Góp ý của Ô. Ngô Việt Hoà

Thứ Ba 14:36 07-11-2006

THAM GIA Ý KIẾN ĐỐI VỚI DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT DU LỊCH 
  
Tham gia ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Du lịch, chúng tôi xin có một số ý kiến cụ thể như sau:
 
1. Về chính sách phát triển du lịch (Điều 2)
 
Các chính sách phát triển du lịch được quy định tại Điều 2 là khá toàn diện khi đề cập đến hầu hết các khía cạnh trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở các quy định mang tính chất chung như Dự thảo hiện nay thì nội dung của Điều 2 nên được đưa vào văn bản dưới hình thức Chỉ thị về các chính sách phát triển du lịch của Thủ tướng Chính phủ thì phù hợp hơn. Ví dụ, dự thảo quy định việc hỗ trợ kinh phí cho hầu hết các hoạt động liên quan đến du lịch (từ khoản 1 đến khoản 6 Điều 2) nhưng hình thức hỗ trợ, phương pháp hỗ trợ cụ thể như thế nào thì chưa được đề cập.
 
2. Về công tác điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch (Điều 3)
 
Theo khoản 3 Điều 3 Dự thảo thì cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện việc điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch và là cơ quan chịu trách nhiệm chính về hoạt động này. Tuy nhiên, trên thực tế cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương mới chính là cơ quan nắm rõ tiềm năng, giá trị, đặc điểm của tài nguyên du lịch, do đó trách nhiệm tổ chức thực hiện việc điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch nên giao phần lớn cho cơ quan này. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương chỉ nên đóng vai trò thẩm định và ra quyết định cuối cùng về việc phân loại tài nguyên du lịch.
 
Vì vậy, đề nghị chỉnh sửa Điều 3 theo hướng tăng thẩm quyền trong việc điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương chỉ nên đóng vai trò xây dựng kế hoạch điều tra, đánh giá và thẩm định kết quả điều tra, đánh giá.
 
 3. Về quản lý khu du lịch (Điều 11)
 
Khoản 1 Điều 11 quy định quản lý khu du lịch bao gồm rất nhiều các nội dung khác nhau như quản lý về quy hoạch và đầu tư phát triển; quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ; quản lý về tài nguyên du lịch, bảo đảm vệ sinh môi trường; phòng chống cháy nổ, an ninh, an toàn trong khu du lịch. Khoản 2 Điều này giao các nội dung quản lý về du lịch tại khoản 1 nói trên cho các ban quản lý khu du lịch. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành thì các nội dung quản lý khu du lịch nói trên thuộc thẩm quyền của rất nhiều cơ quan khác nhau như cơ quan địa chính quản lý về đất đai, cơ quan quản lý thị trường quản lý về hàng hoá, dịch vụ kinh doanh trong khu du lịch, cơ quan về môi trường quản lý các hoạt động liên quan đến môi trường, cơ quan y tế quản lý về vệ sinh, cơ quan công an quản lý về an ninh, trật tự... Do đó, đề nghị cân nhắc quy định để tránh sự chồng chéo về thẩm quyền giữa ban quản lý các khu du lịch và các cơ quan có thẩm quyền khác. Ngoài ra, trong trường hợp nếu khu du lịch được giao cho một doanh nghiệp là chủ đầu tư thì cần được hiểu các nội dung quản lý quy định tại điều này như thế nào, tất nhiên là chủ đầu tư không thể có thẩm quyền thanh tra và xử lý các vi phạm về kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, về vệ sinh, môi trường cũng như an ninh trật tư do đó nội dung quản lý, trách nhiệm của chủ đầu tư trong trường hợp này cần được xác định rõ.
 
4. Về điều kiện cộng nhận đô thị du lịch (Điều 13)
 
Khoản 3 Điều 31 Luật Du lịch quy định một trong những điều kiện để công nhận đô thị du lịch là vị trí quan trọng của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế, tỷ lệ thu nhập từ du lịch trên tổng thu nhập của các ngành dịch vụ theo quy định của Chính phủ. Như vậy, Luật chỉ giao cho Chính phủ quy định về tỷ lệ thu nhập từ du lịch trong cơ cấu kinh tế và coi đây là điều kiện để công nhận đô thị du lịch. Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 13 dự thảo Nghị định thì ngoài điều kiện về tỷ lệ thu nhập trong cơ cấu kinh tế còn có điều kiện về cơ cấu lao động, thu nhập của dịch vụ liên quan đến du lịch của đô thị. Do đó, Ban soạn thảo cần cân nhắc lại khoản 4 Điều 13 để đảm bảo không vượt qua phạm vi cho phép của Luật Du lịch.
 
5. Về kinh doanh lữ hành (Mục 1 Chương IV)
 
Về cơ bản, dự thảo Nghị định hướng dẫn đúng Luật Du lịch các điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm các vấn đề sau đây:
 
- Hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế tại khoản 2 Điều 16 Dự thảo Nghị định, theo đó cần quy định cụ thể khi tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở các tỉnh trong một thời hạn nhất định phải xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ và ghi giấy biên nhận theo Mẫu cho doanh nghiệp. Quy định này là nhằm tránh trường hợp sau khi nhận hồ sơ của doanh nghiệp, đơn vị tiếp nhận hồ sơ thực hiện kiểm tra và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ một cách tuỳ tiện, không giới hạn về thời gian dẫn đến gây khó dễ cho doanh nghiệp.
 
- Không cần thiết phải có xác nhận của công an trong trường hợp giấy phép bị mất như quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 17 dự thảo Nghị định. Trên thực tế khi bị thất lạc, mất giấy phép kinh doanh, các doanh nghiệp có thể không thông báo đến cơ quan công an và như vậy việc yêu cầu phải có xác nhận của cơ quan công an trong mọi trường hợp mất giấy phép là không đảm bảo tính khả thi đồng thời gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xin cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.
 
- Hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục xin cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trong đó nêu rõ thời hạn xác nhận hồ sơ hợp lệ, thời hạn trả lời doanh nghiệp về việc cấp hay không cấp lại và Mẫu đơn, giấy biên nhận trong trường hợp cấp lại.
 
- Quy định về các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế tại Điều 18 dự thảo Nghị định còn rất cứng nhắc. Đơn cử trong trường hợp  doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế vì một lý do bất khả kháng mà không thể duy trì số lượng 3 hướng dẫn viên du lịch có chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch quốc tế (ví dụ hướng dẫn viên bị tai nạn, tử vong đột ngột, bỏ việc mà không thông báo trước cho doanh nghiệp) thì doanh nghiệp này có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế theo quy định tại Điều 18 dự thảo Nghị định. Do đó, để tránh những trường hợp xẩy ra như trên, đề nghị cân nhắc quy định Điều 18 theo hướng thoáng hơn bằng cách trao cho doanh nghiệp cơ hội phục hồi các điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế trong một thời hạn nhất định trước khi ra quyết định thu hồi giấy phép trong một số trường hợp.
 
- Về doanh nghiệp liên doanh lữ hành quốc tế (Điều 24), đề nghị cân nhắc về điều kiện của bên nước ngoài (là doanh nghiệp nước ngoài có kinh doanh lữ hành, được kiểm toán độc lập xác nhận kết quả kinh doanh trong hai năm gần nhất) vì vấn đề này không phù hợp với Luật Du lịch (Điều 51), theo đó đối với doanh nghiệp liên doanh lữ hành quốc tế không quy định điều kiện đối với bên nước ngoài mà chỉ quy định điều kiện đối với bên Việt Nam. Ngoài ra, cần lưu ý khi quy định về điều kiện đối với doanh nghiệp liên doanh lữ hành quốc tế để đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp, giữa các thành phần kinh tế.
 
6. Về kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có điều kiện trong cơ sở lưu trú du lịch (Điều 41)
 
Đề nghị quy định bổ sung vấn đề kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh trong cơ sở lưu trú du lịch. Hiện nay, theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/6/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thì đối với các hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh thì thương nhân thực hiện hoạt động này phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên cơ sở tính đến “Phạm vi, quy mô, thời gian, địa điểm kinh doanh, số lượng thương nhân tham gia kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh phải phù hợp với yêu cầu quản lý đặc thù và quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ đó trong từng thời kỳ” (điểm đ, khoản 1 Điều 6). Các hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh là các hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước có chính sách không khuyến khích kinh doanh, vì vậy đề nghị cân nhắc quy định theo hướng các cơ sở lưu trú du lịch muốn kinh doanh dịch vụ này phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ, một cơ sở lưu trú du lịch muốn kinh doanh vũ trường (dịch vụ hạn chế kinh doanh) thì phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép kinh doanh vũ trường ngoài việc xin phép kinh doanh lưu trú du lịch.
 
7. Về chi nhánh, văn phòng đại diện du lịch nước ngoài tại Việt Nam
 
- Đề nghị quy định rõ hơn thủ tục về cấp giấy phép, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện du lịch nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể, đối với mỗi trường hợp nói trên cần quy định rõ các bước (1) nộp hồ sơ, (2) xác nhận hồ sơ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cấp giấy biên nhận cho doanh nghiệp; (3) thẩm định, kiểm tra hồ sơ trong một thời hạn nhất định, (4) trả lời doanh nghiệp về việc chấp thuận hay không chấp thuận việc cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện.
 
- Đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan cấp giấy phép, trong đó nêu rõ cơ quan cấp phép phải tổ chức việc cấp phép công khai, minh bạch, thuận tiện và đúng pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
 
-  Đề nghị bổ sung quy định về chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh du lịch nước ngoài trong đó quy định rõ thủ tục chấm dứt hoạt động và việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam khi chấm dứt hoạt động.
 
- Có một thực tế là hiện nay các văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp du lịch đang được cấp phép theo Nghị định số 45/2000/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại 1997 về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài và doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp trong đó quy định rõ thủ tục chuyển sang thực hiện theo Nghị định này của các chi nhánh, văn phòng đại diện du lịch đang hoạt động.
 
8. Về kỹ thuật soạn thảo văn bản
 
- Đề nghị bố cục lại một số Điều của dự thảo để hạn chế sử dụng các gạch đầu dòng trong dự thảo văn bản vì có thể gây khó khăn cho việc dẫn chiếu áp dụng khi Nghị định có hiệu lực.
 
- Đề nghị cần quy định thêm các mẫu giấy tờ liên quan đến thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép để đảm bảo thực hiện thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
 
Trên đây là một số ý kiến đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Du lịch, xin chuyển đến Ban soạn thảo tham khảo, tổng hợp.

Các văn bản liên quan