Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đình Lộc – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Hai 13:35 28-08-2006

Chúng tôi rất mừng khi cầm trong tay dự thảo này, vì thể hiện một ý rằng đã cố gắng tiếp thu, sửa đổi, đáng mừng là bây giờ chúng ta có một chương, Chương II quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân về cư trú. Ở những chỗ khác, cũng đã thể hiện sự cố gắng sửa đổi, tiếp thu ý kiến và cũng mừng là dự thảo này với danh nghĩa của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chứ không còn là của cơ quan dự thảo nữa, cơ quan trình nữa. Tức là chính bây giờ chúng ta, chính Thường vụ Quốc hội và Quốc hội phải chịu trách nhiệm về dự thảo này. Thú thật, nếu đi vào nội dung chúng tôi có rất nhiều phân vân và đây là vấn đề hoàn toàn mới đối với chúng ta, bản thân tôi rất bỡ ngỡ trước những khái niệm của phạm trù này, cho nên có lẽ cũng phải cùng nhau huy động trí tuệ tập thể và tìm hiểu, tham khảo các nước để đưa ra những khái niệm thật chuẩn xác. Trong dự thảo này có lẽ tôi xin phát biểu 1, 2 lần, tôi chỉ muốn nói rằng điều mà chúng ta đưa ra đây vẫn chưa chặt chẽ về mặt logic, về mặt pháp lý chứ chưa nói đến những vấn đề thực tế. Chúng ta khi nói đến cư trú phải biết rằng một con người dầu bất kỳ trong chế độ nào đều có một nơi cư trú và cư trú đó đều được dưới 2 hình thức: thường trú và tạm trú, ở đâu cũng vậy ngay trong xã hội chiếm hữu nô lệ. Người nô lệ cũng phải có nơi tạm trú và nơi thường trú vì vậy ở đây vấn đề không phải là quy định về cư trú mà là quy định quyền tự do cư trú. Tự do cư trú khác với cư trú như thế nào? Ở đây chúng ta chưa làm rõ, chính đây là một thành tựu của cách mạng dân chủ. Trong xã hội phong kiến, trong xã hội nô lệ người dân đã bị vùi xuống, bước qua xã hội dân chủ thì nó có một đột phá đó là quyền tự do dân chủ của người dân và một trong những quyền cơ bản đó chính là quyền tự do cư trú, tự do đi lại. Chúng ta ai cũng có thể đi lại, ai cũng có nơi cư trú, nhưng có lẽ tự do cư trú, khác với cư trú ở chỗ nào? Ở đây tôi thấy còn tránh né và ít ra chúng ta chưa tìm ra được một khái niệm. Tôi cũng thú thật mấy hôm nay cũng đang đi tìm một số luật để xem nó quy định thế nào, nhưng cũng chưa tìm ra, tôi biết rằng ở Nga có một luật tự do cư trú và tự do đi lại cùng một lúc chứ không phải tách riêng ra, vì 2 quyền đó gắn liền với nhau. Nhưng ở đây tôi thấy rằng chúng ta đang lúng túng.
Tôi xin phân tích một vài điểm nữa đứng về mặt logic hình thức thôi.
Chúng ta nói rằng thường trú là gì? Nơi cư trú của công dân đó là nơi người đó thường xuyên sinh sống có thể nơi đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú, nhưng đăng ký thường trú mới là nơi thường xuyên sinh sống, thế tức là cư trú, tạm trú không phải là nơi sinh sống, không thuộc quyền cư trú.
Hôm nay tôi cũng xin nói một vấn đề và đây cũng là ý kiến bất chợt hôm nay nói ra không biết đúng không, nhưng tôi thấy cũng là một vấn đề chúng ta cần suy nghĩ. Tại sao chúng ta gắn quyền tự do cư trú vào hộ gia đình, quyền tự do cư trú là của từng con người một, tại sao ta gắn vào sổ hộ khẩu, tức là vào hộ gia đình, như thế gia đình trở thành cản trở cho cư trú sao? Tại sao chúng ta gắn bó tên tuổi của một người vào cả một hộ, khi nói lên công dân vẫn là từng đơn vị của xã hội chứ không phải là của một hộ. Đó là điểm tôi thấy rất cần phải suy nghĩ, không phải ngẫu nhiên ở các nước nó phát cho từng người một, chứ không phải phát cho cả một hộ. Ở đây chúng ta lại lấy sổ hộ khẩu để gắn con người vào đấy và vì vậy đi lại tự do, thật ra bây giờ không có. Vì vậy chúng ta quy định không những gắn từng con người vào hộ, mà còn gắn con người vào vợ, vào chồng, vào người giám hộ, vào nơi này, nơi khác thành ra chúng ta lấy rất nhiều những điều kiện để hạn chế tự do của mỗi con người. Đây là phát hiện mới của tôi, tôi xin báo cáo lại với Quốc hội, tôi nghe và tôi sửng sốt, tại sao chúng ta lại làm việc trái khoáy thế này? Đó là điểm tôi đề nghị có sự giải thích cho rõ, ít ra là phải bàn với nhau cho rõ vì sao chúng ta lại gắn với quyền tự do của con người vào những đơn vị khác?
Tiếp nữa, tôi rất mừng có Chương I bây giờ có hơi nhiều điều, nhưng có một điều chờ đợi nhất mà chưa thấy cấm là các hành vi bị nghiêm cấm có 9 điểm nhưng tôi chưa thấy có điều cấm, chính điều này làm khổ anh em, làm khổ dân, đó là lấy thường trú để làm điều kiện thực hiện một loạt những quyền tự do khác của người dân. Tại sao chúng ta lấy nơi thường trú làm điều kiện để thực hiện những quyền khác? Như thế có nghĩa là chúng ta dùng những quyền khác để bó hẹp quyền tự do lại, muốn mua cái này, mua cái kia là phải có thường trú, lấy cái đó làm điều kiện để hạn chế tự do, trong lúc đó tự do của người dân là quy định như là những đơn vị độc lập. Đây là vấn đề cũng phải cùng nhau tìm hiểu, chứ không vô hình chung là chúng ta lúng túng. Vì vậy, tôi muốn nói tại sao không có điều cấm là lấy thường trú làm điều kiện để bảo đảm quyền tự do khác cho công dân?
Đến đây có một vấn đề mà chúng ta cũng cần suy nghĩ, nếu như bây giờ chúng ta không lấy thường trú làm điều kiện để thực hiện các quyền khác, thì người dân không quan tâm đến cư trú nữa, không quan tâm nữa. Lúc bấy giờ họ vẫn cứ để đấy thôi, người dân họ không quan tâm, lâu nay nhân dân khổ là vì thường trú trở thành một điều kiện để thực hiện các quyền khác. Bây giờ chúng ta bỏ, cấm việc đó đi thì nhân dân không quan tâm đến sổ hộ khẩu nữa, đó có phải là một thực tế không, đây là những vấn đề chúng ta chưa giải thích được. Cho nên, cần phải tìm hiểu với nhau.
Tiếp nữa, chẳng hạn như Điều 16, tôi rất mừng có Chương II, Điều 16 nói như thế này, nơi cư trú của người được giám hộ, người được giám hộ có thể là nơi cư trú khác, với nơi cứ trú của người giám hộ, nếu được người giám hộ đồng ý, trở thành một điều kiện nữa, hoặc được pháp luật quy định, pháp luật nào quy định, Luật Cư trú này không quy định thì luật nào quy định nữa. Tại sao không quy định rằng trong trường hợp nào thì người giám hộ, người được giám hộ không cần đến sự đồng ý của người giám hộ thì quy định vào đây chứ.
Hoặc nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ chồng thường xuyên chung sống, vợ chồng có thể có nơi cư trú khác nhau, nếu có thoả thuận, thoả thuận này là một điều kiện, vì có nhiều người họ giận nhau, họ bỏ đi, vợ thì ở với con gái, chồng ở với con trai, họ bỏ đi thì lúc bấy giờ nơi cư trú của vợ chồng như thế nào. Bắt buộc họ phải họp với nhau, mình đứng giữa làm trọng tài để hai bên thoả thuận với nhau à? mỗi người ở một nơi mà.
Tôi nghĩ chính đây cũng là một sự can thiệp quá sâu của pháp luật, vào tự do của con người, nó không thực tế, vì trên thực tế có rất nhiều cặp vợ chồng đến lúc giận nhau bỏ đi, tuy không chính thức ly thân nhưng thực sự là ly thân vì không ở với nhau mà cũng không có thỏa thuận gì hết, nhưng một người ở bên này, một người ở bên kia. Lúc bấy giờ chúng ta phải đến bảo anh phải về bên kia hoặc chị phải về bên chồng à, không có lý. Cho nên tôi nghĩ những chỗ này có lẽ cần phải tiếp tục làm rõ nếu không thấy còn lúng túng lắm. Mong muốn của chúng ta cũng là làm thế nào cho người dân được thực sự tự do nhưng đồng thời bảo đảm được an ninh. Vì hết giờ nên lần sau tôi sẽ xin phát biểu về một vài vấn đề khác.

Các văn bản liên quan