Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Đức Dũng – Tỉnh Kon Tum

Thứ Năm 14:21 31-08-2006

Kính thưa các đồng chí.
Tôi sau khi nghiên cứu rất kỹ bản tiếp thu giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo mới chúng tôi thấy rằng trong bản tiếp thu giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có một số vấn đề chúng tôi đã phát biểu trước kỳ họp thứ 9, nhưng cũng chưa được tiếp thu và giải trình như thế nào, tôi sẽ nói sau.
Còn nội dung dự thảo luật chúng tôi thấy rằng về cơ bản có tiếp thu nhiều và cũng có những cái cải tiến, nhất là về mặt thủ tục để chúng ta quản lý cho đơn giản, gọn nhẹ hơn. Như vậy, so với dự thảo trước, dự thảo này có nhiêu điểm tiến bộ. Tuy nhiên, xét về tổng thể, chúng tôi vẫn thấy việc quản lý cư trú như thế này vẫn không đảm bảo được yêu cầu thực hiện đúng quyền rất cơ bản của công dân là quyền tự do cư trú của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp.
Báo cáo với các đồng chí, quyền tự do cư trú này dân ta ai cũng hiểu, không phải tự do cư trú là muốn ở đâu thì ở, vô tổ chức vô kỷ luật, tất nhiên là phải theo quy định của luật pháp. Nhưng bây giờ Luật Cư trú của chúng ta phải quy định làm sao để quyền đó được phát huy một cách tối đa, chứ bây giờ có những vùng chúng ta phải hạn chế cư trú như vùng biên giới, vùng an ninh quốc phòng, nhưng cái đó luật pháp phải quy định rất cụ thể. Vùng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh do cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội khó khăn như thế, bây giờ dân tràn đông quá thì chúng ta phải hạn chế, nhưng hạn chế cái đó chúng ta phải quy định rõ ràng, trường hợp nào hạn chế, trường hợp nào không hạn chế, hạn chế ở mức độ nào. Cách quy định như vậy đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân, nhưng chúng ta quy định như trong dự luật thì chúng tôi thấy vẫn mang nặng những dấu ấn của thời bao cấp, mặc dù thủ tục các đồng chí có cải tiến hơn dự thảo.
Cho nên chúng tôi đề nghị cần phải nghiên cứu quán triệt làm sao để xây dựng luật thực hiện được quyền tự do cư trú của công dân. Tôi hoàn toàn thống nhất với ý kiến đồng chi Phó Chủ tịch Quốc hội sáng có nói là chúng ta xây dựng luật đây là Luật Cư trú, tức là luật quản lý cư trú. Chứ chúng ta không xây dựng luật tự do cư trú, bởi vì tự do cư trú không ai xây dựng luật cả, nó là quyền cơ bản của công dân đã ghi rõ trong Hiến pháp, không ai xây dựng luật đó. Nhưng chúng ta xây dựng Luật Cư trú này để quản lý, nhưng quản lý làm sao thể hiện được quyền tự do cư trú của công dân, mới đáp ứng được yêu cầu chứ. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải thống nhất quan điểm nhận thức như vậy. Chứ không ai nói là chúng ta không cần quản lý cư trú. Quản lý cư trú không phải chỉ vấn đề này khác, mà rất nhiều vấn đề phải dùng đến quản lý cư trú để xác định các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đấy là thứ nhất chúng tôi đề nghị cần phải thống nhất quan điểm cho rõ.
Thứ hai, về phương pháp quản lý, hiện nay chúng ta đang quản lý bằng phương pháp dùng hộ khẩu. Bây giờ việc dùng hộ khẩu chúng ta quản lý gần 50 năm nay, trước đây thời kỳ chiến tranh, thời kỳ khoa học, kỹ thuật chưa phát triển, kinh tế chậm phát triển, chúng ta quản lý bằng hộ khẩu, lúc bấy giờ có rất nhiểu tác dụng. Nhưng những năm gần đây rất nhiều những khuyết tật của vấn đề quản lý bằng hộ khẩu mà các đồng chí đại biểu thấy rõ.
Vậy bây giờ chúng ta có nên duy trì mãi việc quản lý bằng phương pháp này hay không? Báo cáo các đồng chí bây giờ khoa học, kỹ thuật phát triển, các sản phẩm xã hội tuổi đời nó rất nhanh, nhất là sản phẩm điện tử chỉ vài tháng thay đổi mẫu mã thôi. Còn sản phẩm quản lý của chúng ta trong 50 năm nay rồi, vẫn không thay đổi, trong khi đó đầy rẫy những khuyết tật. Tôi không hiểu chúng ta thương xót cái gì, níu kéo gì trong vấn đề này, mà nó cũng không phải là vấn đề ưu việt gì. Bây giờ có những lý do muốn giữ lại thì nói rằng chúng ta chưa có biện pháp gì hay hơn thì cứ phải giữ hộ khấu. Nhưng báo cáo với các đại biểu nếu bây giờ chúng ta không đổi mới, không tìm những biện pháp hay hơn thì bao giờ chúng ta mới có biện pháp hay hơn.
Lý do giữ lại là bây giờ chúng ta thay bằng thẻ cư trú thì tốn tiền, mà chúng ta kinh tế không có. Tôi nghĩ những lý do đó là không thuyết phục. Bây giờ hình thức của chúng ta có nhiều đại biểu đề xuất là dùng thẻ công dân hay thẻ cư trú mà tôi thấy cái thẻ đó hết sức đơn giản, có thể nó to hơn chứng minh thư của chúng ta một chút thôi, thêm nhiều thông tin nữa vào và phát cho người công dân từ đầu đến cuối có một cái thẻ đó.
Hộ khẩu báo cáo với các đồng chí có khi chúng ta cũng phải làm sổ rất nhiều rồi lại phải làm thêm một hệ thống chứng minh, chuyển thế này, chuyển thế kia lại phải thay đổi hộ khẩu, lại phải cấp hộ khẩu mới cũng rất tốn kém. Trong khi đó chúng ta quản lý bằng hộ khẩu nó ăn theo như Bộ Công an đã báo cáo là tới 380 cái văn bản ăn theo dựa vào hộ khẩu. Trong kỳ họp trước thì nói phải rà soát lại xem tất cả các lĩnh vực ăn theo đó có gì không hợp lý thì phải gạt đi, nhưng có ai gạt đâu, chẳng ai gạt cả. Bởi vì cái này liên quan đến lợi ích. Cho nên, chúng tôi đề nghị là chúng ta phải mạnh dạn thay đổi, bây giờ tư duy quản lý hộ khẩu đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ của chúng ta rồi, thành đường mòn trong não rồi, chúng ta cảm thấy nó có một cái gì đó bỏ đi thì nó không quen, nhưng tôi nghĩ rằng bây giờ chúng ta thay bằng cái khác có khi còn tốt hơn rất nhiều, đơn giản hơn rất nhiều, như đồng chí Dương Thu Hương và các đồng chí phát biểu đó. Tôi nghĩ là cái thẻ cư trú rất đơn giản thôi, ta đi đến địa phương nào ta xuất trình với cơ quan quản lý cư trú địa phương là tôi có thẻ cư trú đây, tôi cư trú ở đây từ bao giờ đến bao giờ. Kể cả vấn đề danh sách cử tri, báo cáo các đồng chí đại biểu Quốc hội, như đồng chí Phó Chủ tịch nói là không cần thiết, nhưng Hội đồng Nhân dân địa phương thì có làm không, được chứ, người ta đăng ký ở đấy từ mấy tháng thì anh coi đấy là cử tri địa phương, anh lập danh sách cử tri của người ta ở địa phương, chứ có gì đâu, tôi thấy tất cả những việc đó rất đơn giản, sẽ không có những chuyện phiền phức như các đồng chí bãn cãi từ sáng đến giờ là nhà cửa, này khác, ăn theo, quyền người nọ, quyền người kia, không còn chuyện lằng nhằng, rắc rối do hộ khẩu gây ra nữa, nhất là ta cắt đuôi được 380 loại văn bản ăn theo hộ khẩu, có tốt hay không. Tôi cho rằng tốt chứ sao lại không tốt.
Cho nên, tôi đề nghị phương pháp quản lý bây giờ cần phải nghiên cứu, thực tế tôi chưa dám nói, nhưng tôi đề nghị phải nghiên cứu và cần có những thay đổi quản lý hộ khẩu. Rất có thể bây giờ chúng ta chưa thể thay đổi ngay được, khi luật có hiệu lực chưa thay đổi ngay, nhưng có thể ta quy định trong vòng 2 năm, 3 năm gì đó chúng ta chuẩn bị để chúng ta thay bằng cái đó. Báo cáo các đồng chí, thời gian đó chúng ta thừa sức chúng ta chuẩn bị để thay thế quản lý bằng thẻ hoặc bằng biện pháp khác, chúng ta hoàn toàn không bị bất ngờ chuyện này. Tôi nghĩ có thể làm, tại sao chúng ta lại không làm được, bây giờ tôi thấy rõ ràng việc đổi mới của chúng ta hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, nhiều khi chúng ta muốn theo thói quen, mà không muốn đổi mới hay sao, mặc dù đổi mới của chúng ta là rất tốt, báo cáo các đồng chí tôi thấy phương pháp quản lý đề nghị nghiên cứu. Nếu bây giờ chúng ta không ghi vào trong Luật một định hướng như thế nào đó thì biết bao giờ chúng ta mới thay được. Bây giờ chúng ta vẫn quy định là hộ khẩu thì 20 năm sau chưa chắc đã thay được, tinh thần như thế. Cho nên, tôi đề nghị chúng ta nghiên cứu mạnh dạn chỗ này, biện pháp nào hay chúng ta quy định luôn vào đây có thể có lộ trình để thay đổi cho nó hợp lý.
Thứ ba, về cơ quan quản lý lần trước ở kỳ họp thứ 9 chúng tôi đã phát biểu rồi, đây là vấn đề dân sự. Đăng ký cư trú là vấn đề dân sự, trong cả một quá trình đăng ký hộ tịch, hộ khẩu từ người sinh ra đến mất đi, là một chuỗi của hộ tịch, hộ khẩu nhưng bây giờ hộ tịch thì chúng ta chuyển cho cơ quan dân sự, nhưng riêng cư trú này thì vẫn để cơ quan công an làm. Bây giờ có cần thiết hay không, tất nhiên lý do các đồng chí đưa ra rất nhiều là bây giờ phải đảm bảo an ninh trật tự v.v... tôi nói thật với các đồng chí không biết qua việc quản lý hộ khẩu các đồng chí phát hiện được bao nhiêu tội phạm nhưng chắc chắn rằng những tội phạm không bao giờ cần đến hộ khẩu, nó đi khắp nơi và anh không quản lý được, chỉ quản lý những người dân thường, dân nghèo. Tất cả những hành vi chúng ta gây khó khăn thì phần lớn dân nghèo bị, nhân dân bị, chứ không phải bọn tội phạm. Tội phạm ta có nhiều cách để truy bắt nó, phát hiện nó cho nên đấy không phải là lý do thuyết phục. Trước đây chúng ta có Bộ Nội vụ quản lý việc này, có thời kỳ nhập nội vụ với công an thì bây giờ tách nội vụ với công an ra thì công an vẫn giữ lại việc quản lý hộ khẩu. Trước đây chúng ta đã tham gia lực lượng vũ trang như thế này thế khác có đúng hay không. Tôi đề nghị nghiên cứu chỗ này để chúng ta quy định cho thỏa đáng. Cuối cùng tôi đề nghị, luật này liên quan nhiều đến dân cư, chúng tôi lần trước đã đề nghị rồi, nhưng chưa được tiếp thu giải trình, đề nghị tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân mà nếu không lấy được tất cả luật thì chúng ta chỉ lấy một vấn đề là có nên duy trì hộ khẩu hay không.

Các văn bản liên quan