Trích ý kiến của ĐBQH Hoàng Thiện Cát – Tỉnh Hưng Yên

Thứ Sáu 09:36 27-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin bày tỏ quan điểm và một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Trước hết về tên luật, tôi nhất trí lấy tên luật là Luật Bình đẳng nam, nữ. Tôi cho quy định như thế là hợp Hiến pháp, bởi vì Hiến pháp quy định rất rõ về vấn đề này. Một trong những yêu cầu của luật là phải hợp hiến.

Thứ hai, nó mang được tính truyền thống của đất nước, vì khái niệm nam, nữ của chúng ta có từ lâu rồi, không phải bây giờ, lúc sinh thời Bác Hồ đã nói rồi "Nam, nữ bình quyền" thì ta giữ cái đó là giữ theo truyền thống.

Thứ ba, nam, nữ khái niệm rất thông dụng và dễ hiểu, nếu ngay như luật này không cần phải giải thích gì cả, chỉ nói nam, nữ là người ta biết, chứ còn nói giới thì phải giải thích 2 - 3 điều ở đây rất khó. Nếu nói về giới tôi thấy nó sẽ nhầm lẫn, vì khái niệm giới nó tương đối rộng, như hồi nãy có ý kiến giới thương gia cũng có, giới văn nghệ sỹ cũng có, giáo giới cũng có và một số giới khác, theo tôi không nên.

Thứ hai, nếu quy định "giới" ở đây thì nó phù hợp với hội nhập, ngược lại nếu không có chữ "giới" ở đây thì nó không phù hợp với hội nhập, tôi cho cái đó không phải. Hội nhập hay không, phù hợp hay không là nội dung của các điều trong luật, tôi cho các điều trong luật này thể hiện rất rõ, rất phù hợp với các thông lệ quốc tế về vấn đề nam nữ bình đẳng, tôi thấy cái đó là không nên quy định như thế, mà mình cứ nặng lấy khái niệm phù hợp hội nhập ở đấy thì gò nó vào không nên.

Vấn đề thứ hai, về việc nghỉ hưu của người lao động, tôi nhất trí theo quan điểm luật này không nên quy định lại nữa. Mà vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được quy định rất rõ trong luật khác rồi và có những luật rất mới, Bộ luật lao động, Pháp lệnh về cán bộ công chức và Luật Bảo hiểm xã hội vừa mới thông qua, tôi nghĩ có rồi không cần phải quy định lại nữa, cũng không phải vì thế mà chúng ta không nhớ, nói cái đó rất đơn giản.

Thứ ba, về trách nhiệm quản lý Nhà nước về bình đẳng giới. Tôi thống nhất luật không nên quy định có một Bộ quản lý Nhà nước về bình đẳng giới hoặc giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bình đẳng giới cho một cơ quan cụ thể trong luật mà giao cho Chính phủ quy định cụ thể cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới. Như vậy nó phù hợp với Luật tổ chức và thứ hai nó phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay. Bây giờ thêm một cơ quan nữa hoặc cơ quan ngang Bộ làm vấn đề này tôi thấy hơi lãng phí và cồng kềnh. Từ vấn đề như vậy tôi đề nghị Điều 9, Khoản 1, nên bổ sung một đoạn ở sau phần trước, tức là Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, đồng thời thêm một đoạn là: Chính phủ quy định cụ thể cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, như thế cho rõ, sau đó tiếp đến Khoản 2, Khoản 3.

Về việc quy định cụ thể tỷ lệ nam, nữ tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân và tham gia quản lý lãnh đạo. Theo tôi luật không nên quy định cụ thể tỷ lệ nam, nữ đối với đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Luật chỉ quy định có tính nguyên tắc, còn các chỉ tiêu cụ thể phải căn cứ vào thực tiễn, yêu cầu của từng thời gian, từng cuộc bầu cử và tình hình thực tế ở địa phương mà chúng ta quy định. Nếu chúng ta quy định tỷ lệ bao nhiêu phần trăm đến lúc ta không thực hiện được thì sẽ phạm luật. Thứ hai, chúng ta còn phụ thuộc vào dân có bầu hay không nữa. Cho nên tôi nghĩ như thế thì nó cơ động hơn và xu thế thì tôi cho là vẫn phải tăng, tức là vẫn phải đạt một tỷ lệ cao hơn. Nhưng cao bao nhiêu thì không nên quy định.

Vấn đề thứ năm, bình đẳng giới trong gia đình. Tôi nhất trí không nên quy định về bình đẳng quyền thừa kế giữa nam và nữ trong gia đình. Vì điều này Bộ luật Dân sự đã quy định rất rõ và cụ thể là nam, nữ cùng hàng thừa kế thì đều được hưởng phần thừa kế như nhau. Vậy thì không nhất thiết phải đưa vào luật này nữa.

Vấn đề thứ sáu, Điều 23 thẩm tra bình đẳng giới. Tôi không thống nhất với quy định, trách nhiệm của một cơ quan cụ thể của Quốc hội trong thẩm tra bình đẳng giới. Vì vấn đề này không có trong quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, hay nói cách khác Luật Tổ chức Quốc hội không quy định Hội đồng hay Uỷ ban nào của Quốc hội phụ trách lĩnh vực giới. Hơn nữa, vấn đề bình đẳng giới cũng như vấn đề khác, nếu vấn đề này có liên quan đến luật nào thì cơ quan nào của Quốc hội thẩm tra luật đó, đồng thời thẩm tra luôn vấn đề bình đẳng giới. Tương tự như vậy, tôi đề nghị bỏ cả Điều 35 quy định thanh tra về bình đẳng giới, vì tôi thấy vấn đề này cũng không có gì đặc thù cả. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan