TỔNG HỢP Ý KIẾN ĐÓNG GÓP CỦA DOANH NGHIỆP CHO DỰ THẢO THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH 24/2007/NĐ-CP VỀ THUẾ TNDN

Thứ Hai 15:37 19-03-2007

Thực hiện  Chương  trình xây dựng và phổ biến pháp luật do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì, căn cứ vào công văn số số 2437/BTC-TCT, ngày 13/02/2007 của Bộ Tài chính và công văn số 0526/PTM-PC, ngày 28/02/2007 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Ngày 12/03/2007, tại thành phố Đà Nẵng Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng ( VCCI-ĐN) tổ chức hội nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thị hành Nghị định 24/2007/NĐ-CP về thuế thu nhập doanh nghiệp, với hơn 62 đại biểu tham dự.

Thành phầm tham dự hội nghị gồm:
-         Đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
-         Đại diện các cơ quan nghiên cứu, trường đại học…
-         Đại diện VCCI-Đà Nẵng
-         Đại diện Cục thuế thành phố Đà Nẵng 

Sau đây là tổng hợp ý kiến các đại biểu tham dự hội nghị :

I/ Tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị:

Đa số các địa biểu đồng ý với dự thảo Thông tư, nhìn chung dự thảo Thông tư được xây dựng phù hợp với thực tiển SX-KD của doanh nghiệp, phù hợp với các nguồn luật, văn bản khác của Nhà nước ban hành trước đó và phù hợp với nguyên tắc của WTO mà Việt Nam chúng ta mới là thành viên chính thức…Bên cạnh đó, các đại biểu kiến nghị nên bổ sung, sửa đổi một số điểm như sau:

- Tại điểm a1, khoản III mục B: Doanh nghiệp đề nghị nên bổ sung tài sản cố định là các công trình thể thao…vào nhóm tài sản phục vụ cho người lao động ( tại điểm a1), được tính chi phí khấu hao và xem đây cũng là một trong các khoản chi phí hợp lý được trừ để tính thu nhập chịu thuế. Bởi vì, xét về mục đích các công trình vui chơi giải trí, thể thao cũng như các công trình phục vụ cho người lao động như nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn…đều trực tiếp phục vụ cho sinh hoạt, sức khoẻ cho người lao động, nghĩa là trực tiếp phục vụ sản xuất.

-  Nên cho phép tính 5% giá trị đối với các công trình xây dựng gọi là chi phí dự phòng cho quyết toán, kiểm toán vào chi phi hợp lý để trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, vì thực tế khi quyết toán, kiểm toán giá trị công trình thường bị cắt giảm so với đề nghị của nhà thầu.

-  Tại điểm 1, khoản II, mục B quy định đối với trường hợp cơ sở kinh doanh phản ảnh doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ không đúng với gía thực tế bán ra , theo doanh nghiệp thì việc xác định giá thực tế bán ra là rất khó, giá bán hàng hoá thì luôn biến động, và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chất lượng, thương hiệu…do vây dự thảo Thông tư chỉ nêu chung chung “ giá thực tế bán ra” và  “ tham khảo giá tại thời điểm của hàng hoá, dịch vụ trên thị trường” thì rất khó cho cả cơ quan quản lý, cũng như doanh nghiệp trong thực thi và điều này tạo điều kiện các hành vi gây sách nhiễu, khó dễ cho doanh nghiệp. Mặt khác, trong thực tế kinh doanh nhiều khi doanh nghiệp phải bán hạ giá hàng hoá không phải vì động cơ trốn thuế, hay bán phá giá…mà là do gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nên để thu hồi vốn, để tái đầu tư doanh nghiệp phải bán hạ giá hàng hoá, dịch vụ…Doanh nghiệp đề nghị nhà nước nên để doanh nghiệp linh hoạt trong việc xác định giá bán thì sẽ phù hợp với cơ chế thị trường và chỉ có chế tài đối với doanh nghiệp khi có dấu hiệu vị phạm pháp luật về cạnh tranh…

- Tại khoản III mục B:  Quy định “ Các khoản chi phí hợp lý được trừ để  tính thu nhập chịu thuế là các khoản chi phí có đầy đủ hoá đơn…, thanh toán qua ngân hàng “. Theo các doanh nghiệp việc Nhà nước khuyến khích việc thanh toán quan ngân hàng ( không dùng tiền mặt) là chủ trương đúng, nhưng trong điều kiện nước ta: hạ tầng phục vụ cho việc thanh toán không dùng tiền mặt chưa hoàn chỉnh, thủ tục, thời gian thanh toán còn chậm…mặt khác, thói quen dùng tiền mặt hiện đang ăn sâu vào cuộc sống…nên việc quy định điều kiện phải thanh toán qua ngân hàng nếu không cân nhắc kỹ sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Nhà nước chưa nên có những biện pháp bắt buộc thanh toán qua ngân hàng mà chỉ sử dụng các biện pháp khuyến khích mà thôi hoặc nếu phải bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng thì nên bắt buộc đối với những khoản thanh toán có giá trị lớn trên 1 tỷ đồng.

- Có doanh nghiệp đề nghị do đặc thù của ngành xây dựng, Bộ Tài Chính nên có thông tư hướng dẫn cho riêng ngành xây dựng. Đôí với ngành xây dựng thì doanh thu để tính thuế thu nhập chịu thuế xác định khi doanh nghiệp xuất hoá đơn và khi thực hiện thanh lý hợp đồng vì thực tế khi nhà thầu đề nghị chủ đầu tư thanh toán giá trị công trình thì khi kiểm toán, quyết toán thì khi giá trị công trình thường bị cắt giảm so với đề nghị của nhà thầu.

- Riêng quy định phải có hợp đồng lao động đối người lao động thì rất khó thực hiện trong ngành xây dựng, vì do đặc thù một số luợng không nhỏ lao động trong ngành xây dựng là lao động giản đơn, “ lao động tự do” thời gian làm việc không ổn định…và người lao động thường không muốn ràng buộc bằng hợp đồng nên rất khó thực thi.

- Nên xem chi phí cho  hoạt động từ thiện là chi phí hợp lý để tính thuế thu nhập vì hoạt động tự thiện gần như hoạt động không thể thiếu của bất cứ doanh nghiệp nào và nếu được xem là chi phí thì sẽ khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hoạt động từ thiện, hoạt động mà xã hội ta đang khuyến khích…

- Không nên áp đặt một định mức về đơn giá “cứng” về tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu cho ngành xây dựng theo đơn giá nhà nước đưa ra, vì trong thực tiển mức tiêu hoa nguyên, nhiên vật liệu còn phụ thuộc vào trình độ người quản lý, chất lượng nguyên vật liệu địa điểm từ nơi cung cấp đến chân công trình…Đề nghị nên xem đơn giá tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu do nhà nước ban hành chỉ có tính chất tham khảo và chấp thuận mức tiêu hao nguyên, nhiên  vật liệu tại doanh nghiệp có biên độ  ± 10% so với đơn giá mà nhà nước đưa ra.

- Việc quy định cơ sở kinh doanh hằng năm phải đăng ký với cơ quan thuế về tổng quỹ lương phải trả trong năm là chưa phù hợp với thực tiển vì  tiền công, tiền lương của doanh nghiệp phụ thuộc vào kết quả kinh doanh, nên rất khó xác định kết quả kinh doanh cũng như quỹ lương ngay từ đầu năm, hơn nữa việc đăng ký với cơ quan thuế về tổng quỹ lương phải trả trong năm sẽ làm hạn chế quyền tự chủ, linh hoạt của doanh nghiệp trong sử dụng công cụ đòn bẫy này. Hơn nữa, trong trường hợp nếu người lao động được trả lương cao thì họ đã đống thuế thu nhập rồi.

- Về Quy định về chi phí bảo hộ lao động, trang phục để tính thuế thu nhập doanh nghiệp: nên làm rõ cụm từ ”số người lao động đang làm việc” thời điểm xác định? cách tính như thế nào? không nên quy định định mức “không quá 500.000 đồng/ người/ năm” vì không phù hợp với thời giá thị trường và đặc thù từng ngành phải chi bảo hộ lao động cao hơn 500.000 đồng/ người/ năm. Nhà nước nên để doanh nghiệp tự chủ và khuyến khích họ có chế độ bảo hộ lao động tốt hơn để bảo vệ cho người lao động.

- Có ý kiến cho rằng để thuận lợi cho doanh nghiệp thực thi Thông tư chỉ nên nêu mục những chi phí được coi là không hợp lý, không cần nêu danh mục các chi phí hợp lý, như vậy khi thực hiện, chi phí của doanh nghiệp được coi là hợp lệ khi chi phí đó không nằm ở mục chi phí không hợp lý được nêu trong Thông tư.

- Không nên đưa các khoản thưởng bằng tiền hoặc bằng hiện vật vào các khoản không được tính vào chi phí hợp lý. Thực tế doanh nghiệp có cơ chế trả lương linh hoạt: lương cơ bản, lương thưởng…

- Về thuế suất thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất chi nên áp dụng thuế suất phổ thông ( 28%).

- Có ý kiến đề nghị, trong giai đoạn này  nhà nước chưa nên đánh thuế thu nhập vào tiền gởi tiết kiệm vì làm điều nay sẽ có tác động không tốt đến việc huy động vốn nhàng rỗi trong dân để phát triển kinh tế và khi đấy người dân sẽ mua vàng, đá quý…để cất trữ chứ không gởi tiền vào ngân hàng. Mặt khác nếu đánh thuế vào tiền gởi tiết kiệm thì vô hình chung nhà nước đánh thuế 2 lần ( vì đã đánh thuế TN với những người có thu nhập cao).

- Về đánh thuế cho hoạt động kinh doanh chứng khoán: có ý kiến cho ràng việc đánh thuế là cần thiết nhưng trong điều kiện thị trường chứng khoán nước ta còn non trẻ, nên tạm thời chưa đánh thuế thu nhập đối với hoạt động này  để khuyến khích thị trường phát triển.
 
II/ Tổng hợp trả lời bảng câu hỏi của doanh nghiệp ( xin đính kèm bản câu hỏi) :
- Câu 1: có 92% đại biểu đồng ý , 5% chưa đồng ý và 3 % có ý kiến khác
- Câu 2: có 55% đại biểu đồng ý, 42% chưa đồng ý và 3%  có ý kiến khác
- Câu 3: có 90% đại biểu đồng ý , 10% chưa đồng ý và 0 % có ý kiến khác
- Câu 4: có 77% đại biểu đồng ý, 20% chưa đồng ý và 3%  có ý kiến khác
- Câu 5: có 70% đại biểu đồng ý, 20% chưa đồng ý và 10% có ý kiến khác
- Câu 6: có 97% đại biểu đồng ý, 3% chưa đồng ý và 0 %  có ý kiến khác
- Câu 7: có 89% đại biểu đồng ý , 8% chưa đồng ý và 3 % có ý kiến khác
- Câu 8: có 97% đại biểu đồng ý, 3% chưa đồng ý và 0 %  có ý kiến khác
- Câu 9: có 92% đại biểu đồng ý , 8% chưa đồng ý và 0 % có ý kiến khác
- Câu 10: có 76% đại biểu đồng ý,16% chưa đồng ý và 8%  có ý kiến khác
- Câu 11: có 100% đại biểu đồng ý, 0% chưa đồng ý và 0 % có ý kiến khác
- Câu 12: có 100% đại biểu đồng ý,0% chưa đồng ý và 0%  có ý kiến khác
- Câu 13: có 92% đại biểu đồng ý , 5% chưa đồng ý và 3 % có ý kiến khác
- Câu 14: có 100% đại biểu đồng ý,0% chưa đồng ý và 0%  có ý kiến khác
- Câu 15: có 94% đại biểu đồng ý , 3% chưa đồng ý và 3 % có ý kiến khác
- Câu 16: có 94% đại biểu đồng ý, 6% chưa đồng ý và 0%  có ý kiến khác
- Câu 17: có 97% đại biểu đồng ý , 3% chưa đồng ý và 0 % có ý kiến khác
- Câu 18: có 57% đại biểu đồng ý thông qua,3% chưa đồng ý và 40%  không có ý kiến

Trên đây là tổng hợp ý kiến góp ý của doanh nghiệp cho dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghi định 24/2007/NĐ-CP về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các văn bản liên quan