Góp ý của Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel

Thứ Năm 15:06 11-01-2007

Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) nhận được Công văn số 4049/PTM-PC ngày 13/12/2006 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị đóng góp ý kiến Dự thảo Pháp lệnh Công nghệ cao. Viettel có ý kiến như sau:

1. Quan điểm chung của Viettel

Việc ban hành Pháp lệnh về Công nghệ cao là cần thiết trong việc tạo lập hành lang pháp lý để thúc đẩy việc phát triển công nghệ cao, tạo những bước phát triển mới cho nền kinh tế, xã hội. Dự thảo Pháp lệnh đã quy định khá đầy đủ về hoạt động công nghệ cao, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghệ cao, các biện pháp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động công nghệ cao. Tuy nhiên, Viettel xin đóng góp ý kiến sau:

2. Các ý kiến đóng góp cụ thể

a) Về vấn đề ưu đãi đối với nguồn nhân lực công nghệ cao

Khoản 2 Điều 13 Dự thảo quy định: Sinh viên mới tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ cao được tuyển dụng vào các doanh nghiệp công nghệ cao thì được trợ cấp lương để thu nhập hàng tháng không dưới 3 lần mức lương tối thiểu trong 3 năm đầu tiên kể từ ngày bắt đầu làm việc nếu không có thoả thuận khác.

Tuy nhiên, Dự thảo không quy định rõ nguồn kinh phí chi trả cho việc trợ cấp này được lấy từ doanh nghiệp hay do Nhà nước hỗ trợ. Trong trường hợp nguồn kinh phí này cho Nhà nước hỗ trợ thì Dự thảo cũng cần quy định rõ về việc trích, lập và nguyên tắc, thủ tục trợ cấp.

Khoản 2 Điều 15 Dự thảo quy định: Cơ sở sử dụng chuyên gia tham gia hoạt động công nghệ cao có quyền trả lương cho chuyên gia trong 3 tháng đầu tiên bằng mức lương nơi làm việc cuối cùng của chuyên gia nước ngoài trước khi đến Việt Nam nếu thời hạn hợp động làm việc của chuyên gia với cơ sở đó từ 5 năm trở lên.

Trên thực tế, đối với cơ sở sử dụng chuyên gia là các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, việc chi trả lương phải theo thang, bảng lương do Nhà nước quy định. Vì vậy, Dự thảo cũng cần có quy định về việc hướng dẫn chi trả lương cho các chuyên gia với mức lương cao hơn quy định về pháp luật lao động hiện tại.

Vì vậy, Viettel đề xuất bổ sung vào Chương VI của Dự thảo, quy định về trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng Bộ Tài chính trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Công nghệ cao về việc trợ cấp lương đối với nguồn nhân lực công nghệ cao.

b) Về các cam kết không cạnh tranh của người lao động trong doanh nghiệp, tổ chức công nghệ cao

Khoản 4 Điều 23 Dự thảo quy định: Trong trường hợp người lao động ở vị trí làm việc biết hoặc có khả năng biết bí mật thương mại, công nghệ của doanh nghiệp thì phải cam kết không cạnh tranh với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động công nghệ cao. Trong trường hợp người lao động tự ý thôi việc thì trong khoảng thời gian 5 năm kể từ khi rời khỏi doanh nghiệp, tổ chức không được cạnh tranh với doanh nghiệp, tổ chức nơi họ đã làm việc.

Viettel đề xuất sửa đổi sửa đổi quy định này theo hướng người lao động và doanh nghiệp, tổ chức tự thoả thuận về thời hạn người lao động không được cạnh tranh sau khi thôi việc. Thời hạn 5 năm chỉ áp dụng trong trường hợp hai bên không có thoả thuận về vấn đề này.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp của Viettel vào Dự thảo Pháp lệnh Công nghệ cao. Kính mong Quý cơ quan nghiên cứu để chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn.
 

Các văn bản liên quan