Trích ý kiến ĐBQH Lương Phan Cừ – Tỉnh Đăk Nông

Thứ Hai 12:54 12-06-2006

Ban hành Luật Cư trú chúng tôi thấy hết sức cần thiết, nhưng Luật Cư trú thế nào để bảo đảm quyền hiến định cho người dân được tự do cư trú theo quy định của pháp luật. Đây là vấn đề hết sức lớn.

Quản lý cư trú của công dân là rất cần thiết, không chỉ ở nước ta mà các nước trên thế giới cũng thế, nếu không quản lý được thì chắc chắn chúng ta không bảo đảm an toàn, trật tự, cũng như thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất nước. Đây là vấn đề cần thiết.

Vấn đề đặt ra của chúng ta ở đây là chúng ta quản lý bằng cái gì? Bằng sổ hộ khẩu như lâu nay chúng ta vẫn làm, hay bằng phương thức khác như ý kiến một số đại biểu đã phân tích và đề xuất. Chúng tôi thấy những ý kiến còn khác nhau, chúng tôi xin trình bày ý kiến riêng của chúng tôi ở phía sau:

Theo ý kiến riêng của tôi, tự do cư trú, đã nói đến tự do thì phải nói đến ý chí của bản thân người có quyền đó, trước hết phải là ý chí. Tức là phải chọn được, tất nhiên ở đây chọn là chọn theo pháp luật, không phải chúng ta chọn lung tung. Ở đây chúng ta quy định là quy định được cư trú ở đâu? cư trú như thế nào? bình đẳng với mọi người, không phải chúng ta lại quy định cho được thế này, cho được thế kia. Chúng tôi thấy đặt vấn đề như thế để chúng ta thấy quyền tự do. Nhà nước và cơ quan quản lý phải đăng ký cho người dân và theo dõi người dân, buộc người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của người công dân.

Ví dụ, quyền đóng thuế, quyền đi nghĩa vụ quân sự, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chúng ta không thể quản lý người dân theo một cách rất là hành chính. Chúng ta đặt ra cho người ta ở đâu, hoặc là quy định cho người ta ở đâu. Chúng tôi ở đây quan niệm nó giống như tự do đi lại, chúng ta Luật giao thông. Cái chọn là bản thân người đi, người công dân, người ta đi thì người ta chọn phương tiện. Chúng ta tạo điều kiện để được đi, lúc nào được đi ở giữa đường, lúc nào đi bên phải, lúc nào đi bên trái, rẽ ngã tư, ngã năm thì như thế nào. Luật này chúng ta bảo đảm quyền tự do, chúng ta cũng phải theo một mạch tư duy như thế để làm sao bảo đảm quyền tự do người dân. Tức là người dân phải có quyền đó, còn Nhà nước phải đăng ký chuyện đó để bảo đảm cho người dân. Điều đó chúng tôi thấy mới phải. Tôi đề nghị vấn đề này Ban soạn thảo và Chính phủ cần nghiên cứu để xem xét tinh thần đó như thế nào, để bảo đảm đúng quyền tự do cư trú theo hiến định.

Vấn đề thứ ba, chúng tôi thấy trong kinh tế thị trường như nhiều đại biểu đã phát biểu dân cư chúng ta biến động rất lớn. Tức là giữa thời kỳ bao cấp và thời kỳ kinh tế thị trường của chúng ta đang phát triển như thế này thì nó khác nhau, khác nhau rất xa. Nội dung dự thảo vẫn ở trong một mạch tư duy và cách làm giống thời bao cấp. Chúng tôi đọc, chúng tôi nghiên cứu thấy nó giống thời kỳ bao cấp, vậy thì giữa thực tiễn và nội dung của chúng ta đề ra thì chúng ta xem như thế nào. Nếu chúng ta vẫn tư duy và cách làm thời bao cấp chúng ta áp vào thì chắc chắn không thể nào giải quyết được thực tiễn đặt ra đối với chúng ta. Sổ hộ khẩu như nhiều đại biểu nói, chúng tôi cũng thấy sổ hộ khẩu chẳng có tội tình gì cả, nhưng vấn đề là chúng ta đeo vào sổ hộ khẩu đó rất nhiều thứ, xung quanh hộ khẩu đó rất nhiều điều kiện phức tạp, cho nên mới dẫn đến tình trạng là nó có tội chứ có phải bản thân nó có tội đâu.

Tôi cũng phải nói lên một tâm trạng là tiếp xúc với cử tri và bản thân trong gia đình những người thân của mình cũng có rất nhiều chuyện đó thường xuyên xảy ra, thường xuyên nói chuyện, thường xuyên trao đổi, nó liên quan đến tiêu cực, liên quan đến sổ hộ khẩu. Từ những quyển sổ hộ khẩu như vậy dẫn đến nhũng nhiễu, không chỉ đối với anh em làm công tác hộ khẩu đâu mà đối với đội ngũ công chức làm ở các lĩnh vực khác có đeo thêm vấn đề hộ khẩu. Nhũng nhiễu rất ghê gớm mà người dân phàn nàn rất nhiều, nó làm cản trở giao dịch dân sự, cản trở giao dịch kinh tế.

Chính cản trở giao dịch dân sự, cản trở giao dịch kinh tế thì nó cản trở sự phát triển của chúng ta. Tham nhũng cũng chính là ở đây, chúng ta quản lý ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chặt như thế, nhưng tại sao dân cư của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tăng lên. Trong đó có rất nhiều tiêu cực, mà ở đây các đồng chí đại biểu đã nghe thông tin có đồng chí cán bộ cao cấp chuyển về Hà Nội công tác, có quyết định điều động nhưng có nhập được hộ khẩu đâu, Chúng tôi thấy quyền cơ bản của người công dân, như nhiều đại biểu đã nêu, chúng ta không thực hiện được và bản thân luật chúng ta có quy định về quyền rất cơ bản người dân cũng không thực hiện được.

Ví dụ: Quyền khai sinh của trẻ em, quyền học của trẻ em. Chúng ta có Luật Giáo dục, chúng ta bắt trẻ em phổ cập giáo dục tiểu học nhưng qua hộ khẩu này thì loại các em ra ngoài và lập tức quyền được học trong Hiến định đối với công dân cũng không thực hiện được, vô hình chung quyển sổ hộ khẩu đã tước mất quyền mà luật chúng ta định rồi, và còn rất nhiều quyền khác. Khi Nghị định 51 ra, ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Hà Nội thì nhiều người dân là 20-30 năm vẫn chưa nhập hộ khẩu, chuyện con cái xin học trường này, trường kia.

Chúng ta đòi hỏi vấn đề quản lý làm sao cho cân đối với sự phát triển, cái đó là hoàn toàn đúng. Nhưng cũng không có nghĩa là chúng ta cứ quản lý theo kiểu hành chính, để rồi chúng ta không phát triển những hạ tầng cơ sở để chúng ta đáp ứng quy luật đó. Đây là một vấn đề mà chúng ta phải bàn. Cho nên nếu chúng ta còn giữ theo quan điểm đó, theo cách nhìn đó, cách tư duy đó và cách làm đó thì tôi chắc chắn là việc cải cách hành chính của chúng ta, chúng ta có nói nữa cũng không thể làm được. Chúng ta thấy cải cách hành chính, cái một cửa, đơn giản hoá các thủ tục chúng ta không làm được và vừa rồi Chính phủ cũng đã kiểm điểm trong thực hiện chương trình cải cách hành chính thì đã nêu là chương trình đề ra chúng ta không đạt. Tôi cho đây là chìa khoá, nếu không cải cách cái này thì chắc chắn những thủ tục và cải cách hành chính chúng ta sẽ không đạt được.

Về vấn đề này, chúng tôi đề nghị làm sao để cho người dân quyết định được vấn đề cư trú, tức là người ta thường trú ở đâu, tạm trú ở đâu theo quy định của pháp luật, chứ không phải là cơ quan Nhà nước mình cho người dân đó cư trú ở đâu. Đây là một quy định tôi cho là cần phải làm. Thế còn đối với cơ quan Nhà nước thì phải làm sao khi người ta đến và là cơ quan Nhà nước người ta đến thì phải đăng ký. Cũng có đồng chí phát biểu trước tôi là người dân đến rồi thì thái độ, rồi thì đủ thứ chuyện này, chuyện kia là người ta về, người ta không đăng ký.

Thưa các đồng chí chính cái đó mới làm cho chúng ta hỗn loạn trong quản lý, chúng ta không quản lý được người dân ở đâu, làm cái gì cho nên có những hiện tượng về tội phạm, cũng như các hiện tượng khác chúng ta không quản lý được, làm thế nào để người dân đến đăng ký với mình, hôm nay tôi ở chỗ A, ngày mai tôi ở chỗ B, là tôi đăng ký thường trú ở chỗ tỉnh A, tỉnh B, v.v... như thế chúng ta mới biết được và thông qua cái đó chúng ta quản lý, tức là làm thế nào để người dân người ta đến với mình. Thưa các đồng chí, đại đa số người dân người ta rất muốn tuân theo pháp luật, không phải người ta trốn chui lủi đâu.

Các văn bản liên quan