Ý kiến của ĐBQH Phạm Quý Tỵ – Thành phố Hà Nội

Thứ Sáu 10:07 10-11-2006
Kính thưa đồng chí Phó Chủ tịch,

Kính thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Tôi xin tham gia mấy ý kiến về dự thảo luật như sau:

Trước hết là tôi đồng ý về sự cần thiết phải ban hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình.
Ý kiến thứ hai là tôi cũng đồng ý với tất cả những ý kiến của Uỷ ban Pháp luật đã thẩm tra, đã có báo cáo gửi cho các vị đại biểu Quốc hội.

Ngoài những nội dung mà Uỷ ban Pháp luật đã thẩm tra, đã nêu ý kiến thì tôi xin tham gia thêm mấy ý kiến như sau:

Tôi cho rằng một vấn đề rất quan trọng mà nhiều vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu từ sáng đến giờ, đó là ta phải xác định cho nó thật cụ thể, rõ ràng về cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình ở Trung ương. Trong dự thảo luật có quy định ở Điều 30 và Điều 31. Nếu như chúng ta nghiên cứu hai Điều này thì chúng ta hình dung rằng cơ quan quản lý về bạo lực gia đình ở Trung ương, là một cơ quan cấp Bộ, vậy thì theo như quy định ở Điều 30 và Điều 31 thì cơ quan này là một cơ quan quản lý bao gồm các chức năng, nhiệm vụ, trong đó có 1 nhiệm vụ rất quan trọng là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, thuộc thẩm quyền của cơ quan này. Được hiểu rằng đây là 1 cơ quan cấp Bộ, cơ quan ngang Bộ, còn tên nó là gì trong này chúng ta chưa quy định, nhưng vị trí của nó là 1 cơ quan ngang Bộ. Ở đây đặt vấn đề chúng ta có cần thành lập thêm 1 cơ quan ngang Bộ để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình không? Từ sáng đến giờ rất nhiều vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu, tôi cũng đồng tình với ý kiến các đồng chí đã phát biểu, là chúng ta không nên thành lập 1 cơ quan ngang Bộ hay cơ quan cấp Bộ quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình theo như Điều 30 và Điều 31 của dự thảo luật. Các vị đã phân tích rồi, tôi không phân tích thêm nữa.

Đi vào một số vấn đề cụ thể trong dự thảo luật, tôi xin tham gia một số điều cụ thể như sau:
Thứ nhất, tôi xin tham gia vào Khoản 5, Điều 3. Khoản 5, Điều 3 chúng ta quy định như thế này, theo tôi cần viết cụ thể hơn. Điều 3 là các hành vi bạo lực gia đình, Khoản 5 quy định:

Cưỡng ép quan hệ tình dục hoặc có hành vi khác xâm phạm đến đời sống tình dục. Nếu chúng ta dừng lại ở đây, trong phạm vi gia đình quy định như thế này là không chính xác. Do vậy, theo tôi ở Khoản 5 chỉ thu hẹp lại là cưỡng ép quan hệ tình dục hoặc có hành vi khác trong quan hệ vợ chồng. Còn trong gia đình có rất nhiều mối quan hệ khác, nếu những mối quan hệ khác có những hành vi này thì lại không phải là đối tượng này mà ở đối tượng điều chỉnh của những luật khác, không phải luật này. Do vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm 2 từ "đối với vợ chồng" vào cuối Khoản 5, Điều 3.

Thứ hai, tôi xin tham gia vào Khoản 1, Điều 19, trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật cũng đã nêu, nhưng tôi xin bổ sung thêm. Khoản 1, Điều 19 trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật có nêu rằng Điều 19 chỉ áp dụng trong trường hợp Tòa án xét xử các vụ án dân sự và khi cần thấy phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tôi đề nghị quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ở đây chúng ta quy định thời gian là 4 tháng, theo tôi bỏ thời gian 4 tháng này đi. Bởi vì nếu đã theo một vụ án hoặc là dân sự hoặc là hôn nhân gia đình thì việc thời hạn áp dụng việc này là tùy theo quá trình giải quyết vụ án, chứ luật không nên quy định 4 tháng hoặc mấy tháng ở đây. Có thể nó chỉ là 1 tháng, 2 tháng, có thể nó phải hơn 4 tháng. Trong tố tụng của pháp luật người ta đã quy định rất rõ khi cần thiết thì Hội đồng xét xử hoặc thẩm phán có thể hủy bỏ hoặc nếu không hủy bỏ thì Hội đồng xét xử của Tòa án cấp trên cũng sẽ hủy bỏ. Do vậy tôi đề nghị không nên quy định 4 tháng ở đây.

Như vậy thì Khoản 2 nếu chúng ta đồng ý với tinh thần thẩm tra của Ủy ban pháp luật là đây chỉ quy định thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời và không có thời hạn 4 tháng như thế này thì khoản 2 chúng ta cũng phải sửa lại để cho nó phù hợp với các quy định của tố tụng trong khi giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình. Đấy là Điều 19.

Sang đến Điều 33, tôi xin tham gia. Điều 33 là một điều tôi cho là Ban soạn thảo hết sức cân nhắc bởi vì chúng ta quy định Điều 33 là trách nhiệm của cơ quan bảo vệ pháp luật. Tôi xin có 2 ý kiến về điều này.

Thứ nhất, về khái niệm cơ quan bảo vệ pháp luật mà lại quy định trong Dự thảo Luật này là không chính xác, cơ quan bảo vệ pháp luật có thể ta nói trong các văn bản viết hoặc nói với nhau, còn đã quy định trong Luật thì không thể quy định là cơ quan bảo vệ pháp luật chung chung như thế này. Cơ quan bảo vệ pháp luật là cơ quan nào, liên quan đến nội dung của nó là những cơ quan thực hiện, chúng ta quy định như khái niệm này theo tôi không chính xác. Do vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chỗ này.

Còn nếu Điều 33 có ý muốn nói rằng liên quan đến các cơ quan công an, viện kiểm sát, Toà án thì lại có một điều quy định các cơ quan này phải chủ động phòng ngừa kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, phối hợp với các cơ quan dân số gia đình và trẻ em thực hiện công tác thống kê về bạo lực gia đình.

Nếu hiểu rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật là những cơ quan công an, kiểm sát Toà án thì quy định như thế nào theo tôi cũng phải cân nhắc, những cơ quan này không thể làm những việc này được, những cơ quan công an, kiểm sát, Toà án không thể thực hiện chức năng phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý, cái này không làm được. Do vậy, tôi đề nghị các anh cân nhắc điều này, nếu không sau này thực hiện sẽ rất vướng. Một ý nữa ở Điều 41, Điều 41 chúng ta có quy định: áp dụng luật này đối với nam nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng và vợ chồng đã ly hôn. Đây có vấn đề là đây thuộc đối tượng điều chỉnh chứ không phải nằm ở chương điều khoản thi hành. Nếu chúng ta có ý muốn cấu trúc điều này để điều chỉnh trong gia đình nhưng mở rộng hơn nữa là đối với cả nam nữ không đăng ký kết hôn mà sống với nhau cũng điều chỉnh, hoặc đã đăng ký kết hôn nhưng đã ly hôn rồi mà bây giờ lại quay về sống với nhau cũng điều chỉnh trong luật này thì theo tôi phải đưa về Chương I, nếu để ở chương điều khoản thi hành theo tôi không phù hợp. Nếu đưa về Chương I thì tôi đề nghị có thể chúng ta sẽ thực hiện như một số luật thông thường là có thể phạm vi điều chỉnh và nếu cần thì chúng ta có thể bố trí một điều về đối tượng điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Như vậy thì nó phù hợp hơn là ta để đối tượng điều chỉnh ở chương cuối cùng thì không hợp lý lắm. Chúng tôi cũng đã có dịp tham gia đóng góp với Ủy ban pháp luật khi thẩm tra dự thảo luật này rồi, chúng tôi có một vài ý kiến nhân cuộc họp này chúng tôi xin được tham gia thêm. Xin hết

Các văn bản liên quan