Trích ý kiến của ĐBQH Phan Anh Minh – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Năm 15:33 26-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Tôi nhận thấy dự thảo trình Quốc hội lần này so với dự thảo trình kỳ họp lần thứ 9 có nhiều nội dung tiến bộ, thể hiện rõ việc đảm bảo quyền tự do cư trú, giảm phiền hà, đặc biệt các tiêu chuẩn được xét đăng ký thường trú ở các thành phố trực thuộc Trung ương có tiến bộ, rộng thoáng hơn rất nhiều so với Nghị định 178.

Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo cũng có ý kiến xin giữ nguyên một số quy định, nhưng tôi thấy còn áy náy, cũng xin phép Quốc hội tôi xin phát biểu lại, mặc dù có một số ý tôi đã phát biểu ở Hội nghị chuyên trách vào tháng 8 vừa rồi.

Trước hết phần dễ nhất ở Điều 1, Đoạn 2 chúng ta đưa ra khái niệm cư trú theo quy định của luật này là việc công dân sinh sống tại một địa điểm xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú, thì tiêu chí phường, xã, thị trấn đưa vào khái niệm này nhìn phổ quát là đúng, nhưng vào một số trường hợp cụ thể thì tôi e rằng chúng ta lại biến một số công dân của mình thành ra không có quyền cư trú và không có nơi cư trú. Ví dụ: 6 nghìn công dân ở huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thì đơn vị hành chính đó không có phường, xã. Như vậy, ép vào khái niệm này là họ không có nơi cư trú. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ gửi cho chúng ta về việc giải quyết tranh chấp địa giới hành chính một số địa phương, cũng có nhiều nơi bây giờ chưa xác định, thậm chí hẳn một bản, làng không xác định rõ thuộc phường, xã nào. Như vậy, theo tôi chúng ta đặt vấn đề phải thuộc 1 phường, xã thị trấn là tiêu chí theo tôi là thừa, chỉ cần quy định một địa điểm cụ thể trên lãnh thổ, thậm chí không cần ấn định là lãnh thổ Việt Nam vì cư trú ở nước ngoài cũng là một hình thức cư trú. Theo tôi, như vậy nó vẫn thoả khái niệm cư trú.

Ý thứ hai, tôi áy náy muốn phát biểu thêm, vấn đề chúng ta quy định ở Điều 20, 21 về việc nhập hộ khẩu đăng ký thường trú thì phải được người cho mượn, cho thuê, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Ở đây, từ ngữ không rõ ràng, tôi chia sẻ với ý của anh Bá Thanh là: dứt khoát vào nhà người ta thì phải được chủ nhà đồng ý, đó là nội dung đồng ý về việc cho ở nhờ, cho thuê, cho mượn. Nhưng giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì đồng ý là đồng ý cho đăng ký hộ khẩu, nếu ở góc độ đồng ý cho đăng ký hộ khẩu thường trú, tôi cho rằng chúng ta đặt lẫn lộn giữa hai khái niệm. Một khái niệm là quyền năng dân sự về việc sử dụng chỗ ở mà tôi đã được chủ nhà đồng ý, còn việc đăng ký thường trú, là nghĩa vụ của công dân với cơ quan Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước về việc quản lý cư trú. Trên cơ sở quản lý cư trú đó Nhà nước xây dựng các kế hoạch kinh tế, xã hội cũng như thực hiện các dịch vụ công và phúc lợi xã hội, tự nhiên chúng ta lại đặt xen vào ông chủ nhà cho người ta ở, nhưng không cho thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân ở tại nơi ở, thì tôi e rằng quy định đó là không hợp lý. Nếu đưa vào như thế này, thì tôi đề nghị là người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, thì chỉ cần văn bản là đồng ý cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cái đó có thể hiện bằng hợp đồng, bằng ủy quyền hay một văn bản của chủ nhà để thể hiện ý nguyện này, chứ theo tôi thì tôi không tán thành việc là giao cho họ quyền cho người ở nhờ, ở thuê được đăng ký hay không. Ở đây, ngay tại Quốc hội đây cũng có một trường hợp rất phi lý nếu chúng ta áp dụng việc này, chúng ta sẽ tiếp tục sự phi lý đó.

Tôi nói ví dụ như đại biểu Nguyễn Thuần Phong đã điều động công tác ra Hà Nội, đã bố trí nhà, vợ con đã ở Hà Nội, chúng ta đã bố trí nhà nhưng chúng ta không cho đăng ký hộ khẩu. Điều đó, theo tôi là một nghịch lý lớn. Việc này, theo tôi, chúng ta không sợ việc khiếu nại. Bởi vì, nếu chúng ta coi hộ khẩu, đăng ký hộ khẩu thường trú là một điều kiện xuất phát từ điều kiện có chỗ ở hợp pháp thì khi chủ nhà người ta đã không đồng ý cho thuê nữa, người ta huỷ hợp đồng cho thuê, người ta không đồng ý cho ở nhờ, cho mượn nữa thì đương nhiên cái hộ khẩu đó chúng ta không nhầm lẫn hộ khẩu là quyền được ở chỗ đó thì đăng ký hộ khẩu thường trú đó sẽ đương nhiên không còn hiệu lực và cơ quan cấp đăng ký hộ khẩu người ta sẽ rút lại đăng ký hộ khẩu do thiếu điều kiện về chỗ ở hợp pháp và hai cái đó nó không có cái gì nữa sẽ ảnh hưởng đến việc gây khiếu nại, gây tranh chấp mà chúng ta khó giải quyết.

Vấn đề thứ ba, tôi phân vân xung quanh việc chúng ta dùng hộ khẩu để điều tiết cư trú vào các thành phố lớn. Có một thực tế mà như anh Bá Thanh đã nêu Thành phố Hồ Chí Minh và chị Tâm Đan cũng nêu thực tế Hà Nội rằng, kết cấu hạ tầng và phúc lợi xã hội của chúng ta hiện nay không giải quyết được tình trạng người nhập cư vào các thành phố rất lớn. Ở Thành phố Hồ Chí Minh phần mà lo sợ nhất, ví dụ như một số dịch bệnh đã xuất hiện như dịch Rubella vừa rồi thì khả năng ngành y tế sợ nhất là nó xảy ra ở nơi cư trú của những người nhập cư mà chúng ta chưa đảm bảo vệ sinh về cấp nước sạch, như dịch vụ công về phòng, bệnh khác. Nếu tiếp tục thực hiện như thế này liệu chúng ta có thể ngăn cản được hay không. Trên thực tế những người cư trú không có điều kiện họ vẫn đang cư trú tại các thành phố và chúng ta đang giải quyết bằng cách chúng ta cấp sổ tạm trú cho họ, dự luật này chúng ta sẽ giải quyết theo hướng như vậy. Sổ tạm trú đó nó gây ra chuyện không chỉ làm khổ cho người dân mà còn làm khổ cho người được giao chức trách quản lý. Tôi nhiều khi hết sức áy náy khi mình không duyệt cho một trường hợp nào được đăng ký thường trú mà mình biết chắc rằng con em họ sẽ khó khăn trong việc học hành, chữa bệnh và mình biết chắc chắn rằng họ sẽ không đi đâu, họ sẽ vẫn tiếp tục cư trú tại thành phố.

Ngoài những chuyện như anh Bá Thanh nêu, tôi cũng xin kể một chuyện chúng ta thấy phi lý, nực cười, ở Thành phố Hồ Chí Minh có một trường hợp một người nhập cư đăng ký KT3 đột tử chết, vì không có hộ khẩu cho nên không khai tử được, quê quán thì ở xa mà không có khai tử thì không chôn được, theo quy định thì 48 tiếng đồng hồ phải chôn, thế thì tử thi cứ để đó, tang gia người ta bối rối và cơ quan công an cũng bối rối luôn, không biết giải quyết như thế nào. Nếu chúng ta quy định như thế này thì chúng ta vẫn cứ tiếp tục để xảy ra tình trạng như thế này, bởi vì hiện nay chúng ta xây dựng kế hoạch kinh tế xã hội, chúng ta dự toán, chúng ta cấp ngân sách về y tế, về giáo dục là theo hộ khẩu thường trú và như vậy vô tình chúng ta giải quyết việc điều tiết cư trú bằng tạm trú này là để cho một bộ phận công dân họ ở đó, nhưng họ không được thực hiện đầy đủ quyền, cũng như nghĩa vụ tại nơi cư trú. Đó là một nghịch lý mà tôi thấy rằng chúng ta cần phải giải quyết, hoặc nếu chưa giải quyết trong luật này thì cần phải suy nghĩ.

Một, theo tôi như anh Nghiễm nêu, anh cư trú trên đất rừng tôi cương quyết cưỡng chế vì đây không phải là nơi ở, anh không được ở đây và tôi không đăng ký thường trú. Như vậy, luật của chúng ta chỉ có đăng ký thường trú và lưu trú không có một hình thức lập lờ là tạm trú. Phương án thứ hai, dân chủ hơn và có chiếu cố, có tính toán đến quyền lợi là họ không trở về nơi cư trú được, trong điều kiện họ vẫn tiếp tục thì theo tôi nên cân nhắc tính toán thay hình thức tạm trú bằng hình thức cấp đăng ký thường trú cho những người có nơi ở không hợp pháp. Như vậy, lúc đó chúng ta sẽ thực hiện được quản lý xã hội, quản lý cư trú và xây dựng kế hoạch kinh tế xã hội, buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ cũng như giải quyết quyền lợi của công dân mặc dù họ chưa có nơi ở hợp pháp nhưng chúng ta sẽ xây dựng kế hoạch kinh tế xã hội và giải quyết các chính sách xã hội một các hợp lý trên cơ sở cư dân đang thực tế cư trú. Như quy định hiện nay, chúng ta sẽ không giải quyết được bộ phận rất lớn công dân trên thực tế họ vẫn cư trú mà chúng ta không coi cái đó là cư trú hợp pháp, mà một cái hình thức tạm trú lập lờ như thế tôi e rằng sẽ còn khó khăn rất là lâu dài. Một lần nữa tôi xin nói lại, với góc độ là người quản lý thì anh em công an rất là khổ tâm khi được giao nhiệm vụ đi giải quyết việc này, đi đối đầu với một bộ phận dân cư mà họ phải về thành phố, họ đã về thành phố và họ phải sống bám vào thành phố mà chúng ta không đuổi đi được

Các văn bản liên quan