Trích ý kiến của ĐBQH Lê Thị Nam – Tỉnh Bình Dương

Thứ Ba 10:38 31-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin có ý kiến vào Khoản 3, Điều 9 về điều kiện cấp giấy phép.

Trong giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có tiếp thu Khoản 3, Điều 8 của dự thảo cũ và hiện nay là Khoản 3, Điều 9.

Trong dự thảo kỳ này, Khoản 3 có quy định điều kiện cấp giấy phép người lãnh đạo điều hành, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ đại học trở lên, có ít nhất 3 năm kinh nghiệm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế.

Với Khoản 3 điều này tôi xin đề nghị Ban soạn thảo nên thay từ "lãnh đạo, điều hành" bằng từ "quản lý" thì nó ngắn gọn và đầy đủ, tức người "quản lý hoạt động đưa người lao động".

Về nội dung, tôi còn băn khoăn, ở đây chúng ta quy định người quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ đại học trở lên. Hiện nay, về chiến lược phát triển giáo dục đại học, chúng ta đưa ra chủ trương là phân luồng sau trung học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, đều hướng là các em học sinh đi theo giáo dục nghề nghiệp hơn là đi vào đại học, Dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp chúng ta cũng mới đưa vào đào tạo nghề tới trình độ cao đẳng, nhưng điều kiện ở đây chúng ta yêu cầu phải có trình độ đại học trở lên và hoạt động này là hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì chúng tôi thấy rằng đây là đưa người lao động phổ thông, nếu công dân người ta chọn theo hướng sau trung học đi vào nghề nghiệp, giáo dục nghề nghiệp và đi học theo dạy nghề, có trình độ cao đẳng nghề, nếu chúng ta quy định như thế này thì những người đó sẽ không có cơ hội để làm quản lý mặc dù người ta có trình độ và người ta có kinh nghiệm. Chúng tôi thấy rằng quy định ở đây nó vừa yêu cầu cao, nhưng vẫn còn thiếu. Cao là do chúng tôi đã phân tích thì ở trường hợp này người quản lý có thể là có trình độ từ cao đẳng trở lên. Tôi cũng không biết mục đích của Ban soạn thảo hay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định trình độ đại học là để đạt được mục đích gì? Nhưng theo tôi nếu để quản lý, điều hành hoạt động này thì trình độ chuyên môn tôi nghĩ từ cao đảng trở lên là vừa phải. Nhưng thiếu, thiếu ở chỗ là: mặc dù một người có trình độ đại học, thạc sĩ hay tiến sĩ nhưng làm quản lý mà không được bồi dưỡng kiến thức về quản lý hay nghiệp vụ quản lý thì hiệu quả quản lý cũng không cao. Nên tôi xin đề nghị bổ sung vào Khoản 3 điều này là: "Người có trình độ cao đẳng trở lên đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý". Còn về ít nhất có 3 năm kinh nghiệm thì tôi nhất trí là phải có thực tiễn. Như vậy kết hợp 3 điều kiện này thì chúng tôi thấy rằng nếu 1 người quản lý có trình độ từ cao đẳng trở lên, đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm nếu đầy đủ điều kiện đó thì chúng tôi nghĩ rằng hiệu lực quản lý sẽ cao hay nói khác đi là hiệu quả quản lý sẽ cao. Do đó chúng tôi đề nghị Khoản 3, Điều 9 này có thể sửa lại "Người quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ cao đẳng trở lên, đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế". Quy định như vậy chúng tôi nghĩ việc mà thực hiện chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo hiện nay mới có thể khuyến khích được học sinh thực hiện phân luồng và đi theo con đường giáo dục nghề nghiệp, đi học nghề, học cao đẳng nghề để đi làm việc và có tương lai sẽ trở thành người quản lý hoạt động đưa người lao động đi nước ngoài.

Các văn bản liên quan