Trích ý kiến của ĐBQH Đặng Ngọc Tùng – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Sáu 09:26 27-10-2006


Kính thưa Quốc hội!

Sau khi lắng nghe bản Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Bình đẳng giới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi thấy Ủy ban Thường vụ đã tiếp thu rất nhiều những ý kiến đóng góp tốt, hữu lý và xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp trước và tại Kỳ họp đại biểu Chuyên trách vừa rồi, nên Dự thảo trình ra Quốc hội Kỳ này tương đối hoàn chỉnh, bố cục các Chương, Điều chặt chẽ và tôi thấy có thể thông qua được.

Tuy nhiên để thể hiện quan điểm của mình về Dự thảo Luật này, tôi xin có một số ý kiến về các điều còn ý kiến khác nhau.

Thứ nhất, về tên gọi. Tôi thấy tuy có 2 quan điểm khác nhau. Một số ý kiến đề nghị lấy tên gọi của Luật là Luật bình đẳng nam nữ, tên như thế là mang tính quần chúng, nhân dân dễ hiểu, nhất là những người lớn tuổi như chúng ta và thế hệ trước. Nhưng tôi tán thành lấy tên Dự thảo Luật là Luật Bình đẳng giới, vì tên này ngày nay đã rất phổ biến rồi, nhất là trong giới trẻ, nó cũng phản ánh đúng nội dung điều chỉnh của Luật, nó phù hợp với mục tiêu của Luật, đồng thời, cũng phù hợp với Văn kiện của Đảng và pháp luật của chúng ta ban hành trong thời gian vừa rồi.

Vấn đề thứ hai, tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Thưa Quốc hội, đây là một vấn đề rất nhạy cảm, vì đây là một quyền lợi rất sát sườn với hàng triệu triệu người lao động nữ đang lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều địa bàn khác nhau trong các thành phần kinh tế khác nhau, nên chúng ta cần phải thật cẩn trọng cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định.

Thưa Quốc hội, người phụ nữ còn có thiên chức làm mẹ, sinh con, nuôi dạy con nên sức khoẻ có suy giảm, phải quan tâm, chăm sóc đến sức khoẻ của họ nhiều hơn, không nên ép buộc họ phải lao động như nam giới được, nhất là lao động về chân tay, cần có chính sách ưu tiên cho lao động nữ. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thể hiện trong Bộ Luật Lao động, trong Luật Bảo hiểm xã hội nên họ được nghỉ hưu trước nam giới 5 năm, điều này rất phù hợp với mong muốn của tuyệt đại đa số lao động nữ, nhưng cũng chính quy định đó lại không phù hợp với một bộ phận cán bộ nữ là những người lao động về trí óc, chất xám nhiều hơn, nhất là các nhà nữ khoa học, nữ cán bộ quản lý, họ lại mong muốn tiếp tục được cống hiến và tuổi nghỉ hưu của họ được như nam giới. Do đó, chúng tôi đề nghị tuổi nghỉ hưu của lao động nữ phải tuỳ thuộc vào từng đối tượng. Đặc biệt là nữ cán bộ công chức tuổi nghỉ hưu nên là 60. Do đó tôi đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nên hiệu chỉnh lại Pháp lệnh Cán bộ công chức để nữ cán bộ công chức nghỉ hưu như tuổi 60, vừa tiếp tục cống hiến, đồng thời cũng rất tốt cho Quỹ bảo hiểm xã hội của chúng ta.

Thứ hai, tuyệt đại đa số lao động nữ người ta lại mong muốn quy định như hiện tại của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

Thưa Quốc hội, trước khi chúng tôi dự họp ở đây thì năm 2002 đồng chí Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có đến làm việc với Tổng Công ty cao su Việt Nam. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng của Tổng Công ty và Tổng Giám đốc Công ty báo cáo với đồng chí Chủ tịch Tổng Liên đoàn là thời gian vừa qua có 59 ngàn nữ công nhân lao động làm trong ngành cạo mủ cao su đã không được nghỉ hưu, vì họ không đủ sức khoẻ để làm đến tuổi quy định. Đây là một thiệt thòi rất lớn cho công nhân làm ngành cao su. Đề nghị với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nên kiến nghị cùng với Quốc hội hạ độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ làm trong ngành cao su xuống 45 tuổi, vì công nhân cạo mủ cao su họ phải dậy sớm đi vào lúc 4 giờ sáng và cạo tay không được run thì mủ mới cho chất lượng cao, cây mới sống lâu và có hiệu quả cao. Nhưng khi lớn tuổi rồi thì tay run, rất khó, không xách được những xô mủ cao su đầy. Cho nên các đồng chí nữ khó bảo đảm đến tuổi nghỉ hưu được.

Tuy nhiên, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có chỉ đạo công đoàn của Tổng công ty nghiên cứu và thống kê lại số liệu từng năm. Qua thống kê đến năm 2003 có 3.625 người nghỉ, có 3.016 người không đủ điều kiện để nghỉ hưu mà phải lãnh trợ cấp một lần, tỷ lệ như vậy phải nghỉ trên 83,4%, như vậy chỉ có 16,3% được nghỉ theo như chế độ hưu trí.

Đến năm 2004, trong số 3.894 người nghỉ thì có 3.069 người nhận trợ cấp một lần, chứ không có đủ điều kiện được nghỉ hưu. Như vậy, tỷ lệ này khoảng 79%, đến năm 2005 Công đoàn của Tổng công ty và Ban giám đốc bàn với nhau cố gắng làm sao duy trì cho phép những nữ công nhân đến 45, 46 tuổi cho con của mình vào làm thế để thêm vài năm nữa cho đủ được tuổi nghỉ hưu. Do đó, phần này được tăng dần lên và đến năm 2005, tỷ lệ này còn lại 71% trong tổng số 2.410 người nghỉ. Như vậy bình quân trong 3 năm số nghỉ là 10.000, chỉ số 2.133 người được nghỉ hưu có sổ, còn lại 80% phải nhận trợ cấp 1 lần. Đây là thiệt thòi rất lớn cho anh chị em công nhân của ngành cao su.

Chúng tôi kiến nghị cũng nên hạ độ tuổi của công nhân lao động ngành cạo mủ cao xuống, chứ không như thế này quá thiệt thòi. Tối hôm qua, đồng chí Tôn là Anh hùng lao động - Chủ tịch Công đoàn của ngành Dệt may Việt Nam có điện thoại cho tôi nói: "Ông cố gắng làm sao đừng có để nâng hạn tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên là chết với công nhân ngành dệt may chúng tôi" Đồng chí Lê Quốc Anh - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng điện thoại bảo là: "Ông Tùng ơi nhớ nhé, cố gắng phát biểu trước Quốc hội đừng có nâng tuổi lên là chết ngành dệt may chúng tôi"

Cho nên, chúng tôi thấy đây là vấn đề rất tế nhị, tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải cân nhắc, đặc biệt là nên điều chỉnh lại pháp lệnh cán bộ công chức, còn đối với lao động nữ nên như hiện tại theo quy định của Bộ Luật Lao động và Bảo hiểm xã hội. Như thế tôi rất tán thành với giải trình vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vấn đề thứ ba, tôi có ý kiến là có nên quy định cụ thể tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố vào trong luật của chúng ta tối thiểu là 30% hay không, để nó thể hiện ý chí, nguyện vọng của chúng ta là muốn đẩy mạnh việc bình đẳng giới.

Thưa với Quốc hội!

Chúng tôi thấy mong muốn này là chúng ta cần phải trân trọng. Bản thân tôi thì tôi nghĩ rằng ở mình có trên 50% là nữ thì đáng lẽ tỷ lệ nữ đại biểu của chúng ta cũng tương xứng, còn cao hơn thì càng tốt. Phải nói là mỗi lần đi dự hội nghị hay đi tiếp các đoàn khách quốc tế thì bản thân tôi cũng rất hãnh diện và khoe với các bạn rằng ở Việt Nam của chúng tôi các đại biểu nữ Quốc hội là 27% v.v.... Đây là sự hãnh diện của chúng ta. Nhưng tôi nghĩ rằng, việc bao nhiêu % trong tỷ lệ này là một điều rất nhạy bén và là quyền quyết định tối thượng của nhân dân. Chúng ta không thể quy định ở trong luật là phải bao nhiêu, 30%, 40% hay là 50% mà trong quá trình chỉ đạo chúng ta phải thể hiện bằng ý chí của chúng ta thôi. Tôi đề nghị không nên đưa vào luật là 30% hay 40%. Đó là ý kiến thứ nhất.

Ý kiến thứ hai, trong điều chỉnh lại của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tôi thấy Điều 11, Khoản 5, tức là Điểm b, cái gì chính quyền là quyết định, tôi rất tán thành. Nhưng trong bầu cử mà đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tôi nghĩ chuyện bảo đảm tỷ lệ này nọ thì mình làm sao mà bảo đảm được. Tôi đề nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nên cân nhắc có đưa như vậy hay không? Tôi thấy cái đó là điều tôi quan tâm. Thứ ba, các biện pháp để thúc đẩy bình đẳng giới, tôi nghĩ chúng ta thông qua Luật là vấn đề rất quan trọng rồi, nhưng làm sao đưa luật này vào trong cuộc sống, làm sao tất cả để cho các cấp, các ngành. Đặc biệt lãnh đạo chính quyền địa phương thấy được đây là quan điểm của Đảng và Nhà nước mà chúng ta phải thực hiện cho thật tốt Luật bình đẳng giới này.

Các văn bản liên quan