Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Phát – Tỉnh Thanh Hoá

Thứ Năm 10:07 09-11-2006


Kính thưa Quốc hội,

Tôi thấy từ sáng giờ nhiều đại biểu phát biểu, ý kiến của tôi có nhiều nội dung trùng với ý kiến này. Tuy nhiên, tôi thấy Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã được tổng kết quá trình thực hiện Pháp lệnh chất lượng hàng hóa năm 1999, trên tinh thần thực hiện Nghị định 86CP của Thủ tướng Chính phủ, tôi thấy bố cục và nội dung, các quy trình thủ tục tương đối là tốt. Tôi nghĩ nếu bổ sung thêm một số nội dung nữa chắc chắn là luật sẽ tốt.

Đi vào những vấn đề cụ thể, tôi xin được tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, theo gợi ý của Đoàn thư ký, phạm vi điều chỉnh, tôi thống nhất với nội dung luật này điều chỉnh chất lượng đối với sản phẩm cụ thể thôi và thực hiện các sản phẩm này thông quan quá trình sản xuất để bán và trao đổi thương mại, chứ không phải tất cả các sản phẩm.

Quay trở lại vấn đề liên quan đến tên, tôi không phân tích nhiều, nhưng tôi cũng thống nhất với ý kiến của đại biểu Đoàn Minh Vượng. Với giải thích ở trong luật, nếu sản phẩm mà chúng ta chỉ giải thích là một vật dụng hay một vật phẩm hoàn chỉnh của một quá trình sản xuất và gia công chế biến với mục đích đưa vào lưu thông trên thị trường. Tôi thấy một sản phẩm là một kết quả của một quá trình và quá trình có thể là quá trình kỹ thuật, quá trình tự nhiên, xã hội. Tuy nhiên tôi cũng rất hiểu luật của chúng ta chỉ quy định các sản phẩm này chủ yếu được tạo ra trong quá trình sản xuất gia công, chế biến tức là qua quá trình kỹ thuật mà thôi. Nhưng đã là sản phẩm, nếu chúng ta không đưa vào thị trường thì dự án luật này không nên điều chỉnh các sản phẩm đó. Khi đã đưa vào thị trường thì nghiễm nhiên nó trở thành hàng hóa và khi trở thành hàng hóa thì nó bị kiểm soát từ khi bắt đầu sản xuất cho đến khi ra thị trường, nhằm chống quá trình thay đổi chất lượng sản phẩm trong quá trình tiêu dùng, trong lưu thông. Vì thế tôi nghĩ nên đặt tên của luật là Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, bỏ dấu phẩy, như thế cũng không làm thay đổi đến chức năng, phạm vi quản lý. Mà vấn đề quan trọng là chúng ta phải hiểu cho đúng là sản phẩm này được quản lý từ khi sản xuất cho đến khi tiêu dùng. Đó là ý thứ nhất mà tôi muốn nêu.

Nếu chúng ta phân thành 3 loại thì cũng không có vấn đề gì, nhưng thực tế nó sẽ khó khăn cho quá trình kiểm tra, kiểm soát và việc tổ chức thực hiện sau này. Với định nghĩa phân loại nhóm sản phẩm hàng hóa an toàn như trong định nghĩa của dự thảo luật thì tôi nghĩ chúng ta nên phân thành 2 loại: Một loại là sản phẩm an toàn và loại thứ hai là loại sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn. Và như thế cũng cần phải có những tiêu chí để quy định cho các loại sản phẩm này và căn cứ vào đó thì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới xây dựng được danh mục và công bố các loại sản phẩm đó. Nếu không chúng ta sẽ rất dễ tùy tiện trong việc công bố sản phẩm hàng hóa nào là an toàn và cái nào là không an toàn. Thực tế khái niệm an toàn và không an toàn cũng tương đối thôi, đối với một sản phẩm có thể lúc này nó an toàn, nhưng sau một thời gian sử dụng nó lại không an toàn hoặc mức độ an toàn ít đi. Ví dụ điện thoại chẳng hạn, ta sử dụng mà nói an toàn hay không an toàn cũng rất vô cùng. Bởi vì những sóng của điện thoại cũng có thể làm cho chúng ta mất an toàn và nó còn phụ thuộc vào từng đối tượng sử dụng, có người thì bị mất an toàn, nhưng người khác sử dụng vẫn an toàn.
Thứ ba, liên quan đến quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định trong luật như thế nào để cho có sự phân biệt tương đối rõ ràng giữa quản lý chất lượng sản phẩm và quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, tránh người sử dụng, người sản xuất cũng như các cơ quan nhà nước nhầm tưởng chỗ này, dẫn đến việc trong quá trình tổ chức thực hiện có sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ.

Chúng tôi thấy cần phải xem xét để quy định trong luật nội dung quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm là gì? cần phải quy định thành một điều, để căn cứ vào đó để các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương nắm được nội dung đó. Trên tình thần nội dung đó có sự phân cấp, tôi đồng ý với cách phân cấp quản lý như hiện nay, như của dự thảo luật sửa đổi lần sau, nhưng có vấn đề liên quan đến nội dung quản lý của xã, phường, tôi đề nghị nên nghiên cứu để giao trách nhiệm quản lý nhà nước đối với xã, phường, mặc dù các luật khác cũng quy định liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương, tức là cấp xã, phường quản lý các vấn đề có liên quan, nhưng tôi thấy để tránh trường hợp hàng giả, hàng kém chất lượng, mà bản thân chỉ có chính quyền xã, phường mới nắm được bản chất, cũng như việc làm trái pháp luật ở những nơi hẻo lãnh, ở những nơi xa xôi, các cơ quan nhà nước không có điều kiện quản lý. Cho nên tôi đề nghị cần phải có quy định rõ ràng hơn về mặt trách nhiệm cũng như phân công.

Thứ hai, về vấn đề quản lý Nhà nước ở đây có một nội dung hết sức quan trọng liên quan đến tổ chức bộ máy quản lý mà ở đây trực tiếp là cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương là Bộ Khoa học công nghệ. Tôi thấy mô hình này chúng ta đã tổ chức từ lâu rồi và Bộ Khoa học và công nghệ cũng như các cơ quan thuộc Bộ Khoa học có kinh nghiệm về quản lý vấn đề này. Trong quá trình làm thì chúng ta đã điều chỉnh để chuyển dần các nhiệm vụ quản lý có tính chất chuyên ngành sang các bộ chuyên ngành quản lý và chuyển như vậy tôi cho là rất phù hợp.

Bởi vì chỉ có các bộ chuyên ngành mới có thể hiểu được hết các đặc tính cuả các sản phẩm và quá trình sản xuất cũng như các tác hại của các sản phẩm đó, hay quá trình lưu thông hàng hoá thì người ta giải quyết được và như thế phân cấp là đúng.

Riêng hệ thống quản lý của khoa học công nghệ cần phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức giúp cho Bộ Khoa học và công nghệ đó là Tổng cục Đo lường chất lượng, ở dưới địa phương là Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Tôi thấy điều này hiện nay đang có một sự chồng lấn, cái không minh định rạch ròi giữa quản lý Nhà nước và quản lý chất lượng, làm như thế thì hành chính trong quản lý không rõ ràng và quản lý chuyên môn, tư vấn dịch vụ nó không rõ làm cho lúc xử lý, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hoá cũng như giải quyết thanh tra trong khiếu tố, khiếu nại về chất lượng sản phẩm hàng hoá không được rõ ràng. Chính đây là những cái gây ra khiếu kiện rất nhiều. Làm như vậy thì chúng ta mới có điều kiện để chúng ta nâng cao năng lực của các tổ chức chứng nhận. Tôi thấy tổ chức chứng nhận ngay ở trong các Chi cục hiện nay đầu tư của chúng ta chưa thoả đáng. Đây là tổ chức của Nhà nước, cần phải đầu tư mạnh, đủ điều kiện để nó xác định tính phù hợp về mặt chất lượng sản phẩm, hàng hoá, nó phải là một tổ chức định hướng cho các tổ chức mà chúng ta đang dự kiến xã hội hoá, nó phát triển lên. Nếu không tôi thấy ngay bản thân bộ phận này trong Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cũng chưa mạnh được, cho nên tôi thấy cần quy định trong luật, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định thêm chỗ này trong luật. Không quy định thì chúng ta cứ ngại, nhưng rõ ràng không quy định thì dứt khoát hệ thống quản lý về chất lượng của chúng ta không chặt chẽ. Và có một vấn đề là nó chồng chéo giữa quản lý Nhà nước và quản lý chất lượng.

Ý kiến thứ ba, tôi thấy trong vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm trọng điểm, đây là 1 nội dung rất tốt, thông qua hoạt động này thì các địa phương, các ngành tập trung chỉ đạo quy hoạch để chúng ta có những sản phẩm có chất lượng cao, có đủ sức để cạnh tranh trên thị trường, nhưng cần phải có đánh giá lại hiệu quả thực chất của chương trình này. Tôi thấy rằng, cũng có nhiều ý kiến đã nêu nó cũng có những cái đơn vị sản xuất nó thấp, nó làm ảnh hưởng đến những sản phẩm khác. Trong quá trình thực hiện nội dung này, tôi đề nghị cần phải chú ý vào 2 điểm:

Một là phải xem xét thật sự chất lượng nó là sự phù hợp của thị hiếu của người tiêu dùng và chính vì vậy khi xem xét một sản phẩm dù là đặc tính kỹ thuật hay là các yêu cầu của sản phẩm nó đạt đến trình độ như thế nào? Nhưng mà phải nghiên cứu xem thị trường nó tác động đến sản phẩm đó nó có lớn hay không? Và thông qua đó thì mới tạo ra sức cạnh tranh được, nếu mà thị trường bé, dù rằng chất lượng sản phẩm có cao thì cũng không tác dụng. Tôi đề nghị cần bổ sung vào nội dung của khoản nâng cao chất lượng sản phẩm, cần phải làm một nội dung nữa là Nhà nước phải hỗ trợ cho công việc nghiên cứu, phát triển thị trường, nhằm để nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm.

Thứ hai nữa là chúng ta phải chú ý đến hiệu quả của việc ứng dụng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, ví dụ như ISO9000, hay ISO14000, hay là các hệ thống chất lượng khác, nếu chúng ta áp dụng hệ thống chất lượng này tốt trong quản lý thì sản phẩm của chúng ta mới ổn định, thì chúng ta đáp ứng được các tiêu chuẩn của chính bản thân các nhà sản xuất, hay tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn khu vực, cũng như thế giới.

Thứ ba: Một điều nữa tôi nghĩ để cho các sản phẩm này là sản phẩm chủ lực của đất nước thì cần phải xây dựng một trang thông tin để giới thiệu các sản phẩm đó, thông qua đó chúng ta mới quản lý và nắm bắt được tình hình cũng như sự phát triển của sản phẩm. Nhờ đó thị trường sản phẩm công nghệ của chúng ta mới vào được cuộc sống.

Thứ tư về hành vi vi phạm chất lượng sản phẩm và việc xử lý, tôi thấy rất nhiều đại biểu đã nêu rồi nhưng tôi đề nghị nêu thêm một ý nữa. Đó là ý lợi dụng về hoạt động quản lý chất lượng, để chứng nhận sai sự phù hợp cũng cần phải đưa vào điều cấm trong luật này.

Các văn bản liên quan