Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Bá Thanh – Thành phố Đà Nẵng

Thứ Năm 15:22 26-10-2006
Kính thưa Đoàn Chủ tịch!

Kính thưa Quốc hội!

Tôi xin phát biểu thẳng vào một số vấn đề mà mình quan tâm.

Vấn đề cư trú là một trong những vấn đề hiện nay cử tri quan tâm nhất. Từ chỗ ta bó quá, bây giờ qua Dự thảo Luật này thì ta lại thấy nó thoáng quá. Thoáng đến mức là sẽ rất khó khăn trong quá trình quản lý ở các địa phương. Trước đây, không phải là phổ biến lắm, nhưng cũng lẻ tẻ có một số trường hợp cả hai vợ chồng buôn hàng cấm, người ta bị đi tù, đi tù xong, khi người ta thực hiện xong án phạt tù, người ta về thì lại không cho nhập hộ khẩu, không nhập hộ khẩu nhưng người ta vẫn sinh con ra, sinh con ra thì không được khai sinh vì không có hộ khẩu, không có khai sinh thì không đi nhập học được, không nhập học được thì mù chữ và tiếp tục lớn lên lại đi theo những băng nhóm tội phạm.

Còn bây giờ, theo dự thảo của luật này thì tôi thấy chỉ trừ một số trường hợp bị hạn chế, còn lại ai muốn ở đâu thì ở, bất kể điều kiện, bất kể gì cả, từ chỗ bó như thế, chỗ khó khăn như thế, bây giờ bắt đầu thoáng mà thoáng không đảm bảo nguyên tắc. Ngay cả trong Điều 4, chúng ta cũng đã quy định rất rõ, rồi khi triển khai ra lại thấy nó không, trong đó Phần hai của Điều 4, nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú thì cái này cũng xác định rất là rõ rồi, bảo đảm hài hoà quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội, kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Nếu chúng ta chỉ một phía nhấn mạnh cái thuần tuý về quyền tự do cư trú của công dân, nhấn mạnh phía nào thì đều là nó dẫn đến những cái không đúng đắn trong cuộc sống.

Ở trong dự thảo luật này, tôi chỉ tham gia tập trung vào Điều 21, điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Nhưng ở trong Tờ trình của Thường vụ Quốc hội do đồng chí Khiển trình bày thì về đăng ký thường trú không biết chỗ này giải trình như thế nào? Nhưng tôi cũng không hiểu hết, đồng thời bổ sung đối tượng trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, nay trở lại thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình thì cũng được đăng ký thường trú. Sở dĩ cần có sự phân biệt nêu trên vì hiện nay xu hướng dân cư chuyển về sinh sống làm ăn ở cấp thành phố trực thuộc Trung ương ngày càng gia tăng. Trong khi đó các điều kiện về cơ sở hạ tầng cũng như khả năng cung ứng dịch vụ của các thành phố này chưa thể đáp ứng kịp thời, nếu số lượng người chuyển về đó sinh sống quá lớn.

Giải trình như thế thì quá thông cảm rồi, quá rõ rồi, nhưng khi đi vào điều luật thì lại nó bị lệch. Trong khi đó Khoản 4, Điều 21 chẳng hạn "trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình" chỗ này được rồi, nhưng trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Nếu họ về ngay chính nhà ở hợp pháp thì tốt quá rồi, nhưng đằng này một người từ kinh tế mới về không có nghề nghiệp gì, họ nhận về, họ cho ở nhờ có khi cả hàng chục người nọ, chục người kia như thế thì đây là một sơ hở. Bây giờ với cách như thế này thành phố chúng tôi có khi giảm xuống một khâu, lâu nay làm 7 - 8 năm cũng tương đối tốt, chương trình 5 không của thành phố không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có người lang thang xin ăn, không có người mù chữ, không có hộ đói, không có giết người, cướp của.

Nhưng như vậy, không có người mù chữ nếu quy định như thế này đâu có quy định ông mù chữ là không được vào đâu, thế là bắt đầu người ta vào, vào chỉ bán vé số, chai bao, rồi các thứ như thế thì họ phát triển đô thị kiểu gì, thành phố phấn đấu năm 2030 làm gì, thành phố du lịch kiểu gì, chúng ta rất thông cảm nhưng tự do của người này, không ảnh hưởng đến người khác, bởi vào đó còn chữa bệnh, 1giờ đêm tôi đã từng đến một khu phố ở những chỗ họ tạm trú vào diện tích chật lắm có hơn 20 mét vuông mà 18 người nằm, xếp gối lung tung với nhau như thế, ăn ở với nhau kiểu đó thì làm sao.

Cho nên, thành phố Đà nẵng 9 năm nay không phân biệt là anh ở Đà nẵng anh mới được mua đất, mua nhà, bất kể công dân Việt Nam anh nào muốn mua thì mua. Tôi lấy cái đó làm gốc, anh có chỗ ở thì tôi cho anh nhập hộ khẩu, anh có việc làm thì tôi cho anh nhập hộ khẩu, chứ không phải ngược lại là anh có hộ khẩu thì chúng tôi mới giải quyết nhà, giải quyết đất, cái đó 9 năm nay giải quyết rất bình thường. Tôi lấy chỗ ở, lấy nghề nghiệp làm gốc, bây giờ nếu anh tính cho ở nhờ, đồng ý ở nhờ, rồi bây giờ lại thảo luận là có được người chủ đó đồng ý hay không, thảo luận sôi nổi thì nhiều lúc tôi cũng không hiểu nổi nữa. Nhà của tôi, ông muốn vào ở mà ông không hỏi tôi thì chuyện đó cả thế giới này chẳng ai có chuyện đó, mỗi Việt Nam ta thôi, như vậy mà phải tốn thời gian làm gì? Nhà của tôi, tôi cho ông ở hay không là quyền của tôi chứ tại sao ông không hỏi tôi, ông bảo của tôi với Nhà nước, Nhà nước thì ông ra ngoài bụi ông ở chứ tại sao lại vào nhà tôi, cái đó là phải hỏi chủ nhà chứ. Tôi ngại ở chỗ là hiện nay ở thành phố Đà Nẵng, Hội đồng nhân dân kỳ họp thứ 12 sẽ bàn một việc là anh ở trong trung tâm thành phố thì anh phải có nghề nghiệp, đặc biệt là anh phải có chỗ ở. Một người có 16, 18, 20 mét vuông, nhưng người cắt móng tay, anh bán báo, người đi bán vé số, đau ốm, bệnh tật, học hành, rồi bao nhiêu chuyện khác như vậy thì ai lo? văn minh đô thị ở chỗ nào? Cho nên phải có điều kiện chỗ ở, chứ còn trong này ghi Điều 21 tôi bảo không có thành phố trực thuộc Trung ương làm một hồi thì không biết thành phố trực thuộc xã luôn nữa, rất là tùy tiện như thế này thì tôi thấy khó quá, rồi được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan tổ chức, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và chỗ ở hợp pháp.Chỗ này thì đối phó dễ thôi, nếu mà nói như thế này thì quá dễ.

Trường hợp chỗ ở hợp pháp mà do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Thì cứ hệ cái anh cho mượn, cho thuê, cho ở nhờ. Bây giờ có những loại nhà ở không hợp pháp rồi anh ta lấn chiếm, anh ta xây nhà cấp 4, rồi cũng cho vào ở như thế, cái người họ có nhà ở đã không hợp pháp rồi, chứ chưa nói người ở nhờ, như vậy lại tạo sơ hở như thế. Cho nên, nếu ở chỗ này, trường hợp nói chỗ ở hợp pháp mà chỗ cho thuê, cho mượn bây giờ phải có hợp đồng cho rõ ràng. Chứ bây giờ nói như thế này thì quá đơn giản và tạo những sơ hở.

Rồi "công dân có chỗ ở hợp pháp và tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 1 năm trở lên", thôi thì 1 năm hay không cần tạm trú nửa năm, nếu đúng có khi vẫn có đủ điều kiện vẫn cứ cho họ nhập, không nhất thiết là phải tạm trú 1 năm. Tạm trú 3 năm mà mù chữ, không có nghề nghiệp, không có chỗ ở, thì vẫn không được nhập hộ khẩu, như thế mới đúng đắn, mới nghiêm túc được, không phải lấy năm, năm này thì họ vào họ ở, 1 năm liền thôi, 12 tháng là thành 1 năm, có gì đâu. Cho nên khuyến khích thời gian để vào tạm trú, vào cù chày, cứ đại như thế, không cần biết gì hết, rồi bày ra buộc anh phải cho tôi vào. Tôi rất thông cảm, rất chia sẻ vì nhiều hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng nếu chúng ta được cái này, thà chúng ta phát triển lên rồi chúng ta có những khoản đóng góp để lo cho những khu vực ở ven đô, các thứ cho người nghèo thì có khi hay hơn. Còn nếu như chúng ta làm cách này là các trung tâm của các thành phố lớn đến một lúc sẽ rất khó khăn trong phát triển kinh tế của mình, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan