Trích ý kiến của ĐBQH Trần Thanh Khiêm – Tỉnh Cà Mau

Thứ Sáu 09:46 10-11-2006
Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi rất đồng tình việc ban hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình để góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm, cũng như thái độ ứng xử của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và cơ quan Nhà nước và xã hội. Tôi nhận thức đây là nó diễn ra đối với đất nước chúng ta nhưng trách nhiệm trước hết là quản lý Nhà nước cũng như các tổ chức xã hội, đoàn thể, vì chúng ta chưa thực hiện đúng mức để đặt mạnh vấn đề. Tôi thấy rằng đây là vấn đề rất quan trọng, phức tạp bởi vì bạo lực gia đình hay bạo hành gia đình là vấn đề thuộc xã hội, về lối sống, về đạo đức, về trách nhiệm và văn hóa cư xử, ứng xử cho mọi thành viên trong gia đình. Phải nói rằng Việt Nam chúng ta trải qua nhiều giai cấp chuyển biến, đặc biệt là lối sống, nếp sống mới hiện đại thì phải nói chúng ta có bước phát triển quan trọng. Nhưng việc tồn tại bạo lực, bạo hành trong gia đình là thực trạng chứ không phải là một nguy cơ diễn ra, vì bạo hành, bạo lực trong gia đình tôi nhận thức rằng diễn ra rất đa dạng, đột xuất có, thường xuyên có, chu kỳ có, vui buồn, đâu khổ lẫn lộn đan xen, nói về tính cụ thể nếu về hạnh phúc gia đình, đặc trưng là vợ chồng trong chủ thể gia đình, có thể, hôm nay là vui vẻ, ngày mai là giận hờn, thậm chí chiều đánh nhau, nhưng vài hôm sau vẫn vui vẻ, đây là một vấn đề rất phức tạp, muốn giải quyết vấn đề, tôi nghĩ đúng là chúng ta phải đồng bộ rất cao về giáo dục, về kinh tế - xã hội, kể cả giáo dục về pháp luật. Nhưng ở đây chúng ta đặt mạnh hơn dự án luật điều chỉnh hành vi để xây dựng hạnh phúc gia đình, tôi cho đây là một vấn đề mới, nhưng đồng thời phải nghiên cứu các luật khác có liên quan, vì có liên quan trực tiếp đến Luật Hôn nhân gia đình, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật bảo vệ bà mẹ và chăm sóc trẻ em v.v..., đây là một vấn đề đặt ra. Theo tôi thấy quy định được trong bộ luật này thì bạo lực trong gia đình như các biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân, giáo dục tại cộng đồng, các nguồn lực, kể cả thực hiện về tài chính, địa chỉ tin cậy, sự chăm sóc của cộng đồng, v.v…

Nội dung cụ thể của dự án luật, tôi thấy rằng nó gắn với phong tục, tập quán, hay là kinh tế - xã hội của Việt Nam hay không? Đây là vấn đề mà nhiều đại biểu thấy rất quan tâm, nếu mà áp dụng cái này thì khung luật để có chế tài xử lý làm sao cho đạt lý thấu tình, có tình giáo dục tốt, e rằng nếu dự án luật không có tính khả thi tốt, tôi thấy khó. Do đó nội dung cụ thể trong dự án luật về biện pháp chế tài xử lý nên xem xét điều chỉnh thực trạng cho tốt thêm, để làm sao có tính khả thi cao, nếu quá cứng nhắc e rằng làm sâu sắc thêm mâu thuẫn trong gia đình, không có thể tác dụng hàn gắn giữa các thành viên trong gia đình, như Điều 18, Điều 19, đại biểu trước tôi cũng có phát biểu, cấm tiếp xúc nạn nhân bạo lực gia đình, đây có phải biện pháp, nội dung duy nhất để giáo dục răn đe, góp phần hạn chế để tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực trong gia đình hay không, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại để cho phù hợp với điều kiện trong dự án luật.

Vấn đề thứ hai, về việc mở rộng đối tượng áp dụng Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Điều 1, Điều 41, Điều 42 dự thảo quy định áp dụng cả nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng, cái này có trái với quy định việc chấm dứt tình trạng hôn nhân thực tế hay không, cái này Luật Hôn nhân gia đình đã có quy định, các luật khác đã có quy định, trường hợp nào là bạo lực gia đình? Trường hợp nào là bạo lực xã hội? Tôi đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu xem xét những quy định ở Khoản 2, Điều 1 và Điều 41, Điều 18 và Điều 42 cho sát với thực tế hơn, hợp lý hơn, cả Điều 19 về biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân của bạo lực gia đình theo quy định của Tòa án,  làm thế nào để cho luật này có tính khả thi, Tòa án quy định như vậy chúng ta điều chỉnh được hay không.

Trong thực tế như các đồng chí thấy diễn ra rất đa dạng, có thể đánh nhau nhưng đi làng xóm hỏi tại sao bị bầm thì nói tại té chứ không có gì hết. Muốn điều chỉnh cái này phải xuất phát từ tình thương, trách nhiệm trong gia đình, cái gì phải phân tích cho rõ, không khéo chúng ta áp dụng chỉ luật không thì nó không rõ. Do đó, tôi thấy tính đồng bộ trong giáo dục, kinh tế, tài chính hay là vấn đề xã hội hoặc là đạo đức, tình cảm có nhiều vấn đề.

Về Điều 3, hành vi bạo lực trong gia đình, tôi rất tán thành với quy định cụ thể bạo lực là hành vi bạo lực trong gia đình. Tại Điều 3 quy định như vậy thuận tiện cho khi áp dụng, khi được thực hiện công tác giáo dục và xử lý người có hành vi bạo lực trong gia đình. Tuy nhiên hành vi cụ thể, theo tôi cần phải cân nhắc nội dung cho chặt chẽ, không bỏ lọt hành vi, vừa tránh được sự trùng lặp bởi các hành vi bạo lực trong gia đình thì mối quan hệ với nhau, hành động này, hành vi này có thể quan hệ ở các lĩnh vực khác. Do đó, phải quy định thế nào cho có chất lượng. Do vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo dự án luật cần xem xét để làm rõ hành vi bạo lực trong gia đình với hành vi phạm tội cho rõ.

Một vấn đề tôi quan tâm nữa là tính khả thi, tính thực tế trong cuộc sống, mối quan hệ thể chất và tinh thần, chế tài xử lý theo luật nào để phân biệt hành vi, vi phạm là dân sự hay hình sự. Chỗ này tôi cũng tán thành với nhiều ý kiến trong quá trình trao đổi với nhau, nên xem xét Khoản 5, Điều 3, Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 của Điều 3 về hành vi cưỡng ép tình dục và các hành vi khác xâm phạm đến đời sống tình dục và Khoản 5, Điều 3. Đây là vấn đề rất tế nhị, phức tạp thuộc về chuyện riêng của mỗi gia đình thì khó nhận biết hay chúng ta phát động để nhận biết, đây là một vấn đề để chúng ta có một khung điều chỉnh cho thích hợp. Cơ quan, tổ chức để xem xét, xử lý cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ ở Khoản 6, Điều 3, tương tự ở Khoản 7, Khoản 8,  Điều 3. Ở đây cần có thiết kế nội dung cho thống nhất và tính khả thi cao.

Về tên luật, cuối cùng tôi cũng có quan điểm của tôi, tôi thấy rằng bạo lực gia đình, bạo hành gia đình tất nhiên cũng có 7 chữ. Cũng có nhiều loại ý kiến nhưng bạo lực thì thường thường mình nhận thức là dùng sức mạnh để cưỡng bức hoặc trấn áp là dùng bạo lực. Như vậy thì trong bạo lực gia đình khái niệm của nó như vậy, mình thấy mức độ có thể là mình xây dựng trong luật, nhưng mình nhấn mạnh là bạo lực gia đình, về mặt nhận thức tình cảm hoặc là ý thức thì tôi thấy không có gì, nhưng tôi thấy nó không bao quát hết bạo lực về kinh tế, thể xác và tinh thần. Phòng chống bạo hành trong gia đình cũng là 7 chữ, theo tôi như vậy nghe gần gũi hơn và phù hợp với thực tế, bao quát rộng hơn bạo lực. Vì bạo hành có nhiều dạng, không phải là chỉ dùng sức mạnh, có thể dòm, liếc, lời nói cũng là bạo hành, có thể lời nói gay gắt còn đau khổ hơn chuyện dùng bạo lực. Tôi muốn nói như vậy, thực tế trong xã hội diễn ra nhiều vấn đề để chúng ta nghiên cứu, cái nào cũng có lý, bạo lực gia đình cũng có lý của nó nhưng bạo hành thì tôi thấy dạng của nó rộng hơn. Tôi xin tham gia ý kiến như vậy, xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan