Trích ý kiến của ĐBQH Vũ Thanh Lịch – Tỉnh ĐăkLăk

Thứ Sáu 09:52 27-10-2006
Kính thưa Quốc hội!

Tôi xin có một vài ý kiến.

Trước hết, đầu đề của Dự án Luật Bình Đẳng giới hay là bình đẳng nam, nữ, tôi nghĩ rằng tên bình đẳng nam, nữ thì đúng hơn và rõ hơn, vì chữ "giới" trong tiếng Anh, trong tiếng Pháp là "sex", hiểu chung thôi, khi muốn nói nam hay nữ phải thêm vào giới nam hoặc giới nữ. Cho nên bình đẳng giới hiểu chung chung vậy thôi. Khi chúng ta nói đến bình đẳng giới hay là bình đẳng nam, nữ thì chúng ta tranh luận hay là chúng ta góp ý kiến về quyền của người phụ nữ, để người phụ nữ được bình đẳng với nam giới, tôi muốn nhấn mạnh đến cơ sở, lý luận về nguyên tắc nào để chúng ta nói rằng nam và nữ bình đẳng với nhau.

Tôi nghĩ bình đẳng giới hay là bình đẳng nam, nữ là lý tưởng, là mục tiêu mà chúng ta hướng tới. Trước hết là để chống lại cách cư xử phong kiến trọng nam khinh nữ của nhiều nước, của nhiều địa phương và của nhiều tôn giáo, ở Việt Nam có câu nói: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô"

Ngoài ra bình đẳng nam, nữ hay là bình đẳng giới dựa trên nguyên tắc nào? Tôi nghĩ rằng phải dựa trên nguyên tắc cùng là người, người nam cũng là người, người nữ cũng là người. Đúng như vậy vì nam, nữ đều là người, khi nói đến người là phải hiểu cả nam, cả nữ. Từ "người" trong tiếng Việt hay từ "man" ở trong tiếng Anh hay "homme" trong tiếng Pháp thì cũng phải hiểu chỉ cả về hai giới, chứ không chỉ riêng đàn ông.

Sở dĩ có vấn đề tranh đấu hay ra luật nam, nữ bình đẳng là chúng ta còn hưởng ứng phong trào giải phóng phụ nữ ở trên thế giới, mà phong trào giải phóng phụ nữ này có cả gần một thế kỷ nay và xuất phát từ sự ý thức về nhân phẩm của con người, mà phụ nữ cũng là người, phụ nữ cũng có nhân phẩm. Ngày hôm nay người ta nói đến nhân phẩm, nói đến nhân cách, nói đến nhân quyền và cả nam, cả nữ đều phải sống sao cho có nhân phẩm, có nhân cách và có như thế mới có thể đòi quyền của mình, quyền của con người nói chung và quyền của giới nam, quyền của giới nữ nói riêng. Quyền ở đây phải hiểu là quyền tự nhiên, sinh ra đã có quyền ấy, chứ không phải do xã hội hay là quyền lực nào ban cho. Không phải chúng ta làm luật này thì chúng ta ban cho phụ nữ hay là chúng ta cống hiến cho phụ nữ những quyền này và quyền khác. Quyền đó là quyền do địa vị cao quý của người phụ nữ. Nếu có luật bảo vệ hay là tranh đấu cho quyền lợi của giới nào đó là vì quyền tự nhiên của họ bị vi phạm mà thôi. Chúng ta cũng biết rằng nam, nữ thì tâm, sinh lý khác nhau. Theo các nhà tâm, sinh lý người ta nói ràng có 5 định luật tâm, sinh lý sau đây:

Thứ nhất, Định luật Ưu tiên. Tức là nơi đàn ông thì thể xác là ưu tiên và người đàn bà thì tình cảm là quan trọng, là ưu tiên.

Hai, Định luật Phân cách. Tức là trái tim của đàn bà thì toàn diện, chỉ có một ngăn thôi, nhưng đàn ông thì có tới 5, 6 ngăn.

Ba, Định luật Chi tiết. Tức là đàn ông chỉ để ý những cái tổng quát và đàn bà thì để ý đến chi tiết nhiều.

Bốn, Định luật Thính giác. Tức là tai của các bà thì rộng hơn, còn cái lưỡi của các ông thì ngắn hơn.

Năm, Định luật Bất đồng cảm. Tức là cả 2 giới này không có cùng một cảm xúc như nhau.
Vì tâm, sinh lý khác nhau nên cũng phân công xã hội khác nhau. Phân công trong gia đình, phân công ngoài xã hội, không phải nam làm gì thì nữ cũng làm được việc đấy và nếu có làm gì, nếu có làm cùng một việc thì sự dẻo dai, sự bền bỉ, sức chịu đựng cũng khác nhau và đàn ông có thể gánh vác 100kg, nhưng không thể bế được đứa con 5kg. Do đó, không thể đem chỉ tiêu, không thể đem phân số, không thể đem phần trăm, để dứt khoát quy định cho 2 giới tương đương bằng nhau, như có đại biểu băn khoăn về nữ không được 30% gì đó. Tôi nghĩ rằng và có một số đại biểu nói như thế, đó là quyền của cử tri và nó lệ thuộc vào sự tự do và khả năng của người ra ứng cử, còn tùy theo luật, nếu luật cho tự do ứng cử thì lúc đó nam nhiều, hay nữ nhiều, kẻ thắng người thua là tùy vào khả năng và quyền lựa chọn của cử tri. Kính thưa Quốc hội, khi làm luật thì chúng ta nhằm đa số và nhằm những cái thường xảy ra, chứ không phải nhằm thiểu số. Nếu như có những phụ nữ làm giáo sư, làm nhà bác học, làm tướng v.v... tuổi nghỉ hưu có dài ra thì có một quy chế đặc biệt hoặc do nhu cầu hoặc có những yêu cầu của xã hội. Do đó, tôi nhất trí với đại biểu Đặng Ngọc Tùng hoặc đại biểu Bùi Sĩ Tiếu nói về thời gian nghỉ hưu như quy định trong Luật Lao động là đúng. Nghỉ hưu ở một tuổi nhất định nào đó của nam hay nữ không phải vì bất bình đẳng nam, nữ mà vì tôn trọng con người toàn diện, quan trọng giới tính toàn diện. Khi chúng ta đề nghị rằng người phụ nữ làm việc tới 50 tuổi hay người đàn ông làm việc tới 60 tuổi thì không phải vì nam hay vì nữ, mà là vì chúng ta tôn trọng giới tính toàn diện và con người toàn diện và khả năng toàn diện.

Các văn bản liên quan