Góp ý của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam

Thứ Sáu 15:06 15-12-2006

Căn cứ Công văn số 3975/PTM-PC ngày 04/12/2006 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam về góp ý Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu; Sau khi nghiên cứu bản Dự thảo 7 Nghị định về kinh doanh xăng dầu cho Ban soạn thảo Liên ngành soạn thảo dưới sự chủ trì của Bộ Thương mại, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Tcty) có ý kiến tham gia cụ thể như sau:

I. Đánh giá chung

Bản Dự thảo 7 đã quán triệt được các quan điểm chủ yếu: (i) Chuyển mặt hàng xăng dầu sang kinh doanh theo cơ chế thị trường (có lộ trình), có sự quản lý của Nhà nước; (ii) Trao quyền chủ động và tính tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; (iii) Lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh doanh xăng dầu ở thị trường nội địa nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, văn minh thương mại; (iv) Phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

Quán triệt các quan điểm trên, bản Dự thảo 7 đã quy định khá chi tiết đến từng nội dung thông qua các chương, điều, khoản…nhằm quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động kinh doanh xăng dầu (từ khâu nhập khẩu, sản xuất chế biến cho đến khâu phân phối bán lẻ tới tay người tiêu dùng), phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi và có tính định hướng lâu dài khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới và khu vực.

Vì vậy, về cơ bản Tcty hoàn toàn đồng tình với kết cấu, nội dung chi tiết của bản Dự thảo lần 7 Nghị định về kinh doanh xăng dầu của Bộ Thương mại.

II. Một số nội dung tham gia cụ thể

1. Điều 6:

1.1 Đề nghị bổ sung thêm điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật để trở thành đầu mối nhập khẩu xăng dầu là: Phải có phòng thí nghiệm tối thiểu đạt tiêu chuẩn hoặc quốc tế để kiểm tra thường xuyên chất lượng xăng dầu trước khi vào lưu thông trên thị trường.

1.2. Tiết 7.6 đề nghị sửa cụm từ “cảng Việt nam không có khả năng tiếp nhận” bằng cụm từ “càng Việt nam thuộc hệ thống cảng biển quốc tế không có khả năng tiếp nhận” để bảo đảm tính thống nhất với điểm a. tiết 2.2 khoản 2 của điều này.

2. Điều 8:

2.1 Đề nghị trong điều 8 nên cấu trúc thêm một khoản riêng khẳng định quan điểm có tính nguyên tắc về hoạt động kinh doanh xăng dầu ở thị trường nội địa đó là:

(i) Quyền của các thương nhân là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nếu đủ điều kiện quy định đều có quyền kinh doanh xăng dầu ở thị trường nội địa; và (ii) Chỉ được kinh doanh dưới hình thức đại lý. Sau khi khẳng định nguyên tắc trên, các nội dung tiếp theo của điều này sẽ đưa ra các điều kiện cụ thể như dự thảo áp dụng đối với Tổng đại lý và đại lý.

2.2. Khoản 1 nên sửa ngắn gọn là “Điều kiện của Tổng đại lý” tương tự khoản 2 cũng nên sửa thành “Điều kiện của đại lý bán lẻ”

2.3. Đề nghị bổ sung một điều kiện: Tổng đại lý phải có Quy chế tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu và được đăng ký tại Sở Thương mại/ Thương mại Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2.4. Với các điều kiện của Tổng đại lý đã đề ra trong dự thảo, Tcty đề nghị cần có quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm Tổng đại lý.

2.5. Đề nghị xem xét lại điều kiện là đại lý bán lẻ xăng dầu để bảo đảm tính khả thi về quy định đại lý phải có ít nhất 02 (hai) của hàng/ trạm bán lẻ xăng dầu. Trong thực tế, và theo quy định hiện nay đang thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh tới từng cửa hàng bán lẻ.

Nếu vì mục tiêu lập lại trật tự đối với hệ thống bán lẻ xăng dầu mà đưa ra điều kiện trên là không khả thi mà nên áp dụng “Điều kiện về Tiêu chuẩn cửa hàng bán lẻ xăng dầu” nếu các cửa hàng bán lẻ hiện nay không đạt tiêu chuẩn buộc phải ngừng kinh doanh sẽ khả thi hơn. Hơn nữa, nếu áp dụng điều kiện trên thì phải thêm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu.

3. Điều 9: Điều kiện và quy định về kinh doanh dịch vụ xăng dầu

Để mang tính chuyên nghiệp và quy mô đủ lớn, đề nghị nâng điều kiện về doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ vận chuyển xăng dầu là: Tối thiểu có 10 (mười) phương tiện vận tải xăng xầu chuyên dụng được bộ hoặc tối thiểu 5 (năm) phương tiện vận tải xăng dầu, chuyên dụng đường thuỷ thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn.

4. Điều 13: Do tính chất quan trọng và là mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp tới ổn định kinh tế, an ninh quốc phòng cũng như tiêu dùng của nhân dân nên cần có sự quản lý, can thiệp của Nhà nước nhằm bình ổn thị trường khi giá xăng dầu thế giới có biến động lớn thông qua các công cụ cần thiết (theo khoản 2 điều 13 của bản dự thảo 7) là tất yếu.

Tuy nhiên, để giúp cho doanh nghiệp chủ động cũng như an tâm trong hoạt động điều hành kinh doanh xăng dầu ở giai đoạn/tình huống “đặc biệt”, đề nghị trong Nghị định cần quy định có tính nguyên tắc, công khai, bình đẳng đối với các doanh nghiệp về sự can thiệp của Thủ tướng Chỉnh phủ và thị trường xăng dầu khi có sự biến động lớn (bù giá/ hoặc các công cụ điều hành khác…)

5. Điều 14: Nội dung của điều kiện cần viết rõ ràng và mạch lạc theo hướng khẳng định tính nguyên tắc trong việc quy định giá bán xăng dầu đó là (i) Cấp có thẩm quyền quyết định giá bán xăng dầu; (ii) nguyên tắc hình thành giá bán và được quy định cho 2 thời kỳ trước và sau thời điểm chuyển sang cơ chế thị trường. Tcty đề xuất Điều 14 nên được cấu trúc viết lại trên cơ sở các nội dung chủ yếu của bản Dự thảo 7 như sau:

“Điều 14: Giá bán xăng dầu

1. Giá bán xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước do doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu hoặc doanh nghiệp sản xuất, chế biến xăng dầu quy định bảo đảm bình ổn thị trường, sản xuất và đời sống nhân dân, kể cả các địa bàn xa càng tiếp nhận hoặc nơi sản xuất, chế biến xăng dầu; doanh nghiệp có tích luỹ và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh của mình.

1.1. Doanh nghiệp được quyền quy định giá bán lẻ phù hợp với từng địa bàn áp dụng đối với hệ thống phân phối của mình.

1.2. Nghiêm cấm bán xăng dầu dưới giá vốn hoặc liên kết độc quyền tăng/giảm giá bán nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh, gây bất ổn thị trường trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều 13 của Nghị định này.

2. Thời điểm giá bán xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Trước thời điểm giá bán xăng dầu thực hiện theo cơ chế thị trường, giá bán xăng dầu do Nhà nước quy định bảo đảm hài hoà các lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp với người tiêu dùng.

3.1. Giá bán xăng dầu bảo đảm bù đắp đủ giá vốn, chi phí kinh doanh và các khoản nộp ngân sách, doanh nghiệp chưa có tích luỹ.

3.2 Giảm dần việc bù giá các loại dầu (diesel, dầu hoả, dầu madut) và tiến tới chấm dứt việc bù giá các mặt hàng dầu chậm nhất vào cuối năm 2008.

4. Bộ Tài chính quy định, hướng dẫn thực hiện chi phí kinh doanh, lợi nhuận theo các quy định tại Điều này; phối hợp với Bộ Thương mại kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong việc tuân thủ quy định về giá bán xăng dầu”.

6. Điều 18:

6.1. Đề nghị bỏ tiết f điểm 1 khoản 1.1 điều này vì không rõ ràng, thiếu chặt chẽ và có thể chưa đầy đủ vì trong thực tế có rất nhiều đối tượng mua xăng dầu nhưng chưa được thể hiện trong Nghị định. Đề nghị sửa lại là: “Mua – bán xăng dầu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ” và hành vi vi phạm này nên được liệt kê lặp lại ở tất cả các khoản 2, 3, 4 và 5 của điều này.

6.2. Nhằm lập lại trật tự và lành mạnh hoá thị trường xăng dầu nội địa, Tcty đề nghị bổ sung trong Nghị định (điều 18) việc áp dụng các chế tài xử lý đủ sức răn đe, cụ thể như sau:

6.2.1. Chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp nhập khẩu kinh doanh xăng dầu và doanh nghiệp sản xuất chế biến xăng dầu: Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh nhập khẩu xăng dầu có thời hạn hoặc không có thời hạn…khi doanh nghiệp có hành vi vi phạm một trong những quy định tại khoản 1.1 điều 18;

6.2.2. Chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xăng dầu: Buộc ngừng sản xuất, chế biến xăng dầu vĩnh viễn hoặc có thời hạn…khi doanh nghiệp có hành vi vi phạm một trong những quy định liệt kê tại khoản 1.2 điều 18.

6.2.3. Chế tài đối với doanh nghiệp làm Tổng đại lý, đại lý: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu có thời hạn hoặc không có thời hạn; hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; hoặc tạm thời ngừng cung cấp xăng dầu; hoặc đóng cửa Cửa hàng xăng dầu có thời hạn hoặc không thời hạn…khi doanh nghiệp có hành vi vi phạm một trong những quy định được liệt kê tại khoản 1.3 điều 18.

III. Kiến nghị khác

Xuất phát từ thực tiễn và trên ý kiến đề xuất của Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (công văn số 293/HTC/VP ngày 23/10/2006)…xoay quanh nội dung về gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu nhất là việc gian lận về chất lượng (bán xăng không đúng chất lượng) làm thiệt hại đến lợi ích của người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận.

Hiện tượng trên là có thực xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng, hiện nay trên thị trường cùng lúc lưu thông quá nhiều loại xăng dầu có phẩm cấp chất lượng khác nhau gồm: xăng M83, M90, M92 và M95. Đây là ke hở để gian lận thương mại về chất lượng ngày càng gia tăng khó bề kiểm soát.

Tcty đề nghị Nhà nước chỉ quy định không tối đa không quá 2 loại xăng được phép lưu thông trên thị trường nội địa, sớm chấm dứt lưu thông loại xăng có phẩm cấp thấp với lý do:

(i) Hiện tại, hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới không còn sử dụng xăng M83; hơn nữa giá xăng M83 thấp hơn giá xăng M92 (mặt hàng phổ biến hiện nay) tới 400 đ/lít và so với xăng M92 tới 700 đ/lít, dễ dẫn đến pha trộn pha vào xăng có trị số ốc tan cao nhằm ăn chênh lệch giá;

(ii) Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập khẩu đầu mối hiện nay không kinh doanh mặt hàng xăng M83 và nhu cầu xăng M90 là không đáng kể;

(iii) Nhằm thực hiện nghiêm túc quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng TCVN 6776-2005 kể từ ngày 01/01/2007 đối với xăng, diesel.

Trên đây là một số ý kiến của Tcty góp ý vào Dự thảo 7 Nghị định kinh doanh xăng và một số nội dung khác với liên quan để Quý Cơ quan tham khảo nhằm từng bước lành mạnh hoá thị trường xăng dầu, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
 

Các văn bản liên quan