Trích ý kiến của ĐBQH Đặng Thị Phương Phi – Tỉnh Long An

Thứ Sáu 09:39 27-10-2006

Kính thưa Chủ toạ phiên họp.

Kính thưa Quốc hội. Tôi xin phép được tham gia vào Dự thảo Luật Bình đẳng giới. Ngay từ những ngày đầu thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thực hiện mục tiêu nam, nữ bình quyền và từ đó Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều vấn đề ở các cấp độ, hiệu lực pháp lý khác nhau nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Trên thực tế, ở các lĩnh vực, kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, trong đó có lẽ có cả vấn đề bảo đảm pháp lý nên phụ nữ và trẻ em gái chưa thực sự được hưởng sự bình đẳng, chúng ta đã ban hành một số luật liên quan đến bình đẳng giới như Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe, Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng những Luật này chưa tập trung trực tiếp vào việc thực hiện bình đẳng giới. Nhìn chung, chúng ta thường xử lý bình đẳng giới theo chính sách và tập quán, tâm lý cộng đồng và tình trạng này về căn bản vẫn chưa có cơ sở pháp lý. Do đó, cần thiết phải có Luật Bình đẳng giới, để bảo đảm việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Tôi nhận thức rằng, tầm nhìn lâu dài khi xây dựng Luật Bình đẳng giới là phải hướng tới phát triển con người và xã hội bền vững, nâng cao văn hóa sống của cả hai giới, xây dựng hạnh phúc cá nhân, gia đình và cộng đồng. Từ đó, tôi thống nhất với giải trình của Ủy ban Thường vụ rằng, Luật Bình đẳng giới cần quy định các nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực và tập trung vào một số vấn đề mà pháp luật chưa có quy định hoặc đã quy định, nhưng chưa cụ thể, đó là các biện pháp bình đẳng giới, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân.

Từ sự thống nhất này, tôi có suy nghĩ như sau: Chúng ta không nên nhầm lẫn nguyên tắc bình đẳng giới và nguyên tắc thực hiện bình đẳng giới. Theo tôi, nguyên tắc bình đẳng giới là làm rõ thêm, giải thích thế nào là bình đẳng giới, đó về khái niệm. Còn nguyên tắc thực hiện bình đẳng giới là nguyên tắc hành động và đây là phần trọng tâm trực tiếp chi phối các biện pháp thực hiện bình đẳng giới. Nếu trong Luật Bình đẳng giới không đề ra nguyên tắc thực hiện bình đẳng giới thì tương lai của một bộ phận bé gái sẽ không khác mẹ của các bé, bà của các bé, vì những biện pháp bình đẳng giới sẽ không có hiệu quả, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan sẽ không rõ, vì không xử lý được. Do đó, tôi xin đề nghị nguyên tắc bình đẳng giới để Ban soạn thảo và quý đại biểu nghiên cứu, nên chăng:

Một, nam nữ bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hai, nam nữ bình đẳng trong mọi lứa tuổi.

Ba, nam nữ bình đẳng không phụ thuộc vào nguồn gốc sinh trưởng và dân tộc.

Bốn, nam nữ bình đẳng không phụ thuộc vào nghề nghiệp, địa bàn sinh sống.

Năm, nam nữ bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm.

Về nguyên tắc thực hiện bình đẳng giới, tôi xin được đề nghị:

Một, thực hiện bình đẳng giới nhất quán và triệt để ở mọi cấp, mọi ngành và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hai, thực hiện bình đẳng giới ưu tiên trong độ tuổi vị thành niên và người cao tuổi.

Ba, thực hiện bình đẳng giới gương mẫu trong đội ngũ công chức Nhà nước và trong đội ngũ công nhân lao động sản xuất.

Bốn, thực hiện bình đẳng giới đầy đủ về các mặt vật chất và tinh thần.

Năm, thực hiện bình đẳng giới theo mục tiêu phát triển bền vững phát triển giới.

Tôi có suy nghĩ nếu như chúng ta giữ được mục tiêu phát triển bền vững về phát triển giới thì chúng ta sẽ giữ được tố chất riêng từng giới và nam nữ sẽ giữ được sắc thái đặc thù của giới mình, đó là giữ được truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam và cá nhân hài hoà với xã hội.
Nếu thiết kế những nguyên tắc thực hiện bình đẳng giới như trên thì chúng ta cần phải sửa đổi lại các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.

Về cụ thể, khi đi vào nghiên cứu ở Chương II, bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, tôi thấy không an tâm chút nào, tôi có cảm giác hình như chúng ta mắc bệnh hình thức, bởi các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được quy định tại các Khoản 5, Điều 11; Khoản 2, Điều 12; Khoản 4, Điều 13; Khoản 5, Điều 14 chưa thể hiện được sự thúc đẩy theo giải thích từ ngữ ở Điều 5, cũng như được đề cập cụ thể ở Điều 19. Như vậy những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sẽ thiếu hiệu quả và sẽ không kịp thời.

Tôi nhất trí với ý kiến của các đại biểu nữ trước tôi đã phân tích. Cụ thể ở Điều 14, bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Tôi nghĩ nếu quy định như Khoản 5, Điều 14 thì sẽ không điều chỉnh được thực tế hiện nay, quyền học tập của trẻ em không được bảo đảm.

Trên nền tảng Luật Giáo dục và chính sách bình đẳng, cả hai giới đều có quyền học tập như nhau, nhưng thực tế trẻ em gái thực hiện quyền của mình ít hơn, mặc dù không phải do các em mong muốn như thế. Vấn đề này cần được làm rõ qua những nghiên cứu có hệ thống.
Tuy nhiên, qua thực tế về phía Luật Bình đẳng giới tôi xin được đề nghị bổ sung và biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, một đối tượng cần được hỗ trợ là trẻ em gái ở các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ngoài trẻ em gái ở khu vực nông thôn. Tôi rất mừng vì Ban soạn thảo đã quan tâm đến khu vực nông thôn, đây là khu vực một bộ phận trẻ em gái đã không được hưởng quyền học tập, quyền vui chơi ngay từ những năm tháng đầu tiên của một đời người, nơi đây tư tưởng trọng nam, khinh nữ diễn ra rất phức tạp ở nhiều mặt và ở nhiều khía cạnh. Tôi nghĩ nếu thực hiện được bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, điều này sẽ tăng số lao động qua đào tạo mà lao động nữ giản đơn chiếm tỷ lệ khá cao so với nam và sẽ góp phần giảm nghèo, bền vững, những người phụ nữ trẻ sẽ bớt phần nhọc nhằn khi kiếm sống và không rơi vào lao động nặng nhọc, nguy hiểm.

Thời gian qua với phòng, chống lao động sớm ở trẻ em, được sự hỗ trợ của tổ chức lao động thế giới, thực hiện ở một số tỉnh, chúng ta đã thấy rõ hiệu quả của dự án này và việc phòng, chống bền vững phải bắt đầu từ giáo dục. Chúng ta thừa nhận là hiện nay khoảng cách giới khá lớn ở một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn và ở trong một số gia đình, do đó giáo dục đào tạo và văn hóa cần có chương trình hành động, cần định hướng cho người dân nhằm đạt hiệu quả của giáo dục theo nghĩa rộng là giáo dục phải nhằm thay đổi hành vi. Nếu không thực hiện đồng bộ và kịp thời thì mục tiêu bình đăng giới khó đạt được.

Qua thực tế kiểm nghiệm, chúng tôi thấy rất rõ ở giáo dục mần non trong nhiều năm, khi giáo viên mầm non tổ chức hoạt động vui chơi, với trò chơi đóng vai theo chủ đề cho các cháu mẫu giáo 5, 6 tuổi, hầu hết các cháu gái chơi trò chơi làm bếp, chăm sóc em bé, hoặc những trò chơi tương tự. Trong khi hầu hết các cháu trai chơi những trò chơi xây dựng doanh trại bộ đội, chơi lắp ghép v.v...

T ừ khi thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội, thực hiện cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hình thức tổ chức chăm sóc giáo dục, nhất là từ khi thực hiện chuyên đề "Bé tập làm nội trợ" các bé trai đã cùng với các bé gái chơi làm bếp như làm bánh, pha cocktail, cắm hoa. Kết quả các bé gái cũng không chỉ chơi búp bê, may quần áo cho em bé mà đã cùng chơi với các bé trai.

Qua các buổi tọa đàm với các bậc cha mẹ, hầu hết các bậc cha mẹ rất hài lòng về những hoạt động của nhà trường, các cháu khi về nhà đã phụ giúp mẹ dọn bàn ăn, rửa trái cây, biết làm nước trái cây cho ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên qua thực tiễn sinh động, cho thấy một số ít phụ huynh cho rằng nhà trường không nên cho cháu trai tham gia chuyên đề "Bé tập làm nội trợ", với rất nhiều lý do. Do đó tôi nghĩ với quy định Điều 24 sẽ thúc đẩy các cấp học, nhất là mầm non, tiểu học suy nghĩ thiết thực hơn trong việc triển khai, đổi mới phương pháp dạy học và đáp ứng mục tiêu phát triển toàn diện. Do đó nguyên tắc thực hiện bình đẳng giới, tôi đề nghị bổ sung, sửa đổi ở Điều 34, Khoản 1 như đã trình ra ở Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách như trong dự thảo, nhưng Khoản 2 thì bổ sung thêm là công dân nam có trách nhiệm tôn trọng, chia sẻ với công dân nữ việc chăm sóc, giáo dục con và lao động gia đình. Tóm lại, theo tôi nên xác định lại nguyên tắc thực hiện bình đẳng giới, từ đó Chương III và Chương IV sẽ thiết kế lại cụ thể hơn, nếu không tính pháp lý sẽ rất mờ nhạt.

Các văn bản liên quan