Bản tổng hợp ý kiến của VCCI về Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng

Thứ Năm 16:42 30-11-2006

Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng (cụ thể là Chương VI của Luật về Vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng) đang được Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm soạn thảo, trong đó quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp và trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thanh tra Chính phủ mời Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tham gia với tư cách là thành viên soạn thảo.

Sau khi nghiên cứu Dự thảo 3 và tham khảo ý kiến các Hiệp hội (không nhận được ý kiến phản đối), Ban Pháp chế xin góp ý như sau (tập trung vào phần quy định đối với doanh nghiệp, hiệp hội và VCCI).

1.      Điều 17: Tuyên truyền, động viên thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Mục a) Khoản 1 quy định “doanh nghiệp có trách nhiệm (nghĩa vụ) tổ chức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho các cán bộ, người lao động trong doanh nghiệp…”: nên cân nhắc quy định này vì trong Luật không quy định trách nhiệm này của doanh nghiệp. Việc thực hiện trách nhiệm bắt buộc này sẽ làm phát sinh chi phí, thời gian, nhân sự và có thể ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó đề nghị không quy định “trách nhiệm” mà chỉ nên khuyến khích.

2.      Điều 18: Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng

Đề nghị bỏ mục d) Khoản 1: “Ban hành và thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp”:  vì thực hiện các quy tắc quản trị nội bộ doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2005 tốt, chính là việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở một đơn vị kinh tế. Luật Doanh nghiệp quy định rất cụ thể và chặt chẽ (ví dụ: cơ cấu quản lý trong nội bộ người góp vốn, các quy định về báo cáo trước hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông…)

Ngoài ra, thực hiện tốt các quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cũng sẽ góp phần thực hiện quy chế dân chủ.

3.      Điều 19: Thông báo với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi tham nhũng

Khoản 1: “Khi phát hiện có hành vi tham nhũng…. doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo…”, đề nghị cần quy định rõ “doanh nghiệp” ở đây là chủ thể nào, nên chăng quy định cụ thể là “tổ chức, cá nhân phát hiện có hành vi tham nhũng đó”

Khoản 2: Thay “…có trách nhiệm” bằng “có thẩm quyền”.

Khoản 3: đề nghị bỏ và ghép cụm từ “bằng văn bản” vào 2 khoản trên khi có quy định “thông báo”.

4.      Điều 20: Trách nhiệm tiếp cận thông báo về hành vi tham nhũng của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề

Đề nghị dùng thống nhất cụm từ “hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề” tại tất cả các khoản. Ví dụ: tại khoản 2:”… tài liệu mà doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có được…”

Khoản 3: đề nghị bỏ cụm từ “hội viên” vì cụm từ “doanh nghiệp” đã bao hàm ý này.

5.      Điều 21: Kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm phòng, chống tham nhũng

Khoản 1: bổ sung cụm từ “hiệp hội doanh nghiệp” cho thống nhất với cách dùng từ ở Điều 20. Thu gọn lại Khoản này bằng cách bỏ đoạn đầu như sau: “Doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khắc phục, sửa đổi nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật góp phần phòng, chống tham nhũng”.

Khoản 2: Các doanh nghiệp, hiệp hội có quyền đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, do đó không nên bó hẹp trong phạm vi của ngành cụ thể nào, do đó đề nghị sửa lại là: “Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp có trách nhiệm tư vấn, phản biện những vấn đề về quản lý nhà nước, đề xuất, kiến nghị với Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật góp phần phòng, chống tham nhũng.”

6.      Điều 22: Trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ban Pháp chế cho rằng về cơ bản thống nhất với các quy định này vì phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VCCI đã được quy định trong Điều lệ của VCCI.

Đề nghị sửa lại cho rõ nghĩa như sau:

“Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền:
  1. Tuyên truyền, động viên hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham gia phòng, chống tham nhũng…
  2. Tổ chức các diễn đàn để trao đổi, cung cấp các thông tin cho doanh nghiệp…
  3. Kiến nghị với Nhà nước việc sửa đổi, bổ sung các quy định…
  4. Bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp…”

Các văn bản liên quan