Góp ý của LS Phan Thông Anh

Thứ Ba 14:40 07-11-2006

PHẦN 1 :
NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT
VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DU LỊCH :
 
Điều 2 :   C hính sách phát triển du lịch

Khoản 5   điểm a : Đề nghị bỏ cụm từ “ hiện đại của các hãng sản xuất uy tín trên thế giới “ bỡi vì không có cơ sở để phân biệt hãng nào trên thế giới sản xuất phương tiện vận chuyển cao cấp; cáp treo; thiết bị chuyên dùng là có uy tín hoặc nếu lỡ nhập khẩu từ các hãng không xác định được là có uy tín thì nhà nước sẽ không cho áp dụng ưu đãi thuế hay sao? Theo chúng tôi pháp luật không thể có sự quy định phân biệt và không có cơ sở áp dụng như nêu trên.
Do đó khoản này đề nghị xem xét quy định lại như sau:
-------------------------------------------------------------------------------------------
“ Ưu đãi về thuế nhập khẩu cho các loại phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, các loại cáp treo; trang thiết bị chuyên dùng cao cấp khác cho khu du lịch quốc gia, khách sạn và làng du lịch từ 3 sao đến 5 sao, khu biệt thự du lịch và khu căn hộ du lịch cao cấp; “
-------------------------------------------------------------------------------------------Khoản 5 điểm b :  Cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi được hiểu như thế nào là được vay với thuế suất ưu đãi hay được ưu đãi cả thời hạn vay thuộc loại nguồn vay trung hạn và dài hạn , thông thường các nguồn vay ưu đãi là loại này.   

Do vậy chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo xem lại quy định  này.
 
Điều 23 : Quản lý,sử dụng tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế
 
Khoản 3 điểm a đề nghị sửa cụm từ “ Trọng tài kinh tế  “ thành “ Trọng tài thương mại “ vì hiện nay Việt Nam không còn Trọng tài Kinh tế chỉ có Trọng tài thương mại. Do vậy chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi lại quy định này cho phù hợp.
 
Khoản 4 quy định “ Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiền được rút từ tài khoản ký quỹ, doanh nghiệp phải bổ sung đầy đủ tiền ký quỹ theo quy định. Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không bổ sung đầy đủ tiền ký quỹ sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế
 
Theo dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động du lịch tại  điều 9 khoản 6 điểm b thì sẽ phạt tiền từ 9.000.000 đồng đến 11.000.000 đồng đối với hành vi : “Không đảm bảo đủ số tiền ký quỹ theo quy định“ mà trong Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Du lịch không quy định phạt khi doanh nghiệp rút tiền ký quỹ không trả lại vào tài khoản trong thời hạn quy định là không ổn. Nên phần này khoản 4 điều 23 cần quy định bổ sung là : “sẽ bị phạt vi phạm hành chính và sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế “. Do đó khoản này đề nghị xem xét quy định lại như sau :
-------------------------------------------------------------------------------------------
“ Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày tiền được rút từ tài khoản ký quỹ, doanh nghiệp phải bổ sung đầy đủ tiền ký quỹ theo qui định. Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không bổ sung đầy đủ tiền ký quỹ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.”
-------------------------------------------------------------------------------------------
 
Điều 25 : Các loại phương tiện vận chuyển khách du lịch
Khoản 1 điểm a : Loại có động cơ : ngoài ô tô  nên bổ sung xe gắn máy
Vì một số địa phương nay đã tổ chức những đội xe gắn máy tốt phục vụ công cộng và định hướng phát triển tại sao không cho loại phương tiện này phục vụ khách du lịch và nếu Nghị định này không bổ sung kể từ nay các hãng du lịch không thể phát triển sử dụng phương tiện xr gắn máy .Chúng tôi e rằng Nghị định này xâm phạm đến quyền phục vụ khách của số xe gắn máy (honda ôm). Do vậy chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung cho quy định  này.
 
Điều 26 : Điều kiện đối với phương tiện vận chuyển khách du lịch.
Khoản 1 điểm c :đề nghị xem lại điều kiện : “ phương tiện thông tin liên lạc “ đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được hiểu như thế nào là điện thoại gắn liền theo phương tiện vận chuyển hay theo tài xế ( điện thoại di động) vì nếu quy định như trong dự thảo có nghĩa là gắn liền theo xe, hiện nay thực trạng của các phương tiện không mấy loại có trang bị điện thoại gắn liền theo xe.
Do vậy chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại điều kiện này.
 
Khoản 1 điểm d : Về điều kiện : “ có hình thức đẹp, tiện nghi, nội thất hài hòa “ là quy định không có cơ sở để xem xét? như thế nào là hình thức đẹp? tiện nghi đã được liệt kê nếu đủ các thứ luật quy định là thỏa mãn tiện nghi rồi, như thế nào là nội thất hài hòa? Do vậy chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ điều kiện này.
 
Khoản 3 điểm a : Đối với phương tiện  giao thông không có động cơ : ( xe xích lô đạp ; xe đạp kéo ; xe súc vật kéo ) không thể có đầy đủ các giấy chứng nhận đăng ký phương tiện nhất là xe súc vật kéo. Cần phải quy định sao cho đa dạng các loại hình phục vụ hoạt động du lịch.Do vậy chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại điều kiện này.
 
Khoản 3 điểm b : như đã phân tích ở trên nên bỏ cụm từ “ có hình thức đẹp, hài hòa “ ; đối với phương tiện giao thông đường thủy ngoài quy định trên phải trang bị áo phao hoặc pháo cứu sinh đề nghị thêm nhóm từ : “ cho đủ số hành khách vận chuyển và các nhân viên phục vụ trên phương tiện
Do vậy chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung này.
 
 
Điều 38 : Điều kiện cụ thể kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê
Khoản 4 : Người sống trong nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê không sử dụng chất gây nghiện, không mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật
Nội dung này có 02 vấn đề cần được làm rõ “Người sống trong nhà ở “ là người nào, người cư trú hay người thường trú ; và “bệnh nào được xem là bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật” . Lúc cấp phép kinh doanh thì không có người này nhưng sau khi cấp phép xong hoạt động được một thời gian thì có người này thì sẽ giải quyết như thế nào .Có được xem là không còn đủ điều kiện kinh doanh rút phép kinh doanh hay không ?
Do vậy theo chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định lại rõ hơn.
 
 
Điều 56 : Bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên du lịch
Khoản 3 : Giấy chứng nhận đã qua khóa bồi dưỡng kiến thức định kỳ có giá trị trong thời hạn một năm .Tại sao phải quy định giá trị thời hạn và mục đích quy định để làm gì ?  Nếu giấy này có giá trị để xét cấp hoặc đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch thì chỉ cần quy định nghĩa vụ của hướng dẫn viên du lịch là phải tham dự đầy đủ các lớp bồi dưỡng định kỳ hàng năm. Khi chúng tôi nghiên cứu thì không thấy quy định giấy này dùng để làm gì ? Thông thường các giấy chứng nhận có điều kiện chỉ quy định thời hạn để người được cấp trong một thời hạn nhất định nếu quá thời hạn đó phải được cấp lại như : chứng chỉ vi tính 06 tháng ; chứng chỉ ngoại ngữ 02 năm chẳng hạn. Do vậy theo chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét ý nghĩa của việc quy định này
 
Điều 61 : Nội dung cơ sở dữ liệu du lịch
Ngoài những quy định trong dự thảo theo chúng tôi các thông tin khác có liên quan đến hoạt động du lịch như : các địa chỉ điện thoại cần biết ; cơ quan lãnh sự ngoại giao ; tỷ giá ngoại tệ . . . . cũng nên xem là nguồn của cơ sở dữ liệu du lịch . Do vậy chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung này. 
     
PHẦN 2 :
NGHỊ ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH
 
Điều 5: Thời hiệu xử phạt,thời hạn ra quyết định 
          Đây là quy định hình thức theo những quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính nên chỉ nên quy định theo điều nào của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính là đủ (như quy định trước đây tại điều 4 Nghị định 50/2002 ngày 25/04/2002 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch),nếu như quy định liệt kê không đầy đủ thì sẽ bất cập.Chúng tôi đề nghị  Ban soạn thảo xem xét sửa đổi lại quy định này.
 
Điều 8: Vi phạm những quy định chung về hoạt động kinh doanh du lịch
Khoản 1 điểm b : công khai không đầy đủ,rõ ràng,trung thực các thông tin về số ………………….bằng văn bản ( công bố cho ai , bằng hình thức nào ?) Chúng tôi đề nghị  Ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm cho quy định này.
 
Khoản 1 điểm c : “ Thiếu các biện pháp,phương tiện,thiết bị bảo đảm sức khỏe,an toàn tính mạng của khách du lịch “ Cần quy định bổ sung biện pháp gì, phương tiện, thiết bị nào “ vì các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành không thể trang đầy đủ trang thiết bị của bệnh viện cho khách du lịch được .Quy định này sẽ không khả thi và làm khó cho các doanh nghiệp lữ hành. Chúng tôi đề nghị  Ban soạn thảo xem xét lại quy định này.
 
Khoản 3 điểm b : “ Tự ý thay đổi hợp đồng mà không được sự đồng ý của khách du lịch.” Thực tế kinh doanh các doanh nghiệp lữ hành bán lẻ trực tiếp cho khách du lịch là không nhiều, đại đa số lượng khách được bán qua hợp đồng với các hãng du lịch quốc tế ( đại diện khách du lịch ) nên nếu sự thay đổi này không được sự đồng ý của khách du lịch nhưng được sự đồng ý của đối tác là các hãng du lịch quốc tế ( đại diện khách du lịch ) là không sai nên theo chúng tôi cần quy định bổ sung thêm cụm từ : ” đại diện khách du lịch ( các hãng du lịch nước ngoài ) “.Do đó khoản này đề nghị xem xét quy dịnh lại như sau :
-------------------------------------------------------------------------------------------
b)“ Tự ý thay đổi hợp đồng mà không được sự đồng ý của đại diện khách du lịch ( các hãng du lịch nước ngoài ) hoặc khách du lịch.”
-------------------------------------------------------------------------------------------
 
Điều 9: Vi phạm những quy định về kinh doanh lữ hành
Khoản 3 điểm c : ” Sử dụng hướng dẫn viên du lịch mà không có hợp đồng lao động bằng văn bản “

Về thực trạng tại TPHCM có khoảng hơn 1.000 HDVDL trong đó có khoảng hơn 200 DN Lữ hành quốc tế.Nếu 1.000 HDV này đều là HDVDLQT thì bình quân mỗi DN lữ hành có không hơn 04 HDV thì số này không thể đủ đáp ứng được yêu cầu của công việc nên doanh nghiệp lữ hành sẽ có hai lực lượng HDVDL một là số hướng dẫn (cơ hữu) thường trực của doanh nghiệp và số HVDDL cộng tác thường xuyên.

Một vấn đề pháp lý được đặt ra là hoạt động kinh doanh du lịch có phải là hoạt động thời vụ được hiểu theo quy định của Luật lao động hay không ? nếu được xem là thời vụ thì có thể quy định như trên. Nếu như không được xem là thời vụ thì doanh nghiệp lữ hành không thể ký hợp đồng lao động thời vụ đối với số hướng dẫn viên cộng tác thường xuyên được
Song song đó cũng cần xem lại điều 11 khoản 2 điểm a của dự thảo đã quy định “ Hướng dẫn khách du lịch mà không có hợp đồng bằng văn bản với doanh nghiệp có chức năng kinh doanh lữ hành “

Để thống nhất thuật ngữ pháp lý về hợp đồng trong quá trình quy định hành vi xử phạt giữa người sử dụng lao động ( doanh nghiệp lữ hành ) và người lao động ( HDVDL)
Do đó chúng tôi đề nghị ban soạn thảo xem xét cả hai điều luật để  quy định lại cho thống nhất.
 
Khoản 4 điểm b : “ Không mua bảo hiểm cho khách du lịch nội địa trong thời gian thực hiện chương trình du lịch khi khách có yêu cầu

          Nội dung quy định này cũng khó khả thi vì khái niệm khách yêu cầu được hiểu như thế nào. Nếu như đoàn khách nội địa đó có 48 người trong đó chỉ có 02 người đồng ý mua bảo hiểm 46 người còn lại không đồng ý mua thì chúng ta sẽ xử lý doanh nghiệp lữ hành như thế nào? 

Theo chúng tôi vấn đề này cần được xử lý theo hai hướng : một là quy định như khách du lịch quốc tế hai là không quy định phải mua. Nếu vẫn giữ như dự thảo thì Tổng cục Du lịch cần dự kiến hướng dẫn xử lý trường hợp nêu trên.
 
Điều 11: Vi phạm về hướng dẫn du lịch
Khoản 1 điểm a :”“ Không thực hiện hoặc không hướng dẫn khách du lịch thực hiện pháp luật Việt Nam, nội quy, quy chế nơi đến tham quan, du lịch và tôn trọng phong tục, tập quán của địa phương nơi đến du lịch;”
          Phạm vi của sự tôn trọng phong tục ,tập quán của địa phương nơi đến rất rộng và khó xác định khi xử lý vi phạm của hướng dẫn viên do đó chúng tôi đề nghị giữ nguyên như quy định trước đây tại điều 6 khoản 1 điểm a  Nghị định 50/2002 ngày 25/04/2002 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch nội dung như sau :
-------------------------------------------------------------------------------------------
Không hướng dẫn đầy đủ cho khách du lịch việc tuân thủ pháp luật và các quy định pháp luật khác có liên quan về cư trú, đi lại, thủ tục hải quan, nội quy phòng ngừa tai nạn, nội quy nơi đến tham quan du lịch;
-------------------------------------------------------------------------------------------
 
Khoản 3 : điểm b : “ Có hành vi phân biệt đối xử với khách du lịch “ đề nghị giữ nguyên như quy định trước đây tại điều 6 khoản 1 điểm e  Nghị định 50/2002 ngày 25/04/2002 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch nội dung như sau :
-------------------------------------------------------------------------------------------
 Có thái độ phân biệt đối xử làm cho khách du lịch có phản ứng, bất bình.
-------------------------------------------------------------------------------------------Vì khi khách hàng phản ứng khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước du lịch thì mới được xử lý,nếu thông tin có được từ nguồn khác thì cơ quan nhà nước du lịch không được xử lý vì chính họ bị phân biệt họ mới nêu lên được sự phân biệt đo để xem xét còn không phải là người trong cuộc thì sẽ không chính xác
 
Điều 13. Vi phạm quy định về kinh doanh lưu trú du lịch
Khoản 4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi để xảy ra tệ nạn xã hội, mất trật tự, trị an, an ninh trong cơ sở lưu trú du lịch.

Khái niệm tệ nạn xã hội mất trật tự, trị an, an ninh quá rộng theo chúng tôi cần phải có hướng dẫn hoặc quy định hẹp hơn , dễ hiễu hơn để tránh đi sự tùy tiện thích thì phạt của các cơ quan quản lý đối với các cơ sở lưu trú

Thí dụ như : (1) cơ sở lưu trú phát hiện khách sử dụng ma túy trong cơ sở lưu trú thì có vi phạm quy định này không ( đã xảy ra tệ  nạn xã hội ma túy ) ; hai khách say rượu đánh nhau trong cơ sở lưu trú ( theo quy định của PL hành chính sẽ xử phạt hai cá nhân người đó ) nhưng đối với cơ sở lưu trú (đã xảy ra mất trật tự, trị an ) vẫn có thể bị xử phạt thì có đúng không ? hành vi vi phạm đã được xử phạt lên cá nhân có thể xử phạt lần thứ hai cho tổ chức kinh doanh hay không?

          Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo bỏ điều này,nếu có quy định điều mới liên quan đến trách nhiệm của chủ cơ sở lưu trú đề nghị đối chiếu lại các quy định của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lịnh vực trật tự an toàn công cộng để tránh quy định trùng lắp.

Điều 24.Vi phạm quy định về hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh, doanh nghiệp, thương nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài trong hoạt động du lịch tại Việt Nam
Khoản 1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng văn phòng đại diện, chi nhánh, doanh nghiệp, thương nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam để hoạt động du lịch trái pháp luật.

Hoạt động du lịch ở đây có nhiều lĩnh vực: Quảng bá , giới thiệu sản phẩm du lịch, bán các chương trình du lịch , tổ chức thực hiện các chương trình du lịch . . . .

Như thế nào là trái pháp luật chỉ có văn phòng đại diện tổ chức nước ngoài tổ chức hoạt độngkinh doanh du lịch ( như thực hiện bán các chương trình du lịch , tổ chức thực hiện các chương trình du lịch . . ) thì mới vi phạm  còn chi nhánh doanh nghiệp, thương nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam  thì vẫn được phép tổ chức hoạt động kinh doanh .Do đó cần chỉ rõ các hành vi trái pháp luật của cả nhóm ( Văn phòng đại diện và chi nhánh nước ngoài nếu quy định gộp chung vào )

Các văn bản liên quan