Trích ý kiến của ĐBQH Lê Thị Kim Liên – Tỉnh Thái Bình

Thứ Ba 09:10 31-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Tôi cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo dự án Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tôi cho rằng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội tương đối chi tiết. Dự thảo luật đã được bổ sung thêm 12 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và một số điều đã được chỉnh lý, sắp xếp lại để đảm bảo tính chặt chẽ và lôgíc hơn. Tôi xin được thảo luận và tham gia một số vấn đề sau.

Vấn đề thứ nhất, về tên gọi của luật, tôi nhất trí với loại ý kiến thứ ba, lấy tên gọi của luật là Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bởi vì:

Thứ nhất, tên gọi này tuy hơi dài nhưng đã bao hàm được đầy đủ phạm vi đối tượng áp dụng, các nội dung luật điều chỉnh và mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động ở Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thứ hai, với tên gọi trên đã khắc phục được các hạn chế của tên gọi Luật xuất khẩu lao động là dễ đưa đến sự hiểu lầm về xuất khẩu lao động với xuất khẩu hàng hoá khác và ở một số nước có xuất khẩu lao động họ cũng không sử dụng tên gọi này. Và cũng khắc phục được hạn chế tên gọi là đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vì tên gọi này không phản ánh được đầy đủ các hoạt động tìm kiếm, phát triển thị trường, tiếp nhận, quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động, sử dụng họ khi hết hạn hợp đồng về nước, cũng như xử lý vi phạm của tổ chức cá nhân trong lĩnh vực này. Tên gọi này cũng không phù hợp với việc cá nhân tự tìm, tự ký hợp đồng làm việc ở nước ngoài.

Thứ ba, với tên gọi trên cũng đã loại trừ được những cán bộ công chức, viên chức, lao động là chuyên gia Việt Nam làm việc tại các cơ quan ngoại giao, cơ quan báo chí, Văn phòng đại diện, các dự án quốc tế làm việc ở nước ngoài không theo hợp đồng.

Vấn đề thứ hai, Dự án Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là luật chuyên ngành, nên tại Điều 3 giải thích từ ngữ gồm có 7 khoản tôi cho là chưa đủ. Một số cụm từ chuyên môn ở Khoản 4, Điều 9 về tiền ký quỹ, Khoản 1, Điều 20 về tiền môi giới, Khoản 1, Điều 21 về tiền dịch vụ cần phải được chuyển và bổ sung thêm vào Điều 3 giải thích từ ngữ, cho thuận tiện khi nghiên cứu luật.

Vấn đề thứ ba, theo quy định tại Khoản 4, Điều 8 của dự thảo, Chính phủ quy định các loại hình doanh nghiệp được hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn và lộ trình hội nhập quốc tế. Tôi cho rằng quy định như dự thảo là chưa hợp lý vì:

Thứ nhất, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được Đảng có Chỉ thị, hệ thống pháp luật cho phép và Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp giấy phép và Bộ đã tổng kết thực tiễn, đã có 5 loại hình doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động. Theo tôi được biết đến hết tháng 7/2005 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã cấp phép cho hoạt động xuất khẩu lao động 141 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp Nhà nước thuộc các Bộ, ngành là 77, doanh nghiệp địa phương là 53, doanh nghiệp đoàn thể là 11 và đã cấp phép cho 24 công ty cổ phần và 4 công ty trách nhiệm hữu hạn tham gia xuất khẩu lao động. Như vậy loại hình doanh nghiệp nào làm tốt công tác này chắc chắn đã được khẳng định.

Thứ hai, việc quy định loại hình doanh nghiệp nào được thực hiện dịch vụ này, thực chất là liên quan đến quyền tự do kinh doanh, một quyền cơ bản của công dân, việc quyết định hạn chế hay mở rộng quyền tự do kinh doanh của công dân, về nguyên tắc nên thuộc thẩm quyền của Quốc hội chúng ta, thế thì tại sao Quốc hội chúng ta không quy định mà lại giao lại cho Chính phủ.

Thứ ba, đây là một luật chuyên ngành với quy trình xây dựng luật được cải tiến như hiện nay, nếu trong luật có thể quy định cụ thể được thì nên quy định luôn vào trong luật mà không nên để quy định ở văn bản hướng dẫn dưới luật.

Vấn đề thứ tư, tôi nhất trí với Điều 23 tiền ký quỹ của người lao động, dự thảo có quy định người lao động có quyền ký quỹ theo quy định của Nhà nước để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Quy định này theo tôi hiểu là một trong những biện pháp nhằm hạn chế người lao động ở nước ngoài bỏ trốn. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và xã hội nên tổng kết thực tiễn về việc ký quỹ, tỷ lệ ký quỹ và phải được thống nhất trong phạm vi cả nước về mức tiền ký quỹ của người lao động cho phù hợp với từng loại thị trường của các nước khác nhau, để người lao động nộp cho hợp lý, để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Bởi vì, những người đi xuất khẩu lao động là nông dân ở nông thôn, họ đi lao động xuất khẩu là một hình thức phát triển kinh tế, họ rất khó khăn về vốn, mà việc ký quỹ cao quá cũng là một trong những nguyên nhân người lao động bỏ trốn để tìm ra bên ngoài kiếm thêm tiền bù đắp cho khoản chi phí ký quỹ cao.

Vấn đề thứ năm, tôi nhận thấy Dự thảo Luật đã có tiến bộ, đã quan tâm đến vấn đề hậu xuất khẩu lao động, đã có Mục 5 bao gồm 2 điều luật là Điều 59 và Điều 60 quy định về chính sách đối với người lao động sau khi về nước. Ở Điều 59 về hỗ trợ việc làm, tôi cho rằng vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ vai trò của chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ cho người lao động sau khi về nước. Cụ thể là, chưa gắn kết được trách nhiệm của chính quyền địa phương làm cầu nối cho người lao động với các doanh nghiệp và doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các doanh nghiệp ở địa phương, để giúp cho người lao động được tiếp tục làm việc cho các doanh nghiệp trong nước với ngành, nghề đã được đào tạo ở nước ngoài. Thực tế cho thấy, nếu chính quyền địa phương biết tận dụng cơ hội này thì không mất thời gian và chi phí để đào tạo mà vẫn có lao động lành nghề. Việc làm này theo tôi nghĩ phải được thực hiện ở chính quyền các cấp, mà người chỉ đạo trực tiếp là Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của tỉnh. Mặt khác, luật nên quy định chính quyền dịa phương nên tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành các phương thức liên kết giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động có việc làm khi họ về nước.

Điều 60 khuyến khích tạo việc làm. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích người lao động về nước đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho mình và cho mọi người. Thực tế những năm qua ở địa phương, chúng tôi thấy một số lao động khi về nước họ phát huy nguồn lực sẵn có về trí tuệ, về nhân lực, họ đã có một nguồn vốn nhất định, nếu có nhu cầu phát triển kinh tế trang trại, gia trại, phát triển những doanh nghiệp ở nông thôn, người lao động chủ động xây dựng dự án để thu hút, giải quyết lao động có việc làm mà đã được chính quyền có thẩm quyền cho phép thì cũng như mọi công dân khác, họ sẽ được ngân hàng chính sách và các tổ chức, đoàn thể cho vay vốn ưu đãi tại nguồn vốn 120 là vốn hỗ trợ việc làm theo chương trình vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, chứ không chỉ riêng có những hộ khó khăn, hộ gia đình chính sách mới được vay vốn, ở Thái Bình chúng tôi, một số lao động về nước đã phát triển một số mô hình trang trại, phát triển những doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp tôi thấy tương đối có hiệu quả. Do đó, Khoản 2, Điều 60 phải được sửa là người lao động giải quyết được việc làm thì được vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Các văn bản liên quan