Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Viết Chức – Thành phố Hà Nội

Thứ Ba 10:36 31-10-2006

Kính thưa Quốc hội,

Có nhiều đại biểu Quốc hội trao đổi cùng với chúng tôi về tên của luật này, người cho rằng chữ "lao động" chữ "làm việc" có thể là trùng chăng? chuyện "đưa" và "đi" Cho nên các đại biểu có trao đổi có lẽ nên lấy tên là Luật Người Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bỏ bớt chữ "đi" bỏ bớt chữ "lao động"

Về phía cá nhân tôi, tôi cũng như nhiều đại biểu khác thấy Ban soạn thảo đã rất lắng nghe ý kiến của các đại biểu trong những kỳ họp trước, Hội nghi đại biểu Quốc hội chuyên trách, cho nên việc tiếp thu cũng nhìn vào những tờ, những dòng in đậm, những điều khoản in đậm thấy rằng tiếp thu rất nhiều ý kiến. Đặc biệt, tôi quan tâm đến Điều 5, chính sách của Nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cả 5 khoản của điều này tôi thấy rất hay, rất tốt, đặc biệt có 3 khoản của Điều 5 đó là Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 hỗ trợ đầu tư để mở thị trường lao động mới, thị trường có thu nhập cao, thị trường tiếp nhận nhiều lao động, đào tạo cán bộ quản lý, dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động, đây là những khoản tôi thấy rất tốt.

Khoản 4, điều đó rõ ràng trong chính sách của chúng ta.

Khoản 5, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa nhiều lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật làm việc ở nước ngoài, làm việc ở các thị trường có thu nhập cao. Tôi thấy đây là những khoản rất đáng ghi nhận, nó thể hiện chính sách rất rõ ràng của chúng ta trong việc này.

Tôi đọc trong Chương những quy định chung và những chính sách chung, lớn của chúng ta. Nhưng trong những Điều, Khoản cụ thể, cái này hỗ trợ như thế nào, khuyến khích ra sao thì chưa thấy rõ lắm. Tôi rất muốn những chính sách tốt như thế này, đúng đắn như thế này cần có những quy định cụ thể hơn, nếu không quy định được vào luật thì có những chương, điều nào mà có thể quy định, hướng dẫn được thì hướng dẫn. Nhưng mặt khác. Tôi nghĩ rằng chính sách của Nhà nước thì có cái khuyến khích và có cái không khuyến khích. Tôi muốn chia sẻ, đồng thời làm rõ thêm tinh thần bảo vệ tối đa người lao động, vì suy cho cùng người lao động đã phải đi xa để lao động do hoàn cảnh cụ thể thôi, thật sự đúng như các vị đại biểu đã nói là những người nghèo. Thứ hai nữa, dân ta thường nói đã phải đi xa, đi tha phương cầu thực thì đều khó khăn cả, vậy có những việc chúng ta khuyến khích, có những việc chúng ta cũng không khuyến khích.

Thứ hai, nhiều đại biểu cũng đã nhắc tới người lao động của chúng ta làm việc ở nước ngoài còn là hình ảnh của người Việt Nam chúng ta. Nên tôi cho rằng không khuyến khích, nếu có thể thì có Khoản 6 là không khuyến khích việc đưa người đi làm giúp việc tại gia đình ở nước ngoài. Bởi vì việc này cũng không thu nhập được cao và rủi ro rất lớn qua thực tế chúng ta đã thấy. Thậm chí có những chỗ do ký kết không có cẩn thận, cho nên vi phạm cả quyền con người rất tối thiểu, quyền rất cơ bản của người dân Việt Nam. Chẳng hạn có những ông chủ giữ luôn cả hộ chiếu, khống chế cả việc trả tiền công của người lao động. Không khuyến khích nhưng cũng có rất nhiều việc, không khuyến khích, không có nghĩa là cấm, nhưng rõ ràng là không khuyến khích. Chẳng hạn doanh nghiệp nào mà đưa những dạng lao động như thế này thì phải khống chế về mặt thu nhập, khống chế về mặt thu tiền. Như thế vừa có lợi cho người cực chẳng đã phải đi làm việc như vậy, người ta cũng không phải nộp nhiều những tiền như tiền dịch vụ, tiền này, tiền khác. Mà trước khi đi người ta đã nghèo lắm rồi mới chấp nhận đi làm việc đó, người ta đỡ đi khoản đó và những doanh nghiệp phải tìm cách để làm những việc mà chúng ta khuyến khích.

Thứ hai, không phải chỉ hình ảnh nữa, mà về lâu dài mà nói, chẳng hạn không khuyến khích là không khuyến khích cho những người trẻ, thậm chí là ngăn cản không cho những người trẻ đi làm việc này. Vì sao? Bời vì đi làm những việc này thì không nâng cao được trình độ, sau trở về cũng không góp gì cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cả. Nếu như đưa đi lao động ở các nhà máy, xí nghiệp thì sau khi về nước còn có thể có công ăn việc làm, chứ nếu như chỉ đi giúp việc, nếu nói theo từ cho đẹp để mọi người hiểu được là đi làm "ôsin" thì về nhà rồi cũng không biết sẽ làm việc gì?

Về các Điều 20, 21, mọi người cũng đã nói về tiền môi giới, tiền dịch vụ. Tôi muốn nếu có thể được thì sửa vào Khoản 2 để làm nó rõ ràng hơn. Nhiều người đã phân tích về điều này rồi. Tiền về môi giới, tiền dịch vụ không biết là những tiền gì, nhưng rõ ràng là người lao động của chúng ta đi lao động ở nước ngoài đang phải chịu một khoản tiền khá lớn so với xung quanh. Như thế là không tốt một tí nào cả. Người ta đã nghèo khó rồi, cuối cùng lại phải nộp một khoản tiền khá lớn thì mới có thể đi được. Điều này chứng minh rằng gần đây nhất có thông tin là có người đến giờ phút này thì vẫn còn tranh thủ lừa đảo được trong vấn đề này, bởi vì nhu cầu đi lao động rất lớn. Để tránh việc đó thì Khoản 2, Điều 20 về tiền môi giới, tôi xin phép thêm vào đoạn cuối như thế này có được không? Doanh nghiệp đàm phán quyết định mức tiền môi giới trong giới hạn mức trần theo quy định tại Khoản 3 điều này, nhưng khi đã có cái đó rồi thì phải thông báo công khai với người lao động là tiền môi giới có phải nộp hay không? Nếu nộp thì nộp bao nhiêu? Để người lao động có thể biết được. Việc công khai này quan trọng lắm. Khoản 4, Điều 21 tiền dịch vụ. Tôi đề nghị thêm vào đó "Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quy định mức trần tiền dịch vụ". Mức trần tiền dịch vụ này được tính theo tỷ lệ mà lương người lao động sẽ được hưởng. Bây giờ đưa đi lao động ở nơi mà lương hay thu nhập của người lao động được hưởng thì thấp mà mức trần thì dựa vào đâu? Phải dựa vào cái đó. Để đảm bảo đồng thời chính sách này sẽ khuyến khích người ta đi tìm những nơi, những thị trường lao động có thu nhập cao, những công việc có thu nhập cao. Đồng thời cũng khuyến khích những doanh nghiệp này bồi dưỡng để đào tạo trước khi đưa người đi lao động để có thu nhập cao, như thế mức trần này mới có ý nghĩa, còn mức trần chúng ta áng ra đặt thì không có ý nghĩa gì cả.

Các văn bản liên quan