Ý kiến của ĐBQH Hoàng Thanh Phú – Tỉnh Thái Nguyên

Thứ Năm 10:13 09-11-2006

Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản tôi nhất trí với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra, tuy vậy có thể nói dự án luật lần này mới đưa ra thảo luận lần đầu tiên cho nên tôi thấy còn nhiều ý kiến phải tiếp tục tham gia để hoàn chỉnh luật. Với tinh thần như vậy tôi xin tham gia một số vấn đề chung còn những điều cụ thể tôi chưa có điều kiện tham gia.

Trước hết, tôi thấy nội dung chung của luật cần thể hiện để khắc phục được 2 vấn đề mà trong Tờ trình của Chính phủ đặt ra. Một là chất lượng hàng hóa của nước ta chưa cao và nghiêm trọng hơn là trên thị trường đã xuất hiện nhiều hàng hóa giả, hàng hóa kém chất lượng, hàng nhái và một số vấn đề khác đã gây thiệt hại đến người tiêu dùng. Đây là vấn đề rất lớn cần phải thể hiện để làm thế nào khắc phục được vấn đề này.

Vấn đề thứ hai là xem xét lại qua quá trình quản lý về chất lượng sản phẩm của các cơ quan Nhà nước vì cách quản lý sản phẩm của chúng ta có lẽ là chưa có hiệu quả. Và nếu chúng ta cứ tiếp tục theo đuổi về vấn đề làm sao chỉ giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước tất cả các cấp quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa này thì theo tôi không đủ. Cho nên cần xem xét quy định tổng thể hơn đối với vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa. Ở đây tôi thấy chỉ nặng về vấn đề chỉ quy định các cơ quan Nhà nước thôi và nếu theo quy định của luật này, thì nó sẽ hình thành một hệ thống cơ quan Nhà nước từ các Bộ cho đến các phường xã thì sẽ rất phức tạp.

Ý kiến thứ hai liên quan đến phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng thì chúng tôi nhất trí với phạm vi điều chỉnh và tên của Luật. Trên cơ sở như vậy thì Luật này chỉ điều chỉnh đối với sản phẩm và hàng hoá mà hàng hoá ở đây nếu nói khái niệm về hàng hoá thì nó rất rộng. Cho nên, trong phạm vi luật này cũng chỉ điều chỉnh một số loại hàng hoá nào đó, chứ khái niệm hàng hoá nó rộng lắm. Cho nên, trước hết tôi đề nghị tại mục 1 của Điều 3 là khái niệm của sản phẩm thì thêm đuôi là bao gồm những cái gì để cho nó rõ, tức là hàng hoá này bao gồm hàng hoá gì. Theo tôi, nên có 3 loại hàng hoá mà ta phải điều chỉnh trong luật này. Một là hàng hoá tiêu dùng hàng ngày, đây là một trong những vấn đề cần thiết. Hai là hàng hoá tiêu dùng lâu dài. Thứ ba là hàng hoá theo sản xuất, toàn bộ luật này là về hàng hoá cho sản xuất nó không rõ, cho nên tí nữa tôi sẽ phát biểu thêm về vấn đề hàng hoá cho sản xuất cần phải thể hiện 3 loại hàng hoá như vậy. Đấy là phạm vi điều chỉnh.

Thứ hai, trong phạm vi này để không lạm dụng quá, cần phải xem xét luật này là nhiều khi cứ ghép sản phẩm với hàng hoá thì nó không phải, có những chỗ quản lý sản phẩm chứ không phải sản phẩm gắn với hàng hoá. Cho nên cần phải rà soát trong Luật, tôi đề nghị bỏ dấu phẩy đừng nhập nhằng trong này nữa. Tên Luật là Luật sản phẩm và hàng hoá thay dấu phẩy bằng chữ và để rồi chỗ nào quy định về sản phẩm cho nó rõ sản phẩm, chỗ nào quy định hàng hoá cho nó rõ về hàng hoá. Vì hai khái niệm về sản phẩm và hàng hoá là khác nhau, chứ nó không đồng nhất với nhau, cho nên không thể nhiều điều luật ở đây ghi sản phẩm hàng hoá thì nó không phải, nhất là đối với sản phẩm hàng hoá tiêu dùng trên thị trường như thế này càng không phải. Cho nên, đề nghị điều chỉnh vấn đề đó, đấy là vấn đề thứ hai.

Vấn đề thứ ba ở đây rất quan trọng liên quan đến nguyên tắc quản lý hàng hoá. Nguyên tắc quản lý hàng hoá ngoài những nguyên tắc đã ghi trong luật này, tôi thấy mấy nguyên tắc này rất quan trọng:

Nguyên tắc thứ nhất, tổ chức, cá nhân sản xuất và lưu thông hàng hoá hoàn toàn chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hoá của mình. Đây là 1 trong những nguyên tắc cực kỳ quan trọng trong luật này. Trước hết, những anh sản xuất, những anh lưu thông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về vấn đề này. Để trên nguyên tắc này những quy định về vấn đề quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất và lưu thông hàng hoá này thì ta phải quy định cụ thể liên quan đến trách nhiệm cho rõ ràng, kể cả liên quan đến chế tài đối với những cái vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá này cho rõ ràng. Đấy là nguyên tắc thứ nhất, để thể hiện trong luật tôi cho rằng nguyên tắc này rất quan trọng.

Nguyên tắc thứ hai, tôi cho rằng Nhà nước chỉ quản lý chất lượng hàng hoá đối với những loại hàng hoá mà có tác động trực tiếp đến vấn đề sản xuất, đến đời sống, đặc biệt là về an toàn, về vấn đề thực phẩm, lương thực, thực phẩm và một số vấn đề khác, tức là Nhà nước chỉ quản lý một số cái đó thôi. Tôi đề nghị ở đây Nhà nước chỉ quản lý đối với hàng hoá, Nhà nước không đặt ra vấn đề quản lý sản phẩm, sản phẩm là hoàn toàn anh sản xuất chịu trách nhiệm, có những cái do nó chịu trách nhiệm những sản phẩm nó đưa ra, sản phẩm ấy nó lắp ghép, đưa ra thị trường thì Nhà nước bắt đầu quản lý cái đó, chỉ quản lý những sản phẩm nào thấy thật sự cần thiết. Đấy là nguyên tắc thứ hai.

Nguyên tắc thứ ba, để khắc phục tình trạng hiện nay ta không quản lý được thì trước hết về vấn đề quản lý sản phẩm, hàng hoá này là đối với tổ chức, cá nhân tiêu dùng hàng hoá thì anh phải chịu trách nhiệm trước vấn đề quản lý, về chất lượng sản phẩm hàng hóa mà anh mua về, bản thân anh mua về thì anh phải chịu trách nhiệm, nhất là đối với hàng hóa sản xuất, nếu chúng ta không quy định chặt chẽ cái này thì nó sẽ có chỗ hở.

Thứ hai, nên hình thành tổ chức tư vấn về kiểm tra chất lượng hàng hóa, có thể từng doanh nghiệp đặt ra vấn đề là thuê các tổ chức hiện nay ta đã hình thành, ví dụ VINACONTROL hoàn toàn kiểm tra chất lượng sản phẩm, cái này cần phải đưa vào kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Vấn đề thứ tư liên quan đến phân loại hàng hóa, đề nghị phân rõ vấn đề sản xuất hàng hóa, nên phân làm hai loại hàng hóa, một là hàng hóa tiêu dùng nên như thế nào, hai là hàng hóa sản xuất nên quản lý ở mức độ nào, tôi phân vân nhóm này, gần như ta bỏ qua hàng hóa sản xuất. Ví dụ bây giờ ta có quy định liên quan đến những hàng hóa không có khuyết tật để đưa ra thị trường này thì không phải bồi thường. Ví dụ giống lúa và một số giống ngô ta đưa ra thị trường không thấy có tật gì, nhưng cuối cùng kết luận của nó là không mang lại lợi ích gì cho nông dân, cái này có phải phạt không? có bị bồi thường hay không? ta cần phải phân tích lại đối với những hàng hóa liên quan đến sản xuất, nếu chúng ta chỉ đưa những vấn đề chung chung như vậy, thì nó không thể hiện được vấn đề liên quan đến bảo vệ hàng hóa trong sản xuất. Cho nên cần phải tách ra làm 2 loại, để rồi trên cơ sở đó quy định đối với các nhóm.

Vấn đề thứ năm liên quan đến nội dung quản lý sản phẩm hàng hóa, tại Mục 1, Chương III liên quan đến vấn đề tiêu chuẩn, vấn đề chuẩn mực, tôi đề nghị quy định đó là quy định cho hàng hóa chứ không quy định cho sản phẩm. Vì sản phẩm do doanh nghiệp quyết định nó có thể đặt ra tiêu chuẩn này, quy chuẩn này đối với sản phẩm của nó, lắp đặt vào những máy móc thiết bị hay một số sản phẩm mà nó đưa ra. Như vậy Nhà nước chỉ nên quy định về vấn đề tiêu chuẩn và vấn đề hợp chuẩn là hợp chuẩn đối với hàng hóa, đây là quy định cho hàng hóa chứ không quy định cho sản phẩm như Mục 1.

Một mục nữa là Mục 3 liên quan đến vấn đề quản lý hàng hóa trên thị trường, tôi đề nghị đưa ra việc kiểm tra quản lý hàng hóa. Nội dung này là kiểm tra hàng hóa, do vậy Chương III tôi đề nghị đề cập đến 5 vấn đề và có thể là 5 mục:

Một là quản lý sản phẩm.

Hai là quản lý hàng hóa nội địa, vấn đề này ta chưa đưa vào đây.

Ba là quản lý hàng hóa nhập khẩu.

Bốn là quản lý hàng hóa xuất khẩu.

Năm là kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Đó là những nội dung mà Chương III cần lưu ý, phải đủ 5 nội dung đó thì mới đủ nội dung chuyên ngành.

Về quyền và trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, như nãy tôi đã nói nhưng nội dung cơ bản ở chương này là cần có quy định làm thế nào có cả chế tài xử đối với những vi phạm. Do vậy, tôi đề nghị xem xét có thể đưa một phần Chương V về vấn đề đền bù thiệt hại cái A, cái B vào chế tài của Chương này.

Ngoài ra có một số vấn đề khác tôi đề nghị cần có bổ sung một số điều, trong này có điều thứ nhất là cần bổ sung như vậy. Tiêu chí gọi là chất lượng sản phẩm gồm những tiêu chí gì, cái này cần có một điều quy định về tiêu chí chất lượng sản phẩm, đây ta coi như luật này là Luật quản lý chất lượng sản phẩm, trước hết tiêu chí nó gồm những cái gì. Đó là cái thứ nhất.

Thứ hai, cần có bổ sung một điều cấm về hàng hoá đưa ra thị trường thì trong này nó có mấy cái buộc phải cấm. Một là không được đưa ra thị trường đối với hàng giả, hai là đưa ra thị trường những hàng kém phẩm chất, ba là đưa ra thị trường những hàng đã xuống cấp, đấy là tôi đề nghị nên có vấn đề như vậy. Xin hết

Các văn bản liên quan