Góp ý của VCCI về Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn

Thứ Sáu 16:37 29-12-2006

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được công văn số 15605/BTC-CST ngày 11 tháng 12 năm 2006 đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn (Dự thảo). Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến góp ý sau đối với Dự thảo:

I.                   NHẬN XÉT CHUNG

Về cơ bản, nội dung Dự thảo phù hợp với nguyên tắc của luật về phí, lệ phí, trao quyền quyết định mức thu phí cụ thể cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và toàn bộ nguồn thu từ phí môi trường được sử dụng đầu tư trực tiếp cho việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Dự thảo còn đáp ứng được các yêu cầu bảo đảm hiệu quả cho hoạt động bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

II.               
MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ

1.      Khái niệm cần được làm rõ trong dự thảo

Dự thảo quy định về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, theo đó, mức thu phí khác nhau đối với các loại chất thải rắn khác nhau: chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại. Tuy nhiên, không có quy định nào trong Dự thảo định nghĩa và phân loại đối với chất thải rắn. Mặc dù, định nghĩa về chất thải và chất thải nguy hại cũng được đưa ra trong Điều 3 của Luật Bảo vệ Môi trường 2005, song, các định nghĩa còn chung chung không đề cập cụ thể và các cách phân loại đối với chất thải rắn. Trong một văn bản quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, Nghị định 67/2003/NĐ-CP, Nghị định này đã định nghĩa và phân loại khá rõ đối với các loại nước thải: nước thải thông thường và nước thải công nghiệp. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo đưa vào các định nghĩa này để làm rõ ràng đối tượng áp dụng và là cơ sở để áp dụng thống nhất trong cả nước.

2.     
Đối tượng nộp phí

Theo quy định của Điều 3 Dự thảo thì “Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thải chất rắn ra môi trường”. Thêm vào đó, Điều 7 của Dự thảo quy định việc sử dụng phí bảo vệ môi trường cho chi phí liên quan công tác thu phí, phân loại và xử lý chất thải rắn. Tuy nhiên, tại các vùng nông thôn và miền núi, ngay cả một số thị trấn của nước ta vẫn chưa hiện diện hoạt động thu gom và xử lý rác thải. Nếu có thì việc thu gom và xử lý rác thải chủ yếu là mang tính cục bộ, không bao hàm toàn bộ nhân dân địa phương. Các hoạt động này chủ yếu là do nhân dân thực hiện. Vì vậy, việc quy định thu phí đối với các đối tượng này là không hợp lý và không khả thi. Hiện tại, không có quy định cụ thể nào trong các văn bản pháp lý hiện hành quy định về nguyên tắc thu phí bảo vệ môi trường nói chung và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn nói riêng. Đề nghị Ban soạn thảo đưa ra các nguyên tắc cụ thể trong việc thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn để làm cơ sở cho các HĐND cấp tỉnh thực hiện.  

3.      Phương thức thu phí

Dự thảo quy định rõ ràng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với hai loại chất thải rắn khác nhau, chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại; phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn là một khoản thu thêm với phí vệ sinh. Tuy nhiên, các quy định hiện hành không có sự phân biệt rõ ràng về mức thu phí vệ sinh đối với hai loại chất thải rắn này.

Theo Thông tư 97/2006/TT-BTC ngày 16/10/2006 hướng dẫn về phí vệ sinh, việc thu phí vệ sinh chủ yếu căn cứ vào chủ thể, từ cá nhân, hộ gia đình cho tới tổ chức; khối lượng rác thải tính theo m3; hay tỉ lệ % của giá trị xây lắp công trình. Thêm vào đó “Riêng rác thải nguy hại (rác thải công nghiệp, y tế nguy hại...) cần phải bảo đảm thực hiện quy định nghiêm ngặt từ khâu thu gom đến vận chuyển và xử lý rác, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu đối với từng trường hợp cụ thể cho phù hợp với điều kiện của địa phương”. Như vậy, Thông tư này chỉ coi rác thải rắn nguy hại là trường hợp đặc biệt và trao thẩm quyền quy định về mức phí cho Hội đồng nhân dân tỉnh.

Muốn Dự thảo này được thực thi hiệu quả thì các quy định liên quan đến phương thức thu phí vệ sinh cần phải được quy định lại. Trong đó, cần có sự phân chia mức thu phí đối với hai loại chất thải rắn khác nhau và phải quy định được mức thu phí tối đa đối với mỗi loại chất thải rắn đó.

4.      Nghĩa vụ nộp phí thu vào ngân sách (Điều 8 Dự thảo)

Điều 7, Dự thảo quy định “Phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% (một trăm phần trăm)....”. Tuy nhiên, Điều 8 lại quy định “....đơn vị thu phí có nghĩa vụ nộp số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước...”. Hệ thống ngân sách nhà nước chia làm hai cấp, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi lại Điều 8 để đảm bảo tính rõ ràng và phù hợp với Điều 7, Điều 8 có thể được sửa như sau “...., đơn vị thu phí có nghĩa vụ nộp số tiền phí thu được vào ngân sách địa phương,.....”.

5.      Vai trò hướng dẫn thi hành của Bộ Tài chính

 Để đảm bảo việc thực hiện trực tiếp các quy định của Dự thảo các nội dung phải đảm hai nguyên tắc. Thứ nhất, các quy định trong Dự thảo phải đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch và có khả năng thực thi. Thứ hai, nếu có các quy định chuyên biệt cần có sự hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan thì ngay trong quy định đó phải nêu rõ vai trò hướng dẫn của Bộ ngành đó (chủ yếu tập trung vào Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên Môi trường). Đề nghị không đưa Điều 14 vào trong Dự thảo. Thay vào đó, nếu có nội dung nào cần hướng dẫn trong các điều, quy định của Dự thảo thì nên đưa vai trò hướng dẫn trực tiếp vào Điều, quy định đó.

Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan

Các văn bản liên quan