Ý kiến của ĐBQH Néang Kim Cheng – Tỉnh An Giang

Thứ Sáu 09:44 10-11-2006
Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa Ban soạn thảo,

Gia đình là tế bào của xã hội và tế bào có lành mạnh thì xã hội mới phát triển bền vững được, nhất là trong xã hội văn minh, tiến bộ thì không thể chấp nhận hành vi bạo lực trong gia đình.

Qua nghiên cứu Tờ trình của Ủy ban Về các vấn đề xã hội và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, trước hết tôi hết sức hoan nghênh Ủy ban Về các vấn đề xã hội, mặc dầu trong thời gian ngắn, cũng như trong điều kiện rất khó khăn, vì trước đây chưa có cơ quan nào phụ trách về lĩnh vực, thời gian ngắn như vậy mà Ủy ban đã hết sức cố gắng để có Tờ trình và thành lập Ban soạn thảo để dự thảo được dự án Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình. Tôi thấy qua báo cáo thẩm tra thì đa số đại biểu chưa đồng tình, nhưng bản thân tôi, tôi đồng thuận rất cao, tôi cho rằng ban hành vào thời điểm này còn hơi muộn.

Liên quan đến dự án luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tôi xin được phép phát biểu một số vấn đề mà tôi quan tâm như sau:

Thứ nhất là về tên gọi của luật, tôi nhất trí lấy tên là Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Với tên này vừa gọn, đủ nghĩa và đặc biệt là đảm bảo được sự trong sáng của tiếng Việt.

Thứ hai, tôi cũng nhất trí cao việc ban hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình vì đây là yêu cầu bức thiết của cộng đồng. Thực tế chúng ta thấy trong những năm qua Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm đến việc phòng, chống bạo lực gia đình và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng con người mới, bảo đảm quyền tự do của công dân. Song, tuy đã nhiều cố gắng, nỗ lực trong phòng, chống bạo lực gia đình nhưng kết quả chúng ta thấy qua báo cáo của Viện khoa học, xét xử thuộc Tòa án nhân dân tối cao thì tỷ lệ liên quan tới lĩnh vực hôn nhân gia đình, trong đó về những vụ án liên quan đến bạo lực gia đình phải đi đến ly hôn chiếm tỷ lệ trên 42%.

Chúng ta thấy như vậy bạo lực gia đình vẫn xảy ra ở nhiều nơi, kể cả ở nông thôn lẫn thành thị, ở mọi đối tượng và bằng nhiều hình thức khác nhau. Về hậu quả của bạo lực gia đình xảy ra rất nghiêm trọng và nạn nhân phần lớn chúng tôi thấy đó là phụ nữ, người già và trẻ em. Qua đó cho thấy nguyên nhân về những vụ bạo lực gia đình rất đa dạng, chủ yếu là do không hiểu biết về pháp luật hoặc ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, là do tư tưởng phong kiến, gia trưởng, độc đoán. Một trong những nguyên nhân chủ yếu đó là các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình chưa mang tính toàn diện và đồng bộ, thống nhất trong việc phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý hành vi về bạo lực gia đình cũng như các biện pháp chế tài, biện pháp xử lý hình sự, hành chính hiện hành chưa đủ mạnh, chưa toàn diện, chưa phù hợp. Nhất là còn thiếu những quy định về việc can thiệp xử lý của cộng đồng, của dân cư, của chính quyền, của tổ chức, đoàn thể ở cơ sở đối với các vụ bạo lực gia đình.

Các quy định của pháp luật hiện hành, cũng như quy định rõ việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao về ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Vì vậy, tôi cho rằng việc ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thái độ ứng xử của mỗi cá nhân, của Nhà nước, của gia đình, của cộng đồng và toàn xã hội. Góp phần bảo vệ hạnh phúc, sự phát triển lành mạnh của mỗi gia đình, nhằm thực hiện khuôn khổ pháp lý quy định về phòng, chống bạo lực gia đình, đảm bảo việc thực hiện các cam kết quốc tế về Công ước CEDAW mà Việt Nam đã ký kết.

Thứ ba, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, được quy định tại Điều 1, cũng như Điều 41 của dự thảo. Tôi cho rằng là phù hợp vì đối tượng áp dụng là không chỉ áp dụng đối với những thành viên trong gia đình, trong hôn nhân mà còn áp dụng với những đối tượng là nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng hoặc vợ, chồng đã ly hôn nhưng vẫn chung sống với nhau mà không đăng ký kết hôn lại. Tôi cho rằng việc mở rộng đối tượng áp dụng như dự thảo là việc có phát sinh trên thực tế, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thì tôi thấy hiện trạng này chiếm tương đối khá. Vì vậy cần được điều chỉnh và áp dụng để ngăn chặn và xử lý các hành vi có bạo lực để nhằm bảo vệ nạn nhân của hành vi bạo lực trong gia đình.

Thứ tư, về các hành vi bạo lực gia đình ở Điều 3. Tôi tán thành 4 loại hình hành vi bạo lực trong gia đình được quy định như trong dự thảo, tôi cho đây là đầy đủ và với các hành vi bạo lực gia đình được chia ra 4 nhóm, đó là:

Bạo lực về thể chất.

Bạo lực về tinh thần.

Bạo lực về tình dục.

Bạo lực về kinh tế.

Bởi lẽ 4 nhóm hành vi này đều có xảy ra trong thực tế.

Thứ năm, về xử lý hành vi vi phạm. Kính thưa Quốc hội! Tôi cho đây là vấn đề khẳng định rằng chúng ta phải hết sức tế nhị với phương châm là “Hàn gắn” và lấy giáo dục thuyết phục là chủ yếu để giữ gìn hạnh phúc gia đình, vợ, chồng, con cái. Tôi đề nghị nên có mức xử lý như sau:

Một, nếu lần thứ nhất xảy ra bạo lực mà chưa gây hậu quả, thì nên tổ chức giáo dục tại khu phố, xóm, ấp, có sự tham gia của đoàn thể, có sự chỉ đạo của Chính quyền sở tại. Nếu xảy ra lần thứ hai, mặc dù mức độ chưa nghiêm trọng thì phải cưỡng bức giáo dục bằng hình thức tập trung lao động cải tạo, nếu xảy ra lần thứ ba thì phải truy tố trước pháp luật và áp dụng hình thức xử phạt, như vậy vừa mềm dẻo vừa cứng rắn để trên cơ sở của pháp luật không chấp nhận, để xin tha hay bãi nại, ngoại trừ trường hợp quá đặc biệt thì Luật cần quy định thêm cho cụ thể.

Vấn đề thứ 6 về hỗ trợ khẩn cấp đảm bảo về nhu cầu thiết yếu tại Điều 22, Khoản 1 quy định về việc hỗ trợ cho nạn nhân của bạo lực trong gia đình và các nhu cầu thiết yếu về sinh hoạt cá nhân về nhà ở tạm thời trong trường hợp cần thiết khi nạn nhân yêu cầu. Tôi cho rằng ý tưởng của Ban soạn thảo phải nói rằng rất tốt, nhưng Luật mà quy định tạm lánh cho người bị hại như vậy là không hợp lý, không phù hợp, không thực tế và cũng không có tính khả thi. Vả lại nếu quy định như vậy thì chúng ta ban hành Luật như vậy có tính thụt lùi hay sao, tôi cho là rất bị động, không có gì phải tạm lánh nếu như thấy nguy hiểm đến tính mạng cho người bị hại thì nên có thái độ, có biện pháp cách ly người gây ra bạo lực là phù hợp hơn. Đồng thời áp dụng 3 biện pháp xử lý hành vi vi phạm như trên tôi đã nêu.

Vấn đề thứ bảy, về thay đổi hành vi được điều chỉnh trong luật này là điều rất cần thiết, nhưng thay đổi bằng cách nào đây và đây là điều rất khó cần phải cân nhắc và được quy định trong Luật. Trong thực tế đa số bạo lực trong gia đình xảy ra là do gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn công ăn việc làm, quyền hành là ở người chồng, ở ông bố thường hay rượu chè say bê bết, nghèo túng và sinh xung khắc và dẫn đến sự mâu thuẫn. Những hiện tượng như vậy nếu thay đổi hành vi tôi cho rằng rất khó, không phải dễ dàng và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cần có những giải pháp hết sức cụ thể hơn nữa thì mới có tính khả thi được. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan