Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Hoá chất

Thứ Tư 22:37 09-05-2007
Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân - Tỉnh An Giang
Kính thưa Quốc hội.

Tôi chia sẻ rất nhiều ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban khoa học công nghệ và môi trường. Tôi cũng công nhận Ban soạn thảo đã có rất nhiều cố gắng trong biên soạn luật này. Ở phần phát biểu ý kiến lần thứ nhất và đối với tôi sẽ là lần cuối cùng đối với luật này, tôi xin phát biểu mấy điểm chung như sau:

Thứ nhất, về tên gọi và phạm vi điều chỉnh.
Thứ hai, về chính sách.
Thứ ba, một số nội dung cụ thể khác.

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, nhận xét đầu tiên của tôi là Luật hoá chất viết như thế này thì quá chung và khó mà điều chỉnh được một cách cụ thể để có thể chúng ta đi vào hướng sẽ được áp dụng ngay, không cần phải nhiều hướng dẫn của nghị định của Chính phủ và thông tư của các Bộ.

Về tên gọi, tôi nghiêng về hai phương án, một là Luật Hoá chất công nghiệp. Hai là Luật sản xuất kinh doanh hoá chất. Bởi vì nếu mà nói như vậy thì chúng ta sẽ hạn chế lại phạm vi của nó, nó kỹ hơn, hẹp hơn nhưng đồng thời cho phép chúng ta đi sâu hơn vào lĩnh vực hoạt động của luật với tên gọi như vậy.

Bây giờ đối với hoá chất có 2 phương án các đồng chí Ban Soạn thảo khi trong tài liệu để tiếp thu thì các đồng chí nói luật này không điều chỉnh các nhóm hoá chất sau. Trong dự thảo khi định nghĩa về hoá chất lại không loại trừ một số hoá chất như đã nói trong định nghĩa. Theo tôi nghĩ cách nói như vậy, theo các đại biểu Quốc hội phát biểu trước tôi rất khó hiểu, tại sao thuốc bảo vệ thực vật lại loại ra khỏi chỗ này. Vì vậy tôi đề nghị nên viết lại như thế này là ngay trong phạm vi điều chỉnh khi mình nói như thế này rồi thì mình nói các chất ma tuý v.v... ma tuý và các chất hướng thần phóng xạ, vật liệu hạt nhân, chất thải và các chất khác được điều chỉnh bằng những luật khác, luật và pháp lệnh khác tương ứng. Có nghĩa là nếu trong những luật đó có những nội dung, nếu trong luạt này có những nội dung liên quan đến hoá chất đó, trong những điều luật và pháp lệnh kia chưa đề cập tới thì chúng ta vẫn có thể đề cập được trong luật này. Cách viết như thế nó mềm hơn và nó cho phép chúng ta không trùng lắp lên các luật khác và đồng thời vẫn có thể quy định bổ sung những điều mà luật khác không nói, đặc biệt là trong vấn đề thuốc bảo vệ thực vật.

Ý kiến thứ hai của chúng tôi về chính sách. Viết về chính sách như trong dự thảo luật như thế này thì tôi cho là ở Điều 6 thì như Báo cáo thẩm tra là chưa đề cập đến một quan điểm quan trọng là chúng ta không sản xuất vũ khí hóa học v.v. Thành ra có 2 phương án: một là theo phương án hiện nay là không đề cập gì cả; hai là chúng ta nói một cách chung chung như vậy, thì theo tôi có một phương án nữa là chúng ta đề cập bổ sung trong chính sách và nói rằng chúng ta không chủ trường sản xuất vũ khí hóa học và vũ khí giết người hàng loạt. Đồng thời trong ký kết và trong đàm phán các điều ước quốc tế thì chúng ta phấn đấu để có được những văn bản mà không có phát triển vũ khí hóa học và hơn thế nữa còn bị ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sinh thái bằng những hóa chất.

Tôi nghĩ như vậy là chúng ta chẳng những không sản xuất mà chúng ta còn phấn đấu cho một thế giới trong đó không sản xuất vũ khí hoá học, không dùng hóa chất làm ảnh hưởng lâu dài tới môi trường.

Chúng ta thể hiện chính sách chúng ta bằng khuyến khích một số vấn đề sau đây. Trước nhất là chúng ta khuyến khích sản xuất và sử dụng phân hữu cơ để thay thế cho phân vô cơ.

Chúng ta khuyến khích trong sản xuất nông nghiệp bằng cách sử dụng các biện pháp IPM là phương pháp quản lý tổng hợp, phòng ngừa sâu bệnh để chúng ta hạn chế sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, chúng ta nói rõ trong chính sách của chúng ta như vậy.

Chúng ta khuyến khích sản xuất và sử dụng những sản phẩm phân huỷ được khi có thể thay thế được những sản phẩm không phân huỷ được. Tôi muốn nói đến vấn đề những bao người nilon, hiện nay có những bao nilon và những bao giấy người ta thay bằng những hoá chất có thể phân huỷ được, những sản phẩm có thể phân huỷ được với thời gian. Như vậy, chúng ta thể hiện vấn đề bảo vệ môi trường chúng ta trong sản xuất công nghiệp chúng ta bằng cách chúng ta sản xuất ra những sản phẩm phân huỷ được có thể làm được để thay thế những sản phẩm không phân huỷ được.

Vấn đề thứ ba là đất nước chúng ta là đất nước rất giàu tài nguyên thực vật và trong tài nguyên thực vật thì có những chất có thể tiến hành làm hợp chất thiên nhiên, đặc biệt trong hóa dược trong, dược phẩm. Vì vậy, tôi đề nghị chúng ta phải thể hiện chính sách của Nhà nước chúng ta bằng cách khuyến khích sử dụng các tài nguyên thực vật của chúng ta để làm các hợp chất thiên nhiên trong sản xuất công nghiệp về hóa chất.

Sang vấn đề thứ tư là trong dự thảo Luật nói rất nhiều từ quy hoạch cho tới sản xuất đóng gói bao bì, nhưng còn thiếu một công đoạn là chúng ta xử lý rác từ sản xuất công nghiệp hóa chất của chúng ta như thế nào. Các đồng chí biết là bây giờ ở nông thôn chúng ta, đây cũng là tình trạng chung cho những nước đang phát triển, đi tới đâu chúng ta cũng thấy bao ni lông bay tùm lum và những bao này có những thứ phân hủy được trong một thời gian, có những thứ không phân hủy được. Nói tới môi trường tôi cho đây là vấn đề cần phải xử lý trước nhất, vì vậy tôi đề nghị chúng ta nên có một số điều nói về vấn đề xử lý rác, các sản phẩm sau khi sử dụng và chính sách của chúng ta là khuyến khích vấn đề tái chế lại hoặc tái sản xuất lại từ những cái chúng ta gọi là phế liệu, phế phẩm. Nhưng thực sự đó là đầu vào của sản xuất công nghiệp của chúng ta. Tôi đề nghị chúng ta nên có một điều chúng ta khuyến khích chính sách tái sử dụng hoặc tái chế.

Thứ hai, có thể đã được quy định trong những luật khác, trong pháp lệnh khác, nhưng tôi đề nghị cần xem xét lại, nếu chưa thì chúng ta cần quy định cấm nhập các chất thải, các rác công nghiệp độc hại. Vừa rồi chúng ta đã nói rất nhiều nhưng vẫn còn tình trạng là chúng ta nhập những Contenơr  rác trong đó đủ thứ hết, kể cả những chất thải rất độc hại. Vì vậy tôi đề nghị trong luật này cần khẳng định chúng ta cấm chuyện này một cách mạnh mẽ.

Cuối cùng, vấn đề quản lý Nhà nước. Trong hội nhập kinh tế thế giới các nước càng ngày họ càng áp dụng rào cản kỹ thuật để thay cho rào cản về thuế quan mà họ gọi là hàng rào phi thuế quan, rào cản phi thuế quan. Ở chỗ này nó có 2 mặt: Một là như đồng chí Nguyễn Đình Lộc có nói, những nước giàu họ đã đi qua giai đoạn này rồi cho nên họ cấm những cái mà trước đây họ làm, vì vậy đó là một gánh nặng cho đầu tư, cho sản xuất của những nước đang phát triển. Nhưng tôi nghĩ ngược lại nó cũng có một điều lợi là nếu chúng ta phấn đấu để làm được điều đó thì nó sẽ tốt cho người dân chúng ta, người sử dụng của chúng ta và chúng ta vượt qua được hàng rào kỹ thuật. Vì vậy, vấn đề này là vấn đề quản lý Nhà nước, nói quản lý Nhà nước là nói vấn đề tiêu chuẩn, tiêu chuẩn chẳng hạn như Nitrofurans hoặc chloramphenicol trong thuỷ sản. Tôi rất tiếc chị Hồng Minh không có mặt sáng nay ở đây, tôi nghĩ chị Hồng Minh cũng đồng ý với tôi là chúng ta phải có những tiêu chuẩn phấn đấu để đạt được những tiêu chuẩn mà những hàng rào kỹ thuật của các nước đã đặt ra cho chúng ta, vì sự nghiệp hội nhập và tự do hoá thương mại của chúng ta và làm sao trong nhà sản xuất, các nhà doanh nghiệp của chúng ta phải phấn đấu để đạt được những tiêu chuẩn này, vì tự do hoá thương mại và cũng là vì nền sản xuất của chúng ta, vì sức khoẻ và môi trường của chúng ta.

Cuối cùng, tôi nghĩ chúng ta cũng nên có điều để thể hiện chính sách của chúng ta trong vấn đề chống vũ khí hoá học và dùng những hoá chất ảnh hưởng lâu dài tới môi trường. Tôi đề nghị có thể nên có một điều về hợp tác quốc tế như đồng chí Vũ Tuyên Hoàng đã đề nghị.

Các văn bản liên quan