Trích ý kiến của ĐBQH Bùi Sĩ Tiếu – Tỉnh Thái Bình

Thứ Sáu 09:42 27-10-2006
Kính thưa Đoàn Chủ tịch!

Kính thưa Quốc hội!

Theo chúng tôi, nước ta ngay từ khi mới giành được độc lập, Bác Hồ đã thực hiện chủ trương nam nữ bình đẳng, nhằm giải phóng phụ nữ khỏi những quan niệm và hành vi cổ hủ, phân biệt đối xử với phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền, bình đẳng trong mọi lĩnh vực kinh tế và xã hội. Chính nhờ vậy mà so với các nước trong khu vực và trên thế giới, vấn đề bất bình đẳng giới ở nước ta không là vấn đề lớn. Nhưng nhận thức và quan niệm về vấn đề này còn chưa đầy đủ, tự giác trong nam giới và trong quan niệm xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, để thực hiện tốt hơn nữa chủ trương nam nữ bình đẳng, giải phóng phụ nữ, Luật Bình đẳng giới ra đời là rất cần thiết là cơ sở pháp lý để thúc đẩy mạnh mẽ bình đẳng giới trong thực tế cuộc sống, góp phần bảo vệ, thực hiện Công ước quốc tế về việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.

Về cơ bản chúng tôi đồng tình với nhiều điều trong Dự thảo Luật Bình đẳng giới, tuy nhiên, chúng tôi thấy cần phát biểu ý kiến về một số vấn đề mà chúng tôi thấy chưa nhất trí, đó là: Một, ở Điều 9, trong Luật Bình đẳng giới, chúng tôi cho rằng không cần có thêm cơ quan quản lý Nhà nước về Luật Bình đẳng giới. Vì chúng ta đang thực hiện cải cách hành chính, giảm nhẹ đầu mối quản lý. Nếu mỗi luật ra đời lại có thêm một cơ quan quản lý Nhà nước thì xã hội sẽ như thế nào? Thêm nữa, chúng ta đang vận động toàn Đảng, toàn dân sống và làm việc theo pháp luật, mọi người dân đều phải thực hiện theo pháp luật.

Vấn đề thứ hai, Điều 11, theo chúng tôi không nên quy định một cách cứng nhắc tỷ lệ nam, hay nữ cố định trong luật. Ví dụ như Luật Bầu cử Quốc hội hay Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, vì luật ra đời để thực hiện trong một thời gian dài. Quy định tỷ lệ sẽ tạo ra một sự cứng nhắc, không thực hiện đúng là phạm pháp và trên thực tế không phải ở đâu và lúc nào cũng có thể thực hiện đúng 100% quy định đó. Những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn luôn chú ý chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục quần chúng, Đảng viên thực hiện tốt chủ trương bình đẳng giới. Đã có nhiều quy định hướng dẫn, giao chỉ tiêu nữ cho từng địa phương, tuyên truyền, vận động để quần chúng hiểu và bầu đại biểu nữ vào các cơ quan của Đảng, của Quốc hội, của chính quyền các cấp. Nhờ đó mà tỷ lệ nữ trong các cơ quan Đảng, cơ quan dân cử, đoàn thể quần chúng ngày một nâng cao. Nhiều chị được giao trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, những phụ nữ tài năng đều được trọng dụng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Trong thực tế hiện nay ở nhiều lĩnh vực phù hợp với phụ nữ như giáo dục, y tế, thương mại thường lực lượng phụ nữ chiếm đa số.

Vấn đề thứ ba, vấn đề tuổi hưu của nữ, Điều 13, về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động. Theo chúng tôi nên giữ như dự thảo tức là nữ nghỉ hưu ở tuổi 55 và nam nghỉ hưu ở tuổi 60. Ý kiến này của tôi phù hợp với đa số, theo số liệu thăm dò ở diễn đàn Việt Nam Net.

Sở sĩ như vậy lý do thứ nhất là điều này đúng với quy định của luật lao động hiện hành. Điều này cũng đúng với tuổi nghỉ hưu của người lao động đã được Quốc hội thảo luận thông qua Luật bảo hiểm xã hội Quốc hội đã thông qua ngày 21.6.2006 vừa qua.

Thứ hai là thực tế từ trước tới nay đối với những phụ nữ có tài năng, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn trọng dụng không kể tuổi tác, giao cho những trọng trách cao như Phó Chủ tịch nước, Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Thường vụ Quốc hội, nhiều Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc hội và Bộ trưởng, Phó Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam, v.v...
nhiều giáo sư, nhà khoa học có tài năng cũng được lưu nhiệm, không kể tuổi, thậm chí có giáo sư nữ làm việc tới tuổi 70 vẫn chưa nghỉ hưu. Việc đặt ra hạn tuổi đối với đối tượng này là không nên.

Thứ ba, việc phụ nữ được nghỉ lao động trước nam giới 5 tuổi là thực hiện tư tưởng của Bác Hồ trước đây, muốn ưu tiên phụ nữ. Do đó, phải nhận thức rằng phụ nữ được nghỉ hưu ở tuổi 55, chứ không phải bị nghỉ hưu sớm 5 năm.

Thứ tư là phụ nữ có chức năng làm mẹ, làm chủ gia đình, cuộc sống. Cuộc sống gia đình thiếu vắng sự quan tâm của phụ nữ thì không thể hoàn thiện được. Phụ nữ là người quản lý gia đình, là người tập hợp, quy tụ hạnh phúc gia đình cho chồng, con có bát cơm ngon, có canh ngọt. Nghỉ sớm có điều kiện chăm sóc cho con cháu, đó còn là chức năng thiên bẩm của phụ nữ đối với gia đình, nền tảng của xã hội, không chỉ ở nước ta mà cả thế giới, nhất là trong điều kiện xã hội hiện nay, xây dựng, bảo đảm gia đình hoà thuận, hạnh phúc, con cháu chăm, ngoan, vai trò phụ nữ vô cùng quan trọng khi tuổi của họ đã cao.

Thứ năm, đối với các nhà giáo, nhà khoa học tài năng, Chính phủ đã có quyết định kéo dài tuổi nghỉ hưu, Đảng cũng đã có quyết định kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với một số cấp uỷ là nữ, nên không cần có quy định tuổi trong luật này.

Thứ sáu, thực ra đa số chị em phụ nữ lao động trong các ngành nghề đều muốn được nghỉ hưu sớm, thậm chí ở những ngành nghề nặng nhọc như nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, bảo vệ môi trường, được nghỉ hưu sớm hơn nữa cũng là điều mong đợi và là hạnh phúc của họ.

Đến tuổi 55, còn yêu cầu lao động thêm 5 năm nữa đối với công nhân ở nhà máy hay ở công trình, thậm chí đối với y tá, hộ lý bệnh viện, giáo viên trực tiếp đứng lớp cũng không ai mong muốn. Vì thế, nghỉ hưu sớm là điều mong đợi của đa số phụ nữ, tham khảo số liệu thăm dò trên Vietnamnet, số phiếu thăm dò ở Vietnamnet với số lượng lớn có tới 77% tán thành tuổi nghỉ hưu hiện nay theo Bộ Luật Lao động, tức là nam ở tuổi 60, nữ ở tuổi 55. Chỉ có một số ít những chị tham gia lãnh đạo, có điều kiện làm việc thuận lợi hoặc một số ít làm việc trong những ngành nghề có thu nhập cao, không muốn nghỉ hưu, không muốn nghỉ hưu đúng tuổi, hiện nay muốn kéo dài thêm 5 năm. Vì vậy, chúng tôi đề nghị nếu phê chuẩn điều này là không hợp lòng dân, thiếu trách nhiệm với đa số nhân dân lao động là nữ, thêm vào đó do những điều kiện sinh học mà thực tế phụ nữ tuổi thọ cao hơn nam giới, nhưng sức khỏe của họ nói chung lại kém hơn.

Tuy nhiên, trong vấn đề này chúng tôi thấy nên có chế độ ưu đãi với phụ nữ bằng cách trợ cấp tiền. Ví dụ hiện nay trong điều kiện nước ta còn khó khăn, chúng ta có thể hỗ trợ, trợ cấp thêm 3 - 4 tháng lương cho việc sinh ra 1 người con. Sau này khi kinh tế của chúng ta phát triển khá giả lên, có thể chúng ta trợ cấp 5 - 6 tháng lương chẳng hạn. Điều này hoàn toàn hợp lý, có cơ sở để giúp chăm sóc tốt ngay từ ban đầu cho thế hệ tương lai của nòi giống. Ngoài ra, tôi cho rằng Luật Bình đẳng giới đã thiếu hẳn một điều rất quan trọng nói về trách nhiệm, quan trọng, to lớn của người phụ nữ đối với việc chăm lo cho hạnh phúc gia đình, quan tâm xây dựng gia đình hoà thuận, ấm no, hạnh phúc, chăm lo giáo dục con cháu. Nên bổ sung nội dung này vào Điều 16.

Các văn bản liên quan