có 1 nhà duy nhất; thu nhập từ chuyển nhượng, chuyển đổi bất động sản của cá nhân đã có quyền sở hữu, sử dụng trên 5 năm. Dự án luật cũng quy định các thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản và bất động sản thừa kế, quà tặng giữa vợ với chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi với con đẻ, con nuôi; ông bà nội ngoại với cháu nội, cháu ngoại, anh chị em ruột với nhau... sẽ không thuộc diện chịu thuế.

Đánh thuế lãi chứng khoán - Có khả thi

Một nội dung quan trọng trong dự án Luật Thuế TNCN đó là quy định về thuế đối với chuyển nhượng vốn. Dự kiến mức thuế cho thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán là 25%/năm. Tuy nhiên, trong các giao dịch hàng ngày nếu nhà đầu tư thực hiện chuyển nhượng thì Cty chứng khoán sẽ khấu trừ tại nguồn là 0,1%. Cuối năm cơ quan thuế sẽ tính toán ra số tiền cụ thể phải nộp hoặc được hoàn thuế dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư.

"Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế" - Thứ trưởng Trương Chí Trung cho hay. Trước băn khoăn về thực tế hiện nay nhiều Cty chứng khoán còn đang trong tình trạng quá tải, nay nếu dự án quy định về việc khấu trừ thuế đối với đầu tư và chuyển nhượng vốn, liệu có khó khăn trong việc thực thi cũng như tính hiệu quả của quy định? Ông Trung khẳng định: “Một trong những đặc thù của thuế TNCN là khấu trừ tại nguồn và nước nào cũng làm như vậy. Hiện nay chúng ta vẫn đang thực hiện việc khấu trừ tại nguồn như quy định tại Pháp lệnh Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, có chăng khi thực hiện Luật thì đối tượng rộng ra”. Giao dịch cổ phiếu trên thị trường tự do (OTC) đang diễn ra rất phổ biến. Liệu có thể kiểm soát để đảm bảo công bằng trong nộp thuế giữa các nhà đầu tư? Ông Trung cho rằng theo quy định, tới đây tất cả các Cty phải đăng ký là Cty đại chúng và các Cty cổ phần muốn giao dịch cổ phiếu sẽ phải lưu ký chứng khoán, nhà đầu tư muốn giao dịch cũng phải có tài khoản tại một Cty chứng khoán. Như vậy, các giao dịch sẽ được kiểm soát, thu được thuế, đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng.

Những vấn đề dự kiến lấy ý kiến nhân dân gồm:

- Đối tượng nộp thuế: chuyển đối tượng là hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh công thương nghiệp đang thuộc diện điều chỉnh của Luật Thuế TNDN sang Luật Thuế TNCN.
- Đối tượng chịu thuế: thu thuế hay không thu thuế đối với lãi từ tiền gửi tiết kiệm, thu nhập ngẫu nhiên.
- Đối tượng không thuộc diện chịu thuế.
- Giảm trừ gia cảnh: đưa ra 3 phương án giảm trừ gia cảnh áp dụng cho các mức nộp thuế 3 triệu đồng/tháng, 4 triệu đồng/tháng, và 5 triệu đồng/tháng.
- Biểu thuế.
- Thời điểm có hiệu lực của Luật, dự kiến là 1/1/2009


(Theo Tiền Phong)
 

Các văn bản liên quan