Trích ý kiến của ĐBQH Vũ Ngọc Cừ – Tỉnh Lao Cai

Thứ Sáu 09:31 27-10-2006
Kính thưa Quốc hội.

Tôi nhất trí cao với Dự thảo Luật bình đẳng giới, có thể nói Ban soạn thảo và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại Kỳ họp thứ 9 và ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, để xây dựng Dự thảo luật trình Kỳ họp thứ 10 lần này, có thể nói rất chất lượng. Đặc biệt trong Dự thảo luật đã quy định biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới tại Khoản 5, Điều 11 đó là đảm bảo thích đáng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới và bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan Nhà nước, phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.

Điều 13 quy định bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động được quy định tại 4 khoản. Theo tôi quy định như vậy là phù hợp với thực tế va bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật.

Sau đây tôi xin tham gia một số vấn đề cụ thể như sau:

Một, tại Khoản 2 Điều 12, bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, Dự thảo Luật có quy định 2 khoản: a là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật; b là lao động nữ tại khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.

Hai, tại Khoản 5 Điểm b Điều 14, bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Dự thảo nêu: lao động nữ trong khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật.
Tôi thấy cả 3 nội dung, tức là Điểm a, Điểm b, Khoản 2 của Điều 12 và Điểm b Khoản 5 của Điều 14 trên đây của Dự thảo Luật đều nêu là được ưu đãi, được hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Theo tôi, quy định như vậy là không ổn. Quy định của pháp luật là pháp luật nào hoặc là như thế nào là sử dụng nhiều lao động nữ. Tôi thấy pháp luật về thuế cũng không quy định chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cũng không quy định, gần đây nhất là Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo Luật Dạy nghề để thông qua tại kỳ họp này, đọc lại, tôi cũng không thấy có điều luật nào quy định lao động nữ ở khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề.

Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, nếu có chính sách thì cần quy định cụ thể ngay trong luật này, có như vậy mới bảo đảm khả thi và luật mới đi vào cuộc sống, không nên chỉ ghi là theo quy định của pháp luật hoặc có thể ghi là giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Ba, Khoản 4, Điều 14 Dự thảo Luật Bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có quy định nữ cán bộ công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, theo tôi quy định như vậy là không bình đẳng ngay trong giới nữ, tại sao lại chỉ quy định cho nữ cán bộ, công chức, viên chức được thụ hưởng, nữ không phải là cán bộ công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng có mang theo con dưới 36 tháng tuổi không được hỗ trợ.

Tôi đề nghị tất cả các nữ không phân biệt nữ là công chức, viên chức hay không là cán bộ công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng, có mang theo con dưới 36 tháng tuổi đều được hỗ trợ và từng trường hợp cụ thể giao cho Chính phủ quy định.

Bốn, Khoản 3, Điều 37 khiếu nại và giải quyết khiếu nại tôi thấy quy định 4 Điểm a, b, c, d. Quy định như vậy không có gì khác với trình tự giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo và Khoản 2 của điều này đã nêu. Vì vậy, tôi đề nghị bỏ Khoản 3, Điều 37. Năm là Điều 50, hướng dẫn thi hành luật, dự thảo luật có nêu là Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này. Tôi đề nghị cần sửa lại, quy định Chính phủ hướng dẫn và quy định chi tiết điều nào cho cụ thể, tránh tình trạng hướng dẫn và quy định chi tiết tất cả các điều luật, dẫn đến Nghị định thì dài hơn luật, và lại rơi vào tình trạng luật cảm có hiệu lực rồi, nhưng vẫn đợi Nghị định của Chính phủ thì luật mới được thực thi trong cuộc sống.

Các văn bản liên quan