Trích ý kiến của ĐBQH Trần Hồng Việt – Tỉnh Cần Thơ

Thứ Năm 15:25 26-10-2006
Kính thưa Quốc hội!

Theo Dự luật này, khi nghiên cứu tôi thấy Dự thảo luật Cư trú tương đối thông thoáng, bảo đảm được quyền cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời cũng đảm bảo được sự kiểm soát của Nhà nước. Tuy nhiên, khi nghiên cứu sâu tôi thấy có những vấn đề cần hết sức cụ thể, chi tiết thêm. Những gì không mang tính chất bắt buộc, chế tài thì cũng không nhất thiết phải đưa vào Dự luật. Tôi đi vào cụ thể một số điều.

Điều 6 về tuyên truyền, giáo dục pháp luật về cư trú, trong này có quy định các cơ quan thông tin báo chí, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên có trách nhiệm phối hợp để tuyên truyền về Luật này. Tôi nghĩ rằng, báo chí thì có Luật Báo chí, Mặt trận Tổ quốc thì cũng có Luật Mặt trận, các tổ chức thành viên thì hoạt động theo điều lệ. Các hoạt động này có nhiều nội dung hoạt động, trong đó có nội dung tuyên truyền về pháp luật, không phải riêng về Luật Cư trú, cho nên Điều 6 này tôi thấy không nhất thiết phải đưa vào luật.

Ở Điều 9, qua tiếp thu giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tôi thấy chỗ Điều 9 này cũng đưa ra được 9 nội dung. Nhưng đọc qua 9 nội dung này thì tôi e rằng nó cũng chưa đủ liều lượng để có thể bị lợi dụng trong việc hộ khẩu này gây khó khăn cho công dân. Ví dụ có những trường hợp tuy nó không phổ biến mà thực sự có, có những trường hợp các hộ không thực hiện tốt nghĩa vụ như nghĩa vụ đóng thuế, nộp lệ phí hoặc đăng ký nghĩa vụ quân sự v.v...

Ở xã họ mới thu tạm giữ hộ khẩu của các hộ này đến khi nào thi hành xong các nghĩa vụ đó thì mới trả lại hộ khẩu, có những trường hợp xảy ra như thế, tuy là không phổ biến nhưng mà vẫn có xảy ra. Cho nên như đại biểu trước tôi có phát biểu ở Khoản 2, Điều 9 nói rằng lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, theo tinh thần luật thì mình hiểu việc làm như tôi vừa trình bày là cấm. Nhưng nhận thức ở cơ sở địa phương có nhận thức được như vậy hay không? Từ "Lạm dụng quyền, lạm dụng những quy định về hộ khẩu" thì nó rất mênh mông, nên chỗ này cần phải tính toán sao cho hết sức cụ thể, nếu đưa vào được thì tôi đề nghị bổ sung thêm "Lạm dụng quy định về hộ khẩu, thu giữ hộ khẩu, làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân" làm sao để tránh những lạm dụng đó, cái gì cụ thể được thì nên đưa vào cụ thể.

Ở Điều 20 và Điều 21. Điều 20 quyền đăng ký thường trú tại tỉnh, Điều 21 điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Trong Điều 20 và 21 có quy định trong dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó, nhưng nó có một thực tế xảy ra mà hiện nay chưa khắc phục được. Ở địa phương tôi ở, trước khi đi họp ở đây một số cử tri có đến đặt vấn đề thẳng, có những trường hợp mà người ta mua bán đất bằng giấy tay, giao dịch bằng giấy tay, nay đất này nó nằm trong quy hoạch 1/500, cho họ đã cất nhà tạm bợ ở đó rồi, nhưng chuyển lên thổ cư thì không được, nhiều năm rồi, bây giờ làm hộ khẩu thì không làm được, ở đó cũng không ai cho họ thuê, không ai cho họ mướn nhà ở, vì họ cũng không có tiền thuê, cũng không có tiền mướn, cũng không ai bảo lãnh cho họ, bây giờ có không ít trường hợp xảy ra như thế thì như vậy theo quy định của Điều 20, 21 này, những hộ này tới đây cũng không có khoản nào để có cơ hội cho họ đăng ký thường trú.

Cho nên, chỗ này tôi nghĩ rằng luật cũng phải nên tính toán như thế nào mở ra cho những đối tượng này. Trước kia, đòi hỏi khi mua nhà, mua đất phải có hộ khẩu nhưng từ khi Luật đất đai mới ban hành từ 2003 tới nay bỏ cái đó thì đất mà họ mua ở đó nó nằm trong diện quy hoạch chi tiết, chuyển lên thổ cư không được, hộ khẩu gốc của họ ở tỉnh bị xóa, bây giờ thất lạc, không còn nữa, họ như trên trời rơi xuống thì tìm lại gốc cũng không có, ở đây cũng không ai xác nhận cho họ được đăng ký hộ khẩu, trường hợp này qua Luật này chưa tìm thấy khoản nào tạo cơ hội cho những đối tượng này có đăng ký hộ khẩu, đăng ký thường trú mà hậu quả không có hộ khẩu, không có thường trú thì Quốc hội biết rồi, việc học hành của con cái rất khó khăn. Như gợi ý của Phó Chủ tịch Quốc hội trường hợp chỗ ở hợp pháp là do thuê, mượn nhà ở của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn chỗ ở đồng ý bằng văn bản. Tôi cho rằng nên quy định như vậy nó mới đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với thực tế

Các văn bản liên quan