Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Thảnh – Tỉnh Hưng Yên

Thứ Năm 15:27 26-10-2006


Kính thưa Quốc hội!

Tôi xin được phát biểu về một số nội dung trong Dự án Luật Cư trú.

Thứ nhất, về mô hình quản lý cư trú, tôi tán thành việc giữ mô hình quản lý cư trú như hiện nay với rất nhiều lý lẽ của các đồng chí trước tôi đã nhất trí và phân tích. Chúng tôi nói thêm rằng trong tâm lý xưa, nay nói đến sổ hộ khẩu thì người dân cứ sờ sợ. Thực ra là không sợ sổ hộ khẩu mà sợ quy định, những cơ quan, những người thực hiện nó có nhiều rườm rà, phiền nhiễu làm cho ai khi cần, có vấn đề gì đụng đến chuyện hộ khẩu là từ lo cho đến sợ, do đó có tâm lý như vậy thôi, còn đối với tình hình chúng ta hiện nay thì công tác quản lý nhiều lý lẽ như các đồng chí phân tích thì cái mô hình quản lý này là phù hợp với tình hình của nước chúng ta hiện nay.

Thứ hai là về đăng ký thường trú quy định tại Điều 20 và Khoản 1, Điều 21 về có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại đó phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản là rất phù hợp. Tôi nghĩ cả tình và cả lý đều phù hợp, bắt buộc phải như thế để bảo vệ được quyền lợi của cả 2 bên: người có nhà và người thuê, mượn nhà. Tôi đề nghị cần quy định thêm để đảm bảo tính hợp pháp của văn bản đồng ý của chủ nhà. Nếu không có thì cứ nói người chủ nhà đồng ý bằng văn bản nhưng văn bản này tính pháp lý như thế nào. Bởi vì ai xác định chữ ký của người đó là chủ nhà. Cho nên chỗ này chúng tôi đề nghị cần có những quy định thêm để đảm bảo tính hợp pháp của văn bản.

Về Điều 23 xóa đăng ký thường trú, theo tôi quy định như nội dung Điểm d, Khoản 1 là không cần thiết, vì khi cấp giấy chuyển hộ khẩu đến nơi cư trú mới, có thể đồng thời xóa đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ, không phải đợi và yêu cầu nơi cư trú mới thông báo trở lại thì mới xóa,

Thứ ba, về vấn đề đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú về khai báo tạm vắng ở Điều 31 về đăng ký tạm trú. Việc đăng ký tạm trú đã quy định đầy đủ từ Khoản 1 đến Khoản 4 tại Điều 31, nhưng khi công dân di chuyển nơi tạm trú không quy định gì, mới chỉ quy định như Khoản 5, chúng tôi cho rằng chỉ là trường hợp cuối cùng thôi, tức là địa phương phải theo dõi nếu họ đến tạm trú ở mình, nhưng nếu 6 tháng thấy họ không có mặt thì mình phải xóa đi thôi. Tôi cho quy định như thế là không đầy đủ, phải quy định nhất thiết là khi không tạm trú ở địa phương của tôi nữa, anh cũng phải khai báo tại nơi anh đã đăng ký, tại nơi công dân đã đăng ký tạm trú, không tạm trú nữa cũng phải đăng ký rằng thôi tôi không tạm trú nữa tôi chuyển đi chỗ khác. Tôi cho rằng quy định như thế cũng phù hợp với nguyên tắc thứ tư tại Điều 4 là "Mọi thay đổi về cư trú phải được đăng ký", còn chỉ đăng ký đến anh làm đúng thủ tục, còn anh đi anh không nói gì cả thì cơ quan quản lý lại phải theo dõi, tôi cho thế là không hợp lý.

Điều 33 khai báo tạm vắng, tôi cho rằng việc quản lý cư trú trên một địa bàn dân cư, việc người đến thường trú, tạm trú, lưu trú cũng như người tạm vắng chính quyền đều phải nắm được, vai trò là như nhau, do vậy chỉ quy định giới hạn các đối tượng ở Khoản 1, Khoản 2, Điều 33 về khai báo tạm vắng là chưa đủ. Bởi vì trong tình hình hiện nay như các đại biểu biết là tình hình di chuyển dân cư tương đối phức tạp, nhất là các địa phương có nhiều công dân đi lại làm ăn xa, nếu chúng ta không quy định phải khai báo tạm vắng thì có tình hình các đồng chí phản ánh trước tôi nói rằng người ta đến sinh sống 5 - 10 năm cũng chẳng thường trú, cũng chẳng tạm trú. Cũng như ở địa phương có những hộ gia đình hiện nay người ta khoá cửa, để nhà tại địa phương, nhưng vợ chồng con cái người ta kéo đi làm ăn xa một địa phương khác, 1 năm, 2 năm người ta đi đâu mình cũng không biết, không biết người ta ở chỗ nào, không biết người ta đi đâu. Vậy thì có rất nhiều chuyện ở địa phương khi cần quản lý, khi cần liên quan đến những người dân này thì mình không biết đâu mà nắm cả, tôi cho rằng như thế cũng không hợp lý. Đề nghị phải quy định người đủ từ 14 tuổi trở lên đi tạm trú ở nơi khác thì phải khai báo tạm vắng ở nơi thường trú của mình, hoặc ở nơi tạm trú của mình, cũng như điều ở trên thì riêng về Điều 33 tạm trú, tạm vắng tôi đề nghị như thế.

Một số những ý kiến khác nữa, tôi nhất trí với một số ý kiến trước tôi, Điều 6 có lẽ nên bỏ, vì luật nào cũng phải tuyên truyền giáo dục cho nhân dân, chứ không riêng gì Luật Cư trú. Cho nên, chúng ta không nên quy định ở đây.

Điều 13, hoặc đưa lên Chương I hoặc đưa lên đầu Chương II, vì Điều 13 mang tính định nghĩa các khái niệm nhiều hơn, có những khái niệm đã được dùng trước Điều 13, đến nay Điều 13 mới được cụ thể hoá. Do đó, tôi cho rằng Điều 13 có thể đưa lên Chương I hoặc đầu Chương II.

Chúng tôi cũng thêm một tiếng nói ở Điều 42, như một ý kiến của đại biểu trước tôi và cũng đã có những ý kiến ở những luật trước mà có đại biểu đã có ý kiến thì nên quy định cụ thể là chi tiết hướng dẫn những điều nào là một; Thứ hai cũng để đảm bảo tiến độ hướng dẫn của Chính phủ kịp thời, khi mà luật có hiệu lực cũng nên ghi thời hạn vào đây là quy định chi tiết và hướng dẫn của Chính phủ này phải xong trước ngày bao nhiêu để đến lúc luật ban hành ra thì sẽ được đi vào cuộc sống ngay. Tôi xin có một số ý kiến như vậy

Các văn bản liên quan