Bản góp ý của VCCI

Thứ Sáu 17:05 12-01-2007

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được công văn số 1403/UBKHCNMT11 ngày 04 tháng 12 năm 2006 đề nghị góp ý Dự thảo Nghị Pháp lệnh Công nghệ cao (Dự thảo). Sau khi nghiên cứu Dự thảo, tham khảo ý kiến của doanh nghiệp, ý kiến chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổng hợp ý kiến như sau:

I.                   NHẬN XÉT CHUNG

Việc ban hành Pháp lệnh về Công nghệ cao là cần thiết trong việc tạo lập hành lang pháp lý để thúc đẩy việc phát triển công nghệ cao, tạo những bước phát triển mới cho nền kinh tế - xã hội. Dự thảo Pháp lệnh đã quy định khá đầy đủ về hoạt động công nghệ cao, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, các nhân tham gia hoạt động công nghệ cao, các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động công nghệ cao.

II.                MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ

1.                  Phần về những quy định chung

1.1             Định nghĩa công nghệ cao (Khoản 1 Điều 3)

Đề nghị sửa đoạn cuối như sau: “… có khả năng hình thành các ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có...”.

1.2             Định nghĩa Doanh nghiệp công nghệ cao (Khoản 4 Điều 3)

Khoản 4 Điều 3 của Dự thảo quy định “Doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp có năng lực nghiên cứu – phát triển để sản xuất sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao”. Định nghĩa như vậy trong Dự thảo chưa bao hàm hết các hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp công nghệ cao có thể là doanh nghiệp chuyên nghiên cứu - phát triển công nghệ cao, có thể là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao và cũng có thế chỉ cung ứng dịch vụ công nghệ cao hoặc có thể thực hiện toàn bộ hoạt động trên. Do đó đề nghị sửa định nghĩa này như sau “Doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp có năng lực nghiên cứu - phát triển công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao hoặc cung ứng dịch vụ công nghệ cao.”

1.3             Xây dựng tác phong làm việc và văn hoá công nghiệp (Điều 8, 9 Dự thảo)

Tác phong làm việc công nghiệp và xây dựng văn hoá công nghiệp là điều kiện và là kết quả tất yếu của môi trường làm việc hiện đại theo cơ chế thị trường. Văn hoá công nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp mang tính tổ chức kỹ thuật hơn là tính pháp lý. Các tiêu chuẩn để xác định về văn hoá và tác phong làm việc công nghiệp là khác nhau đối với các loại hình doanh nghiệp tổ chức công nghệ cao khác nhau, từ cơ sở nghiên cứu – phát triển công nghệ cao cho tới doanh nghiệp công nghệ cao. Vì vậy, sẽ rất khó xác định được một tiêu chuẩn chung để áp dụng cho các loại hình tổ chức doanh nghiệp trên. Đề nghị không đưa hai điều khoản này vào Dự thảo.

Lưu ý:  Nên phân biệt giữa công nghệ cao với công nghệ mới và phát minh sáng chế. Vai trò của công nghệ cao là để thúc đẩy hai loại hình trên. Ví dụ, công nghệ NANO là công nghệ mới, còn khai thác nó vào trong thực tế phải cần tới công nghệ cao, cũng tương tự như vậy, công nghệ gen là công nghệ mới (đối với nước ta), còn để phát triển ứng dụng nó vào cuộc sống phải cần các thiết bị Công nghệ cao.

2.                  Đào tạo, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ cao

2.1       Chính sách đối với sinh viên (Điều 13 Dự thảo)

Khoản 2 Điều 13 Dự thảo quy định: “Sinh viên mới tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ cao được tuyển dụng vào các doanh nghiệp công nghệ cao thì được trợ cấp lương để thu nhập hàng tháng không dưới 3 lần mức lương tối thiểu trong 3 năm đầu tiên kể từ ngày bắt đầu làm việc nếu không có thoả thuận khác”.

Tuy nhiên Dự thảo không quy định rõ nguồn kinh phí chi trả cho việc trợ cấp này được lấy từ doanh nghiệp hay do Nhà nước hỗ trợ. Trong trường hợp nguồn kinh phí này do Nhà nước hỗ trợ thì Dự thảo cũng cần quy định rõ về nguyên tắc, thủ tục trợ cấp.

2.2       Chính sách đối với chuyên gia công nghệ cao (Điều 15 Dự thảo)

Khoản 2 Điều 15 Dự thảo quy định: “Cơ sở sử dụng chuyên gia tham gia hoạt động công nghệ cao có quyền trả lương cho chuyên gia trong 3 tháng đầu tiên bằng mức lương nơi làm việc cuối cùng của chuyên gia nước ngoài trước khi đến Việt Nam nếu thời hạn hạn hợp đồng làm việc của chuyên gia với cơ sở đó từ 5 năm trở lên”.

Trên thực tế, đối với cơ sở sử dụng chuyên gia là cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, việc chi trả lương phải theo thang, bậc lương do Nhà nước quy định. Vì vậy, Dự thảo cũng cần có quy định về việc hướng dẫn chi trả lương cho các chuyên gia với mức lương cao hơn quy định về pháp luật lao động hiện tại.

Vì vậy, đề nghị bổ sung một Điều vào Chương VI của Dự thảo, quy định về trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng  Bộ Tài chính trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh công nghệ cao về việc trợ cấp lương đối với nguồn nhân lực công nghệ cao.

3.                  Phát triển và ứng dụng công nghệ cao

3.1       Doanh nghiệp công nghệ cao (Điều 21 Dự thảo)

Điều 21 Dự thảo không đề cập tới tiêu chí về cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung tiêu chí về cung ứng dịch vụ công nghệ cao, không chỉ là sản phẩm công nghệ cao. Điểm h) Khoản 2 Cần quy định cụ thể mức thuế suất mà không dùng từ “thấp nhất”, hoặc có quy định cụ thể theo từng giai đoạn như ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư.

3.2       Cam kết không cạnh tranh (Điều 23 Dự thảo)

Khoản 4 Điều 23: Đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc sửa câu cuối như sau :

“Nếu người đó vi phạm điều khoản không cạnh tranh sẽ phải bồi thường các thiệt hại phát sinh do hành vi của mình gây ra cho doanh nghiệp, tổ chức hoạt động công nghệ cao. Chính Phủ quy định cụ thể các hình thức và mức độ bồi thường này”.
Khoản 4 Điều 23 Dự thảo quy định: “Trong trường hợp người lao động ở vị trí làm việc biết hoặc có khả năng biết bí mật thương mại, công nghệ của doanh nghiệp thì phải cam kết không cạnh tranh với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động công nghệ cao. Trong trường hợp tự ý thôi việc thì trong khoảng thời gian 5 năm kể từ khi rời khỏi doanh nghiệp, tổ chức, người lao động không được cạnh tranh đối với doanh nghiệp, tổ chức nơi họ làm việc”.

Đề nghị sửa đổi quy định này theo hướng người lao động và doanh nghiệp tổ chức tự thoả thuận về thời hạn người lao động không được cạnh tranh sau khi thôi làm việc. Thời hạn 5 năm chỉ áp dụng trong trường hợp hai bên không có thoả thuận về vấn đề này.

3.3       Chương trình công nghệ cao ngành, địa phương (Điều 27)

Ở đây có sự nhầm lẫn khi xây dựng Điều 27 của Dự thảo này. Khoản 2 Điều 27 có hai nội dung tương đối tách biệt và không đồng bộ. Câu thứ nhất trong đoạn này quy định về chương trình công nghệ ngành địa phương, tuy nhiên, câu thứ hai của đoạn này lại đưa ra định nghĩa về Chương trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao và định nghĩa này cũng chưa đầy đủ. Nếu có, đề nghị đưa định nghĩa này về Điều 3 của Dự thảo.

Đề nghị Ban Soạn thảo gộp cả hai khoản của Điều 27 thành một đoạn như sau: “Căn cứ vào chương trình công nghệ cao quốc gia, các ngành, địa phương phải lập Chương trình công nghệ cao của ngành, địa phương mình cho từng giai đoạn 5 năm và có định hướng cho 5 năm tiếp theo”.

4.                  Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động công nghệ cao

Đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 42 về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ như sau: “Chịu trách nhiệm..... và ban hành các văn bản pháp quy về công nghệ cao theo thẩm quyền”.

5.                  Một số nội dung về thẩm quyền lập, phê duyệt, quản lý và công bố chương trình công nghệ cao quốc gia, bộ ngành và của địa phương (Điều 29, 41, 42, 43 và 44 Dự thảo)

Các quy định về thẩm quyền về xây dựng, phê duyệt và quản lý chương trình công nghệ cao của Dự thảo chưa phù hợp với pháp luật hiện hành, chưa phân định chức năng thẩm quyền một cách rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước. Trong phần trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp, Dự thảo chưa quy định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân trong việc xây dựng chương trình công nghệ cao tại địa phương. Các khoản 3, 4 Điều 29 Dự thảo quy định quyền phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ đối với quy hoạch công nghệ cao của các Bộ và chương trình công nghệ cao của địa phương. Điều này không phù hợp với quy định pháp luật về tổ chức chính phủ và Luật về tổ chức hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân hiện hành. Bộ không có quyền phê duyệt chương trình, kế hoạch của chính quyền địa phương.

Các nội dung tại khoản 1 Điều 43 và khoản 3 Điều 29 có sự không thống nhất với nhau. Khoản 3 Điều 29 trao thẩm quyền phê duyệt quy hoạch công nghệ cao cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, nhưng khoản 1 Điều 43 chỉ quy định về trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ. Theo nghĩa này, thì Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ không có quyền phê duyệt và chỉ có quyền phối hợp với các Bộ ngành khác. Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ và sửa đổi các nội dung khác biệt và không rõ ràng trên.

            Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Pháp lệnh Công nghệ cao. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan