Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Đình Lộc – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Năm 09:38 17-08-2006

Thưa Hội nghị.
Về dự án luật này tôi xin có một số ý kiến như sau:
Đương nhiên hoan nghênh dự thảo mới đã tiếp thu rất nhiều, tuy nhiên cũng còn không ít vấn đề phải tiếp tục hoàn chỉnh.
Tôi xin bày tỏ thái độ của mình đối với tên gọi, tôi nghĩ chúng ta viết như thế này là rất sơ hở, vì trong tiếng Việt của chúng ta động từ có một nghĩa rõ ràng, sao lại "đưa", người ta "về" thì thế nào? để người ta tự về à. Trên thực tế có tình hình mà tôi đã nghe một vài người nói trong xuất khẩu lao động có hiện tượng "đưa con bỏ chợ", ở đây ta cũng dùng chữ "đưa" rất là đau đớn. Nói đến chuyện ấy thật khổ tâm và bức xúc thấy tại sao lại như thế được, nhưng trên thực tế vẫn có. Bây giờ ta lại đưa vào đây, chỉ lo việc đi thôi, tôi cho rằng không thể dùng cách nói này được. Tại sao chúng ta lại tránh né việc xuất khẩu. Tôi nghĩ rằng tên gọi của một đạo luật phải chuẩn với nghĩa của nó cho thật gọn thì tên gọi "xuất khẩu lao động" là rất gọn, chưa có tên nào ta đề nghị ở đây lại gọn như thế. Xuất khẩu lao động là một khái niệm, chúng ta lại đưa vào văn bản của Đảng. Nơi thiêng liêng nhất là văn bản của Đảng chúng ta vẫn đưa vào cơ mà, vậy tại sao văn bản luật chúng ta lại tránh cho nên xin nói ngắn thế thôi.
Tiếp theo chúng tôi muốn nói đến vấn đề rất lớn mà ở đây một vài đồng chí đã đề cập đến. Đó là mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân trong quan hệ xuất khẩu lao động. Ở đây theo tôi chúng ta còn tính đến nhiều vấn đề. Trước hết tôi nghĩ đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới đối với chúng ta, cho nên chúng ta có vấp váp những mặt nào đấy thì mình phải xem đấy như một khó khăn, một vấp váp để trưởng thành và chúng ta phải nghiên cứu kinh nghiệm các nước, rút kinh nghiệm các nước để chúng ta hoàn chỉnh và từ thực tế chúng ta đi lên để hoàn chỉnh. Tôi cho rằng trong mối quan hệ giữa người lao động và Nhà nước trong trường hợp này còn rất đơn giản, vì một người Việt Nam dù ở đâu vẫn thường xuyên, vẫn liên tục có quan hệ với Nhà nước mình và Nhà nước mình dù người Việt Nam ở đâu, đã là công dân Việt Nam đều có quan hệ liên tục với người đó. Tại sao tình hình Libăng như thế, Mỹ, các nước phát triển nó đưa máy bay sang chở về, còn ta phải thông qua tổ chức này, tổ chức khác đây là về kinh tế của ta. Nhưng trên thực tế chúng ta không quản được người lao động của chúng ta ở nước ngoài, vì vậy lúc bấy giờ chúng ta mới hốt hoảng lên, bối rối, bức xúc, tất cả những chuyện đó là vì chúng ta thường xuyên không nắm được công dân của mình. Nói đến công dân Việt Nam phải nói đến nhiệm vụ của công dân đó. Một là đi lính, làm nghĩa vụ quân sự. Hai là đóng thuế. Anh dù lao động ở đâu, anh có thu nhập, anh phải đóng thuế, việc này, lĩnh vực này chúng ta không tính đến, bây giờ chúng ta đang bỏ trống và tuân theo những quy định nhất định của người Việt Nam ở nước ngoài.
Tôi thấy ở đây có vấn đề rất lớn là người Việt Nam ở đâu là Nhà nước chúng ta phải biết ở đấy. Ở đây tôi xin nói luôn hợp đồng cá nhân, nói là hợp đồng cá nhân không có nghĩa là Nhà nước không quan tâm đến người đó, người đó muốn đi ra nước ngoài làm bao nhiêu thủ tục với tư cách là một công dân. Công dân đây là công dân lao động thì có những mối quan hệ khác nữa. Tôi nghĩ ở đây là chuyện đương nhiên phải làm chứ không phải vì hợp đồng cá nhân mà chúng ta không quan tâm đến. Hơn nữa, xin thưa các đồng chí trong nhiều trường hợp nước sở tại và nước ta phải ký với nhau những việc gọi là tránh đánh thuế hai lần. Như thế là đưa lại lợi ích cho người lao động ở chỗ tức là anh chỉ đánh thuế ở trong nước tại chỗ mà anh không phải nộp thuế, chẳng hạn khi tôi ở bên Pháp lương 12 ngàn USD một tháng, nhưng không phải đóng thuế ở Việt Nam, chỉ đóng thuế ở Pháp thôi, Tổ chức UNDP có một Hiệp định rằng chúng tôi không đánh thuế hai lần, không đánh thuế với các nhân viên của ông ở đây. Chính người lao động phải có hiệp định như thế này để tránh được thuế tại chỗ, bởi bất kỳ người nào ở nước nào đó làm một việc gì có thu nhập đều phải đóng thuế cho nước đó. Cho nên, ở đây có những mối quan hệ hết sức ràng buộc và rất khăng khít mà chúng ta chưa tính đến. Chúng ta chỉ nghĩ một cách đơn giản như thế thôi, tôi cho rằng không được.
Cho nên việc đưa hợp đồng này vào đây là rất cần thiết, nhân đây tôi cũng đề nghị phải nghiên cứu đầy đủ hơn các mối quan hệ của người lao động ở nước ngoài đối với nước mình như thế nào. Nhân đây tôi cũng xin nói thêm về Điều 71 mà đồng chí Ngô Anh Dũng vừa rồi phê phán, xin thưa rằng điều này là rất đúng, vì ngoại giao là tùy từng thời kỳ làm những nhiệm vụ nhất định, ngoại giao kinh tế hiện nay là một chức năng của Bộ Ngoại giao chúng ta và đại diện của ngoại giao vì vậy có trách nhiệm rất rõ ràng, phải nắm được tình hình kinh tế của nước đó, phải nghiên cứu tình hình của nước mình để thường xuyên giúp đỡ trao đổi trong nhà, không phải ngẫu nhiên mà hàng năm hiện nay Bộ Ngoại giao mời tất cả các đại diện của tất cả các nước để bàn về vấn đề này, thường thường đó là theo chủ trương của Nhà nước chúng ta rồi. Cho nên chúng ta phải nghiên cứu kỹ để hoàn chỉnh Điều 71, chứ không phải bỏ nó đi. Nếu nói chưa làm được tức là trốn tránh nhiệm vụ của mình hoặc chúng ta chưa giao nhiệm vụ cho họ và họ chưa làm đầy đủ, chứ không phải là vì ngoại giao đi làm kinh tế, mà ngoại giao kinh tế là một chủ trương lớn hiện nay.
Chúng tôi rất hoan nghênh Chương IV, chương dạy nghề, ngoại ngữ và định hướng. Chúng tôi đề nghị chúng ta làm thế nào cụ thể hóa hơn nữa để làm được điều này, chương này. Nhưng trong chương này có những điều nó cũng chưa tỏ thái độ của mình. Ví dụ: Điều 59, Điều 60, chẳng hạn chúng ta nói "khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận và tuyển dụng người lao động hoàn thành hợp đồng về nước". Nhưng khuyến khích bằng biện pháp nào? Khuyến khích là một lời kêu gọi không thôi hoặc đối với Điều 60 khuyến khích tạo việc làm là Nhà nước tạo thuận lợi khuyến khích người lao động về nước, đầu tư thế này, thế kia nhưng bằng biện pháp nào? hay cũng chỉ là một lời kêu gọi, pháp luật thì không thể là một lời kêu gọi được. Hay đúng hơn là một lời kêu gọi nhưng phải có hành động rất cụ thể, đó là lời của Lê Nin. Có một vấn đề lớn chúng tôi muốn nói luôn, trong Điều 79, có một ý gần đây chúng ta đưa vào rất nhiều luật những quy định trước đây trái với luật này đều bãi bỏ, nghe rất hay, trước đây chúng ta đã ghi, gần đây chúng ta lại ghi lại. Nhưng xin thưa, ai có quyền bãi bỏ những điều luật cũ, điều luật trái, chỉ có hai cơ quan thôi là bản thân cơ quan ban hành nó và cơ quan cấp trên của nó, đương nhiên cả Quốc hội có thể làm được. Bây giờ ai xem xét điều luật này là trái và có quyền trái, vì một điều luật chưa bị huỷ bỏ thì mọi người đều phải tôn trọng chứ không phải cho nó là trái tôi không tôn trọng. Chỉ có cơ quan ban hành nó tuyên bố nó đã cũ, đã trái hoặc là cơ quan cấp trên. Cho nên viết câu này rất lơ lửng và trên thực tế chúng ta bây giờ ban hành hàng trăm đạo luật, hàng nghìn thông tư, nghị định, pháp lệnh đã bao giờ người dân tự tuyên bố rằng điều luật này là trái mà chúng tôi không theo không? không ai có quyền như thế. Cho nên câu này rất lơ lửng, nhưng trước đây chúng ta dùng và bây giờ chúng ta tiếp tục dùng mà không nói rõ thì nó vô nghĩa.

Các văn bản liên quan