Góp ý của ĐBQH Phạm Đức Châu – Quảng Trị

Thứ Sáu 09:39 02-11-2007

Thưa Quốc hội.

Về Luật hóa chất, ngoài sự đồng tình với dự thảo và giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua nhiều ý kiến của các đại biểu đã phát biểu tôi xin phát biểu thêm 3 nội dung sau:

Thứ nhất, về tên gọi của luật. Căn cứ vào phạm vi điều chỉnh của luật được quy định tại Điều 1 của dự thảo luật, tôi thấy trong phạm vi điều chỉnh chủ yếu điều chỉnh các hoạt động về hóa chất, nếu tên gọi của luật là Luật hóa chất, thì hóa chất ở đây được hiểu là những vật thể, vật chất cụ thể, một dạng vật chất, theo tôi nên đổi tên luật là Luật Hoạt động hóa chất để phù hợp với phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 và phù hợp hầu như với tất cả các điều quy định trong luật đều nói về hoạt động hóa chất với tư cách là các hoạt động, cho nên lấy tên luật là Luật Hoạt động hóa chất. Cũng như sau này Luật Hoạt động chữ thập đỏ.
Vấn đề thứ hai, tôi mạnh dạn tham gia đó là cấu trúc của luật. Cũng căn cứ vào phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 thì từ "được quy định" trong Điều 1, trong kỹ thuật xây dựng luật pháp theo tôi cũng nên căn cứ vào lôgích trình tự theo các nội dung được quy định trong phạm vi điều chỉnh. Vì vậy sau Chương I là Chương Quy định chung như mọi  luật khác thì chúng ta đi ngay vào Chương II là Phát triển công nghiệp hóa chất. Theo tôi quy định như vậy là không phù hợp, mà Chương II phải đi vào luôn nội dung là sản xuất, kinh doanh hóa chất. Còn nội dung được quy định trong Chương II ở Dự thảo luật là Phát triển công nghiệp hóa chất nên đưa vào trong nội dung của Chương IX - Trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động hóa chất. Bởi vì thực chất của công việc quy hoạch và phát triển công nghiệp hóa chất là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, cũng là một nội dung của việc quản lý Nhà nước về hoạt động hóa chất, nên đưa vào Chương IX.

Mặc dù trong giải trình có nêu, tuy nhiên tôi thấy cái này cũng cần có ý kiến thêm. Đó là tôi còn phân vân trong các chương: Chương IV về phân loại ghi nhãn, bao gói và phiếu an toàn hóa chất, Chương VI về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và Chương VIII về bảo vệ môi trường an toàn cho cộng đồng. Ba chương này thực chất nội dung của nó là thuộc về an toàn trong hoạt động hóa chất, nên chăng chúng ta ghép ba chương này làm một và trở thành một chương chung gọi là chương an toàn trong hoạt động hóa chất.

Mặc dù trong giải trình có nói, nhưng ý kiến cá nhân tôi xin được đề nghị như vậy.

Với cách suy diễn đó và với cách lập luận như vậy, theo tôi bố cục của luật này chỉ nên gồm có 7 chương, bao gồm các chương như sau:

Chương I - Những quy định chung.

Chương II - Sản xuất, kinh doanh hóa chất.

Chương III - Sử dụng hóa chất.

Chương IV - Cung cấp thông tin hóa chất.

Chương V: An toàn trong hoạt động hóa chất.

Chương VI: Trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động hóa chất.

Chương VII: Điều khoản thi hành.

Như vậy cảm thấy nó gọn hơn, đó là ý kiến cá nhân xin mạnh dạn đề xuất về cấu trúc của luật.

Nội dung thứ ba, xin tham gia một số vấn đề cụ thể. Về một số vấn đề cụ thể có hai nội dung sau đây :

Nội dung thứ nhất, đề nghị Ban soạn thảo cần xem lại sử dụng thống nhất các khái niệm đã được giải thích ở Điều 4. Ý tôi muốn nói những khái niệm được đưa vào Điều 4 thì nên sử dụng thống nhất trong luật để tránh thống kê còn thiếu hoặc sử dụng không thống nhất. Ví dụ, khái niệm hoạt động hoá chất đã được nêu tại Điều 4 rất đầy đủ, nhưng trong các điều như Điều 7 ở Khoản 1 và Khoản 5 có hai quy định. Khoản 1 ghi: các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hoá chất. Khoản 1 ghi: sản xuất, kinh doanh cất giữ, sử dụng hoá chất nguy hiểm. Nếu chỗ này chúng ta thay bằng khái niệm hoạt động hoá chất nguy hiểm trái quy định của luật này và pháp luật có liên quan thì nó sẽ gọn hơn và đỡ trùng với Khoản 5. Trong Khoản 5 chúng ta ghi bán, cho, tặng, cất giữ, sử dụng hoá chất độc trái quy định của luật này. Nếu ghép Khoản 1 và Khoản 5 lại được thì chúng ta có thể làm thành một khoản. Khoản 1 nên ghi là: Hoạt động hoá chất nguy hiểm và hoặc bán, cho, tặng hoá chất độc, hoá chất nguy hiểm trái quy định của luật và pháp luật có liên quan thì trở thành một loại hành vi bị cấm chung trong một khoản, nó vừa thống nhất, vừa gọn hơn.

Ví dụ Điều 19 khi quy định về hoá chất thuộc danh mục bị cấm. Khoản 2 cũng ghi: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh v.v... Nếu ghi gọn lại là tổ chức, cá nhân hoạt động hoá chất thì bao hàm đủ.

Tương tự như vậy ở Điều 25 xử lý, thải bỏ hoá chất độc hại tồn dư cũng ghi: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh v.v... cũng không đầy đủ, cho nên cũng ghi lại là "tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất" thì bao hàm được hết theo khái niệm. Cũng tương tự như vậy tại Điểm b, Khoản 1, Điều 12 khi quy định về trang thiết bị an toàn phòng chống cháy nổ, phòng chống sét, nếu chỉ phòng chống cháy nổ không thôi thì chưa đủ, mà nên sửa lại theo đúng khái niệm ở Điều 4, đó là phòng chống các sự cố  hóa chất là đủ và phòng chống sét. Như vậy thì nó sử dụng được các khái niệm mà nó bao hàm được đầy đủ hơn, đồng thời cũng liên quan đến các khái niệm này sử dụng trong luật, tôi nhất trí với ý kiến của một đại biểu đầu tiên đã nêu. Đó là có một số điều luật như các điều 14, 15, 19 đưa các khái niệm vào trong đầu các điều này là không phù hợp với  lô gic của luật, nên đưa các điều giải thích của luật vào Điều 4, giải thích từ ngữ.

Nội dung thứ ba, trong luật còn có một số quy định  thừa và chưa phù hợp. Nó thừa bởi vì có thể luật khác đã quy định, cũng có thể là không cần thiết, bởi vì nó không phù hợp. Ví dụ như ở Điều 10, Khoản 4 về việc lấy ý kiến nhân dân về biện pháp bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh hóa chất. Chỗ này lấy ý kiến nhân dân là một hoạt động cần thiết, công việc cần thiết của các cơ quan nhà nước khi thực hiện các dự án. Tuy nhiên đối với dự án về hoạt động hóa chất, thực hiện kinh doanh hóa chất mà lấy ý kiến nhân dân thì chắc chắn rất  khó được nhân dân đồng tình, tính khả thi không cao. Về mặt chuyên môn mà nói thì nhân dân không đủ khả năng để nhận xét về mức độ độc hại v.v... khi thực hiện dự án này. Cho nên, qui định này theo tôi là rất khó thực hiện trong thực tiễn.

Điều 18, Khoản 3, Điểm c khi quy định về  thu hồi giấy phép trong các trường hợp vi phạm thì có một điều  ở Điểm c quy định là đối với trường hợp thu hồi trong trường hợp  không đáp ứng nổi các điều kiện  của việc cấp phép, chỗ này cá nhân tôi không hiểu được. Nếu không đủ điều kiện cấp phép thì không được cấp phép, chứ không phải không có đủ điều kiện cấp phép là bị thu hồi giấy phép. Tôi cho quy định như vậy là không phù hợp.

Điều 26 trong quy định về quảng cáo hoá chất, Khoản 1 quy định: quảng cáo hoá chất phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo, quy định như vậy là thừa, bởi bất cứ quảng cáo nào cũng đều tuân thủ về pháp luật quảng cáo. Cho nên Điều 26 chỉ nên giữ lại Khoản 2 còn Khoản 1 không nên quy định, vì bất cứ một quảng cáo nào cũng đều phải tuân thủ như vậy. Xin có ý như vậy, xin cảm ơn Quốc hội, xin hết.

Các văn bản liên quan