Ý kiến của ĐBQH Hoàng Thị Lệ – Tỉnh Cao Bằng

Thứ Năm 10:09 09-11-2006

 Kính thưa Quốc hội,

Tôi tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành một văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá năm 1999, để điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, góp phần tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.

Qua nghiên cứu tôi nhận thấy dự án luật trình ra tại kỳ họp này đã tiếp thu rất nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, luật đã có nhiều nội dung đổi mới hơn so với Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá năm 1999. Quy định chi tiết hơn, cụ thể, rõ ràng hơn đối với các đối tượng điều chỉnh của luật, ví dụ: Nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá của mình. Nhà nước thể hiện vai trò quản lý vĩ mô theo yêu cầu của cải cách mở cửa, tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, không áp đặt, không làm thay, khuyến khích, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp nâng cao chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh, người sử dụng được tôn trọng và bảo vệ, đồng thời cũng có nghĩa vụ tuân thủ theo các quy định quản lý Nhà nước vì lợi ích chung. Quan trọng hơn là luật đã thể hiện được cơ chế và phương thức quản lý phù hợp với quốc tế hơn.

Tôi cơ bản nhất trí với những nội dung đổi mới kể trên của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Sau đây tôi xin thảo luận một số ý kiến như sau:

Một, về các vấn đề chung. Tôi thể hiện quan điểm của mình về phạm vi điều chỉnh, tôi tán thành với ý kiến của đại đa số thành viên Chính phủ. Về phạm vi điều chỉnh của luật chỉ tập trung vào vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, không bao gồm dịch vụ môi trường và công trình, vì quản lý chất lượng môi trường đã được Luật Bảo vệ môi trường quy định. Chất lượng công trình đã được pháp luật chuyên ngành điều chỉnh cụ thể. Còn vấn đề quản lý về chất lượng dịch vụ thì mang tính chuyên ngành rất cao, sâu và đa dạng, chịu sự điều chỉnh chung của pháp luật chuyên ngành, liên quan đến đối tượng loại hình dịch vụ.

Về tên gọi của luật, với phạm vi điều chỉnh như trên, tôi nhất trí với tên gọi của luật là Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, không phân tích thêm.

Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước và bộ máy quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, vấn đề này có 3 loại ý kiến khác nhau. Cá nhân tôi nhận thức rằng Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa cần quy định một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa trong phạm vi cả nước. Cơ quan này có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực của ngành được phân công, cơ quan ngày là Bộ Khoa học và công nghệ là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của nước ta.

Về phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương, tôi nhất trí với việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa cho Ủy ban nhân dân các cấp, trong đó có khoản quy định về tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn pháp luật, cung cấp thông tin về chất lượng sản phẩm hàng hóa cho tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh ở cả 3 cấp. Tôi thấy quy định này rất quan trọng, vì chúng ta đều biết hiện nay quá trình chấp hành pháp luật trong nhân dân ta còn nhiều yếu kém. Qua hoạt động thực tế tại địa phương, chúng tôi thấy khi đến các cơ sở sản xuất để thanh kiểm tra về  chất lượng sản phẩm hàng hóa thì có những cơ sở đã không thực hiện tất cả những quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa của mình, mà cũng đã chống chế bằng cách nói với cơ quan điều tra là chúng tôi không biết, hoặc không có cơ quan quản lý nhà nước nào đến hướng dẫn chúng tôi để để thực hiện những việc đó. Cho nên tôi thấy vấn đề tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với người sản xuất, rất cần thiết.

Tuy nhiên tôi thấy băn khoăn về tính khả thi của quy định này, quy định cho Uỷ ban nhân dân cấp xã làm việc này thì tôi thấy nó hơi khó khăn, bởi vì không biết ở cấp xã thì ai sẽ làm công việc này. Bởi vì đối với cấp xã thì không có chân rết của cơ quan quản lý khoa học công nghệ.
Tôi xin đóng góp về các vấn đề cụ thể như sau. Tại Điều 19 là phương thức quản lý chất lượng thì Dự thảo Luật có quy định phương thức quản lý chất lượng gồm có: Một là công bố tiêu chuẩn chất lượng. Hai là công bố sự phù hợp và Ba là chứng nhận sự phù hợp. Tôi nhất trí với phương thức quản lý trên, nhưng còn băn khoăn ở chỗ là điều luật này chưa thể hiện được rõ ràng cụ thể. Ví dụ, công bố tiêu chuẩn áp dụng thì nhà sản xuất sẽ công bố với ai, công bố với cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hay công bố với thông tin đại chúng, công bố với người tiêu dùng v.v... Tôi muốn rằng Dự thảo Luật sẽ quy định cụ thể, rõ ràng hơn và quy định khi một nhà sản xuất nào đó muốn thực hiện việc công bố tiêu chuẩn này thì sẽ thực hiện như thế nào, quy định vào luôn trong luật. Tôi nghĩ rằng cơ quan soạn thảo sẽ có Nghị định nào đó để quy định vấn đề này, nhưng tôi thấy đây là một dự án Luật chuyên ngành, cho nên mong được rõ ràng cụ thể để khi áp dụng Luật, khi đọc Luật nên có thể thực hiện được ngay.

Tại Điều 57 là những hành vi vi phạm chất lượng sản phẩm hàng hóa, như lúc nãy có một số vị đại biểu đã phát biểu ý kiến. Tôi cơ bản nhất trí với những ý kiến đó, tôi xin không nói lại, nhưng tôi thấy có những hành vi vi phạm ví dụ như một sản phẩm hàng hóa nào đó là đối tượng phải công bố tiêu chuẩn hoặc phải công bố hợp quy, hợp chuẩn thì những nhà sản xuất đó người ta không làm thì có phải là vi phạm về quản lý chất lượng hàng hóa không và có quy định xử lý gì trong những hành vi này không. Tôi xin nêu như vậy và mong Ban soạn thảo xem xét thêm.

Tại Điều 56 có quy định thanh tra về chất lượng sản phẩm hàng hóa, ở đây có quy định 3 khoản.

Khoản 1 là thanh tra về chất lượng sản phẩm hàng hóa là thanh tra chuyên ngành.

Khoản 2 là việc thanh tra thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Khoản 3 là Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Tôi nhất trí với Khoản 1, Khoản 2 nhưng Khoản 3 tôi xin có mấy ý kiến sau. Tại Điều 23 của Luật thanh tra đã quy định: tổ chức, cơ quan thanh tra theo ngành gồm có thanh tra Bộ và thanh tra Sở. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 41 ngày 25/3/2005, đã quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành. Ví dụ như thanh tra Bộ là một cơ quan của Bộ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Cũng có quy định là thanh tra Bộ thì có Chánh thanh tra, Phó chánh thanh tra và các thanh tra viên. Thanh tra Bộ có con dấu riêng, đối với thanh tra Sở cũng thế, cũng là một cơ quan của Sở, có trách nhiệm giúp Giám đốc Sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Sở, cũng quy định là thanh tra Sở cũng có con dấu riêng và các Chánh thanh tra, Phó chánh thanh tra và thanh tra viên. Cũng đã có quy định rằng về hoạt động của thanh tra thì gồm có thanh tra theo chương trình, kế hoạch, thanh tra chuyên ngành đột xuất, tức là có những khiếu nại, tố cáo, hoặc là có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ tiến hành thanh tra đột xuất. Trong quá trình thanh tra thì sẽ thành lập đoàn thanh tra, có thời hạn thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra, v.v... Tôi thấy Nghị định 41 này quy định rất rõ rồi.

Ở đây Điều 56, Chính phủ lại quy định tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành nữa thì tôi thấy hơi dài, nên tôi đề nghị Ban Soạn thảo xem xét lại vấn đề này và làm sao để Điều 56 chúng ta có thể bỏ cụm từ là "Chính phủ quy định" Và dẫn chiếu sang là tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm, hàng hoá thì tuân thủ theo quy định của Luật thanh tra và cụ thể hơn là Nghị định 41.

Trên đây là những ý kiến đóng góp của tôi.

Các văn bản liên quan