Trích ý kiến của ĐBQH Đỗ Phương Thảo – Thành phố Hải Phòng

Thứ Ba 09:13 31-10-2006

Kính thưa Chủ toạ phiên họp.

Kính thưa Quốc hội.

Về cơ bản, tôi đồng tình với Dự thảo Luật và Báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tôi chỉ xin có hai ý kiến về Dự án Luật này.

Thứ nhất, về tên gọi của luật, theo tôi tên gọi của luật quá dài, dù cho Báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là khá thuyết phục thì tôi vẫn cho rằng nên lấy tên của Dự án Luật này là "Luật Xuất khẩu lao động" cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ với số đông mọi người. Không rõ là Quốc hội có cho rằng tên gọi dễ hiểu, dễ nhớ, cũng là một trong những cách thức để giúp cho văn bản Luật được phổ biến nhanh chóng và dễ dàng hơn hay không.

Thứ hai, về nội dung cụ thể của một số điều luật, xin Quốc hội cho phép tôi được đề cập đến các điều luật theo mức độ mà tôi quan tâm chứ không phải theo trình tự.

Điều 23, tiền kỹ quỹ của người lao động, so sánh Điều 24 trong Dự thảo Luật trình Quốc hội kỳ họp thứ 9, Điều 23 trong Dự thảo trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và Điều 23 trong Dự thảo kỳ này. Tôi nhận thấy càng ngày quy định này càng chặt chẽ hơn đối với người lao động.

Dự thảo đầu tiên ở Điều 24 quy định là "doanh nghiệp có quyền yêu cầu người lao động ký quỹ". Tới Dự thảo lần hai tức là Dự thảo trình trong Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thì Khoản 1 đã được chỉnh sửa là "người lao động có nghĩa vụ ký quỹ theo yêu cầu của doanh nghiệp". Cho đến Dự thảo lần này quy định đã trở thành là "người lao động có nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của Nhà nước". Như vậy, ban đầu doanh nghiệp có quyền yêu cầu, sau đó là người lao động có nghĩa vụ ký quỹ theo yêu cầu của doanh nghiệp và cuối cùng đến thời điểm này trong Dự thảo luật là người lao động phải có nghĩa vụ ký quỹ theo quy định của Nhà nước.

Tôi bình luận rằng quy định này của luật mỗi lúc một nghiêng về việc bảo vệ quyền lợi cho người chủ doanh nghiệp hơn là quyền lợi cho người lao động, thì không rõ có phải đó là một lời bình luận mà được đa số đại biểu Quốc hội chấp nhận hay không?

Kính thưa Quốc hội, theo báo cáo của Cục Quản lý lao động, Bộ lao động thương binh và xã hội ngày 4/8/2005 thì tổng số lao động với chuyên gia Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài hiện khoảng 400.000 người, trong đó đa số là người lao động, còn chuyên gia chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vậy ai là người sẽ tham gia xuất khẩu lao động, tôi cho rằng các vị đại biểu Quốc hội đều đồng tình là nếu người lao động được đào tạo một cách bài bản, họ tìm được việc làm trong nước với thu nhập chấp nhận được, chắc chắn là họ sẽ không muốn phải rời xa Tổ quốc, quê hương, gia đình để tham gia lao động chân tay nặng nhọc, hoặc giúp việc gia đình ở xứ người. Hiện tại, đa phần lao động Việt Nam tham gia xuất khẩu lao động, vì họ hy vọng có thể kiếm được một khoản thu nhập nhất định, rồi trở về quê hương để xây dựng cuộc sống. Vậy thì họ phần đông sẽ là nông dân, phần đông họ là người nghèo, hoặc cận nghèo, hoặc họ là người có thu nhập thấp, tiền bạc chính là căn nguyên chính khiến cho đa phần họ phải tham gia vào thị trường lao động ngoài nước.

Nhưng không phải ai cũng có thể tham gia vào việc lao động ở nước ngoài, nguyên nhân thì có rất nhiều, có cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn nói đến một nguyên nhân đó là chi phí của một lao động Việt Nam bỏ ra để được đi làm việc ở nước ngoài hiện cao hơn rất nhiều so với các nước khác như Thái Lan, Philippin, Inđônêsia, Mông Cổ, hay Trung Quốc. Lý do là do nạn cò lao động xuất khẩu tràn lan, dù tuyển trực tiếp hay gián tiếp thì người lao động Việt Nam phải trả những khoản chi phí ngầm cao hơn rất nhiều so với quy định, chẳng hạn như là muốn được đi lao động nước ngoài tại Hàn Quốc, chi phí ban đầu đặt ra chỉ là 699 đô la Mỹ, nhưng có khi có người phải trả đến hàng chục ngàn đô thì mới đi được. Hoặc đi lao động ở Đài Loan quy định là 60.000 tệ, tức là khoảng 28 triệu đồng Việt Nam, nhưng thậm chí có người đã phải trả gấp đôi số tiền đó, đến 120 ngàn Đài tệ, khoảng 60 triệu đồng Việt Nam. Rõ ràng đó là một chi phí lớn, một gánh nặng đối với người lao động.
Tôi cho rằng chi phí ban đầu quá cao đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến có nhiều người lao động Việt Nam ở nước ngoài bỏ trốn, huỷ hợp đồng lao động hợp pháp để tham gia vào thị trường lao động bất hợp pháp. Lý do là gì, đó là họ muốn kiếm tiền nhiều hơn và họ bất chấp mọi rủi ro họ có thể sẽ gặp phải. Vậy chúng ta đã làm gì để có thể bớt gánh nặng chi phí cho người lao động? Theo tôi, mặc dù rất thiện chí nhưng hiện nay Chính phủ vẫn chưa thể kiểm soát được tất cả những chi phí ngầm mà người lao động phải chấp nhận để được đi lao động ở nước ngoài. Việc có quá nhiều lao động bỏ trốn, có tới 45% ở một số thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan đã ảnh hưởng đến thể diện quốc gia, có thể nói thế và ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp.

Vì thế, thay vì chúng ta tìm ra một biện pháp gì đó để thắt chặt kỷ luật và lòng tự tôn dân tộc của người lao động, thì chúng ta lại quyết định chất thêm vào vai họ một khoản tiền nữa, đó là tiền ký quỹ của người lao động. Cá nhân tôi không đồng tình với quy định này. Ban soạn thảo đã cho rằng với số tiền ký quỹ thì người lao động sẽ phải thực hiện đầy đủ cam kết của họ trong hợp đồng lao động, vì nếu họ huỷ bỏ thì đương nhiên họ sẽ phải mất khoản tiền này.
Thưa Quốc hội.

Đó là biện pháp mạnh và tôi cũng không cho rằng là nó không hiệu quả, nhưng sẽ như thế nào đối với doanh nghiệp tuyển chọn lao động và nhất là như thế nào đối với người lao động có đủ nhận thức để hoàn toàn không có ý định hủy bỏ hợp đồng.

Tôi nghĩ rằng doanh nghiệp sẽ không chịu thua thiệt gì trong chuyện này, đáng nhẽ ra họ phải chịu một phần trách nhiệm, bởi vì họ là người tuyển chọn lao động cho phía đối tác nước ngoài.

Mặt khác, cộng với chi phí ban đầu, người lao động sẽ phải gánh thêm một khoản tiền ký quỹ không nhỏ nữa, vì thế quy định này không nhằm tạo điều kiện cho người lao động.

Đề nghị Quốc hội xem xét có nên chấp nhận quy định này hay không và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung những quy định ràng buộc chặt chẽ hơn trong hợp đồng cung ứng lao động và các loại hợp đồng khác thay vì quy định này. Nếu như đa số đại biểu Quốc hội ở Hội trường này không đồng ý với ý kiến của tôi thì tôi cũng xin đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sử dụng quy định ở dự thảo trình Quốc hội kỳ họp thứ 9. Vấn đề này đó là quy định doanh nghiệp có quyền yêu cầu người lao động có quyền ký quỹ, quy định này hợp lý hơn cả, bởi vì nó vừa cho phép doanh nghiệp được chủ động trong việc tuyển chọn lao động, ràng buộc trách nhiệm của lao động với doanh nghiệp, vừa tạo nên một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp. Bởi vì sao? bởi vì, nếu có nhiều doanh nghiệp cùng tuyển lao động ở một thị trường, nếu mức chi phí ngang nhau, doanh nghiệp nào không đòi hỏi tiền ký quỹ có thể sẽ có lợi thế hơn. Đó là tôi có ý kiến riêng về Điều 23.

Tiếp theo, Điều 3, đề nghị Ban soạn thảo xem xét khái niệm ở Khoản 4 điều này về hợp đồng cá nhân bên nước ngoài, ở đây nên hiểu như thế nào? Theo tôi, bản chất của hợp đồng cá nhân chính là hợp đồng lao động, giả sử cá nhân tôi được ký hợp đồng với hãng Sony của Nhật, đương nhiên tôi sẽ sang Nhật làm việc theo những quy định ở trong những điều khoản của hợp đồng cá nhân mà tôi ký kết với đại diện của hãng đó thì gọi là hợp đồng cá nhân hay không?

Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại toàn bộ các Điều 50, 51, 52 liên quan đến người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân. Thực tế sẽ diễn ra nếu người lao động làm trực tiếp ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp nước ngoài, tự họ sẽ phải chấp hành những quy định trong hợp đồng đó, liệu họ có nhất thiết phải làm thủ tục hồ sơ đăng ký hợp đồng cá nhân hay không khi một số quy định trong luật cũng cần phải xem xét lại? Tôi nói đến Khoản 2, Điều 52 chẳng hạn, giấy xác nhận việc đăng ký hợp đồng cá nhân phải được xuất trình khi người lao động làm thủ tục xuất cảnh, tôi cũng không hiểu vì sao phải có những quy định này, vì nếu người lao động xuất cảnh thì họ đã có vida xuất cảnh, thì có nhất thiết phải có quy định này không? Hoặc một số quy định ở Khoản 1 Điều 53 là quyền đương nhiên của người lao động, thí dụ như Điểm 1b, 1đ, hay 1d.

Tiếp theo tôi xin có ý kiến về các Điều 30, 33 và Điều 38. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, đối chiếu các điều luật này để diễn đạt cho gọn lại. Những quy định nào đã có trong điều luật trước thì không nên lặp lại ở những điều sau, mà chỉ nên quy định tham chiếu để tránh sự trung lặp, rườm rà không cần thiết. Ví dụ như Điều 30 và 33 thì gần như giống nhau, chỉ khác biệt ở Khoản 4 và Khoản 8 thôi. Theo tôi, nên để Điều 30 là những quy định chung về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, còn lại những điều khác thì bổ sung thêm những quy định riêng gắn với từng loại hình doanh nghiệp riêng.

Ngoài ra, nếu so sánh, thì tôi dễ dàng nhận thấy rằng, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong xuất khẩu lao động nhiều hơn là nghĩa vụ của các tổ chức sự nghiệp tham gia hoạt động này. Tôi đề nghị Ban soạn thảo giải thích vì sao lại có sự khác biệt như vậy.

Về Khoản 4, Điều 9 quy định ký quỹ của doanh nghiệp tôi cũng đồng tình với nhiều đại biểu đã phát biểu trước tôi, hiện nay theo Nghị định 81 năm 2003, ngày 17/07/2003 thì mức ký quỹ hiện tại là 500 triệu đồng. Đề nghị Ban soạn thảo giải thích vì sao Luật không thể đưa ra những quy định cụ thể về mức ký quỹ của doanh nghiệp. Ngoài ra, tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem có nên quy định mức ký quỹ phụ thuộc vào quy mô hoạt động của doanh nghiệp hay không. Bởi nếu doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn, thị trường xuất khẩu lao động rộng và thị phần trong nước lớn, điều đó đồng nghĩa với việc họ phải ký một mức quỹ lớn hơn. Quy định như vậy theo tôi vừa đảm bảo được quyền lợi của người lao động, vừa thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Khoản 2, Điều 10, theo quy định hiện hành, Bộ Lao động thương binh xã hội được quyền cấp phép cho các doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần có hơn 50% vốn Nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp cổ phần đóng góp vốn Nhà nước là dưới 50% thì phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Đề nghị Ban soạn thảo giải thích là vì sao không thể tập trung vào một đầu mối cấp phép là Bộ Lao động thương binh và xã hội, quy định của điều này dễ dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện những quy định ở Khoản 3, Điều 12 khi doanh nghiệp muốn xin cấp lại giấy phép. Theo ý tôi, không nên để Thủ tướng Chính phủ quá vất vả vì những công việc mà các bộ hoàn toàn có thể làm được. Về Điểm b, Khoản 2, Điều 16 tôi đề nghị bỏ cụm từ "nếu có" ở đây. Chi nhánh doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì bắt buộc phải có trụ sở làm việc, phải niêm yết công khai địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email v.v... theo tôi thì phải là bắt buộc chứ không phải là nếu có.

Các văn bản liên quan